| Hotline: 0983.970.780

'Đợi Ba về may áo mới cho các con...'

Thứ Năm 27/07/2023 , 07:04 (GMT+7)

Người góa phụ già ngồi lật giở từng dòng thư ố vàng thời gian mà người chồng thương yêu đã để lại trước khi hy sinh. Mới đó mà nay đã gần 40 năm...

Bà Lê Thị Thanh Xuân (70 tuổi, quê xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), đang cẩn thận nhẹ nhàng xếp lại từng trang thư cũ. Bàn tay bà run run, đôi mắt ngân ngấn nước. Bà lại nhói lòng, cái cảm giác như mới vừa hôm qua, mới nhận được những di vật để lại của chồng. Giọng bà nhẹ, thoảng qua trong không gian tĩnh lặng: "Chúng tôi tạm chia tay nhau khi ấy ai cũng vào tuổi 21. Vậy mà, ông ấy mãi đi xa cũng đã ngót 40 năm…".

“Dòng tên Anh khắc vào đá núi…”

Vào một buổi chiều giữa năm 1974, khi chiến trường miền Nam đang ở giai đoạn các cánh quân chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thì UBND xã Vạn Ninh nhận được lệnh nhập ngũ đối với thanh niên Ngô Xuân Bình là liên lạc xã. Dù cưới vợ chưa lâu và vợ anh, chị Lê Thị Thanh Xuân đang mang trong mình hình hài của đứa con đầu lòng, anh Bình vẫn hăng hái lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Nhớ thương chồng, chị Xuân giấu nước mắt vào trong làm tròn mọi việc để nơi chiến trường, chồng chị an tâm làm nhiệm vụ.

“Là vợ người lính, mấy khi được gần nhau”, bà Xuân ngước mắt lên nhìn vòm lá xanh trong vườn mà bồi hồi nhớ lại.

Thời gian ở với nhau chỉ đếm trên đầu ngón tay, đâu được hơn 8 tháng, còn lại anh đi chiến trường biền biệt. Khi anh nhập ngũ, chị mang thai cháu đầu Ngô Thanh Tịnh mới chừng ba tháng. May mắn cho vợ chồng là qua hai lần anh Bình được nghỉ phép thì chị có thêm các cháu Ngô Ngọc Linh (sinh năm 1978) và Ngô Thị Thùy Uân (sinh năm 1982). Vẫn một mình chị gánh vác công việc đồng áng nuôi dạy con khôn lớn. Một phần khác lại luôn động viên anh ráng công tác thật tốt để mẹ con ở quê nhà yên tâm.

Trưởng thành từ người chiến sỹ, đảm nhận qua nhiều vị trí công tác, anh Bình trở thành người chỉ huy được hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ mến mộ. Khi cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc đang trong giai đoạn ác liệt thì đơn vị anh có nhiệm vụ bảo vệ mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang). Lúc này anh đang giữ chức vụ Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 818, Sư đoàn 314, Quân khu 2.

Liệt sỹ Ngô Xuân Bình (người đứng thứ hai từ trái qua) cùng đồng đội tại mặt trận Vị Xuyên. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Liệt sỹ Ngô Xuân Bình (người đứng thứ hai từ trái qua) cùng đồng đội tại mặt trận Vị Xuyên. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Theo nhiều đồng đội kể lại, sáng 25/8/1986, trên điểm chốt mặt trận Vị Xuyên, Tiểu đoàn phó Ngô Xuân Bình cùng Tiểu đoàn trưởng Trần Xuân Thoại đang trực tiếp chỉ huy bộ đội đánh trả nhiều cuộc tấn công của quân thù.

Hôm qua, điểm chốt của đơn vị đã đẩy lùi được trên mười cuộc tập kích, tấn công của quân địch, đã hất chúng tháo chạy xuống chân đồi. Hôm nay, các anh lại bất chấp đạn pháo nổ rầm trời, đạn bắn thẳng sạt bờ công sự… hai cán bộ chỉ huy vẫn như con thoi trực tiếp đến tận hầm chiến đấu động viên từng cán bộ, chiến sỹ đang kiên cường chống trả các cuộc tấn công của quân thù.

