| Hotline: 0983.970.780

Mẹ cô đơn đằng mẹ, con đơn độc phần con, rất nhọc...

Thứ Tư 19/03/2014 , 13:47 (GMT+7)

Nghỉ hưu sớm quá sẽ rất thiệt. Chắc gì sẽ ôm và rào con được, có khi tính già lại hóa ra non. Hãy bình tâm, gần gũi bằng mọi sự mách bảo của tình mẫu tử và tin con mình sẽ khỏe mạnh, lành mạnh.

Chị kính mến!

Khi tìm đến chị, tôi biết mình vừa kém cỏi, yếu đuối vừa tuyệt vọng lắm. Xin chị đừng trách, đừng cười, tôi là một người có học mà lại bất lực trước con của mình. Có phải tôi là người duy nhất thế đâu, đúng không chị?

Tôi yêu sớm nhưng lấy chồng muộn, cũng chỉ vì quá phấn đấu cho bằng cấp. Xin chị đừng thắc mắc sao tôi không nói nghề nghiệp và bằng cấp ra, tôi muốn làm kín nhân thân của mình, tôi sĩ diện và cũng xấu hổ nữa.

 Khi tôi thấy cần phải có tấm chồng thì mình đã lỡ thì và tôi đã gặp một đồng nghiệp đổ vỡ gia đình. Anh có 2 con riêng, cũng còn may là tôi sinh khó những vẫn sinh được. Con trai của chúng tôi 10 tuổi thì tôi và anh phải chia tay nhau. Rất nhiều vấn đề phức tạp đã nảy sinh, trong đó không loại trừ chuyện con anh và con chúng ta.

Có công việc tốt, có tuổi và có cả kinh tế, tôi nuôi con một mình, không có khó khăn gì. Tôi có môi trường lành mạnh để gò con vào từ trường mình mong muốn. Thằng bé khôi ngô, khỏe mạnh, thông minh. Nếu ở cháu có gì khiến tôi lo âu, phiền lòng là không chịu đọc sách như đa số bạn bè của nó bây giờ và càng ngày gen của bố càng nặng: Ích kỷ, ít chủ kiến và không thiết những công việc của người đàn ông con trai trong gia đình.

Đứa con trai riêng của bố nó, tức người anh cùng cha khác mẹ với nó bị nghiện, cai lên cai xuống rồi chết trẻ trong trại, nó không ảnh hưởng nhưng sau này tôi mới biết tâm trạng nó không như tôi nghĩ.

Vào cấp III, tuổi vị thành niên, nó có tình cảm đặc biệt với một người em họ trang lứa. Gia tộc tôi suýt điêu đứng vì việc đó. May là cô bé đi du học, coi như chuyện không tới đâu. Nhưng nó có dấu hiệu bất hợp tác với mẹ trong nhiều vấn đề. Năm nay cháu đang lớp 12, chắc chắn sẽ tốt nghiệp nhưng con đường vào đại học tôi không thấy rõ.

Nó rất ít tâm sự với mẹ. Ăn thụ động, nói nhát gừng, mỗi khi bố nó điện thoại hỏi han xong là nó vung tay muốn đập phá. Nó có dấu hiệu bất thường về tâm thần chị ạ. Nó vẫn đến trường, hay đi với một đứa bạn thân nhưng đứa bé này cũng không vững về tính cách để tôi tin tưởng hoàn toàn. Sao bây giờ nuôi một đứa con mà trầy trật thế hở chị?

Tôi cứ tìm hiểu nó có yêu và thất tình không, không thấy gì. Bố nó có tìm cách gặp kín để rủ rê chèo kéo nó không (vì giờ nó là con trai còn lại duy nhất của anh ta mà lại), cũng không. Bố nó thuộc loại đếm củ hành đo nước mắm nên hắn sợ tốn kém, khi phải tốn tiền cho con ăn học, hắn không giành giật nó với tôi đâu. Vậy thì vì sao một đứa trẻ lành mạnh mà bỗng dưng có triệu chứng rối loạn thế hở chị?

Tôi đang suy sụp, muốn xin nghỉ hưu sớm để ở nhà toàn tâm với con. Bạn bè khuyên, không khéo mẹ bị tâm thần trước cả con nữa nếu cứ ôm và rào con lại? Tôi nên có cách nào để con nó phát triển tự nhiên, tươi sáng như những đứa con bình thường khác? Rất mong chị chia sẻ kinh nghiệm với tôi.

Giữ kín email cho tôi chị nhé.

-------------------

Bạn thân mến!

Tôi đoán bạn là người có kinh nghiệm công việc xã hội và tự tin vào sức mình. Nhưng nuôi và dạy con là những kinh nghiệm khác.

Hoàn cảnh của bạn, nói đúng nghĩa là bất hạnh cho con. Bố mẹ ly dị, hai đấng sinh thành có buồn có đau nhưng khổ là những đứa con. Vì vậy mà anh trai cùng bố khác mẹ với nó mới đâm nghiện và kết thúc cuộc đời sớm. Sâu xa, có lẽ từ trước khi bố mẹ bỏ nhau, tuổi thơ của nó đã không yên ổn mà mình không chú ý.

Phải có cãi nhau, phải có những từ tổn thương nhau mà người lớn lỡ để lọt vào tai nó. Có đúng không? Không ai đang tốt đẹp mà lại chia lìa cả. Nhất là khi trong cảnh con chung và con anh (chắc chắn bề con ấy cũng làm khổ chồng bạn và lây sang bạn). Nói chung, lấy chồng muộn có cái dở là chồng có con riêng, phức tạp ấy sẽ dẫn số phận của bạn và con bạn vào chỗ sóng gió.

Mặt khác nữa, như bạn viết, bố nó cho nó cái gen kém và nói thẳng là lười, nó sẽ không là đứa con thành đạt như bạn mong muốn, hay là sẽ không thành đạt như mẹ nó nữa chứ. Lấy đâu mà ai con cũng hơn cha nhà có phúc.

Tôi đồng ý với bạn, nuôi dạy con bây giờ rất nhiều công và nhiều phập phồng. Môi trường xã hội kém, con lại luôn là trai một hoặc gái một, chúng không ích kỷ mới là lạ. Và chúng đầy đủ, dư thừa, không động đậy gì cũng dư ăn, không lo phấn đấu cũng của nả sẵn.

Đừng vội cho rằng con mình bị tâm thần. Nhưng cũng không quên nó có những vết sẹo trong tâm tư, thời thơ ấu, thời mới lớn với cô em họ…Rất nên đi bác sĩ tâm lý, bây giờ đó là cứu cánh cho những gia đình hay rối vì các thành viên trong cuộc sống đô thị hỗn loạn.

Tôi vừa giúp một đứa cháu họ có dấu hiệu đồng tính đến bác sĩ tâm lý. Họ trắc nghiệm, xét nghiệm, đối thoại, rất công phu và đáng tin cậy. Họ có phòng khám tư, rất hiệu quả và thực sự có ích cho xã hội.

Một mẹ một con tưởng nhàn hóa ra rất nhọc. Mẹ cô đơn đằng mẹ, con đơn độc phần con, nhất là với con trai, hiểu nó, làm bạn được với nó càng khó. Nhưng đừng tuyệt vọng, nó sẽ tốt nghiệp và dần dần nó cũng sẽ bị cuốn vào dòng thi cử cùng với bạn bè.

Tôi nghĩ, đang bắt đầu mùa tuyển sinh, bạn có biết nó sẽ đăng ký và muốn vào cửa trường nào chứ? Bạn của nó cũng con cưng như nó, miễn là nó có đứa bạn cụ thể mình biết mình quan sát được cả hai là tốt rồi.

Nghỉ hưu sớm quá sẽ rất thiệt. Chắc gì sẽ ôm và rào con được, có khi tính già lại hóa ra non. Hãy bình tâm, gần gũi bằng mọi sự mách bảo của tình mẫu tử và tin con mình sẽ khỏe mạnh, lành mạnh. Còn thi cử ư, thua keo này ta bày keo khác, nếu sức nó chỉ trung cấp nghề cũng tốt chứ sao.

Mong bạn sáng suốt và cả may mắn trong giai đoạn khó khăn này.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm