| Hotline: 0983.970.780

Một lần ra với Trường Sa

Thứ Ba 20/06/2023 , 08:38 (GMT+7)

Trường Sa Hơn 20 năm gắn bó với nghề báo, cuối tháng 5 vừa qua tôi mới có dịp vinh dự được đến với Trường Sa và những người lính Hải quân cắm đảo.

Người lính trong môi trường mới

Khi bước chân vào nghề báo, chắc hẳn ai cũng mơ ước có ít nhất một lần trong đời được ra quần đảo Trường Sa tác nghiệp. Ở nơi đầu sóng, ngọn gió của Tổ quốc sẽ luôn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ, vô tận đối với mỗi người làm báo. Nhất là đi đảo vào những tháng cuối năm, tác nghiệp trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt thì càng để lại trong mỗi phóng viên những ký ức thật khó quên.

7h30 phút, tàu Kiểm ngư (KN) - 491 kéo 3 hồi còi vang tạm biệt đất liền rồi từ từ rời Cảng quốc tế Cam Ranh, bắt đầu hành trình vươn khơi chở đoàn công tác ra quần đảo Trường Sa. Ảnh: Ngô Xuân Chinh.

7h30 phút, tàu Kiểm ngư (KN) - 491 kéo 3 hồi còi vang tạm biệt đất liền rồi từ từ rời Cảng quốc tế Cam Ranh, bắt đầu hành trình vươn khơi chở đoàn công tác ra quần đảo Trường Sa. Ảnh: Ngô Xuân Chinh.

Với tôi, chuyến đi không chỉ để trải nghiệm thực tế mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ tuyên truyền về Trường Sa để nhân dân cả nước thêm tin yêu biển đảo, những cột mốc chủ quyền của Tổ quốc. Đồng thời, cũng giúp cán bộ, chiến sĩ trên các điểm đảo càng hiểu hơn tấm lòng đồng bào cả nước luôn hướng về Trường Sa và tất cả vì Trường Sa thân yêu. Với tinh thần đó, tôi háo hức nhận nhiệm vụ và gói ghém hành trang tác nghiệp theo Đoàn công tác số 11 Quân chủng Hải quân Việt Nam ra thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 vào dịp cuối tháng 5 vừa qua.

Trước khi vào nghề báo, làm việc ở cơ quan Báo Nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN-PTNT) tôi đã từng là một người lính Hải quân, cho nên với tôi chuyến đi này như là dịp trở lại Trường Sa sau hơn 20 năm trở về là một “người lính” trong môi trường mới. Mặc dù vậy, trước chuyến đi tôi cũng khá hồi hộp, nhiều người trong đoàn công tác bộc bạch tâm trạng giống tôi, đêm trước khi lên tàu đi biển, có người còn không chợp mắt…

Các chiến sĩ trẻ trên đảo rất vui được ngắm nhìn những tấm hình do nhà báo Minh Sáng chụp tại đảo. Ảnh: Ngô Xuân Chinh. 

Các chiến sĩ trẻ trên đảo rất vui được ngắm nhìn những tấm hình do nhà báo Minh Sáng chụp tại đảo. Ảnh: Ngô Xuân Chinh. 

Sáng sớm, sau khi làm thủ tục và nghi thức tiễn đoàn theo truyền thống của Hải quân Nhân dân Việt Nam, đúng 7h30 phút, tàu Kiểm ngư (KN) - 491 kéo 3 hồi còi vang lên tạm biệt đất liền rồi từ từ rời Cảng quốc tế Cam Ranh, bắt đầu hành trình vươn khơi chở đoàn công tác hơn 200 đại biểu, cùng sự háo hức của hàng chục phóng viên - đều là những người lần đầu được ra Trường Sa...

Tôi nhớ như in giây phút tiễn đoàn, dưới cầu cảng, các cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân đứng nghiêm trang, giơ tay vẫy chào tàu rời cảng. Trên boong, các thành viên trong đoàn cũng không ngừng vẫy chào các anh, chào đất mẹ thân yêu, cho đến khi đất liền xa mờ dần khuất tầm mắt. Tôi chợt nhớ lại thời mình còn đang là thủy thủ, giây phút tàu rời cảng bao giờ cánh lính cơ điện chúng tôi cũng phải tập trung dưới hầm tàu làm nhiệm vụ vận hành máy, khi tàu ra tới biển mới được tạm rời vị trí. Do vậy, đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến nghi thức tàu rời cảng rất xúc động giữa người đi, người ở trao gửi niềm tin bằng cái vẫy tay chào không muốn dứt.

