| Hotline: 0983.970.780

Đánh đập có phải phương pháp giáo dục hiệu quả?

Chủ Nhật 20/10/2019 , 07:15 (GMT+7)

Nhiều năm trở lại đây, qua các thiết bị theo dõi hiện đại, hàng loạt vụ bạo hành trong trường học đã bị phanh phui.

Câu chuyện cô giáo NHH ở trường Tiểu học Phan Chu Trinh, quận Tân Phú, TP. HCM bị tố cáo có biểu hiện trừng phạt quá mức với học sinh lớp 2/11 cũng được phát hiện nhờ… camera. Có phải không ít người đang làm công tác sư phạm vẫn cho rằng đánh đập là phương pháp giáo dục hiệu quả nhất?

14-01-19_noi_xy_r_vu_bo_hnh
Trường Tiểu học Phan Chu Trinh, quận Tân Phú, TP. HCM.

Vụ việc diễn ra đã lâu, nhưng bây giờ mới bùng nổ. Vì các bên liên quan không tìm được tiếng nói chung. Hay nói cách khác, mối quan hệ giữa lãnh đạo nhà trường, cá nhân giáo viên và phụ huynh học sinh vẫn có những vướng mắc khó giải quyết.

Có thể hình dung sự cố được xác định có tính chất bạo hành của cô giáo NHH một cách đơn giản như sau: khi có học sinh về nhà phản ánh cô giáo đánh nhiều bạn ở lớp, thì một phụ huynh đã âm thầm gắn camera trên tường phòng học lớp 2/11 của Trường tiểu học Phan Chu Trinh.

Kết quả không nằm ngoài tiên liệu, xem lại những đoạn video được ghi trong 4 ngày, phần lớn phụ huynh đều bàng hoàng và đau xót chứng kiến cảnh các con mình bị cô giáo NHH tát vào mặt, véo tai, mắng chửi… với cường độ hung dữ.

Vì sao môi trường sư phạm lại có cảnh bẽ bàng và nhức nhối như vậy? Cô giáo NHH, người xuất hiện trong đoạn clip ấy, cho biết học sinh lớp 2/11 có nhiều em rất cá biệt mà biểu hiện cụ thể là "chửi thề, nói chuyện riêng, không chịu viết bài, có em giả chữ ký phụ huynh". Đã bỏ công nhắc nhở và uốn nắn nhưng các em không tiến bộ mà còn có thái độ xấc xược nên cô giáo NHH đã mất kiểm soát.

Cô giáo NHH chia sẻ: "Tôi đánh là để các em nghiêm túc chứ không phải là đánh có ý bạo hành, nhưng hành vi của mình là sai. Trong clip, mọi người đánh giá tôi dùng những lời lẽ không đúng, chửi bởi học sinh thật ra chỉ là một chiều. Không phải mình chửi bới học sinh mà nói để các em phân biệt, nhận biết.

Ví dụ tôi nói với các em con vật không có lỗ tai nên người ta mới lấy cái roi quất, còn mình là con người phải khác. Tôi nói với ý khác nhưng đưa lên, nghe lên được diễn giải là như đang chửi học sinh".

Trong clip, đoạn quát tháo của cô giáo NHH có thể nghe được vài câu: "Mình là con người có lỗ tai cô nói phải hiểu phải làm chứ… Tôi đã đem lên đây cho ngồi học đàng hoàng tử tế rồi. Mà ngồi nhìn bảng không viết chữ nào, cho xuống dưới góc cuối ngồi một mình không ai quan tâm… Ở nhà thì làm vua, vô lớp đừng đòi làm vua. 50 người đòi làm vua hết sao được, muốn làm vua thì về nhà làm. Tưởng mình là ai?".

Thừa nhận sự sai quấy của mình, nhưng cô giáo NHH lại thắc mắc là tại sao trong lớp học lại có thể cho phép phụ huynh vào gắn camera kiểu tùy tiện như vậy? Không thể có việc phụ huynh bí mật gắn camera nếu không có sự đồng tình nào đó từ các thành viên ban giám hiệu? Nghiêm trọng hơn, đoạn clip đã lan tràn như có động cơ riêng?

Cô giáo NHH nhấn mạnh: "Tôi không hiểu sao thời điểm này phụ huynh lại tung clip cho báo chí trong khi đã phản ánh với nhà trường vào ngày 9/9. Đến ngày 13/9 tôi đã bị trường tạm đình chỉ công tác và vụ việc đang được UBND quận Tân Phú - TPHCM xử lý. Còn hoạt động của lớp 2/11 đã được bàn giao cho trưởng khối 2 nên phụ huynh có thể yên tâm".

Cái camera giấu kín ở lớp 2/11 không phải tài sản của nhà trường và không nằm trong chủ trương gắn camera theo dõi của nhà trường? Vậy, cái camera giấu kín kia vì sao được trang bị có vẻ “ưu ái” với lớp 2/11 và riêng cô giáo NHH?

Theo quy định, tất cả phụ huynh chỉ được đưa đón các em tại sân trường và không được lên lớp học, mọi trao đổi giữa giáo viên và phụ huynh đều diễn ra ở các phòng làm việc của ban giám hiệu hoặc phòng khách của nhà trường. Phụ huynh nào đã phi triển tài năng phi phàm để đột nhập vào lớp 2/11 để gắn camera ngoạn mục chăng?

