| Hotline: 0983.970.780

Chuyện ngược đời ở Gia Lai: Đã giữ rừng dùm, còn bị đòi tiền thuê đất?

Thứ Ba 22/08/2017 , 09:35 (GMT+7)

Sau khi phân chia ranh giới theo Chỉ thị 364/CT của Thủ tướng, diện tích đất rừng mà Lâm trường Sông Kôn (nay là Cty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn- Bình Định) quản lý trước đó thuộc tỉnh Gia Lai.

Sau khi thuê lại của Gia Lai hơn 221 ha đất rừng, Cty chỉ SXKD trên diện tích 62 ha, số còn lại đơn vị chỉ bảo vệ, làm giàu rừng và 1 số do đồng bào dân tộc thiểu số của Gia Lai canh tác. Ấy vậy nhưng tỉnh Gia Lai lại tính tiền thuê đất toàn bộ diện tích nói trên!

13-37-09_rung_tn
Cty TNHH Sông Kôn đang trồng rừng trên 62 ha đất thuê của tỉnh Gia Lai, số còn lại chỉ quản lý, bảo vệ.

Ông Võ Văn Cường, GĐ Cty Sông Kôn, cho biết sau khi xác định địa giới hành chính, Cty Cà phê – chè XK Bình Định (viết tắt Cty Cà phê) làm thủ tục thuê lại của Gia Lai 531 ha. Năm 2000, UBND tỉnh Bình Định giải thể Cty Cà phê và giao Cty Sông Kôn quản lý tài sản cả diện tích đất. Năm 2006, tỉnh Gia Lai ra quyết định thu hồi 531 ha mà Cty Cà phê thuê trước đó, sau đó Cty Sông Kôn thuê lại của Gia Lai 221,58 ha.

Theo quyết định, Cty Sông Kôn thuê đất là để SXKD, quản lý và sử dụng vào mục đích lâm nghiệp. Trong đó, có 111,48 ha đất có rừng tự nhiên mà trước đây, khi chưa chia lại địa giới hành chính, Cty Sông Kôn đã làm giàu rừng bằng cách trồng cây bản địa trên diện tích 111,48 ha; 23,8 ha khác là đất có các loại cây le, giang và cây gỗ rải rác; 60,6 ha là rừng trồng (keo) và 25,7 ha trồng cà phê; Cty Sông Kôn chỉ SXKD trên đất rừng trồng và trồng cà phê.

Từ năm 2007 đến 2011, Cty Sông Kôn đã có nhiều buổi làm việc với ngành chức năng tỉnh Gia Lai để xác định giá tiền thuê đất. Tuy nhiên, trong thời gian này các ngành liên quan của tỉnh Gia Lai chưa xác định được đơn giá thuê đất. Đến cuối năm 2011, Cty Sông Kôn nhận được thông báo của Sở TN-MT Gia Lai xác nhận đơn giá thuê đất là 35đ/m2 cho toàn bộ 2.215.800m2 (221, 58 ha).

“Việc tính tiền thuê đất cho cả diện tích đất có rừng tự nhiên, đất trống mà Cty chỉ quản lý, bảo vệ chứ không SXKD và diện tích đất người dân đang canh tác là bất hợp lý. Do đó, Cty đã giải trình là Cty chỉ SXKD trên 62 ha, còn đất có rừng tự nhiên 135,28 ha, đồng thời đề nghị trả lại 24,3 ha đất nương rẫy của đồng bào dân tộc Bana hiện đang canh tác ổn định cho địa phương quản lý”, ông Võ Văn Cường phân trần.

Ngày 27/7/2012, Sở TN-MT Gia Lai kiểm tra thực địa và có biên bản xác nhận Cty Sông Kôn chỉ SXKD trên diện tích 62 ha, còn 135,28 ha gồm đất rừng tự nhiên Cty chỉ quản lý, bảo vệ, và 24,3 ha nương rẫy đang được các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc tỉnh Gia Lai canh tác ổn định.

