| Hotline: 0983.970.780

Chuyện lạ Cao Bằng: Vào trung tâm đào tạo thầy cúng liên tỉnh

Thứ Tư 24/06/2020 , 09:40 (GMT+7)

Hơn 30 năm nay, mỗi mùa hè ông Pu lại mở lớp dạy chữ nho và các bài khấn cổ cho 20-30 trò, hàng trăm người đã thành nghề thầy cúng ở khắp mọi miền...

Điếu thuốc lá tự cuốn luôn bập bùng trên môi ông Pu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Điếu thuốc lá tự cuốn luôn bập bùng trên môi ông Pu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thầy cúng của mọi thầy cúng

Nhà thầy cúng số một tỉnh Cao Bằng, ông Hoàng Dùn Pu ở xóm Cốc Trà dưới chân núi Cốc Co, từ trung tâm xã Yên Sơn (Hà Quảng, Cao Bằng) phải vượt qua vài chục khúc cua, nhiều con dốc dựng đứng chỉ xe máy đi một mình mới có thể bò lên nổi. Bản Dao nhỏ bé với 21 nóc nhà đã có hơn 10 đời tồn tại ở xó rừng này và nghề thầy cúng cũng thế.

Tất thảy đều nghèo, ông Pu cũng không khá gì hơn, năm ngoái đàn bò bị dịch còn chết mất mấy con nhưng chẳng hiểu sao lại bị loại ra khỏi danh sách hộ nghèo, có lẽ là do ngôi nhà gỗ mới dựng. Tròn 70 tuổi nhưng mắt ông vẫn sáng, dáng đi vẫn nhanh, điếu thuốc lá cuốn trên môi liên tục bập bùng. 

Bố là thầy cúng có tiếng nên ngay từ 9 tuổi ông Pu đã được dạy những bài khấn bằng chữ nho. Buổi tối học để ban ngày vẫn vác cày lên nương.

Thế mà đói. Đói vàng mắt. Đói đến mức củ gì trên rừng ăn vào không chết là đào về. Học chữ nho chữ nào biết chữ đó, mỗi quyển sách dày cả trăm trang, không thể đánh vần như quốc ngữ được, viết lại còn khó hơn, chỉ cần sai một nét là thành nghĩa khác.

Sáng dạ nên ông Pu học đâu biết đấy. Ngoài thời gian bố dạy ông còn tự tập viết mỗi khi nhàn rỗi. 13 tuổi ông được theo bố đi phụ lễ, từ thầy 12, 11 rồi nâng cấp lên thầy 2, thầy 1. Học một lèo đến năm 25 tuổi thì ông có thể đi cúng được những lễ nhỏ, lễ vừa; 35 tuổi thì làm thầy chính trong lễ cấp sắc, bắt đầu mở lớp dạy tại gia.

Lúc đầu, lớp chỉ có 5 - 10 người, tối tối thắp đèn dầu ê a đọc, nhà vách trúc thưa gió lùa, liên tục tắt. Giờ, có năm lớp đông tới 30 - 40 người, nhà vách gỗ kín, lại có bóng điện chẳng còn lo gió nào thổi tắt.

Lúc đầu, học phí chỉ là trồng ngô, lấy củi, chăn bò, vác nước cho thầy. Giờ vẫn thế, tiền nong là phụ, tùy tâm, trung bình cho 3 tháng dạy chỉ khoảng 100.000 - 200.000 đồng.

Ông Pu đang dạy học tại nhà. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Pu đang dạy học tại nhà. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lớp mở từ tháng 6 - 9, đón học sinh dịp nghỉ hè nhưng cũng có nhiều người lớn đến học bất kể vào mùa nào.

Những trò xa ở tận huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc hay ở tỉnh Bắc Kạn sang, vừa đi xe, vừa đi bộ có khi mất cả ngày, phải mang gạo đến, ở tại chỗ rồi ăn chung với thầy. Ngày ông dạy hai buổi, sáng từ 4 - 7h, tối từ 7 - 10h để những trò ở gần còn tranh thủ mà về làm nương.

Chẳng có phấn trắng, bảng đen gì cả bởi ông Pu bảo nếu thế người học nhanh sẽ bị kéo lùi lại bởi người học chậm còn người học chậm sẽ không thể theo kịp.

