| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao 'tay nghề' trồng lúa nhờ Dự án VnSAT

Thứ Năm 12/05/2022 , 08:05 (GMT+7)

Hơn 5 năm triển khai, Dự án VnSAT đã giúp thay đổi diện mạo sản xuất lúa gạo tại nhiều địa phương ở ĐBSCL, nhất là nâng cao trình độ sản xuất của nông dân.

Lợi nhuận trồng lúa tăng theo từng năm

An Giang và Đồng Tháp là 2 tỉnh gần nhau có diện tích sản xuất lúa lớn ở ĐBSCL, bình quân mỗi năm 2 địa phương này có thể đóng góp về sản lượng lúa gạo khoảng 8 triệu tấn. Để có sản lượng lúa gạo lớn, đáp ứng ngày càng khắt khe về chất lượng cho tiêu dùng và xuất khẩu, đòi hỏi nông dân phải ngày càng có "tay nghề" cao trong sản xuất, áp dụng thành thạo các biện pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến.

Nông dân trong Dự án VnSAT hỗ trợ tập huấn các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến để sản xuất lúa. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nông dân trong Dự án VnSAT hỗ trợ tập huấn các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến để sản xuất lúa. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thời gian qua, An Giang và Đồng Tháp được Dự án VnSAT chọn đầu tư hàng trăm tỷ đồng để hỗ trợ phát triển ngành hàng lúa gạo theo hướng bền vững cho đối tượng nông dân, tổ hợp tác, HTX… thông qua các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng lúa như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, tưới ngập - khô xen kẽ..., cũng như hỗ trợ vật tư thiết bị máy móc phục vụ nông nghiệp.

Hơn 5 năm qua, Dự án VnSAT hỗ trợ nông dân ĐBSCL trong canh tác lúa đã mang lại hiệu quả cao hơn so với trước đây chưa có Dự án từ 20 - 25% về năng suất, chi phí giảm đáng kể và lợi nhuận lại tăng lên từ 10 - 15%. Sản phẩm làm ra đạt chất lượng, ổn định đầu ra vì được các doanh nghiệp bao tiêu nên nông dân rất hào hứng và yên tâm tập trung sản xuất lúa.

HTX Nông nghiệp Tân Đông ở xã Mỹ Phú Đông huyện Thoại Sơn (An Giang) có diện tích gần 800 ha chuyên sản xuất lúa. Hơn 3 năm qua, HTX đã được Dự án VnSAT hỗ trợ tập huấn các quy trình kỹ thuật canh tác lúa “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” và hỗ trợ các thiết bị vật tư phục vụ canh tác lúa. Nhờ vậy đến nay, có hơn 95% nông dân trong HTX đã áp dụng thành công kỹ thuật “1 phải 5 giảm”, nhất là khâu giảm giống (từ 300 kg/ha giảm còn 110 - 120 kg/ha).

Thông qua áp dụng các quy trình kỹ thuật này và được Dự án VnSAT hỗ trợ thêm đầu tư thiết bị vật tư phục vụ sản xuất nên nhiều năm qua, việc sản xuất lúa gạo của HTX Nông nghiệp Tân Đông ngày càng được nâng cao về năng suất, chất lượng, chi phí giảm xuống đáng kể so với trước đây, tiêu thụ rất thuận lợi. 

Hơn 5 năm triển khai Dự án VnSAT, hiệu quả sản xuất lúa nhiều nơi đã cao hơn so với trước đây từ 20 - 25% về mặt năng suất, chi phí giảm đáng kể, lợi nhuận lại tăng lên từ 10 - 15%. Ảnh: Ngọc Thắng.

Hơn 5 năm triển khai Dự án VnSAT, hiệu quả sản xuất lúa nhiều nơi đã cao hơn so với trước đây từ 20 - 25% về mặt năng suất, chi phí giảm đáng kể, lợi nhuận lại tăng lên từ 10 - 15%. Ảnh: Ngọc Thắng.

Ông Lê Văn Chính, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Đông cho biết: Trước kia thành viên trong HTX chủ yếu sản xuất theo tập quán canh tác cũ, lượng giống gieo sạ cao khoảng 300 kg giống/ha, tình hình sâu bệnh tương đối cao do mật số sạ dày. 

Mặc dù một số hộ là thành viên của HTX được doanh nghiệp bao tiêu lúa và hỗ trợ kỹ thuật nhưng khâu vận chuyển, nhất là giao thông đường bộ gặp rất nhiều khó khăn do tất cả phải phụ thuộc vào đường thủy. Đặc thù của ngành hàng lúa gạo là phải được vận chuyển nhanh nhất khi thu hoạch xong về kho sấy, nếu chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng gạo, không đạt chuẩn xuất khẩu. Vì vậy đến đợt thu hoạch rộ, thường không đủ phương tiện chuyên chở (chủ yếu là ghe) khiến người dân không có thu nhập ổn định khi sản xuất lúa gạo.

Từ khi được Dự án VnSAT hỗ trợ mọi mặt cho HTX Nông nghiệp Tân Đông, ngoài việc được tập huấn các tiến bộ kỹ thuật trồng lúa, Dự án còn hỗ trợ nạo vét kinh mương, nâng cấp đường ra đồng để vận chuyển vật tư, lúa và hàng hóa thuận tiện hơn. Từ vụ đông xuân 2020 đến nay, HTX đã liên kết với Tập đoàn Lộc Trời bao tiêu giống lúa Đài Thơm 8, OM5451, IR50404, OM3830, Lộc Trời với diện tích 167 ha, sản lượng 1.500 tấn.

Nhân rộng canh tác lúa tiên tiến

Ông Lê Văn Chính, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Đông vui mừng cho biết thêm: Dự án VnSAT thực hiện trên địa bàn đã góp phần nâng cao "tay nghề" canh tác lúa cho nông dân, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định cho các công ty xuất khẩu lúa gạo. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng các công trình giao thông nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân yên tâm canh tác lúa trên địa bàn. Đời sống kinh tế của bà con trong và ngoài vùng dự án đều được cải thiện rõ rệt. 

Sự hỗ trợ kịp thời về nguồn lực hạ tầng đã giúp các HTX sản xuất lúa ở ĐBSCL nâng cao được năng lực sản xuất, gia tăng lợi nhuận. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Sự hỗ trợ kịp thời về nguồn lực hạ tầng đã giúp các HTX sản xuất lúa ở ĐBSCL nâng cao được năng lực sản xuất, gia tăng lợi nhuận. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nông dân Nguyễn Văn Hai là thành viên của HTX Nông nghiệp Tân Đông cho biết: “Tôi từ Thị trấn Núi Sập (huyện Thoại Sơn) vào đây canh tác và sinh sống từ năm 1984 đến nay. Niềm mong ước của của bà con nơi đây là có con đường sạch sẽ khô ráo để học sinh đi học và nông dân trong vùng vận chuyển lúa. Ước mơ ấp ủ bao lâu đã được Dự án VnSAT hỗ trợ thực hiện. Được Dự án tập huấn kỹ thuật, tôi đã áp dụng giảm giống khi gieo sạ còn 100 kg/ha, lúa rất ít sâu bệnh, thu hoạch năng suất ổn định, vụ nào cũng cho thu nhập rất tốt”.

Theo Ban quản lý Dự án VnSAT An Giang, Dự án triển khai từ vụ thu đông 2016 đến nay tại 45 xã thuộc 5 huyện gồm Châu Phú, Thoại Sơn, Tịnh Biên, An Phú và Tri Tôn với đối tượng tham gia gồm 26.000 hộ nông dân. Mục tiêu của Dự án nhằm hỗ trợ cho khoảng 18.000 ha trồng lúa của bà con nông dân áp dụng thành công các giải pháp canh tác tiên tiến “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” và có 5.600 ha canh tác có liên kết tiêu thụ sản phẩm, từ đó tăng thu nhập cho người trồng lúa lên 30%.

Ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Dự án VnSAT An Giang cho biết: Đến nay, Dự án đã thực hiện chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến theo quy trình “3 giảm 3 tăng” “1 phải 5 giảm” cho 23.000 lượt nông dân thông qua 750 lớp đào tạo tập huấn trên diện tích 35.500 ha. Song song đó, thực hiện 100 điểm trình diễn phục vụ các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác lúa. Ghi nhận tại các xã tham gia Dự án, hầu hết nông dân đã giảm đáng kể lượng lúa gieo sạ, phân bón, thuốc BVTV, từ đó thu nhập tăng bình quân 22,3%.

Các công trình giao thông do Dự án VnSAT đầu tư không chỉ kịp thời giải quyết khó khăn cho khâu vận chuyển lúa gạo, nông sản, mà còn giúp việc đi lại trong sinh hoạt của bà con ngày càng thuận lợi, góp phần quan trọng vào xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Lê Hoà

Các công trình giao thông do Dự án VnSAT đầu tư không chỉ kịp thời giải quyết khó khăn cho khâu vận chuyển lúa gạo, nông sản, mà còn giúp việc đi lại trong sinh hoạt của bà con ngày càng thuận lợi, góp phần quan trọng vào xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Lê Hoà

Tại Đồng Tháp, giai đoạn 2016 – 2021, Dự án VnSAT đã thực hiện mô hình trình diễn áp dụng “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm” tại 6 huyện phía bắc của tỉnh Đồng Tháp, qua đó được đánh giá là mô hình hiệu quả và hiện nay đang được nông dân tiếp tục nhân rộng.

Thực hiện mô hình này, ngành nông nghiệp các địa phương ở Đồng Tháp đã tổ chức được 566 lớp tập huấn với hơn 20 ngàn nông dân tham gia, xây dựng được 75 mô hình canh tác “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm” với 140ha, 100 nông dân tham gia. Diện tích áp dụng “3 giảm 3 tăng” và “ 1 phải 5 giảm” toàn Dự án là 24.232 ha (chiếm gần 5% diện tích gieo trồng lúa của tỉnh).

Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất lúa đã giúp người dân giảm thiểu được lượng giống, chỉ còn khoảng 8 kg/công, năng suất bình quân đạt 7 – 8 tấn lúa tươi/ha, chi phí sản xuất giảm 45 – 50% so với phương thức canh tác cũ, đảm bảo lợi nhuận cao cho người sản xuất.

Ông Võ Thành Ngoan, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết: Dự án VnSAT được triển khai trên địa bàn Đồng Tháp đã bao phủ chuỗi sản xuất lúa gạo, từ tập huấn kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” và "1 phải, 5 giảm”; xây dựng điểm trình diễn; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị cho nông dân đến việc kết nối các HTX với doanh nghiệp để hình thành những chuỗi liên kết hoàn chỉnh.

Điểm nhấn của Dự án là hướng nông dân dần sản xuất theo hướng an toàn, có truy xuất nguồn gốc, nâng cao giá trị của hạt gạo, phù hợp với xu hướng thị trường hiện nay. Đáng phấn khởi là hiện nay nông dân thực hiện mô hình đã từng bước thay đổi tư duy sản xuất, chủ động xây dựng thương hiệu lúa gạo riêng, tăng thu nhập đáng kể từ việc sản xuất theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trang thông tin có sự đồng hành của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - VnSAT

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Bình luận mới nhất