| Hotline: 0983.970.780

Mai Tết gặp 'họa kép'

Thứ Ba 10/01/2023 , 08:30 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Khi mai cảnh nở sớm, nhà vườn lo ngay ngáy. Đến khi trời trở lạnh kéo dài lại khiến những lứa búp sau bị 'điếc', khó lòng nở hoa kịp Tết, nhà vườn khóc ròng…

Lạnh kéo dài, mai bị "điếc"

Bình Định, chưa bao giờ thời tiết “đỏng đảnh” như năm nay. Hết nắng ấm kéo dài đến lạnh sâu hơn nửa tháng trời gây hại cho mai cảnh hết đợt này đến đợt khác.

Người trồng mai cảnh bán Tết ở Bình Định lo lắng vì những búp mai bị “điếc” do lạnh kéo dài. Ảnh: V.Đ.T.

Người trồng mai cảnh bán Tết ở Bình Định buồn thiu vì những búp mai bị “điếc” do lạnh kéo dài. Ảnh: V.Đ.T.

Nửa sau tháng 11 âm lịch, khi ấy các làng mai cảnh ở Thị xã An Nhơn (Bình Định) chưa lặt lá, ấy vậy mà thời tiết nắng ấm, lại chợt mưa chợt nắng, khiến lứa búp đầu đồng loạt nở hoa vàng rực. Các chủ nhà vườn nhìn những cây mai khoe sắc không đúng lúc mà lòng lo ngay ngáy, thế nhưng vẫn còn hi vọng vào những lứa búp “hậu duệ”. Khi ấy, các chủ vườn mai khấn nguyện trời trở lạnh để cái lạnh "cầm chân" không cho những lứa búp sau tiếp tục bung để hoa nở kịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

“Cầu được ước thấy”, đầu tháng Chạp, thời tiết ở Bình Định bắt đầu trở lạnh, người trồng mai cảnh bán Tết trên địa bàn khấp khởi mừng, hi vọng Tết này vẫn còn cơ hội “rủng rỉnh" tiền bởi những đợt búp sau sẽ cho hoa đúng dịp Tết.

Khi trời bắt đầu trở lạnh, cũng là lúc những làng mai đồng loạt lặt lá, để lộ ra những búp hoa lứa sau đóng dày trên những cành mai xương xẩu. Thế nhưng "người tính không bằng trời tính", không ngờ đợt lạnh này nhiệt độ lại xuống quá thấp và kéo dài đến gần 20 ngày. Cái lạnh tác động trực tiếp vào những búp hoa mai khiến chúng cứ “đơ” ra không phát triển, người trồng mai gọi đó là hiện tượng búp mai bị “điếc”, trong khi chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Còn khoảng hơn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 mà búp hoa mai không có sức sống, không hy vọng sẽ nở hoa kịp Tết. Ảnh: V.Đ.T.

Chỉ còn khoảng hơn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 mà búp hoa mai không có sức sống, không còn hi vọng sẽ nở hoa kịp Tết. Ảnh: V.Đ.T.

“Tôi đang trồng khoảng 600 cây mai đủ mọi lứa tuổi, có những cây đến nay đã hơn 20 năm tuổi. Năm nay tôi lặt lá vào cuối tháng 11 âm lịch, vừa lặt lá xong lạnh ập đến, lạnh kéo dài đến quá nửa tháng Chạp khiến búp hoa điếc hết, không chịu bung búp xanh. Đây lại là thời điểm thương lái miền Bắc vào chở mai ra bán cho người tiêu dùng chơi Tết.

Tình hình thời tiết kiểu này kể như năm nay người trồng mai ở An Nhơn mất đứt thị trường miền Bắc. Bởi thời tiết ngoài Bắc cũng đang lạnh, đến giờ này mà mai chưa bung nở thì chở ra ngoài ấy gặp lạnh búp càng điếc nên sẽ chẳng ai mua”, anh Đoàn Cao Phong (64 tuổi) ở phường Đập Đá (Thị xã An Nhơn, Bình Định) lo lắng.

"Kép phụ" thành "vai chính”

Hàng năm, đến tháng 11 âm lịch là thương lái miền Bắc vào An Nhơn chọn những vườn mai ưng ý, đặt cọc tiền mua mai tại các nhà vườn với giao kèo là sau mùng 10 tháng Chạp búp mai phải hé nụ, khi ấy chở ra miền Bắc hoa mới nở đúng dịp Tết. Nếu đến thời điểm ấy mà mai đã nở sớm hết búp, hoặc búp chưa bung thì thương lái sẽ thu hồi tiền cọc. Đây là luật mua bán, dù “bất thành văn” nhưng nhiều năm nay các nhà vườn trồng mai cảnh ở An Nhơn và thương lái miền Bắc rất tuân thủ.

Những cây mai được bày bán dọc đường Quốc lộ 1 trên địa bàn thị xã An Nhơn (Bình Định) cũng không có cây nào hé nụ. Ảnh: V.Đ.T.

Những cây mai được bày bán dọc Quốc lộ 1A qua địa bàn Thị xã An Nhơn (Bình Định) cũng không có cây nào hé nụ. Ảnh: V.Đ.T.

Một nhà vườn ở An Nhơn năm nay xuất bán cho một thương lái miền Bắc lô mai được 110 triệu đồng, thương lái đặt cọc cho chủ nhà vườn 30 triệu đồng. Anh chủ nhà vườn cầm 30 triệu tiền cọc xoay xở việc nhà, trả nợ cho những đại lý phân bón, thuốc trừ sâu anh mua nợ để đầu tư cho vườn mai ráo trọi.