Mỗi trò một cuốn vở, được thầy truyền kiểu cầm tay, chỉ việc. Những chữ thánh hiền ông dạy chủ yếu liên quan đến chỉ bảo cách làm ăn, khuyên răn về đạo đức như: Bản thân mình biết thì dạy cho con cháu để sau này không cần nhờ vả nhiều; Ăn nên làm ra không nên coi thường người khác; Biết người, biết mặt không biết lòng…

Học xong chữ mới học đến các bài cúng cổ với cách thức đọc lên bổng, xuống trầm như hát.

Học chữ nho, chữ nào biết chữ nấy. Ảnh: Dương Đình Tường.

Học chữ nho, chữ nào biết chữ nấy. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông đã từng đào tạo cho khoảng 600 - 700 người trong đó chừng 100 đang hành nghề thầy cúng khắp mọi miền. Học trò trẻ nhất mới chỉ 11 - 12 tuổi nhưng người già nhất đã ngoại 40, người chưa biết một chữ quốc ngữ nào nhưng người lại có cả bằng thạc sĩ du học Úc đầu tiên của huyện Hà Quảng là Trịnh Văn Thim.

Thim ở nhà ông 2 tuần liền, không phải để học làm thầy cúng mà là để không bị mất đi bản sắc văn hóa dân tộc Dao của mình.

Mồng một hay hôm rằm tất cả trò đều phải mang 1 con gà đến, làm thịt rồi luộc. 1 con được trân trọng chọn đặt lên bàn học, thắp hương khấn cho con chữ “có đường” mà vào đầu.

Tuy vậy, Hoàng Chàng Sinh - cháu nội ông Pu vẫn than: “Nhiều trò bây giờ được bố mẹ đưa đến nhưng không thích học mà suốt ngày xem điện thoại, rất lười đọc, lười viết chứ không được như mấy năm trước”.

Có người mất cả đàn gà nhưng cái chữ không chịu giữ ở trong đầu mà cứ vào tai phải lại ra tai trái. Ngược lại có trò buổi tối tranh thủ lúc thầy ngủ để luyện viết, sáng ra tranh thủ lúc thầy chưa dậy đã tỉnh giấc để luyện tiếp rồi.

Đống sách cổ của ông Pu có cả chữ nho lẫn các hình vẽ khi cúng tế. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đống sách cổ của ông Pu có cả chữ nho lẫn các hình vẽ khi cúng tế. Ảnh: Dương Đình Tường.

Người nhanh học 2 tháng hết 1 cuốn sách, mất vài năm có thể đạt mức thấp nhất là cúng được những lễ nhỏ như gọi hồn.

Mức thứ hai, đi theo thầy chính trong những lễ vừa như lễ trưởng thành. Mức thứ ba đi theo thầy chính trong lễ cấp sắc, vượt qua những công đoạn khó như đọc niệm chú cho đệ tử cầm cái lưỡi cày đã nung cả buổi trong đống lửa được đốt bằng 12 cây gỗ to bằng cột nhà, đỏ đến trắng ra mà tay không bị bỏng.

Khi niệm chú, hễ thấy người run lên là cầm được, có người còn thích thú đến mức muốn nhảy luôn vào đống lửa khiến cho thầy phải ngăn lại. 

Chưa cấp sắc, dù bạc tóc vẫn là trẻ con

Con cả ông là Hoàng Thồng Peo (đang ở cùng bố), con thứ là Hoàng Thồng Pon (đang sống ở Bắc Kạn) đều là thầy 1 rồi đến cháu trai là Hoàng Chàng Sinh cũng cỡ thầy 5, thầy 6.

Tuy có hơn 100 học trò đang hành nghề trong đó có nhiều người có thể làm thầy chính trong các lễ mo, đám ma hay đám cưới nhưng chưa ai đạt đến trình làm thầy chính trong lễ cấp sắc.

Khi ấy thầy buộc phải thuộc lòng mấy chục ngàn con chữ trong hơn 20 cuốn sách cổ, phải biết niệm chú sao cho thầy 1, thầy 2 bước chân trần lên cái thang 6 bậc gắn bằng 12 con dao sắc lẻm mà không đứt dù chỉ là một sợi lông.

