Trách nhiệm thuộc về ai?
“Dự án Discovery 302 Cầu Giấy nằm ngay mặt đường Cầu Giấy, bằng mắt thường cũng có thể quan sát được dự án đang được chủ đầu tư đưa vào hoạt động, cư dân ra vào.
Việc công trình chưa đủ điều kiện bàn giao, chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, đang bị đình chỉ nhưng chủ đầu tư cho hoạt động công trình là đang đẩy hàng nghìn người dân vào cảnh nguy hiểm, không may có hỏa hoạn thì tính mạng của biết bao con người bị đe dọa. Vậy trách nhiệm này thuộc về ai?”, ông Nguyễn Vĩnh Long, 85 tuổi, nêu câu hỏi.
Ông Long là người đứng tên đại diện hàng trăm hộ dân đã nhận bàn giao nhà tại Dự án Trung tâm thương mại – văn phòng – căn hộ để bán và cho thuê Discovery Complex tại địa chỉ số 302 Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội với chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Dịch vụ Cầu Giấy.
Chủ đầu tư là công ty thành viên của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Phát triển thương mại Kinh đô – Kinh đô TCI Group, cũng là chủ đầu tư của một số dự án nhiều tai tiếng như số 8 Lê Trực – Hà Nội, dự án Capital Garden ở ngõ 102 Trường Chinh, Hà Nội.
Ông Long cho biết cư dân đã nhiều lần gửi đơn thư kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền. Ngày 29/07/2019, UBND quận Cầu Giấy có văn bản số 906/UBND- QLĐT về việc trả lời đơn của công dân.
Theo nội dung văn bản 906, ngày 28/05/2018, UBND quận Cầu Giấy ban hành Quyết định số 1228/QĐ – UBND về việc tạm đình chỉ hoạt động đối với: Khu vực các tầng căn hộ tháp B, khu vực các tầng hầm thuộc Dự án công trình Trung tâm thương mại, văn phòng căn hộ cao cấp dể bán và cho thuê Discovery Complex.
Tiếp đó, ngày 16/07/2018, UBND quận Cầu Giấy ban hành Quyết định số 294/QĐ – UBND về việc đình chỉ hoạt động đối với: Khu vực các tầng căn hộ tháp B, khu vực các tầng hầm thuộc dự án Công trình Trung tâm thương mại văn phòng căn hộ cao cấp để bán và cho thuê Discovery Complex.
Tuy nhiên, ông Long nói ông và các cư dân “không hề biết đến sự tồn tại của 2 quyết định này”.
“Chúng tôi đã tìm kiếm trên cổng thông tin điện tử của UBND thành phố Hà Nội, Cổng thông tin điện tử quận Cầu Giấy nhưng đều không tìm thấy quyết định số 1228/QĐ – UBND và quyết định số 294/QĐ – UBND của UBND quận Cầu Giấy”, ông Long nói.
Luật sư Trương Anh Tuấn, Giám đốc Cty TNHH Luật Trường Sơn, cho biết việc này vi phạm khoản 3 Điều 72 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định “Công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính”.
Một số cư dân khác khi được phỏng vấn, nói họ cảm thấy “vô cùng bức xúc” vì dường như văn bản được ban hành xong chỉ “trao đổi riêng với chủ đầu tư”. “Những khách hàng bị vướng vào sai phạm của chủ đầu tư thì như cá nằm trên thớt”.
Cần hoàn trả tiền điện, nước cho cư dân
Luật sư Tuấn cho biết nguyên nhân quận Cầu Giấy ra các quyết định đình chỉ hoạt động của Dự án 302 do công trình còn tồn tại nhiều nội dung không đảm bảo an toàn về PCCC, chưa đủ điều kiện để cấp văn bản xác nhận nghiệm thu về PCCC theo quy định.
Trong khi đó, hiện nay khu vực Tháp B của dự án Discovery đã có hàng trăm hộ đã nhận nhà, đang sinh sống ổn định.
Cư dân cáo buộc chủ đầu tư thì lợi dụng họ làm bình phong cho những sai phạm khiến các cơ quan chức năng lúng túng trong việc xử lý. Bởi các cơ quan chức năng không thể đuổi cư dân ra khỏi Tòa nhà khi họ đã có cuộc sống ổn định, càng không thể cắt điện, cắt nước khi đây là nhu cầu sống tối thiểu của hàng trăm con người.
Trong đơn kiến nghị gửi Báo Nông nghiệp Việt Nam, các cư dân ở Dự án 302 Cầu Giấy cho rằng các cơ quan có thẩm quyền cần ra văn bản buộc Chủ đầu tư bằng chi phí của mình thanh toán toàn bộ chi phí quản lý vận hành, chi phí điện nước của khu vực các tầng căn hộ tháp B thuộc dự án Công trình Trung tâm thương mại văn phòng căn hộ cao cấp để bán và cho thuê Discovery Complex, đồng thời thông báo cho toàn thể cư dân được biết 2 quyết định tạm định chỉ, đình chỉ của UBND quận Cầu Giấy.
Buộc Chủ đầu tư hoàn trả cho cư dân toàn bộ chi phí quản lý vận hành tòa nhà, chi phí điện, nước, chi phí gửi xe đã thu của cư dân. Vì các cơ quan chức năng đã ra quyết định đình chỉ hoạt động thì Chủ đầu tư không thể cho thu các chi phí nêu trên.
Ở góc độ luật pháp, Luật sư Tuấn cho rằng việc cư dân chuyển vào ở là lỗi của Chủ đầu tư, công trình đang bị đình chỉ thì Chủ đầu tư không được phép cho hoạt động, nếu hoạt động thì Chủ đầu tư phải chịu toàn bộ các chi phí liên quan đến công tác quản lý, vận hành Tòa nhà, cùng các chi phí điện, nước.
Nếu Chủ đầu tư còn thu phí dịch vụ, phí gửi xe, chi phí điện, nước của người dân thì có nghĩa là cho công trình đi vào hoạt động, do đó Chủ đầu tư đã thu thì phải hoàn trả lại các khoản phí trên cho cư dân.