| Hotline: 0983.970.780

Hơn 1.200ha lúa xuân dọc sông Lam bị hạn nặng

Chủ Nhật 19/03/2023 , 17:43 (GMT+7)

NGHỆ AN Trời không mưa, thời tiết khô hanh kéo dài, mực nước sông Lam xuống thấp khiến các trạm bơm không thể lấy nước nên hàng nghìn ha lúa xuân dọc sông Lam bị hạn nặng.

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay ở Nghệ An hầu như không có mưa, nước ở các sông suối, hồ đập xuống thấp, nhất là mực nước sông Lam đoạn từ Cửa Hội (Bến Thuỷ) ngược lên các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, lên đến đập Bara Đô Lương mực nước sông hơn 15 ngày nay xuống quá thấp, các trạm bơm điện dọc hai bên bờ sông phải ngừng hoạt động khiến hơn 1.200 ha lúa xuân đang thời kỳ đẻ nhánh gặp hạn nặng.

Trạm bơm dừng hoạt động, hạn có khả năng kéo dài

Từ khi gieo cấy lúa xuân đến nay, trời không có mưa, khô hanh kéo dài, nước sông Lam lại xuống quá thấp nên các trạm bơm điện dọc hai bên bờ sông Lam không thể hoạt động được khiến nhiều diện tích lúa xuân ở các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương và Đô Lương có nguy cơ thất thu.

Thanh Chương huy động máy móc và người dân nạo vét, khắc phục để trạm bơm Văn Long (xã Đại Đồng) có thể vận hành.

Huyện Thanh Chương huy động máy móc và người dân nạo vét, khắc phục để trạm bơm Văn Long (xã Đại Đồng) có thể vận hành. Ảnh: Thúy Vinh.

Ông Đinh Hữu Thắng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đại Đồng (huyện Thanh Chương) cho biết, HTX có 70ha lúa được tưới nước từ trạm bơm Văn Long, do nước sông Lam xuống quá thấp nên máy bơm phải ngừng hoạt động. Giai đoạn này lúa đang thời kỳ đẻ nhánh, rất cần nước, nhiều diện tích lúa sau khi bà con nông dân phun thuốc diệt cỏ, không có nước cho vào nên cả ruộng lúa bị vàng, đỏ lá. Thậm chí có những ruộng nước khô cạn quá, không thể tỉa dặm, bón phân thúc để cho lúa đẻ nhánh.

Trước tình hình đó, HTX huy động bà con nông dân ra đồng nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, nối dài thêm ống hút của trạm bơm để tiếp tục bơm nước vào đồng ruộng. Mặc dù vậy, trời không có mưa kéo dài, nước sông Lam tiếp tục cạn thì khả năng chống hạn, cứu lúa khó giải quyết được trong những ngày tới.

Ông Thái Đăng Phương, Phụ trách Công ty TNHH Thuỷ lợi Thanh Chương cho biết, toàn huyện Thanh Chương có 10 trạm bơm do Công ty quản lý, gần 10 ngày nay có 8 trạm đã ngừng hoạt động do mực nước sông Lam xuống quá thấp, các trạm bơm phải treo ống hút. Phần lớn các trạm bơm do Công ty quản lý đã được xây dựng cách đây vài chục năm, xuống cấp nghiêm trọng, hễ khi nước sông Lam xuống thấp là phải ngừng hoạt động, ảnh hưởng lớn đến sản xuất không những cho vụ lúa xuân này mà cả vụ lúa hè thu sắp tới nếu trời vẫn tiếp tục nắng hạn kéo dài.

Kênh mương không lấy được nước, trong khi đồng ruộng khô khát. Ảnh: Hữu Song.

Kênh mương không lấy được nước, trong khi đồng ruộng khô khát. Ảnh: Hữu Song.

Ông Lê Đình Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho hay: Trời không có mưa kéo dài, lại thêm hanh heo nên trên đồng ruộng khô cạn nước nghiêm trọng. Trong khi đó, các trạm bơm hai bên bờ sông Lam ngừng hoạt động do nước sông xuống quá thấp đã làm cho gần 1.000 ha lúa xuân đang thời kỳ đẻ nhánh bị ảnh hưởng. Trước tình hình hạn hán có xu hướng ngày càng nghiêm trọng, UBND huyện đã chỉ đạo Công ty TNHH Thuỷ lợi của huyện và UBND các xã, thị trấn tiến hành nhiều biện pháp khắc phục, nhưng đến thời điểm này là “bất khả kháng”.

Tại xã Trung Sơn (huyện Đô Lương), bà Hoàng Thị Hồng Hạnh, Bí thư Đảng uỷ xã cho biết toàn xã có 200ha lúa xuân hoàn toàn dựa vào nguồn nước tưới từ trạm bơm lấy nước sông Lam lên. Nhưng đã 3 tuần nay mực nước sông Lam ngày càng xuống thấp, trạm bơm không thể hoạt động được, lúa lại đang thời kỳ đẻ nhánh rộ, ruộng khô cạn nước nên việc bón phân thúc cho lúa đẻ không được, nguy cơ mất mùa do hạn hán dễ xẩy ra.

Để tạo nguồn nước cho máy hoạt động, UBND xã đã huy động nhân dân nạo vét sâu kênh dẫn nước từ ngoài lòng sông vào tận trạm bơm và nối dài thêm 4 ống hút cho máy bơm có nước hoạt động. Nhưng, khả năng hạn cũng khó khắc phục được vì nước sông Lam tiếp tục xuống thấp.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thuỷ văn vùng Bắc Trung Bộ, khả năng thời gian tới ở Nghệ An trời vẫn tiếp tục nắng, khô hanh, không có mưa, mực nước ở các con sông lớn, nhất là sông Lam sẽ xuống thấp. Vì vậy, khả năng hạn hán sẽ còn kéo dài.

Tập trung ưu tiên chống hạn cho lúa

Trước tình hình các trạm bơm dọc sông Lam tiếp tục không hoạt động được do mực nước sông xuống thấp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Văn Đệ đã đi kiểm tra cụ thể một số trạm bơm dọc sông Lam ở các huyện Thanh Chương, Đô Lương.

bna-thanh-van-anh-phu-huong-3666-0800

Các địa phương dọc sông Lam huy động máy móc, nhân lực nạo vét luồng lạch để nước vào trạm bơm. 

Tại huyện Thanh Chương, ông Đệ đã kiểm tra các trạm bơm Đồng Văn, Thanh Văn và trạm bơm Rạng. Các trạm bơm này đã tạm dừng hoạt động hơn 1 tuần nay do mực nước sông Lam xuống quá thấp, không đủ nguồn nước cho các trạm bơm vận hành, làm cho gần 1.000ha lúa xuân ở Thanh Chương đang ở thời kỳ đẻ nhánh ở các xã Cát Văn, Phong Thịnh, Đại Đồng, Đồng Văn, Thanh Ngọc… bị hạn nặng.

Tại huyện Đô Lương, ông Nguyễn Văn Đệ đã đến kiểm tra trạm bơm Trung Sơn. Trạm bơm này cũng không hoạt động do mực nước sông Lam quá cạn. Hiện đơn vị quản lý và bà con nông dân trong vùng đang tập trung nạo vét kênh dẫn, bể hút để có nguồn nước cho máy hoạt động.

Trước tình hình nguồn nước tưới cho các xã dọc sông Lam thuộc 2 huyện Thanh Chương và Đô Lương tiếp tục khó khăn và có nguy cơ nghiêm trọng bởi thời tiết thời gian tới có thể sẽ xẩy ra nắng nóng, không có mưa, ông Nguyễn Văn Đệ yêu cầu Sở NN-PTNT Nghệ An ưu tiên tập trung chỉ đạo các đơn vị thuỷ lợi phối hợp với các địa phương huy động nhân lực, vật lực nạo vét hệ thống kênh dẫn, bể hút, cần thiết nối dài ống hút để có nước cho các trạm bơm hoạt động. Trường hợp không thể nối dài ống hút thì huy động các trạm bơm dã chiến để bơm hỗ trợ, bổ sung nguồn nước.

Các trạm bơm không còn lấy được nước từ sông Lam.

Các trạm bơm không còn lấy được nước từ sông Lam. Ảnh: Thúy Vinh.

Trong quá trình thực hiện, nếu có nhu cầu về kinh phí hỗ trợ, UBND tỉnh giao ngành NN-PTNT khảo sát, đánh giá, lập dự toán trình UBND tỉnh giải quyết. Đồng thời UBND tỉnh giao ngành NN-PTNT phối hợp với các đơn vị thủy điện thống nhất phương án vận hành các hồ chứa xả nước phục vụ phòng chống hạn cho lúa xuân.

Với tinh thần tập trung ưu tiên chống hạn cho cây lúa, ông Phùng Thành Vinh, Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An cho biết, hạn hán xẩy ra vào thời điểm này cực kỳ nguy hiểm, lúa xuân đang ở giai đoạn đẻ nhánh rộ, người dân cần có nước để bón phân thúc cho lúa đẻ nhánh. Vì vậy, Sở NN-PTNT sẽ huy động cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý trong toàn ngành xuống các cơ sở sản xuất cùng với cán bộ và nhân dân các địa phương tiến hành các biện pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất để kịp thời có nước chống hạn cứu lúa.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.