Ông Pu đang chỉ từng chữ cho các học trò trong đó có cả con, cháu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Pu đang chỉ từng chữ cho các học trò trong đó có cả con, cháu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cả tỉnh Bắc Kạn không có thầy chính nào có thể làm lễ cấp sắc nên ông Pu đã nhiều lần được vời đến còn tại tỉnh Cao Bằng hầu hết lễ cấp sắc cũng trông chờ cả vào sự chỉ đạo của ông. 

Nhà ông Pu không có sóng nên điện thoại dù treo trên cột cũng thành ra vô dụng. Bởi thế đệ tử ở khắp nơi mỗi khi có việc gì khó đều phải tự tìm đến gặp sư phụ mà hỏi các thủ tục.

Cấp sắc là lễ lớn nhất mà đàn ông Dao bắt buộc phải thực hiện một lần trong đời. Nếu ai chưa làm dù đã lấy vợ vẫn là trẻ con, dù bạc tóc cháu chắt đề huề vẫn là trẻ con. Đây cũng là lễ có nhiều thầy cúng nhất (12 thầy), linh đình nhất (diễn ra 8 - 10 ngày).

Lễ vật của thầy chính gồm 10kg thịt lợn, 10kg gạo, 10 lít rượu, các thầy từ 1 đến thầy 12 gồm 8kg thịt lợn, 8kg gạo, 8 lít rượu, tiền tùy tâm nhưng trung bình cũng 1 - 2 triệu đồng mỗi thầy. Ngoài ra còn mất lợn, gà, rượu, gạo để làm cỗ  đãi mọi người nên mỗi lần cấp sắc mất 200 - 300 triệu.

Tốn kém là thế nên lễ cấp sắc thường tổ chức ở quy mô liên tỉnh, do hàng chục gia đình cùng đóng góp, có nhà đến ba thế hệ gồm ông, cha, con cùng thực hiện luôn một thể. Trung bình mỗi người mất 1 con lợn tạ, vài chục kg gạo, vài chục lít rượu cùng dăm bảy triệu đồng tiền mặt.  

Học trò của ông, thầy Hoàng Thồng U trong một lễ cầu an. Ảnh: Dương Đình Tường.

Học trò của ông, thầy Hoàng Thồng U trong một lễ cầu an. Ảnh: Dương Đình Tường.

Người chịu lễ cấp sắc được gọi là đệ tử. Ngày ngày họ cử đại diện đến nhà thầy chính để lấy củi, lấy nước, nấu cơm phục vụ ông viết giấy cúng cho mình. Mất chừng mấy ngàn tờ giấy viết tay như vậy nếu là bản giấy ngắn còn bản dài vài mét cũng phải mấy trăm tờ nên phải viết trong vài tháng mới xong.

Trước buổi lễ, các thầy cúng kiêng chạm vào phụ nữ, người được rửa bằng nước lá bưởi để thanh tẩy xú uế rồi mới khoác chiếc áo đỏ vào. Trong 4 ngày đầu tiên họ không được ăn mỡ mà chỉ cơm rau, không được nói bậy, mỗi đêm chỉ ngủ 1 - 2 tiếng còn thầy chính thì hoàn toàn không ngủ…

Sáng hôm đó tôi được chứng kiến buổi mo gọi hồn cầu bình an do học trò ông, thầy Hoàng Thồng U ở bản Cốc Lùng thực hiện cho gia đình anh Triệu Duy Quang ở bản Cốc Trà: “Vợ ốm, ngô lúa mất mùa, bò chết mất 4 con, lợn chết mất 1 con nên tôi phải làm lễ”. Quang bảo thế.

Một con lợn 80 kg được ngả ra, cái đầu và một phần thịt đặt lên bàn tế còn tiết canh, lòng phèo khoản đãi thầy cúng lẫn mấy người khách trong đó có cả tôi để lấy sức trước khi bước vào một ngày lễ dài.

Xem thêm
Lãnh đạo Việt Nam chúc mừng ông Trump

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi thư chúc mừng ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ thứ 47.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất 4 chương trình hành động thúc đẩy nông nghiệp bền vững

Tại Diễn đàn Hợp tác Pháp ngữ trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất 4 chương trình hành động, giải quyết thách thức toàn cầu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuân về trên vùng biên cương

Quảng Bình Bà con dân tộc trên vùng miền núi huyện Bố Trạch đã có thêm cái tết ấm áp khi chương trình 'Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản' đến với bà con.