| Hotline: 0983.970.780

Cơ sở chế biến hoạt động ‘chui’, chính quyền bất lực

Thứ Sáu 12/04/2024 , 07:00 (GMT+7)

Cơ sở chế biến lâm sản không đủ thủ tục vẫn hoạt động nhiều năm tại huyện Như Xuân bất chấp sự vào cuộc của chính quyền địa phương.

Hoạt động “chui” trong khu dân cư

Dự án Khu sản xuất dịch vụ thương mại tổng hợp xã Bãi Trành (huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư ngày 24/2/2017. Dự án do Công ty Cổ phần đầu tư và sản xuất LHD (Công ty LHD, thôn Nhà Máy, xã Bãi Trành) làm chủ đầu tư, có diện tích sử dụng đất gần 24.000m2. Mục đích sử dụng đất thương mại dịch vụ, thời hạn thuê đất 50 năm, kể từ năm 2017.

Mục tiêu đầu tư dự án là xây dựng khu sản xuất dịch vụ thương mại tổng hợp nhằm sản xuất và cung cấp các sản phẩm đồ gỗ nội thất, nan xuất khẩu và vật liệu xây dựng phục vụ địa bàn huyện Như Xuân và các khu vực lân cận, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Dự án gồm các hạng mục như: Xây dựng nhà giới thiệu sản phẩm đồ gỗ thanh nan xuất khẩu, vật liệu xây dựng, siêu thị mini, nhà sửa chữa lắp ráp thanh nan, nhà kho, nhà bảo vệ, trạm biến áp và các công trình phụ trợ khác… 

Tại quyết định của tỉnh Thanh Hóa năm 2017 về việc thu hồi đất của Công ty Cao Su Thanh Hóa cho Công ty LHD thuê sử dụng vào mục đích khu sản xuất dịch vụ thương mại tổng hợp, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp này sử dụng đất đúng mục đích, đúng diện tích, mốc giới...

Thế nhưng theo quan sát của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, chủ đầu tư đã tận dụng mặt bằng, một phần cơ sở vật chất cũ, cải tạo mặt bằng, thực hiện thu mua, chế biến lâm sản (băm dăm), không đúng với mục tiêu đầu tư ban đầu của dự án. Trong khuôn viên dự án cũng không thể hiện rõ các hạng mục xây dựng như quy mô dự án được doanh nghiệp "vẽ" ra.

Hoạt động băm dăm diễn ra tại cơ sở dịch vụ thương mại LHD. Ảnh chụp ngày 6/3/2024.

Hoạt động băm dăm diễn ra tại cơ sở dịch vụ thương mại LHD. Ảnh chụp ngày 6/3/2024.

Bên trong khuôn viên được chủ đầu tư tận dụng làm nhà xưởng, đặt máy băm dăm, hệ thống băng chuyền, máy múc. Phần diện tích còn lại được tận dụng làm sân phơi ván bóc. Theo một nhân viên làm việc tại cơ sở này, mỗi ngày, doanh nghiệp có thể thu mua và xuất bán hàng trăm tấn gỗ dăm.

Trước thực tế trên, cuối năm 2023, UBND xã Bãi Trành đã kiểm tra tình hình sản xuất của doanh nghiệp này. Tại thời điểm kiểm tra, doanh nghiệp không xuất trình được giấy phép băm dăm, nhưng vẫn tiến hành băm dăm không đúng ngành nghề, theo giấy phép đăng ký kinh doanh được cấp.

UBND xã Bãi Trành đã yêu cầu đơn vị này dừng hoạt động sản xuất, dừng nhập nguyên liệu để băm dăm, thu dọn, vận chuyển toàn bộ sản phẩm và nguyên liệu sang vị trí khác, nhưng doanh nghiệp vẫn không tuân thủ.

Chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất

Ngày 15/11/2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh hóa cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp này (đăng ký thay đổi lần thứ 3) trong đó có mã ngành 1621 sản xuất gỗ dán, gỗ lạng, ván ép, ván mỏng khác. Chi tiết: Sản xuất gỗ dán, gỗ lạng, gỗ dăm, ván ép và ván mỏng khác). Cơ quan chuyên môn huyện Như Xuân cho rằng, với đăng ký kinh doanh này, doanh nghiệp được phép hoạt động chế biến gỗ dăm.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa, doanh nghiệp được phép đăng ký và hoạt động ngành nghề kinh doanh mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh phải đảm bảo các điều kiện theo quy định pháp luật hiện hành nhưng Sở Tài nguyên & Môi trường Thanh Hóa, doanh nghiệp nếu muốn thực hiện hoạt động sản xuất theo giấy phép kinh doanh (chế biến dăm) phải thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư và hoàn thiện các hồ sơ môi trường,... theo quy định.

Song các tài liệu phóng viên thu thập được tại xã Bãi Trành cho thấy, doanh nghiệp dù chưa hoàn tất các thủ tục đất đai (chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất), môi trường, điều chỉnh chủ trương đầu tư… phù hợp với ngành nghề đăng ký kinh doanh nêu trên. Vậy nhưng, hoạt động chế biến gỗ dăm tại cơ sở này vẫn diễn ra nhộn nhịp trong thời gian dài bất chấp "lệnh" dừng của chính quyền địa phương.

Xe chở gỗ dăm của Công ty LHD xuất xưởng. Ảnh chụp ngày 6/3.

Xe chở gỗ dăm của Công ty LHD xuất xưởng. Ảnh chụp ngày 6/3.

Mặt khác, theo UBND xã Bãi Trành, hiện tại vị trí khu đất của Công ty LHD đang sử dụng là đất thương mại, dịch vụ. Trong quy hoạch điều chỉnh sử dụng đất 2021 - 2030, vị trí nêu trên được điều chỉnh là đất sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, hiện tại khu đất trên vẫn chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, cho phép chuyển mục đích đất thương mại dịch vụ sang đất sản xuất kinh doanh. Vị trí khu đất nêu trên cũng không phù hợp với quy hoạch đô thị Bãi Trành (vị trí đất nêu trên là đất trụ sở tổ chức sự nghiệp).

Dù vây, suốt trong thời gian khá dài, nhưng chính quyền địa phương không đình chỉ hoạt động của doanh nghiệp. Về việc này, ông Nguyễn Hữu Tuất - Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân cho biết, địa phương cần thêm thời gian để làm rõ tính pháp lý của việc sử dụng đất và kinh doanh của doanh nghiệp: “Trong thời gian tới, UBND huyện sẽ làm rõ thêm các thủ tục, điều kiện hoạt động thu mua, chế biến gỗ dăm của công ty hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền cấp trên vào cuộc làm rõ các vấn đề còn băn khoăn như phản ánh của phóng viên”.

Trước đó, năm 2019, doanh nghiệp này từng có "vết" gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, quá trình hoạt động của nhà máy chế biến gỗ, doanh nghiệp chưa có giải pháp xử lý triệt để mùi từ 6 hầm sấy gỗ và thu gom toàn bộ nước mưa chảy tràn; không có nội quy an toàn lao động; không trang bị bảo hộ lao động cho công nhân; khu vực phía trước cổng nhà máy gần khu dân cư lắp đặt 2 máy cưa xẻ gỗ. Thực tế, nhà máy hoạt động không phù hợp với bản Kế hoạch bảo vệ môi trường đã được UBND huyện Như Xuân xác nhận; chưa thực hiện giám sát môi trường theo định kỳ…

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.