| Hotline: 0983.970.780

Làm gì để giữ nước cho đồng bằng sông Cửu Long?

Thứ Tư 15/04/2020 , 08:03 (GMT+7)

Năm nay hạn dữ dội, nước biển lại dâng cao. Bà con ta ở ĐBSCL đang gồng mình chống đỡ với thiên nhiên nghiệt ngã.

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng (phải), người luôn có nhiều đóng góp tâm huyết cho ĐBSCL. Ảnh: NVCC.

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng (phải), người luôn có nhiều đóng góp tâm huyết cho ĐBSCL. Ảnh: NVCC.

Rất nhiều biện pháp đã được đưa ra. Tuy nhiên, đó chỉ là cách giải quyết tức thời. Thấy bà con đi chở từng can nước về để dùng mà chúng ta xót xa. Phải cố gắng tìm ra cách nào giải quyết thật căn cơ cho tình trạng này.

Nguyên nhân của việc thiếu nước thì đã rõ. Dòng Mê Kông bây giờ được chắn bởi 22 đập thủy điện khổng lồ suốt từ Trung Quốc, qua Lào, qua Thái Lan, Campuchia rồi mới về tới Việt Nam.

Ngay tại Biển Hồ của Campuchia, lượng nước cũng bị hụt đi rất nhiều. Trong lúc, ta ở cuối nguồn nên rất khó chủ động được nguồn nước. Do đó, phải nghĩ ra cách gì để trữ được nước cho ĐBSCL.

Tôi nhớ, trước đây có một chuyên gia về thủy lợi (hay một giáo sư nào đó) đã đề xuất việc đào một số hồ lớn (rộng hàng trăm héc ta) để trữ nước. Đó là một ý tưởng hay nhưng không biết có khả thi hay không. Nếu được như vậy thì ta mới chủ động được nguồn nước.

Cũng có người đề xuất đào thêm một số con kênh để đưa nước ngọt từ các con sông phía trên dồn xuống những vùng bị hạn và bị nước mặn tràn vào. Nhưng ta phải tính toán vì ĐBSCL độ cao trung bình chỉ có 0,8m! Độ dốc rất thấp nên dòng chảy sẽ bị hạn chế.

Trước tình hình này, chúng tôi có ý định xin khôi phục lại những vú nước mà xưa kia chúng ta đã có ở Đồng Tháp Mười và vùng tứ giác Long Xuyên.

Ngày xưa, khi lũ về, một phần nước chảy theo sông ra biển, còn một phần được trữ lại trong những cánh rừng ngập nước ở vùng này. Chính đó là nguồn nước dự trữ để đến mùa khô sẽ cấp cho ĐBSCL. Có thể coi đó như là Biển Hồ của Việt Nam.

Nhưng sau ngày miền Nam giải phóng, do tình hình lương thực khó khăn nên ta đã phá hết những khu rừng này để trồng lúa. Chủ trương ấy vào thời điểm đó là đúng đắn. Nhưng tới nay, ta có đủ diện tích để đảm bảo an toàn lương thực rồi thì có thể trả lại những khu rừng ngập nước xưa thành những vú nước dự trữ cho ĐBSCL được không?

Chúng tôi không phải là chuyên gia trong lĩnh vực này nên rất ái ngại khi nêu ra ý kiến đó. Kính mong những người hiểu biết sâu hơn về lĩnh vực này sẽ phán quyết giúp chúng tôi.

Nhưng nếu các vị cho đề xuất ấy là đúng thì chúng ta lại phải nghĩ tới việc làm sao để bà con sống ở vùng đó có được những nguồn thu không kém gì trồng lúa. Việc này chắc sẽ có rất nhiều đề xuất vì hiện nay việc chuyển đổi cách làm ăn trên mặt trận nông nghiệp đang diễn ra rất sôi động. Chúng tôi cũng đã ấp ủ rất nhiều đối tượng cả vật nuôi và cây trồng cho những vùng đất ngập nước này.

Đây cũng là việc rất lớn và có tầm chiến lược. Ta phải cân nhắc rất kỹ. Chúng tôi không đủ trình độ để đánh giá và bảo vệ đề xuất của mình. Vì vậy, kính mong các chuyên gia bề trên phán xét xem: nên hay không nên làm. 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.