| Hotline: 0983.970.780

Dự án Khu đô thị ngành Than dồn dân mất đất vào thế khó

Chủ Nhật 13/03/2022 , 09:45 (GMT+7)

QUẢNG NINH Dự án Khu đô thị ngành Than “treo” mười mấy năm nay đã làm bao gia đình khốn khổ. Giờ tái khởi động dự án, người dân mất đất còn lo hơn…

Báo Nông nghiệp Việt Nam nhận được đơn kêu cứu của một số hộ dân tổ 28, khu 5, phường Hà Khánh, TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) liên quan đến việc giải tỏa để phục vụ cho Dự án Khu đô thị ngành Than tại phường Hà Khánh, TP Hạ Long.

Tiền bồi thường không đủ mua nửa suất đất tái định cư?

Khu dân cư tổ 28 phường Hà Khánh có trên 30 hộ nằm trọn vào dự án Khu đô thị ngành Than do Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển nhà và hạ tầng - TKV làm chủ đầu tư. Các hộ dân này sinh sống ở đây từ những năm 1978 - 1979, khi đó là công nhân của Công ty cầu đường 18.

Nhiều hộ gia đình bức xúc vì đơn giá bồi thường dự án Khu đô thị ngành than được cho là quá bèo bọt. Tiền bồi thường không đủ để mua đất tái định cư 

Nhiều hộ gia đình bức xúc vì đơn giá bồi thường dự án Khu đô thị ngành than được cho là quá bèo bọt. Tiền bồi thường không đủ để mua đất tái định cư 

Theo lời ông Nhữ Xuân Hiến (85 tuổi) kể lại, ngày ông và mọi người đến khu vực này bao quanh là biển, người dân phải vét bùn, đào đất để bồi đắp dựng lều. Đến năm 2005 thì ông và một số hộ khác được TP Hạ Long cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Hộ ông Hiến có tổng diện tích đất theo sổ là hơn 400m2, bám mặt đường chính 337. Trong đó có 120m2 đất xây dựng được bồi thường với đơn giá 21,9 triệu đồng/m2, còn lại là đất vườn tạp nên chỉ được bồi thường 77.000 đồng/m2. Chị Nhữ Thị Hải, con gái ông Hiến cho biết, nếu gia đình chịu giải tỏa, mỗi hộ sẽ được mua một suất tái định cư trong dự án Khu đô thị ngành Than với giá ưu đãi mà “nghe đâu” khoảng 12 đến 13 triệu đồng một m2.

Gia đình chị Nhữ Thị Hải (con gái ông Hiến) đang buôn bán tại mặt đường chính 337 cũng chỉ được bồi thường với đơn giá 21,9 triệu đồng/m2 đất xây dựng. 

Gia đình chị Nhữ Thị Hải (con gái ông Hiến) đang buôn bán tại mặt đường chính 337 cũng chỉ được bồi thường với đơn giá 21,9 triệu đồng/m2 đất xây dựng. 

“Nhà tôi đang kinh doanh ngoài mặt đường chính 337, giá đất thị trường gần 40 triệu đồng/m2 nhưng giờ có nguy cơ phải vào trong dự án ở, sau này khó làm ăn buôn bán. Tiền được bồi thường chỉ đủ mua 1 suất đất 100m2 và xây được cái nhà ống là hết. Như thế thiệt thòi cho gia đình quá”, chị Nhữ Thị Hải lo lắng.

Cũng theo chị Hải, mặc dù tổng diện tích đất của gia đình hơn 400m2 nhưng không tách được sổ cho con, không chuyển đổi được mục đích sử dụng đất bởi Dự án Khu đô thị ngành Than bị “treo” 16, 17 năm nay nên các hộ dân tổ 28 này không được làm gì hết.

Hơn 30 hộ gia đình tổ 28, khu 5 phường Hà Khánh nằm trọn trong dự án Khu đô thị ngành Than. 

Hơn 30 hộ gia đình tổ 28, khu 5 phường Hà Khánh nằm trọn trong dự án Khu đô thị ngành Than. 

Hộ nhà ông Nhữ Xuân Hiến bám mặt đường chính 337 nên mới có giá bồi thường 21,9 triệu đồng/m2. Còn đa phần các hộ dân sinh sống ở bên trong nên đơn giá bồi thường cũng thấp hơn.