Ngày 22/8/2016 UBND tỉnh Gia Lai có QĐ thu hồi 18,56 ha đất nương rẫy của hộ dân giao cho huyện Kbang quản lý, ngày 8/12/2016 thu hồi 122,45 ha đất rừng tự nhiên, đất lâm nghiệp giao Cty TNHH MTV KaNat quản lý, thu hồi 7,64 ha đất hộ dân đang canh tác ổn định giao địa phương quản lý. Còn 60,27 ha tiếp tục cho Cty Sông Kôn thuê để SXKD nông lâm nghiệp, điều chỉnh diện tích, vị trí đất tại Quyết định số 45/QĐ-UBND.

Đối với 62 ha đất SXKD, Cty Sông Kôn đã nộp tiền thuê đất từ tháng 2/2007 đến hết năm 2016 hơn 257,1 triệu đồng. Đến cuối năm 2016, Cty Sông Kôn nhận được văn bản của UBND tỉnh Gia Lai thu tiền thuê đất giai đoạn 2007-2012 trên toàn bộ 221,58 ha; Cty Sông Kôn chấp nhận nộp thêm tiền thuê đất 135,28 đất có rừng tự nhiên và 24,3 ha đất nương rẫy với gần 305,5 triệu đồng. “Diện tích đất này không phục vụ cho mục đích SXKD, không có nguồn thu bù đắp nên đến nay Cty vẫn đang treo nợ”, ông Cường than thở.

Riêng giai đoạn 2012-2016, UBND tỉnh Gia Lai giao Sở TN-MT phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho miễn giảm tiền thuê đất hơn 130 ha đất rừng tự nhiên và 18,56 ha đất nương rẫy, với hơn 452 triệu đồng, trong đó tiền thuê đất là gần 348 triệu và tiền chậm nộp là 104 triệu đồng.

Đến ngày 16/1/2017, UBND tỉnh Gia Lai có văn bản gửi Bộ Tài chính và Bộ NN-PTNT về việc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cho miễn tiền thuê đất của Cty Sông Kôn hơn 452 triệu. Ngày 2/3/2017, Bộ Tài chính trả lời về việc miễn tiền thuê đất cho Công ty Lâm nghiệp Sông Kôn tại Gia Lai, theo đó Bộ Tài chính viện dẫn rất nhiều văn bản liên quan đến giao đất, cho thuê đất đối với công ty nông, lâm nghiệp…

“Các công ty nông, lâm nghiệp được Nhà nước cho thuê đất và phải nộp tiền thuê đất đối với đất sản xuất nông, lâm nghiệp không phải là đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng và đất có rừng sản xuất là rừng tự nhiên”, văn bản nêu. Có nghĩa là, Nhà nước chỉ tính tiền thuê đất phải nộp cho đất thuê nhằm mục đích SXKD.

Ấy vậy mà vào ngày 28/6/2017 vừa qua, Cục Thuế tỉnh Gia Lai có văn bản đề nghị Cty thực hiện nộp đầy đủ các khoản phát sinh liên quan đến tiền thuê đất với tổng số tiền còn nợ là hơn 750,4 triệu đồng, trong đó tiền thuê đất là gần 348 triệu đồng, tiền chậm nộp là gần 403 triệu đồng.

“Diện tích rừng tự nhiên Cty thuê của tỉnh Gia Lai là rừng nghèo, Cty đã làm giàu rừng bằng cách trồng cây bản địa dưới tán rừng và được Nhà nước hỗ trợ công bảo vệ 200.000đ/ha/năm. Vậy mà bây giờ tỉnh Gia Lai tính tiền thuê đất trên cả diện tích này là bất hợp lý. Chúng tôi mong Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính, tỉnh Gia Lai xem xét không thu tiền thuê đất trên diện tích đất rừng tự nhiên và đất nương rẫy để gỡ khó cho Cty”, ông Võ Văn Cường, Giám đốc Cty Sông Kôn, đề nghị.

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất