Mọi năm, những ngày áp Tết, từ hăm sáu tháng Chạp trở đi, tối đến, đường phố có ngôi nhà của ông đậu kín các loại xe, toàn là xế hộp xịn, kéo dài cả cây số. Toàn là xe của lãnh đạo các sở, ban, ngành, của lãnh đạo các doanh nghiệp trong tỉnh, và các doanh nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh.
Mỗi người chỉ vào nhà ông từ năm đến mười phút, rồi phải quay ra để còn nhường chỗ cho người khác vào. Người nào cũng vào với một cái phong bì khá dầy, trong đựng toàn tiền “đô”, gọi là: Có chút quà để anh chị ăn Tết.
Tươi cười, đĩnh đạc, ngời ngời phong độ, ông bắt tay, chúc Tết mọi người, cám ơn, nhận quà rồi giao món quà cho bà cất đi. Dòng người kéo dài đến tận chín, mười giờ đêm 30 tháng Chạp mới kết thúc.
Lúc đó, ông mới ngồi bên cạnh vợ, xem vợ giở từng cái phong bì ra, ghi tên từng người vào một cuốn sổ rồi bóc, xếp riêng từng loại tiền: Tiền “đô” để riêng, tiền Việt để riêng. Làm xong việc đó, có khi quá cả giao thừa.
Năm nay, trái lại, vắng tanh không có bất cứ một cái xe nào. Chị ô-sin đã về quê ăn Tết từ hăm nhăm tháng Chạp. Mội công việc bà Lan phải tự mình làm lấy. Thằng Luyện mải đàn đúm, chẳng mấy khi ăn cơm nhà. Mâm cơm bưng lên, vợ chồng ngồi ăn, chẳng ai nói với ai một lời nào.
Bữa cơm tất niên mọi năm, ông thường mời một số giám đốc các doanh nghiệp thân tín. Và những người được mời đều coi đó là một vinh dự đặc biệt. Nhưng năm nay, khi ông mời, ai cũng lấy một cớ rất hợp lý để từ chối. Thành ra bữa tất niên chỉ có vợ chồng ông, thằng Luyện, vợ chồng Tình, vợ chồng Quỳnh và các cháu.
Nhưng không khí bữa cơm cũng rất nặng nề. Nhìn vẻ mặt đăm chiêu của người lớn, lũ trẻ cũng đâm sợ, không dám đùa nghịch như mọi năm. Lúc mâm cỗ tất niên bày xong, đứng trước bàn thờ gia tiên, ông không biết khấn thế nào. Cổ ông nghẹn lại…
Sau Tết, Ban chấp hành được lệnh họp đột xuất. Đại diện Trung ương về, công bố hai quyết định. Một quyết định cho ông Luyến nghỉ hưu, và quyết định thứ hai là điều chuyển Ngô Hồng Hải, chủ tịch, sang thay thế vị trí của ông Luyến.
Tiếp theo, Hội đồng Nhân dân tỉnh cũng được triệu tập phiên họp bất thường. Và kết quả là Nguyễn Khắc Bài, Phó Chủ tịch thường trực, được bầu giữ chức chủ tịch thay Ngô Hồng Hải. Thêm phó chủ tịch phụ trách kinh tế Bùi Mạnh Thi cũng vừa nhận được thông báo nghỉ hưu. Thế là tỉnh Đào Sơn cùng lúc khuyết hai phó chủ tịch.
Vừa từ cuộc họp nhận quyết định nghỉ hưu về, ông Luyến thấy một người đàn ông trạc bốn mươi tuổi đã đứng sẵn gần cổng. Thấy ông, người đó lập tức chặn lại:
- Thằng Luyến, mày có biết tao là ai không?
Vừa kịp định thần, nhận ra đó là Phán, chồng của Dương Thị Liễu, thì Phán đã xông tới, túm ngực áo ông:
- Thằng dê già, thằng khốn nạn này. Mày đã quyến rũ vợ tao, phá nát hạnh phúc gia đình tao. Hôm nay tao quyết liều mạng với mày.
Phán vung tay tát. Ông vội giơ tay đỡ. Cái tát giáng vào tay ông, đau điếng. Phán tiếp tục vung tay. May lần này được anh lái xe chạy lại, đẩy Phán ra, khiến tay anh ta trượt xuống vai ông.
Thấy ồn ào, người đi đường xúm lại rất đông. Cho đến lúc anh lái xe đẩy được ông vào cổng, khép cánh cửa lại, Phán vẫn còn gào thét:
- Bà con hãy nhìn kỹ đi. Nhìn kỹ mặt cái thằng dê già chuyên đi quyến rũ vợ con người khác đi.
Ông Luyến chạy một mạch vào nhà, chốt cửa lại.
Vạ vịt chưa qua, vạ gà đã tới. Buổi trưa, vợ chồng ông và thằng Luyện sắp sửa ăn cơm, thì một tốp công an, cùng với ông trưởng khu phố vào. Một người dõng dạc:
- Tất cả ngồi im. Đỗ Thanh Luyện, hãy nghe quyết định khởi tố bị can và quyết định bắt tạm giam 4 tháng để điều tra về hành vi “giết người”.
Mặt xám như đất, tay chân run lẩy bẩy, thằng Luyện bíu lấy ông:
- Bố ơi. Bố cứu con. Bố gọi điện cho chú Thanh đi.
Ông Luyến bấm điện thoại cho Trần Thanh. Nhưng “số máy quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được. Xin quý khách vui lòng gọi lại sau”. Chiếc còng số 8 nhanh chóng bập vào tay Luyện. Sau khi lập biên bản, nhóm công an giải Luyện đi.
Mấy ngày sau, ông Luyến mới lại sang cơ quan, bàn giao công việc cho Ngô Hồng Hải. Ông nói với Hải:
- Những tưởng được đồng hành cùng anh hai năm nữa. Nhưng không ngờ tôi lại đứt gánh giữa đường. Tôi về, cũng chẳng có gì phải ân hận nhiều. Chỉ còn một việc gửi gắm anh. Mong anh quan tâm giúp đỡ.
- Vâng, có gì anh cứ nói. Làm được điều gì cho anh, em sẽ hết sức cố gắng.
- Cảm ơn anh đã có lòng. Chuyện là thế này, là con đường đi của cháu Quỳnh. Chuyến này anh Thi nghỉ hưu, tổ chức đã đưa cháu vào diện có thể thay thế vị trí của anh Thi, để Thường vụ xét. Anh bây giờ là người đứng đầu Thường vụ. Mong anh hết sức quan tâm đến cháu.
- Vâng, việc đó xin anh cứ tin tưởng vào em. Em hứa với anh, sẽ làm hết sức mình để anh và cháu Quỳnh được toại nguyện.
- Một lần nữa, xin cám ơn anh.
Cuộc họp của Thường vụ Đào Sơn xem xét nhân sự cho hai vị trí phó chủ tịch tỉnh vừa khuyết được tổ chức vào buổi sáng. Sau khi nghe Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy trình bày về căn cứ đề xuất hai người là Đỗ Thanh Quỳnh và Nguyễn Trọng Khải và nghe mọi người nhận xét. Cuối cùng, với tư cách là người đứng đầu Thường vụ, Ngô Hồng Hải nêu chính kiến:
- Trong hai đồng chí, tôi thấy đồng chí Quỳnh còn quá trẻ. Mới làm Phó Giám đốc Sở Kế hoạch mấy tháng thì được điều sang bên này làm trưởng ban. Kinh nghiệm điều hành chính quyền chưa nhiều. Trong khi chức vụ phó chủ tịch phụ trách kinh tế và phó chủ tịch thường trực là hai chức vụ rất quan trọng. Đòi hỏi người có nhiều kinh nghiệm.
Nên chăng hãy tạm để đồng chí Quỳnh ở nguyên vị trí cũ, chờ trưởng thành thêm. Còn đồng chí Khải thì có khuyết điểm là mê tín, đã tổ chức yểm đảo nhằm mục đích hại đồng chí Quỳnh, như thế cũng chưa đủ tiêu chuẩn và điều kiện giữ chức vụ phó chủ tịch tỉnh. Đề nghị các đồng chí xem xét.
Sau một hồi bàn cãi nữa, đến phần bỏ phiếu kín. Kết quả: Cả hai đều không quá bán. Kết thúc hội nghị, Thường vụ nhất trí 100% giao cho Ban tổ chức xem xét, đề xuất nhân sự khác. (Hết)