Khi các anh quay về hầm chỉ huy ở khu vực đồi Tròn thì gặp một trận pháo cối dữ dội của địch bắn phá vào trận địa. Một quả đạn cối 120 rơi trúng vào hầm chỉ huy tiểu đoàn làm ba người hy sinh, trong đó có Tiểu đoàn phó Ngô Xuân Bình.

Cả một vách núi đá sau lưng điểm tựa rung chuyển, bật ra từng tảng đá lớn, lăn xuống đè lên xác quân địch chết từ hôm qua mà đồng bọn chúng chưa kịp kéo đi. Đồng đội đã xót đau, đưa các anh về an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ B14, Km 13 đường Hà Giang đi Quản Bạ (xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Tuyên lúc đó). Sau này, đồng chí Nguyễn Ngọc Để (quê Quảng Bình), là đồng đội với liệt sỹ Ngô Xuân Bình đã cất bốc hài cốt liệt sỹ đưa về quê an táng bên gia đình.

Lời yêu thương để lại…

“Tài sản quý giá nhất mà anh để lại cho gia đình là một thùng đạn bằng gỗ, một tấm chăn dù và những bức thư anh gửi từ chiến trường”, tiếng nói của bà Xuân như được thốt lên từ sâu thẳm trái tim.

Một kỷ vật khác liên quan đến liệt sỹ Ngô Xuân Bình và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc là cuốn tự truyện “Nam chinh, Bắc chiến” của tác giả Hà Minh Sơn. Ông Sơn nguyên là Trưởng ban Tác chiến- Sư đoàn 314, đồng đội của liệt sỹ Ngô Xuân Bình đã ký tặng bà Xuân cuốn tự truyện này và bà xem đó như là kỷ vật mà chồng để lại.

Bà Xuân nhỏ nhẹ kể cho chúng tôi nghe những năm tháng sau khi nhận được tin báo tử của chồng. Lẽ thường, theo phong tục địa phương thì tất cả tài sản liên quan đến người mất thường phải đốt theo, nhưng chị thì kiên quyết giữ lại.

Bà Lê Thị Thanh Xuân và những kỷ vật của chồng là liệt sỹ Ngô Xuân Bình để lại. Ảnh: T.Long.

Bà Lê Thị Thanh Xuân và những kỷ vật của chồng là liệt sỹ Ngô Xuân Bình để lại. Ảnh: T.Long.

“Thư anh thấm đẫm tình yêu thương vợ con, gia đình nếu không giữ lại thì các con lớn lên làm sao có được hơi ấm từ người cha”, bà Xuân nói. Nguyện trong lòng như vậy, một số bức thư bà đã trao lại cho con gái Ngô Thị Thùy Uân hiện sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh. “Con gái tôi vẫn kể mỗi khi gặp phải gian nan, trắc trở gì trong cuộc sống thì con đọc những dòng thư của ba, lấy đó làm điểm tựa, niềm tin để vượt qua”, bà Xuân bộc bạch. Ngay cả bản thân bà cũng nguyện thế. Từ ngày chồng mất đến nay đã gần 40 năm, từ khi gọi là "chị" nay đã gọi là "bà" thì chị vẫn thủ tiết thờ chồng, nuôi con cái nên người. “Tất cả đều nhờ phúc đức ông ấy để lại”, bà Xuân nói giọng trầm ấm.

Trở lại với những bức thư của liệt sỹ Ngô Xuân Bình gửi về cho gia đình, hiện tại bà Xuân còn giữ 3 bức đều được viết trong năm 1986, khi cuộc chiến đang rất ác liệt ở mặt trận Vị Xuyên. Bức thư thứ nhất viết đề ngày 25/1; bức thứ hai đề ngày 15/3 và bức cuối ghi ngày 30/3... Sau đó, bà Xuân cứ chờ đợi và tự nhủ lòng chắc mặt trận đang ác liệt nên anh ấy chưa có thời gian biên thư về tiếp. Bà có biết đâu đúng năm tháng sau khi viết lá thư cuối cùng thì Tiểu đoàn phó Ngô Xuân Bình hy sinh.