Nhà báo Minh Sáng đang ghi nhận chất lượng rau xanh trên Nhà giàn DK1 do Thạc sĩ Ngô Xuân Chinh - người trực tiếp chuyển giao kỹ thuật và giống rau ra quần đảo Trường Sa. Ảnh: MV.

Nhà báo Minh Sáng đang ghi nhận chất lượng rau xanh trên Nhà giàn DK1 do Thạc sĩ Ngô Xuân Chinh - người trực tiếp chuyển giao kỹ thuật và giống rau ra quần đảo Trường Sa. Ảnh: MV.

Đêm đầu tiên, đứng trên boong tàu phóng tầm mắt giữa biển cả mênh mông, một màu đen bao trùm xung quanh chỉ nghe tiếng sóng vỗ mạn tàu. Tôi gặp những người bạn đồng hành từ các vùng miền của Tổ quốc, những cán bộ chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam, những thủy thủ kiểm ngư rất thân thiện. Mọi người cùng nhau chia sẻ về chuyện đời, chuyện nghề, về biển đảo, tôi cũng kể cho họ nghe về chuyện tác nghiệp nghề làm Báo Nông nghiệp Việt Nam gắn với nông dân, nông thôn…

Tác nghiệp làm tin phát thanh trên biển

Khi tàu KN 491 ra tới cửa biển, Tổ tuyên truyền trên tàu bắt đầu họp nhóm phóng viên các báo, đài để nghe thống nhất nội dung tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa. Đồng thời, phân công làm các bản tin nhanh nội bộ hàng ngày trên tàu phục vụ đoàn đại biểu trong suốt chuyến hải trình trên biển.

Nhóm phóng viên, biên tập viên đang thực hiện các bản tin nhanh và xây dựng chương trình phát thanh trực tiếp trên tàu vào 9 giờ tối mỗi ngày phục vụ đoàn đại biểu trong suốt cuộc hành trình trên biển. Ảnh: Minh Sáng.

Nhóm phóng viên, biên tập viên đang thực hiện các bản tin nhanh và xây dựng chương trình phát thanh trực tiếp trên tàu vào 9 giờ tối mỗi ngày phục vụ đoàn đại biểu trong suốt cuộc hành trình trên biển. Ảnh: Minh Sáng.

Trung tá Trịnh Xuân Huân, Phó Lữ đoàn trưởng, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải Quân (Phụ trách tổ tuyên truyền) ân cần chia sẻ kinh nghiệm và giải đáp toàn bộ các câu hỏi của anh em phóng viên; trong đó tôi nhớ nhất có một phóng viên đề cập: “Khi ra đảo công tác xa nhà thì các cán bộ chiến sĩ gặp phải những khó khăn gì?”. Chúng tôi nghe Trung tá Trịnh Xuân Huân trả lời rất gọn gàng và ấn tượng: “Ở quần đảo Trường Sa, chúng tôi luôn xác định “đảo là nhà, biển cả là quê hương” cho nên sẽ không có bất cứ khó khăn nào cả!”.    

Theo trung tá Huân, ra Trường Sa tác nghiệp trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, sóng gió, hơi biển mặn và có thể có người sẽ bị say sóng khi biển động. Do vậy, việc quan trọng nhất đối với phóng viên cần phải bảo quản tốt máy ảnh, máy quay, máy ghi âm... bởi hơi nước biển sẽ là “kẻ thù số 1” đối với các thiết bị điện tử và có thể làm hỏng máy móc bất cứ lúc nào.

Nhà báo Minh Sáng phỏng vấn Thiếu tướng, Chuẩn đô đốc Phạm Như Xuân, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân về tốc độ phủ xanh trên quần đảo Trường Sa. Ảnh: Ngô Xuân Chinh.

Nhà báo Minh Sáng phỏng vấn Thiếu tướng, Chuẩn đô đốc Phạm Như Xuân, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân về tốc độ phủ xanh trên quần đảo Trường Sa. Ảnh: Ngô Xuân Chinh.

Trong số các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa, chỉ duy nhất đảo Trường Sa Lớn là tàu có thể cập mạn cảng khi sóng nhỏ, biển êm, còn lại để di chuyển lên những hòn đảo nhỏ, hay nhà giàn đều buộc phải “tăng bo” bằng xuồng. Điều đặc biệt với tất cả mọi người trong suốt chuyến hải trình ra quần đảo Trường Sa đó là âm thanh báo thức quen thuộc trên tàu: “Toàn tàu báo thức! Báo thức toàn tàu!”…

Cũng trong chuyến công tác, tôi cùng một số đồng chí phóng viên, biên tập viên Báo Quân đội nhân dân, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội, Báo Hải quân Việt Nam được phân công thực hiện các bản tin nhanh và xây dựng chương trình phát thanh trực tiếp trên tàu vào 9 giờ tối mỗi ngày.

