| Hotline: 0983.970.780

Đưa kiến thức về nông dân, thay đổi tư duy nông nghiệp

Thứ Bảy 05/12/2020 , 19:34 (GMT+7)

Nông nghiệp Gia Lai đổi mới nhanh hơn, đưa kiến thức về với nông dân, mở rộng thị trường, tạo thêm nguồn sinh kế cho người dân, nâng cao thu nhập.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan trong chuyến làm việc tại Gia Lai.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan trong chuyến làm việc tại Gia Lai.

Ngày 4/12, Thứ trưởng Lê Minh Hoan dẫn đầu đoàn công tác Bộ NN-PTNT đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Gia Lai về triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, xúc tiến thương mại, mở rộng và phát triển thị trường; tình hình nông hội, các chính sách phát triển hợp tác xã.

Ông Vũ Ngọc An, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai cho biết, năm 2020, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 30.186 tỷ đồng (tăng 5,84% so với cùng kỳ 2019). Trong giai đoạn 2016-2020 tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp và PTNT bình quân hàng năm đạt 5,18%.

Toàn tỉnh đã chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác được hơn 4.576 ha (đạt 150,2% kế hoạch); tái canh cà phê được hơn 12.587 ha (đạt 92,5% kế hoạch); có hơn 42.800 ha cây trồng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organicm Rainforest Alliance và hữu cơ; có hơn 28.130 ha cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; tổng diện tích rừng trồng được 33.400 ha. Toàn tỉnh có 234 hợp tác xã nông nghiệp, với khoảng 9.000 thành viên; có 160 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, 7.004 cơ sở tham gia hoạt động trong ngành chế biến. Trong xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn tỉnh có 88 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 149 sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao cấp tỉnh (22 sản phẩm 4 sao, 127 sản phẩm 3 sao)...

Đến nay, Gia Lai đã ra mắt được 61 mô hình nông hội trên địa bàn 17/17 huyện, thị xã, thành phố, với tổng số 2.025 thành viên. Các nông hội đã xây dựng quy chế hoạt động cụ thể và cơ chế hoạt động theo nguyên tắc 3 không (không bộ máy, không kinh phí, không cơ sở vật chất), 3 tự (tự quản, tự nguyện, tự quyết định công việc của nông hội), 3 cùng (cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng).

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT tham quan công ty Vĩnh Hiệp.

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT tham quan công ty Vĩnh Hiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, ông Võ Ngọc Thành nêu một số khó khăn trong phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh như: quy mô canh tác còn nhỏ lẻ, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng so với yêu cầu. Tỉnh đề xuất Trung ương hỗ trợ tỉnh về đầu tư thủy lợi, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng như một số điều kiện sản xuất cần thiết để đáp ứng yêu cầu về xuất khẩu...

“Gia Lai tiếp tục xác định nông, lâm nghiệp là thế mạnh và là nền tảng ổn định lâu dài. Do đó, tỉnh tiếp tục phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại gắn với công nghiệp chế biến nông, lâm sản, liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ. Tích cực thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư chế biến sâu các sản phẩm chủ lực phục vụ xuất khẩu. Đẩy mạnh phát triển những sản phẩm có giá trị cao như: cà phê, rau hoa, cây dược liệu, cây ăn quả, cây lâm nghiệp. Nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 47,75% và bình quân mỗi năm trồng mới khoảng 8.000 ha rừng. Gia Lai phấn đấu đến năm 2025 có trên 120 xã đạt chuẩn nông thôn mới...”,  ông Võ Ngọc Thành cho biết.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan ghi nhận Gia Lai đã quyết liệt trong việc phát triển nông nghiệp hàng hóa với quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến, đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghiệp cao, công nghiệp chế biến nông lâm sản.

“Tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả mô hình nông hội của tỉnh để đưa kiến thức về với nông dân, làm thay đổi được nhận thức của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp, chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”.

Trong chuyến công tác, ngày 4-5/12, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã đến tham quan và làm việc với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Công ty Phát triển khoa học quốc tế Trường Sinh ở TP Pleiku. Tại đây, Thứ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao những thành công các doanh nghiệp đạt được và mong muốn doanh nghiệp đổi mới sản xuất nhanh hơn, mở rộng được thị trường, tạo thêm nguồn sinh kế cho người dân, nâng cao thu nhập.

Sáng 5/12, đoàn công tác của Bộ NN- PTNT đã tham quan Nhà máy chế biến rau quả Doveco Gia Lai tại huyện Mang Yang. 

Nhà máy chế biến rau quả Doveco Gia Lai đi vào hoạt động từ cuối năm 2019, công suất chế biến 52 ngàn tấn/năm với các sản phẩm chanh dây và một số loại rau củ quả khác. Hiện nay đơn vị đã thực hiện liên kết phát triển vùng nguyên liệu với diện tích hàng ngàn hecta. Nhà máy chế biến rau quả Doveco Gia Lai đi vào hoạt động đã góp phần thúc đẩy phong trào phát triển sản xuất rau quả trên địa bàn Gia Lai và các tỉnh trong khu vực. Trong đó, đặc biệt là chanh dây - một trong những loại cây trồng rất phù hợp phát triển ở Gia Lai và hiện đang dẫn đầu cả nước về diện tích với hơn 30 ngàn ha. 

Đoàn đã tham quan dây chuyền sản xuất nhà máy và kiểm tra quy trình vườn ươm, nhân giống chanh dây của nhà máy. Thứ trưởng Lê Minh Hoan hoan nghênh sự có mặt của Doveco trên vùng đất Gia Lai - địa phương giàu tiềm năng, lợi thế về phát triển sản xuất nông nghiệp, ngoài thế mạnh về sản xuất cây công nghiệp dài ngày, Gia Lai còn thích hợp cho phát triển nhiều loại cây ăn trái. 

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.

Thái Bình phục hồi 'làng muối tâm linh’

Hạt muối sạch phơi cát Tam Đồng sẽ được phục hồi gắn với du lịch tâm linh, với di tích Đền Bà chúa Muối nức danh cả nước và sẽ là 'hạt muối di sản'.