Sau những phút đắn đo cần thiết, bà Trần Thị Ánh Tuyết- Phó Hiệu trưởng trường tiểu học Phan Chu Trinh miễn cưỡng trả lời: "Quy định là như thế, nhưng trong tuần đầu của năm học, nhà trường có tổ chức trang trí lớp vì phụ huynh có ủng hộ cho các lớp quạt, rèm cửa, ti vi. Do đó tuần đầu của năm học, chúng tôi tạo điều kiện cho phụ huynh vào lớp để lắp các vật dụng trên".

Một trong những băn khoăn mà cô giáo NHH là có phải do mình có hành động chống tiêu cực của ban giám hiệu, nên lớp học mới được đặc cách gắn camera? Đúng là cô giáo NHH từng đứng tên tố cáo những báo cáo tài chính bất minh tại Trường tiểu học Phan Chu Trinh.

Tại thông báo 188/TB-UBND do bà Hứa Thị Hồng Đang- Chủ tịch UBND quận Tân Phú ký ngày 22/8/2019 xác định: "Việc cô NHH tố cáo hiệu trưởng kê khai chứng từ bảng kê phụ trội thêm giờ để trả lương cho giáo viên dạy hợp đồng các môn tin học, mỹ thuật là đúng. Việc cô H. tố cáo hiệu trưởng vừa chi lương cho các trường hợp giáo viên của trường khi bị ốm đau vừa lập hồ sơ lĩnh tiền bảo hiểm xã hội là có!".

14-01-19_bo_hnh
Hình ảnh do phụ huynh học sinh ghi lại từ camera.

Qua kiểm tra, UBND quận Tân Phú nhận thấy Trường tiểu học Phan Chu Trinh đã khắc phục sai phạm và nộp toàn bộ số tiền chênh lệch hơn 259 triệu đồng vào Kho bạc Nhà nước.

Tuy nhiên, trách nhiệm đối với sai phạm này đối với tập thể Trường Tiểu học Phan Chu Trinh và cá nhân Hiệu trưởng Đỗ Thị Sửu vẫn chưa được xử lý. Bên cạnh đó, Trường tiểu học Phan Chu Trinh còn tiến hành trả lương và thu hồi lương không kịp thời đối với các trường hợp giáo viên xin nghỉ ốm đau, không đúng quy định của ngành.

Dẫu có những giằng co chưa rõ ràng phía… hậu trường, thì hành vi của cô giáo NHH hiển thị trên đoạn clip vẫn đáng lên án. Ở góc độ sư phạm, bà Bùi Thị Diễm Thu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM khẳng định: “Giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, đánh học sinh như thế, đề nghị phải cho nghỉ việc, ra khỏi ngành giáo dục.

Về vấn đề đạo đức nhà giáo, Sở GD&ĐT TP.HCM đã nhiều lần nhắc nhở giáo viên, có văn bản chỉ đạo. Ngoài ra, chúng tôi còn yêu cầu các trường xây dựng quy tắc ứng xử, nhưng vẫn có giáo viên vi phạm. Hành động của cô giáo quá sai. Chúng tôi không chấp nhận giáo viên có những hành vi phản giáo dục như thế". Còn ở góc độ pháp lý, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, phân tích: “Đó là hành vi bạo lực trẻ em.

Bởi Luật Trẻ em 2016 có quy định: "Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em". Khi học sinh làm bài sai, không thuộc bài, giáo viên phải tìm cách hướng dẫn, chỉ bảo chứ không phải dùng bạo lực với các em. Việc dùng lời lẽ chì chiết, quát tháo, đánh học trò là phản giáo dục.

Trong số 50 học sinh của lớp 2/11 thì có nhiều em phản ánh với phụ huynh về hành vi của cô giáo NHH đánh đập học sinh nọ hoặc học sinh kia. Bà Đỗ Thị Sửu - Hiệu trưởng trường Tiểu học Phan Chu Trinh, trình bày: "Khi phụ huynh tố cáo, nhà trường tiếp nhận và trình lên UBND. Hiện UBND đang thành lập đoàn để xác minh sự việc. Khi có kết luận chính thức nhà trường sẽ thông báo. Từ ngày phụ huynh phản ánh, nhà trường đã tạm đình chỉ công tác của giáo viên này và chuyển sang công việc khác, chờ kết quả rồi mới có hướng xử lý. Nhà trường không bao che, không bao biện, sẽ làm theo luật pháp".

Về phía cô giáo NHH bị tố cáo bằng camera giấu kín, cũng không chối cãi về những khoảnh khắc thiếu bản lĩnh nghề nghiệp của mình. Cô giáo NHH hối hận: “Tôi thừa nhận mình đã sai khi có biện pháp giáo dục học sinh chưa đúng mức. Hành vi véo tai và đánh vào người các em dù vô tình hay cố ý, sử dụng lực nhiều hay ít đều không nên xảy ra trong môi trường sư phạm. Tôi muốn gửi lời xin lỗi đến phụ huynh".

(Kiến thức gia đình số 42)

  • Tags:
Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.