| Hotline: 0983.970.780

Vụ đông xuân 2022 - 2023

ĐBSCL đối diện mưa lớn diện rộng

Thứ Sáu 30/09/2022 , 20:33 (GMT+7)

Vụ đông xuân 2022 - 2023, các địa phương vùng ĐBSCL đối diện với nguy cơ mưa lớn trên diện rộng, 400.000ha diện tích lúa vùng ven biển cần tranh thủ xuống giống sớm.

Lượng mưa lớn hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 40%

Thời vụ lúa đối với vụ đông xuân rất quan trọng và có ý nghĩa đối với việc bố trí mùa vụ sản xuất trong cả năm. Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Nam bộ, từ tháng 10 - 12/2022, tổng lượng mưa ở khu vực Nam Bộ sẽ cao hơn trung bình nhiều năm. Đặc biệt trong tháng 10 tới, có khả năng xảy ra một đợt mưa lớn trên diện rộng. Với tình hình thời tiết như vậy, các chuyên gia khí tượng dự báo, mùa mưa năm nay sẽ kết thúc muộn khoảng đầu tháng 12/2022.

Ảnh 1

Ông Lương Văn Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi nhận định, lượng mưa của khu vực ĐBSCL lớn hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 40%, sẽ gây ngập úng vào thời điểm gieo sạ vụ đông xuân 2022 - 2023. Ảnh: Kim Anh.

Ông Lương Văn Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi nhận định, lượng mưa ở khu vực ĐBSCL lớn hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 40%. Vì thế, sẽ gây ngập úng vào thời điểm gieo sạ cũng như thu hoạch trong vụ đông xuân 2022 - 2023. Hiện nay, Tổng cục Thủy lợi đã xây dựng các bản tin dự báo, ông Văn Anh đề nghị các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần theo dõi sát về nhận định nguồn nước theo tháng, tuần, đặc biệt là thời điểm triều cường, những nhận định về ranh mặn, thời điểm lấy nước để tránh bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn.

Tại các vùng chuyên canh lúa, với khả năng cấp nước hiện tại của các công trình thủy lợi, theo tính toán của Tổng cục Thủy Lợi, ở thời điểm cao nhất, xâm nhập mặn khả năng ảnh hưởng đến 4 tỉnh ven biển với diện tích gần 60.000ha. Bao gồm các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng. Bà con nông dân ở các khu vực này cần có giải pháp canh tác phù hợp với tình hình nguồn nước, hơn nữa phải chủ động gieo sạ sớm.

Còn theo PGS.TS Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, năm nay dự báo đỉnh lũ sẽ rơi vào khoảng cuối tháng 10. Cơ bản toàn bộ vùng thượng lưu ở ĐBSCL sẽ đảm bảo an toàn trong sản xuất lúa. Tuy nhiên, ông Hoằng lưu ý các địa phương ở vùng giữa như tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang do đê bao còn thấp, khả năng bị ảnh hưởng của lũ kết hợp với triều cường gây ngập úng từ tháng  9 - 11.

Tranh thủ xuống giống sớm

Theo kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2022 - 2023, vùng ĐBSCL sẽ xuống giống 1.500 nghìn ha, sản lượng ước đạt 10.710 nghìn tấn, tăng 36 nghìn tấn so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích kế hoạch xuống giống ở các tỉnh ven biển chiếm khoảng 60% diện tích toàn vùng. Riêng tỉnh Bến Tre có khoảng 10 nghìn ha không gieo sạ vụ đông xuân mà chuyển đổi sang cây trồng cạn phù hợp.

Ảnh 2

Bà con nông dân ở tỉnh Hậu Giang tranh thủ làm đất chuẩn bị cho vụ đông xuân 2022 - 2023. Ảnh: Kim Anh.

Căn cứ vào thực tế sản xuất vụ thu đông 2022 và sắp xếp thời vụ sản xuất lúa của năm 2023. Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đưa ra khuyến cáo cho các địa phương, chỉ bố trí sản xuất lúa đông xuân 2022 - 2023 ở những vùng còn đủ 3 tháng cung cấp nước ngọt và tối thiểu phải đủ 2,5 tháng nước ngọt cho đến lúc lúa ngậm sữa. Nhu cầu nước suốt vụ cho lúa cũng phải đảm bảo tối thiểu 5 - 6 nghìn m3/ ha.

Một số địa phương ven biển với diện tích khoảng 400.000ha ở các tỉnh Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang cần bố trí xuống giống sớm để né mặn trong khoảng thời gian từ ngày 10 - 30/10.

Tiếp theo, từ ngày 1 - 30/11 là thời vụ chính xuống giống đợt 1 cho cả 3 vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển, với diện tích khoảng 700.000ha. Còn từ ngày 1 - 31/12 là thời vụ chính xuống giống đợt 2 với khoảng 400.000ha còn lại.

Bên cạnh đó, một số vùng xuống giống vụ đông xuân muộn phải đảm bảo kết thúc xuống giống trước ngày 10/1/2023.

Ảnh 3

Kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2022 - 2023, vùng ĐBSCL sẽ xuống giống 1.500 nghìn ha. Ảnh: Kim Anh.

Việc xuống giống lúa đông xuân đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ lúa hàng hóa cho bà con nông dân, đảm bảo chất lượng ổn định.

Trong vụ đông xuân 2022 - 2023, cơ cấu giống lúa chất lượng cao, khả năng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tốt như OM 18, OM 5451, OM 4900, Jasmine 85, Đài Thơm 8... cũng được ngành nông nghiệp khuyến khích gieo sạ.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục Trưởng Cục Trồng trọt thông tin, hiện nay chưa có giống lúa cải tiến ngắn ngày, chịu được độ mặn ở mức trên 4‰ cho năng suất ở mức đảm bảo có hiệu quả kinh tế.

Với mức độ xâm nhập mặn như hiện nay, việc chỉ sử dụng giống lúa chống chịu mặn là chưa đủ và hiệu quả. Việc sử dụng giống cho vùng xâm nhập mặn nên sử dụng giống lúa cực ngắn ngày, chịu mặn khá, kết hợp với bố trí thời vụ để né mặn đỉnh cao giai đoạn trổ bông.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Nghề cói Kim Sơn được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định 1150/QĐ-BVHTTDL đưa nghề thủ công truyền thống nghề cói Kim Sơn vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.