Như hộ bà Nguyễn Thị Mì ở phía sau khu nhà ông Hiến. Tổng diện tích đất là 307m2, khai hoang từ năm 1978. Đất nhà bà Mì tuy chưa có sổ đỏ nhưng được tính là 200m2 xây dựng, còn lại là vườn tạp. Theo đơn giá bồi thường của TP Hạ Long, đất xây dựng cho những hộ bên trong không bám đường chính 337 được tính trung bình 5,1 triệu/m2, đất vườn tạp vẫn 77.000 đồng/m2.

Về lý do vì sao ở từ năm 1978 đến giờ vẫn chưa làm sổ đổ, bà Mì bực bội cho hay: “Đất nhà tôi vào dự án của ngành than nên chính quyền dừng cấp sổ đỏ. Đến năm 2016, họ trả lời không lấy đất nữa, cho người dân đi làm sổ. Do chồng tôi đã mất nên muốn làm được sổ tôi phải làm hàng thừa kế. Lúc vừa làm xong hàng thừa kế thì lại nhận được thông báo dự án làm tiếp rồi nên lại thôi không cấp nữa. Dự án treo mười mấy năm nay, sổ không làm được, nhà hỏng không cho sửa, xây mới không cho xây”.

Ngoài nhà bà Mì, còn mấy chục hộ khác ở bên trong như hộ bà Đinh Thị Nhủ, Hoàng Thị Thịnh,… cũng được tính bồi thường theo đơn giá trên. Với đơn giá bồi thường đất xây dựng 5,1 triệu/m2, mà đất tái định cư bán cho dân trong Dự án Khu đô thị ngành Than bà con phản ánh những hơn 10 triệu/m2 nên họ chưa biết sau khi mất nhà rồi, lấy đâu ra tiền để mua đất tái định cư, chưa nói đến việc xây nhà.

Ai không chịu bàn giao mặt bằng sẽ cưỡng chế

Để bố trí tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án Khu đô thị ngành Than tại phường Hà Khánh, tháng 3/2022, UBND TP Hạ Long có thông báo nêu rõ: Đối với các thửa đất giải phóng mặt bằng có vị trí góc bám 02 mặt đường rộng trên 3m; được lựa chọn vào các ô tái định cư 01 mặt đường 01 mặt thoáng.

Đối với các thửa đất giái phóng mặt bằng bám 02 mặt đường, trong đó có 01 mặt đường rộng trên 3m, 01 mặt đường rộng nhỏ hơn 3m; được lựa chọn vào các ô tái định cư 01 mặt đường, 01 mặt thoáng.

Đối với các trường hợp còn lại; được lựa chọn vào các ô tái định cư còn lại.

Cũng theo văn bản của TP Hạ Long, các hộ dân phải có cam kết chỉ nhận tiền hỗ trợ tiền thuê nhà 06 tháng, nếu quá 06 tháng hộ dân phải tự lo chi phí thuê nhà. Khi dự án hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật mới thực hiện thủ tục giao đất theo quy định.

Về giá đất tái định cư, trong văn bản Hạ Long không nêu rõ bao nhiêu mà cho biết “giá giao đất tái định cư là giá giao tại thời điểm có quyết định giao đất”.

Trong khi người dân còn đang bức xúc về đơn giá bồi thường được cho là quá bèo bọt so với mặt bằng chung tại TP Hạ Long, đồng thời giá đất tái định cư cũng chưa xác định rõ thì ngày 11/3, UBND TP Hạ Long ra tiếp thông báo gửi các hộ dân trước ngày 15/3/2022 phải đến Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố nhận tiền bồi thường, hỗ trợ đã được UBND TP Hạ Long phê duyệt.

Chính quyền cũng cảnh báo, quá ngày 15/3, hộ nào không bàn giao mặt bằng TP Hạ Long sẽ thực hiện cưỡng chế thu hồi đất, đồng thời không xem xét chính sách thưởng tiến độ bàn giao mặt bằng và các ưu tiên liên quan đến tái định cư.

Báo Nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin…

                                                      

Xem thêm
Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.