| Hotline: 0983.970.780

Hậu phương tuyến lửa Hàm Rồng

Thứ Sáu 17/04/2015 , 14:52 (GMT+7)

Hơn 10 năm bám trụ bảo vệ cầu Hàm Rồng, cựu binh Lê Xuân Giang cùng đồng đội đã bắn rơi 117 máy bay, bắt sống 4 phi công. Tinh thần anh dũng của các chiến sỹ đã làm nên chiến thắng Hàm Rồng huyền thoại.

Năm 1965, khi quyết định mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, đế quốc Mỹ coi cầu Hàm Rồng, TP Thanh Hóa là “điểm tắc” huyết mạch nối hai miền Nam - Bắc.

Chúng dùng mọi thủ đoạn, sử dụng đủ loại vũ khí hiện đại đánh phá cây cầu nhằm cắt đứt tuyến đường giao thông huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam. 220 chiến sỹ Trung đoàn 228 Hàm Rồng đã anh dũng hi sinh để bảo vệ “niềm tin của bốn phương gửi về”.

07-48-50_3
Một tên giặc lái của Mỹ bị dẫn giải qua cầu Hàm Rồng

Hai ngày đen tối của không lực Hoa Kỳ

Dù đã bước qua ngưỡng thất thập nhưng khi chúng tôi ngỏ ý muốn nghe lại khí thế hào hùng của chiến dịch bảo vệ cầu Hàm Rồng 50 năm về trước, cựu binh Lê Xuân Giang, TP Thanh Hóa kể rành rọt từng trận đánh với đủ cung bậc cảm xúc, vừa tự hào vừa bồi hồi xúc động.

Năm 1904 thực dân Pháp xây dựng cầu treo Hàm Rồng nối đôi bờ sông Mã. Đến năm 1945 trong chiến dịch tiêu thổ kháng chiến quân ta phá hủy cây cầu này. Năm 1962 cầu Hàm Rồng được khởi công xây dựng trở lại và khánh thành đúng ngày sinh nhật Bác (19/5/1964). Cầu gồm 2 nhịp dầm thép, ở giữa là đường sắt, hai bên là đường ô tô và đường dành cho người đi bộ. Trong kháng chiến, cầu Hàm Rồng có vị trí giao thông cực kỳ quan trọng, giúp giữ vững mạch máu lưu thông, vận chuyển quân, lương thực, vũ khí cho miền Nam. Ngày nay cây cầu trở thành một di tích lịch sử vô giá, là địa điểm tham quan thu hút khách du lịch mỗi khi tới TP Thanh Hóa.

Năm 1965, ông Giang nhập ngũ, sau đó được phân công vào Trung đoàn 228 Hàm Rồng, thực hiện nhiệm vụ của một trắc thủ ra-đa chiến đấu trên đồi C4.

Thời điểm ấy khẩu đội 4, Đại đội 4 được được xem là hỏa lực số một bảo vệ cầu có hiệu quả nên giặc Mỹ tìm mọi cách ném bom đánh phá.

“Chiều 3/4/1965, máy bay Mỹ bắt đầu chao lượn trên bầu trời, thả 350 quả bom, bắn 149 quả rốc-két xuống Hàm Rồng, nhưng cây cầu vẫn sừng sững, hiên ngang. Toàn lực lượng Trung đoàn được huy động đánh vỗ mặt đối phương, kết quả trận đánh này có 17 chiếc bị bắn hạ”, ông Giang nhớ lại.

Giặc Mỹ không chấp nhận thất bại, đến 10h20’ ngày 4/4, chúng tiếp tục tăng cường máy bay phá cầu Hàm Rồng từ nhiều phía.

Nhưng nhờ bày binh bố trận hợp lý, nắm bắt được điểm yếu của địch, quân đội ta bắn hạ thêm được 30 chiếc máy bay, đưa tổng số máy bay giặc Mỹ bị bắn rơi trong 2 ngày 3 - 4/4/1965 lên 47 chiếc. Đây được ví là hai ngày đen tối nhất của không lực Hoa Kỳ.

Còn với chiến sỹ bảo vệ cầu Hàm Rồng, khí thế chiến thắng trận đầu đã khơi dậy lòng yêu nước sục sôi trong họ, hàng trăm nam thanh, nữ tú thi nhau đào hầm, vận chuyển vũ khí, đạn dược trong đêm.

Sau trận đánh ngày 3 - 4/4, đế quốc Mỹ càng đánh phá cầu Hàm Rồng ác liệt hơn. Vào ngày 28/7/1965, Mỹ công kích vào trận địa bằng súng 20 ly.

07-48-50_5
Xác máy bay giặc Mỹ bị quân đội ta bắn hạ

Khẩu đội 4 bị thương 4 người, trong đó đồng chí Nguyễn Văn Điền bị 11 vết thương nhưng vẫn bám trụ chiến đấu cho đến khi bị ngất, những người bị thương còn lại không rời vị trí.

Sau ngày đó, khẩu hiệu “Bị thương nặng không kêu ca, bị thương nhẹ không rời vị trí” được các chiến sỹ khắc sâu trong tâm trí.

Thà gục trên mâm pháo...

Ngày 3/9/1967, địch lại dùng loại bom bi quả ổi để ném vào trận địa của ta (loại bom này chứa 365 bi con). Khẩu đội 4 có 6 chiến sỹ thì hy sinh 4 người, trong đó có khẩu đội trưởng Nguyễn Đắc Trung, quê ở tỉnh Hà Tây cũ.

“Mặc dù trận đánh đã kết thúc nhưng pháo vẫn bắn liên hồi. Khi chúng tôi chạy đến hầm thì cả khẩu đội vẫn ngồi theo một đội hình. Pháo thủ số 1 Nguyễn Bá Chữ đã hi sinh nhưng chân anh đang đặt trên cò pháo nên pháo vẫn vãi đạn.

Nhìn máu các anh tràn trên mâm pháo, chúng tôi không cầm được nước mắt. Sau trận này, câu khẩu hiệu “Thà gục trên mâm pháo, quyết không để cầu gục” lại được đồng đội hô vang như một lời thề quyết tâm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”, ông Lê Xuân Giang bồi hồi nhớ lại.

07-48-50_4
Vận chuyển lương thực chi viện cho chiến trường miền Nam

Trận chiến ngày 18/1/1967, Mỹ tiếp tục điên cuồng thả bom xuống cầu Hàm Rồng. Lần này không phải là bom bi mà là bom sát thương. Trận đánh vô cùng ác liệt khiến 5/6 pháo thủ hy sinh tại chỗ, nhiều chiến sỹ cháy đen không còn hình dạng, buộc phải dựa vào giày dép, vị trí ngồi để nhận dạng.

Như một cái dớp, Khẩu đội 4 trở thành “điểm đen” của địch, nhưng lại là nỗi ám ảnh đối với chiến sỹ của ta. Việc thành lập lại khẩu đội lần thứ ba phải dựa vào tinh thần tự nguyện.

Nhắc lại ký ức này, cựu binh Lê Xuân Giang tự hào về tinh thần quả cảm của các đồng đội: “Không run sợ trước giặc, nhiều anh em đã xung phong vào khẩu đội 4, chiến sĩ Lê Xuân Thanh, người duy nhất sống sót trong trận chiến ngày 18/1 cũng đã tình nguyện ở lại chiến đấu và làm khẩu đội trưởng tiếp tục chỉ huy”.

3 năm chiến đấu ác liệt (1965 - 1967), máu của đồng đội đổ xuống vô cùng lớn nhưng nhân dân xứ Thanh lúc bấy giờ tự hào vì lực lượng quân đội đã tiêu diệt được 99 máy bay địch.

Thành quả to lớn này được Bác Hồ ghi nhận, mời đồng chí Lê Xuân Thanh ra gặp Bác (năm 1968).

Giữa Thủ đô Hà Nội, Bác đã nói “Nếu Thanh Hóa bắn rơi máy bay thứ 100 thì Bác sẽ vào thăm”. Trở về, chiến sỹ Thanh truyền đạt lại lời Bác với Trung đoàn Hàm Rồng, tất cả chiến sỹ lại ra khẩu hiệu “Quyết tâm bắn rơi máy bay thứ 100”.

Tuy nhiên, sau đó Mỹ ngừng bắn phá cầu Hàm Rồng cho tới năm 1971 mới bắt đầu mở lại chiến dịch đánh phá lần 2.

“Trong giai đoạn này, năm 1967 là một trong những năm chiến trang ác liệt nhất. Mỗi ngày giặc Mỹ huy động 30, 40 chiếc máy bay quần phá từ 6h sáng đến 6h chiều”, ông Giang nhấn mạnh.

Khi Tổng thống Richard Nixon lên nắm quyền, thủ đoạn đánh phá của giặc Mỹ ngày càng thâm hiểm hơn. Hàng loạt máy bay cường kích F105, F4H, A4, A6A… nối đuôi nhau thả bom B52 xuống cầu Hàm Rồng.

“Đau đớn nhất là trận đánh vào đêm 21/4/1972 khiến hai làng Phượng Mao (Hoằng Hóa) và Hạc Oa (Đông Cương) bị cháy rụi. Hàng trăm người dân thiệt mạng.

Và trận đánh của Mỹ vào đê sông Mã ngay sát cầu Hàm Rồng ngày 14/6/1972 khiến 64 giáo sinh trường y sĩ và trường sư phạm 7+3 hy sinh, hàng trăm người khác bị thương khi đang đắp đê”, ông Lê Xuân Giang kể lại.

Ngoài đánh phá bằng bom B52, đế quốc Mỹ còn sử dụng bom laze để cắt từng thanh sắt cầu Hàm Rồng. Điểm yếu của loại bom này là phải dừng cơ động để ngắm mục tiêu nên bộ đội ta lựa chọn thời điểm bắn theo phương châm “đánh bằng cánh, đánh bổ nhào”, buộc địch chao liệng bỏ cuộc.

Hơn 10 năm bám trụ bảo vệ cầu Hàm Rồng, cựu binh Lê Xuân Giang cùng đồng đội đã bắn rơi 117 máy bay, bắt sống 4 phi công. Tinh thần anh dũng của các chiến sỹ đã làm nên chiến thắng Hàm Rồng huyền thoại.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khoanh vùng thiếu nước để ngừng sản xuất nông nghiệp

Công ty Thủy lợi Khánh Hòa khuyến cáo người dân không tự ý sản xuất đối với diện tích đã khoanh vùng tạm dừng sản xuất, nhằm tránh thiệt hại do không có nước tưới.