Với tôi, cũng đã từng làm nhiều chương trình phát thanh NongnghiepRADIO và phóng sự của NongnghiepTV, nhưng đây là lần đặc biệt nhất. Ngày nào chúng tôi cũng chia nhau tác nghiệp, bám sát theo kế hoạch của đoàn lên thăm đảo, chiều tối anh em lại nhanh chóng có mặt trên cabin, cùng nhau biên tập nội dung chương trình cho bản tin buổi tối.

Phóng viên Báo NNVN chụp hình lưu niệm cùng nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân trong chuyến hải trình ra quần đảo Trường Sa. Ảnh: Ngô Xuân Chinh.

Phóng viên Báo NNVN chụp hình lưu niệm cùng nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân trong chuyến hải trình ra quần đảo Trường Sa. Ảnh: Ngô Xuân Chinh.

Thấy cánh phóng viên hăng say “tác nghiệp”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, vỗ vai tôi cười vui động viên: “Các em làm chương trình hay lắm, tốt lắm, sinh động lắm. Anh sẽ nhớ mãi tất cả cảm xúc này để có thêm “màu sắc” cho những sáng tác âm nhạc về Trường Sa!”. Sau mỗi bữa ăn chiều và giao lưu hát ca trên boong tàu, mọi người trở về phòng thì bản tin nhanh cũng bắt đầu: “Thay mặt tổ truyền thông, Huyền Trân… xin kính chào các thủ trưởng cùng toàn thể quý đại biểu! Đây là chương trình phát thanh nội bộ trên tàu KN 491 của đoàn công tác số 11 đi thăm quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1...”.

Cùng với hiệu lệnh báo thức của tàu, chương trình phát thanh của tổ truyền thông đã trở thành người bạn đồng hành, món ăn tinh thần sinh động của cán bộ, chiến sĩ và đoàn đại biểu trên tàu. Những bản tin cứ thế xoay tua các giọng đọc và chương trình phát thanh cũng được xây dựng phong phú hơn với những khách mời giao lưu trực tiếp… giúp cho buổi phát thanh càng thêm hấp dẫn.    

Tiếng hát át tiếng sóng

Sáng sớm trời yên, biển lặng, sau khi nghe âm thanh báo thức quen thuộc, tôi vùng dậy chạy lên boong tàu, một số người đang chụp hình “tự sướng” đón ánh bình minh tuyệt đẹp trên biển. Dường như mọi người cũng đã dần quen với nhịp dập dềnh của con tàu và ai cũng háo hức chờ đợi tàu cập đảo vào Nhà gian DK1.

Nhà báo Minh Sáng săn ánh bình minh tuyệt đẹp trên biển Trường Sa. Ảnh: Ngô Xuân Chinh.

Nhà báo Minh Sáng săn ánh bình minh tuyệt đẹp trên biển Trường Sa. Ảnh: Ngô Xuân Chinh.

Tờ mờ sáng, tàu thả neo. Chúng tôi hăm hở chuẩn bị gói ghém hành trang tác nghiệp gọn gàng, sẵn sàng lên đảo đầu tiên. Chiếc xuồng nhỏ từ đảo phóng ra, tuy vừa gặp nhau nhưng tất cả như đón người thân lâu ngày đi xa mới trở về. Các lãnh đạo đoàn, thủ trưởng hải quân, cùng nhóm phóng viên và nghệ sĩ được ưu tiên rời tàu sang đảo trước, tiếp đó xuồng lần lượt đón các thành viên trong đoàn công tác.

Tôi thật sự ấn tượng khi được bước chân lên Nhà giàn DK1. Trước mặt chúng tôi là một công trình sừng sững mọc lên giữa biển trời mênh mông rất vững chãi. Vừa bước chân lên nhà giàn, cán bộ, chiến sĩ tay bắt mặt mừng rất thân thiện gần gũi, một số đại biểu và chiến sĩ cùng rơm rớm nước mắt. Nắm chặt tay chúng tôi, trong mắt các chiến sĩ ánh lên niềm vui: “Lâu lắm mới được gặp đoàn ra thăm. Từ đầu năm đến nay toàn sóng to gió lớn, đây là đoàn đầu tiên ra thăm đảo lên được nhà giàn đấy ạ!”…

Trong khi lãnh đạo đoàn tổ chức gặp mặt nghe báo cáo nhiệm vụ của đảo, nhà giàn và trao quà cho các bộ, chiến sĩ, thì cánh nhà báo chúng tôi tranh thủ trò chuyện với bộ đội và tham quan “cánh đồng rau xanh” của đơn vị. Các nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc công cũng hối hả chuẩn bị loa đài, đàn hát để biểu diễn các tiết mục văn nghệ đặc sắc phục vụ cán bộ, chiến sĩ.

Trong khi lãnh đạo đoàn tổ chức gặp mặt nghe báo cáo nhiệm vụ của đảo, nhà giàn và trao quà cho các bộ, chiến sĩ, thì cánh nhà báo tranh thủ trò chuyện thăm hỏi chiến sĩ Nhà giàn DK1. Ảnh: Ngô Xuân Chinh. 

Trong khi lãnh đạo đoàn tổ chức gặp mặt nghe báo cáo nhiệm vụ của đảo, nhà giàn và trao quà cho các bộ, chiến sĩ, thì cánh nhà báo tranh thủ trò chuyện thăm hỏi chiến sĩ Nhà giàn DK1. Ảnh: Ngô Xuân Chinh. 

Một trong những kỉ niệm khó quên trong chuyến hải trình dài ngày lênh đênh trên biển ra quần đảo Trường Sa là trong các bữa ăn tối trên boong tàu đều tổ chức biểu diễn và giao lưu văn nghệ phục vụ đoàn công tác. Những lời ca tiếng hát ca ngợi non sông đất nước, ca ngợi vẻ đẹp của biển đảo Tổ quốc, của tình yêu đôi lứa… vang lên rộn ràng giữa biển khơi át cả tiếng sóng biển, âm thanh guitar bập bùng trầm bổng mênh mang…

Đúng 21h tối, sau 3 hồi còi chào tạm biệt, tàu rời bến, các chiến sĩ và nhân dân trên đảo đứng vẫy tay chào đoàn công tác cho đến khi tàu xa khuất tầm mắt mới thôi. Ảnh: Minh Sáng.

Đúng 21h tối, sau 3 hồi còi chào tạm biệt, tàu rời bến, các chiến sĩ và nhân dân trên đảo đứng vẫy tay chào đoàn công tác cho đến khi tàu xa khuất tầm mắt mới thôi. Ảnh: Minh Sáng.

Trong chuyến ra các điểm đảo Trường Sa, điều khiến tôi cảm động nhất là giây phút chia tay các cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên đảo Trường Sa Lớn. 21h tối, sau 3 hồi còi chào tạm biệt, tàu rời bến, các chiến sĩ và nhân dân trên đảo cầm lá cờ đỏ Tổ quốc đứng vẫy tay chào. Tiếng hát đồng thanh của đoàn đại biểu trên tàu hòa cùng quân và dân dưới cảng cứ nhỏ dần và xa mờ cho đến khi chỉ còn một chấm sáng nhỏ thì mọi người mới lặng lẽ quay về phòng. Nhiều người đã không kìm nổi nước mắt...

Suốt quãng hải trình trở về đất liền, chúng tôi chợt nhớ lại tất cả câu chuyện của những người lính đảo, quá trình tác nghiệp nơi đảo xa đã để lại trong lòng những người làm báo chúng tôi rất nhiều kỷ niệm và ấn tượng không thể quên. Nhất là khi được chứng kiến cuộc sống dù nơi đảo xa còn nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng ở đâu cũng thấy chan chứa tình cảm quân - dân, tình đồng đội, tình yêu thương con người, yêu thương xứ sở…

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Warsaw, bắt đầu thăm Ba Lan

Rạng sáng 15/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và đoàn đại biểu Việt Nam đã tới thủ đô Warsaw, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan.

Thi công hạ tầng hồ chứa nước lớn nhất miền Tây vượt tiến độ

Trà Vinh Dự án hạ tầng Hồ chứa nước Láng Thé, hiện đạt tiến độ thi công trên 15%, trong đó gói thầu số 34 đạt 34% khối lượng công việc.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Bí thư Quảng Ninh trăn trở việc dân, nghĩ cho doanh nghiệp

Song hành với việc tiếp công dân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đang tính bổ sung nội dung tiếp, giải quyết các vấn đề liên quan đến các tổ chức, doanh nghiệp.