Đến ngày thương lái hẹn đánh xe vào chở mai thì vườn mai của anh búp bị “điếc” hết nên không thể bán, mấy ngày nay chủ nhà vườn chạy đôn đáo mượn tiền chuyển trả cho thương lái nhằm giữ chữ tín để sau này còn làm ăn với nhau. Đây không là sự cố của riêng ai, mà là tình trạng chung của những nhà vườn bán mai ở An Nhơn đối với thị trường miền Bắc trong vụ mai Tết năm nay.

Trong những ngày giữa tháng Chạp, dạo quanh các làng mai ở An Nhơn, chúng tôi thấy búp mai cứ đơ ra. Trời đã lạnh, lại thêm mưa phùn và có gió bấc nên búp mai bị “điếc câm”, hầu hết các búp mai đều đã trở màu đen, trông chẳng chút sức sống.

Anh Lê Tấn Bộ ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An (Thị xã An Nhơn) năm nay có 1.500 chậu mai Tết. Đến nay, anh Bộ đã bán cho thương lái nội tỉnh Bình Định và thương lái miền Nam được 1.100 chậu, còn lại 400 chậu anh kết thúc lặt lá mai vào mùng 6 tháng Chạp để bán ra thị trường miền Bắc. Sau khi lặt lá, 400 cây mai của anh Bộ búp đóng dày, lớp búp sau nhỏ hơn hạt gạo, lớp trước nhỉnh hơn hạt gạo một chút.

Cây mai to được bày bán mà chưa bung búp xanh khó lòng được người tiêu dùng để mắt đến. Ảnh: V.Đ.T.

Những cây mai to được bày bán nhưng chưa bung búp xanh nên khó lòng được người tiêu dùng để mắt đến. Ảnh: V.Đ.T.

“Nếu từ đó đến nay trời có nắng thì những cây mai của tôi giờ đã lú búp xanh, có cuống rồi. Nhưng do trời lạnh kéo dài từ đầu tháng Chạp đến nay khiến tất cả các búp bị điếc, chưa bóc vỏ trấu nên thương lái miền Bắc không thể chở về vì hoa sẽ nở muộn, không kịp Tết. Mấy hôm nay các thương lái ở Vĩnh Phúc gọi điện liên tục hỏi thăm tôi mai đã có búp xanh chưa để họ vào chở ra bán. Tôi nói tình hình trong này đang lạnh sâu, búp mai bị điếc hết nên họ không vào nữa”, anh Lê Tấn Bộ cho hay.

Trong khi những nhà vườn canh lặt lá mai bài bản để cây mai cho hoa đúng Tết thì bị thời tiết “đỏng đảnh” gây hại, còn những nhà vườn chủ động “xả” những lứa mai chưa đủ tuổi bán vào dịp Tết năm nay lại trúng đậm.

Do chưa cần bán, nên chủ nhà vườn lặt lá sớm để cây mai không còn nuôi lá, mà tập trung sức nuôi cành nhánh, dự tính ra Giêng rảnh rỗi họ sẽ bấm cành, sửa sang chi, nhánh đợi đến Tết năm sau mới tung ra thị trường. Do được lặt lá sớm, những cây mai “xả” bung búp xanh sớm, giờ được đợt lạnh kéo dài hãm lại, nên giờ hoa mới hé nụ, hứa hẹn sẽ nở rộ đúng dịp Tết Nguyên đán Quý Mão.

Những cây mai có úp đã bóc vỏ trấu như thế này chỉ cần nắng ấm vài ba ngày là bung nở có thể bán cho thị trường miền Trung, nhưng hiện Bình Định vẫn mưa lạnh ké dài. Ảnh: V.Đ.T.

Những cây mai có búp đã bóc vỏ trấu như thế này chỉ cần nắng ấm vài ba ngày là bung nở, có thể bán cho thị trường miền Trung, nhưng hiện Bình Định vẫn mưa lạnh ké dài. Ảnh: V.Đ.T.

Thế là những cây mai đóng “vai phụ” bỗng dưng trở thành “vai chính” trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm nay, chúng được thương lái miền Bắc săn đón, chủ nhà vườn bỗng dưng trúng đậm từ những lứa mai tưởng phải Tết năm sau mới bán được. Trong bối cảnh hầu hết những vườn mai trên địa bàn đều lâm tình cảnh búp bị điếc, thì những cây mai ra hoa kịp Tết quý như vàng, trở thành của hiếm trên thị trường mai Tết năm nay.

“Nếu sau rằm tháng Chạp mà trời hửng nắng thì cũng còn kịp để những búp mai đang “điếc” có thể tách vỏ trấu. Hoặc dù trời còn lạnh, nhưng dứt mưa phùn và gió bấc, hay nếu trời đổ cơn mưa thật lớn để giải bớt lạnh thì may ra những cây mai sẽ bung búp xanh, đến Tết có thể bán cho thị trường miền Trung vớt vát chút đỉnh trong vụ mai Tết năm nay.

Trong tình trạng búp hoa bị “điếc” như thế này, các nhà vườn có thể dùng thuốc kích thích kích cho mai bung búp xanh để nở hoa kịp Tết. Nhưng do cây mai bị ép bung búp xanh bằng thuốc, không thuận theo tự nhiên nên rất dễ rụng, chở về miền Bắc đường xa, xe rung lắc búp hoa rụng hết thì mất uy tín với bạn hàng nên các chủ nhà vườn không làm. Thà để lại tiếp tục nuôi sang năm bán để bảo toàn chữ tín”, anh Lê Tấn Bộ bộc bạch.

Xem thêm
Cây dâu khỏa lấp cây tiêu ở vùng biên

BÌNH PHƯỚC Từng là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước, sau thời kỳ hồ tiêu suy thoái, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.