Cứ mưa là run cầm cập
Kiến nghị thu hồi đất để tái định cư cho người dân
“Chúng tôi đã kiến nghị tỉnh thu hồi, giao cho huyện trên 430ha đất do Công ty lâm nghiệp Cẩm Ngọc quản lý để huyện xây dựng khu tái định cư cho người dân. Mặt bằng thì về lâu dài có thể giải quyết được nhưng khó khăn nhất là nguồn lực đầu tư. Để xây dựng các khu tái định cư, cần trên 43 tỷ đồng trong khi Bá Thước vẫn là 1 huyện nghèo, nguồn lực chưa thể đáp ứng một sớm một chiều”, ông Võ Đình Khoa, Chủ tịch UBND huyện Bá Thước.
Con đường từ trung tâm UBND xã Lũng Cao (huyện Bá Thước, Thanh Hóa) vào làng Bố đã được Nhà nước đầu tư đổ bê tông. Cuộc sống người dân làng Bố cũng đã ổn định từ hàng chục năm nay. Nhưng một điều kỳ lạ là, người dân làng Bố thì không ngừng “bỏ làng” ra đi. Nói “bỏ làng” nhưng thực chất, nhiều ngôi nhà tại làng Bố đang được người dân dỡ, chuyển đến vị trí khác, phòng tránh mưa gây sạt lở đất đá.
Sống dưới chân núi Pu Hang, những ngôi nhà sàn và cả tính mạng người dân làng Bố đứng trước nguy cơ bị đất đá vùi lấp bất cứ lúc nào.
Để lên được ngôi nhà của ông Ngân Văn Tông, chúng tôi phải leo lên gần tận đỉnh đồi Pu Hang. Ngôi nhà vợ chồng ông Tông ở cao nhất, những “bậc thang” lên nhà được ông tạo ra bằng cách đóng cọc cây rừng, có tay vịn. Phía trước ngôi nhà sàn, vợ chồng ông cũng kiếm cọc về nêm chặt, đề phòng sạt lở đất.
Đây không phải là chuyện riêng của nhà ông Tông mà còn là việc của cả người dân các làng Bố, Trình, Nủa... thuộc xã Lũng Cao. Nhà nào cũng như nhà nào, những cọc cây rừng được đóng nêm chặt trước sân nhà đề phòng sạt lở đất khi mùa mưa đến.
“Cứ mưa đến là nhà nhà thức trắng đêm. Làng Bố ở từ triền đồi lên đến đỉnh núi Pu Hang từ 40 - 50 năm nay nhưng chưa bao giờ có cảm giác bất an như bây giờ. Hễ trời sắp mưa là vợ chồng, con cái tôi phải dắt díu nhau sang nhà người thân ở làng dưới lánh nạn”, ông Tông chia sẻ.
Theo lời kể của ông Tông, ông ra ở riêng từ năm 1988, dựng một ngôi nhà sàn trên đỉnh Pu Hang. Cuộc sống cũng dần ổn định nhưng khoảng 10 năm lại đây, ngọn núi này thường xuyên sạt trượt, ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người dân trong làng.
Ông Tông nhớ như in trận mưa vào tháng 10/2017. Lúc đó, vào tầm 4 giờ sáng, gia đình ông đang thức để di chuyển đồ dùng trong nhà sang nhà bà con thì tiếng đất đá ầm ầm đổ xuống đến tận chân nhà sàn. Vợ chồng, con cái ông vùng chạy ra khỏi nhà, chạy xuống chân núi rồi cứ thế, trong đêm tối mịt mùng, mưa xối xả dắt díu nhau ra giữa cánh đồng làng.
“Khi ngoảnh đầu nhìn lại thì thấy cả làng đỏ điện, người nào người nấy chạy hối hả về phía những cánh đồng làng; trẻ con, người nhà gào thét; 10 ngôi nhà bị đổ sập hoàn toàn, rất may không ai bị thương. Nhà tôi bị vùi lấp hết lúa gạo để dưới nhà sàn, đất đá tràn vào phải một tuần sau mới dọn sạch. Trận ấy, mưa gần như cả tuần liền, đất trên núi ngấm nước, bở ra rồi sạt trượt. Đến nay, sau núi Pu Hang vẫn còn nhiều vết nứt, cỏ cây mọc lấp hết nhưng hễ mưa là làng Bố lại đứng trước nguy cơ bị sạt lở”, ông Tông cho hay.
Không chỉ ở núi Pu Hang, dọc tuyến đường nhựa chỉ cách UBND xã Lũng Cao chừng dăm trăm mét, tình trạng sạt lở cũng diễn ra thường xuyên. Cách đây chưa lâu, mưa lớn kéo theo đất đá ập vào nhà vợ chồng chị Hà Thị Hà. Chị Hà vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể về sự việc.
“Mưa to hai ba ngày liền, gia đình tôi cũng không ai dám ngủ. Khoảng 3 giờ sáng, khi vợ chồng, con cái đang ở trên nhà sàn thì nghe tiếng đất đá ầm ầm đổ xuống tầng dưới. Đất đá, nước làm sập tường phía sau, vùi lấp hết lúa gạo. Rất may, nhà sàn không bị sập. Gia đình tôi phải nhờ người đến dọn đất đá cả tuần mới xong”, chị Hà chỉ vào bờ tường vị vùi lấp kể lại.
