| Hotline: 0983.970.780

Đốt thực bì rừng, hãy cảnh giác

Thứ Sáu 29/01/2016 , 07:15 (GMT+7)

Hàng năm, vào đầu mùa khô, để phòng ngừa cháy rừng, các đơn vị chủ rừng tại Lâm Đồng đều triển khai đốt lớp thực bì trên bề mặt rừng thông.

Nếu bất cẩn rất nguy hiểm

Nhưng anh Nguyễn Đức Phương, một người dân có vườn dưới thung lũng rừng thông đầu đèo Prenn Đà Lạt cho biết, việc đốt lớp thực bì đang diễn ra hết sức tùy tiện và cẩu thả.

Cụ thể, trưa ngày 24/1, một nhân viên trông coi bảo vệ rừng, thuộc Ban quản lý rừng Lâm Viên, xuống khu vực này châm lửa đốt mấy điểm gần vườn của gia đình anh rồi lên xe ra về mà không có người quản lý, theo dõi ngọn lửa.

Thấy đám cháy quá lớn, bén lên cả những cây thông cổ thụ bốc cháy bùng bùng, anh Phương gọi điện thoại yêu cầu xuống kiểm tra, khống chế và giám sát ngọn lửa nhưng nhân viên này từ chối, sau đó tắt điện thoại. Anh phải đứng canh không cho lửa cháy lan vào rẫy cà phê.

Để hạn chế nguy cơ cháy rừng, cứ vào đầu mùa khô hàng năm, các đơn vị chủ rừng sẽ tiến hành dọn dẹp rừng, xử lý lớp thực bì trên bề mặt rừng thông bằng cách châm lửa đốt “có điều khiển”. Trong khi Tây Nguyên cuối năm hanh khô, có gió mạnh, việc đốt thực bì nếu không được giám sát rất nguy hiểm.

Đầu giờ chiều 24/1 vừa qua, tại rừng thông đèo Prenn, nhiều người đã chứng kiến cảnh ngọn lửa hung dữ đốt cháy một số gốc thông lớn có đường kính tới 70cm, bén cháy sang từ việc xử lý thực bì. Một số du khách đi đường đã phải dừng xe, xuống cào đất, ném dào dập lửa giải cứu những cây thông này.

Chưa hết, lửa trong lúc xử lý thực bì đã gây cháy nhiều cây thông lớn nhỏ, tiêu diệt các loại côn trùng, sóc, hệ nấm, và nhất là nguồn hoa dại như lai- zơn, địa lan, đổng thảo…gây mất cân bằng sinh thái và nghèo nàn đa dạng sinh học rừng.

Khi đốt thực bì toàn bộ hệ sinh thái mặt đất cũng thành mồi của lửa, tiêu biểu là những sinh vật có lợi cho cảnh quan ở xứ sở du lịch, làm biến mất vẻ lãng mạn, độc đáo đặc trưng của rừng thông Đà Lạt.

Từ năm 2005, ông Nguyễn Trọng Hoàng, khi đó là Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao - Du lịch Lâm Đồng đã phản đối và kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh không nên duy trì kiểu phòng chống cháy rừng bằng phương pháp đốt thực bì trong những cánh rừng thông cảnh quan ở Đà Lạt.

Ông Hoàng cũng nói, rừng Đà Lạt đang đứng trước nguy cơ “lão hóa” trong khi việc đốt thực bì hàng năm đã giáng tiếp sự “huỷ diệt” vào thế hệ tái sinh. Cây thông non mọc lên từ hạt ở mùa mưa bị thiêu cháy ngay mùa khô sau đó.

"Tác giả" giải pháp kỹ thuật nói gì?

Ông Phó Đức Đỉnh, nguyên Giám đốc Lâm trường Đà Lạt, được coi là người đầu tiên ứng dụng giải pháp đốt lớp thực bì ở rừng thông để hạn chế nguy cơ cháy rừng vào mùa khô tại Lâm Đồng.

Năm 1990 ông bắt đầu làm thử nhiều phương pháp để tìm ra cách dọn sạch thảm cỏ rậm ở rừng thông non dưới 5 năm tuổi tại lâm trường do ông đứng đầu quản lý.

Qua nhiều lần làm thử, ông Phó Đức Đỉnh rút ra cách đốt: Ngay sau khi mùa mưa vừa chấm dứt (thường cuối tháng 9, đầu tháng 10 hằng năm) tiến hành phát dọn thảm cỏ ở rừng thông non. Gom toàn bộ thảm cỏ vừa phát dọn xong ra băng, xa gốc thông trên 50cm.

Nếu không mưa thì phát dọn đến đâu, gom ngay rồi đốt. Đốt theo băng hoặc theo đám. Đốt khoảng 2- 3 lần cho hết. Đốt lô nào gọn lô ấy.

Điểm mấu chốt nhất của giải pháp kỹ thuật này là đốt thảm cỏ cháy theo kiểu hun, cháy ngún, chỉ toả khói, không phát sinh ngọn lửa, không làm cho thông non bị chết cháy. Đốt về chiều tối, nửa đêm hay gần sáng, tránh những thời điểm giữa trưa có nắng.

Đang đốt nếu có gió to, lửa bốc cao, cháy lan nhanh, thì phải dập tắt ngay, lùi giờ đốt lại, vào thời điểm an toàn. Đốt xung quanh lô trước để tạo băng trắng ngăn cách, rồi đốt dần vào phía trong. Đốt trên đỉnh dốc trước rồi xuống dần phía dưới. Châm lửa đốt ngược theo chiều gió.

Trước khi ra về phải kiểm tra, làm tắt hẳn các đống lửa đốt. Toàn bộ công việc đốt dọn thảm cỏ khô trong rừng thông phải hoàn tất vào giữa tháng 1. Dù làm nghiêm ngặt như vậy nhưng ông Đỉnh vẫn nói “biện pháp này là con dao hai lưỡi”.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.