Trong các bức thư chồng gửi về, bà Xuân đều nhớ như in trong tâm khảm. Thư nào anh cũng gửi cho vợ nhiều tình cảm yêu quý, ngọt ngào.  “Xuân em thương!”, “Xuân em nhớ thương!”…

Những bức thư của liệt sỹ Ngô Xuân Bình đang được gia đình lữu giữ. Ảnh: T. Long.

Những bức thư của liệt sỹ Ngô Xuân Bình đang được gia đình lữu giữ. Ảnh: T. Long.

 Bức thư ngày 25/1, liệt sỹ Ngô Xuân Bình viết: “Các con Thanh Tĩnh, Ngọc Linh, Thùy Uân có nhớ Ba không? Ba nhớ các con quá. Nếu các con nhớ thương Ba thì Ba nói như thế này nhé! Ba đi vắng, mẹ các con yếu mà phải đi làm để có lúa gạo nuôi các con nên các con cố gắng giúp mẹ với nhé. Cố gắng học giỏi, ngoài học ra về lo trong nhà nấu cháo lợn, nấu cơm, quét nhà... Các con cố gắng để khi nào Ba về thì Ba may áo mới cho các con nhé!”  

Có thư, anh cũng kể về sự ác liệt của chiến trường cho hậu phương chia sẻ. Trong thư đề ngày 30/3, liệt sỹ Ngô Xuân Bình viết: “Ngày 28/1 đánh nhau một trận ra trò, tuy ác liệt nhưng ta thắng, hơn 410 tên địch bỏ xác tại chỗ. Thật là một ngày khủng khiếp về pháo và cối, chúng bắn vì thua trận nhằm hủy diệt ta...”. Cũng tại bức thư này, liệt sỹ Ngô Xuân Bình thông báo cho vợ biết là đơn vị cử mình đi học cao lên, là tránh khỏi được chiến trường ác liệt. Nhưng anh nói đang còn cân nhắc, suy nghĩ chưa quyết định vì chiến trường đang ác liệt, đồng chí, đồng đội đang cần mình ở lại.

“Lúc đó chắc lãnh đạo Sư đoàn muốn anh Bình an toàn, sau này hết chiến tranh còn có trách nhiệm chăm vợ nuôi con nhỏ dại, nhưng anh kiên quyết từ chối vì trách nhiệm với đồng chí, đồng đội đó”, bà Xuân lau nước mắt nhớ về người chồng.

Bây giờ thì các con của liệt sỹ Ngô Xuân Bình đã lớn khôn, đã trưởng thành. Bà Xuân cũng an hưởng tuổi già cùng con cháu. Cứ mỗi lần giỗ chồng, bà lại mang tấm chăn ra phơi nắng rồi lại gấp nếp đưa vào tủ cất giữ. Mang những lá thư để đọc cho con cháu nghe mà nhớ không quên. Những lúc ấy, bà Xuân thấy lòng mình an bình đến lạ.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Sơn La gặp hạn, sản lượng cây ăn quả dự kiến giảm 15%

Tình trạng hạn hán, thiếu nước đang xảy ra trên diện rộng tại các huyện, thành phố như Sốp Cộp, thành phố Sơn La, Sông Mã, Yên Châu, Quỳnh Nhai, Mai Sơn, Mường La.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Huy động hàng trăm người dọn rác ở biển Đồ Sơn

HẢI PHÒNG Hàng trăm người từ nhiều đơn vị khác nhau được huy động để thu gom, dọn rong biển, bèo tây trôi dạt vào các bãi biển ở Đồ Sơn dịp 30/4 và 1/5.

Bình luận mới nhất