Dỡ nhà bỏ đi
Vào làng Bố, không khó để thấy những con đường mới. Nói là con đường nhưng thực chất đó chỉ là những lối đi nhỏ, được người dân nới rộng ra sau khi dọn hết đất đá từ trên núi đổ xuống. Những hộ không có đất nơi khác, không nhờ được đất để dựng nhà ở tạm như ông Ngân Văn Thao, Ngân Văn Tông... thì vẫn phải cố thủ ở núi Pu Hang chờ được di dời tái định cư. Vì thế, cứ sau một trận mưa, những hộ ở lại làng Bố phải dọn đường vào nhà. Nhiều hộ, vết sạt trượt ở ngay phía trước móng nhà nhưng không có đất để di dời nên phải xây móng phía dưới bằng đá, bên trên phủ bạt để tránh nước ngấm vào đất gây sạt lở.
Cán bộ đứng ngồi không yên
“Mưa xuống, không chỉ người dân mà cán bộ xã cũng không ngủ được. Đến mùa mưa, cán bộ, công chức xã phải luôn trong trạng thái sẵn sàng đến nhà các hộ dân để vận động họ chuyển đến nơi ở tạm. Sợ nhất là khi cán bộ về thì người dân quay lại nhà, nguy cơ gặp nạn là rất cao. Hiện toàn xã còn 282 hộ, trong đó có 150 hộ cần di dời khẩn cấp. Người dân Lũng Cao vẫn đang phải sống trong cảnh bất an, lo lắng khi mùa mưa đến” – Ông Lò Minh Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Cao.
Vào làng Bố cũng không khó để bắt gặp những ngôi nhà đã được dỡ bỏ, chỉ còn lại nền móng, những thứ đồ cũ kỹ, bẩn thỉu trên nền. Có hộ dùng nền nhà để làm chuồng trâu, bò còn người thì đã đi sang chỗ khác lánh nạn.
“Ở đây nhiều hộ đã chuyển đi rồi. Nhà tôi không có chỗ nào ở nữa nên phải ở lại đây. Cứ sau mỗi trận mưa là lại phải dọn đường. Đất đá sạt lở, tính mạng con người không biết rồi đây sẽ ra sao. Nếu không được tái định cư, gia đình tôi cũng phải tìm cách chuyển đi chứ ở đây sợ lắm”, ông Thao vừa dọn đống đất án ngự giữa lối vào nhà vừa than thở.
Dẫn chúng tôi lên ngọn núi Pu Hang ngay sau nhà, ông Vi Văn Biển, một người dân làng Bố vạch lớp thực bì che kín vết nứt rồi nói: “Ở thì sợ, đi thì không có nơi nào dựng được nhà. Đành phải chấp nhận, đến đâu hay đến đó. Nhà tôi nhiều lần bị sạt đất đá vào nhà rồi. Chỉ mong Nhà nước sớm cho tái định cư chứ ở đây sợ lắm!”.
Ông Lò Minh Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Cao cho biết, không chỉ làng Bố mà nhiều làng khác như làng Cao, làng Trình, làng Nủa, làng Bá, làng Pốn Thành Công cũng đang sống trong tình trạng nơm nớp lo sợ. Theo thống kê của ông Chiến, từ năm 2006 đến nay, toàn xã có 391 hộ có nguy cơ và nguy cơ cao về sạt lở, ngập lụt và lũ quét. Năm 2019, xã có 109 hộ được di dời, hiện vẫn còn 282 hộ có nguy cơ về sạt lở, ngập lụt và lũ quét, trong đó có 150 hộ có nguy cơ cao.
Theo báo cáo của UBND huyện Bá Thước, từ năm 2014 đến nay huyện đã hỗ trợ di dời được 326 hộ gia đình đến nơi ở mới an toàn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn trên 1 nghìn hộ (4.224 khẩu) nằm trong khu vực có nguy cơ về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt; tập trung chủ yếu tại các xã nằm trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông như: Lũng Cao, Cổ Lũng, Lũng Niêm.
Trước tình hình này, UBND huyện Bá Thước đã nhiều lần đề nghị UBND tỉnh thu hồi, bàn giao lại cho huyện quản lý trên 430ha do Công ty lâm nghiệp Cẩm Ngọc quản lý để xây dựng các khu tái định cư tập trung cho người dân. Tuy nhiên, đến nay UBND tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa có quyết định cụ thể khiến tính mạng, của cải của người dân như ngàn cân treo sợi tóc.
Ông Võ Minh Khoa, Chủ tịch UBND huyện Bá Thước cho biết, từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn huyện chịu ảnh hưởng 17 đợt thiên tai làm cho 1 người bị thương, gần 1,2 nghìn nhà bị ảnh hưởng và nhiều tài sản, công trình bị hư hỏng, cây trồng vật nuôi bị thiệt hại. Ước thiệt hại do thiên tai gây ra từ năm 2018 đến nay là 228 tỷ đồng. Vì vậy, việc xây dựng các khu tái định cư là nhiệm vụ cấp thiết nhưng hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn.