Không biết có phải hẹn ước với nàng Bân, sau những ngày ấm áp ngắn ngủi của tiết xuân là những ngày dềnh dàng nồm ẩm, hoa xoan rụng tơi bời trên nền đất ẩm gọi những đàn muỗi gió li ti túa ra ngập trời mùa sinh sản; những cơn lạnh sâu, lạnh ngọt của rét nàng Bân… thì mộc miên bắt đầu vào mùa.
Một cuộc dạo chơi bằng gam màu nóng ấm của những bông hoa đỏ rực như thắp đuốc trên những đầu cành, cơ hồ như cân bằng lại những thứ giá rét, ẩm ướt bởi nồm hay muỗi đàn sinh sôi… mà đất trời bày biện ra vì đểnh đoảng.
Tạo hóa rất cân bằng, tự chuộc lỗi khi trao cho mộc miên nhiệm vụ thắp lửa đỏ trời trong một bối cảnh như thế!
Mộc miên, gọi theo cách dân gian là cây hoa gạo. Loại cây cao lừng lững, cùng với cây đa, cây phượng, cây bàng… - những loài cây được dân gian lựa chọn trồng trong những không gian khoáng đạt, rộng lớn, như là một tín hiệu chỉ đường, đánh dấu những địa danh như cánh đồng làng, bến sông, bến đò… hiu hắt, những ngôi miếu cô tịch nép mình dưới những rặng cây xanh giữa cánh đồng, nhìn xa như một ốc đảo, hay đơn độc, thân phận giữa những bãi tha ma xa làng xóm, xa dân cư… Cũng bởi chỗ đứng dành cho nó, loài cây sù sì, gai nhọn sắc phủ từ gốc lên chi chít đầu cành mà từ lâu, nó đã được “gán” cho một định danh đọc lên đã thấy gai người: “thần cây đa, ma cây gạo”…
Nhưng, nó cũng là loài cây gây thương nhớ để neo đậu những tâm hồn.
Mỗi làng quê Bắc bộ đều sở hữu riêng một cây gạo cổ thụ như thế. Được dành cho một không gian quá thể thênh thang, nó cứ mặc nhiên tỏa hết sức vóc, lừng lững như một gã lực điền xoay trần giữa nắng gió, và nổi nênh qua bao dâu bể, biến thiên.
Cây gạo làng tôi sù sì giữa bãi tha ma, xưa, khi nghĩa địa làng chưa được quy hoạch, xây cất, chỉ là chỗ dừng chân của những người đã khuất, nó có thêm những bụi dứa gai làm bạn. Tiết trời đông xám xịt, những con cào cào, châu chấu tránh rét rúc đầu ngủ đông trong những rãnh sâu của lá dứa, gai sắc nhọn tua tủa đâm sang hai bên, đều tăm tắp. Lũ sáo đen tíu tít tìm về, đậu trên những cành gạo đã trụi lá rỉa lông, rồi rình mò những con cào cào, châu chấu hớ hênh trong những bụi dứa gai để kiếm mồi.
Phong cảnh thêm liêu trai, cô tịch bởi trời đông xám xịt một màu, những bia mộ nhấp nhô như những lời rì rầm khấn nguyện, những cơn gió xào xạc, đong đưa những chiếc lá dứa dại to bản gây nên những tiếng sột soạt, hoang liêu. Hiếm hoi lắm mới có một người đi thả trâu, cột chiếc thừng trâu vào gốc gạo. Con trâu ngứa sừng, hay cũng vì buồn quá mà luỵch uỵch gại sừng vào gốc cây xù xì vài ba người ôm làm tróc ra những mảng vỏ. Rồi, thời gian và sức sống của cây, nó tự vá víu những bong tróc ấy thành những mảng da mới, nhẵn nhụi hơn nhưng cũng chẳng kém phần sù sì với những lớp da cũ. Bao nhiêu đời trâu cày đã được cột ở đây, làm bạn với cây gạo làng, đếm những lớp da tái sinh của cây gạo, có lẽ sẽ tìm ra…
Rồi, thoắt cái sang xuân. Cả làng ngỡ ngàng trước ngọn đuốc khổng lồ rực rỡ ở mé đồng. Bãi tha ma hoang liêu chiều đông hôm nào dường như sáng bừng, tựa như có một thứ ánh sáng ấm áp và rực rỡ của những rẻ quạt từ chân mây trời Tây hắt lên, trước khi mặt trời phải cam lòng đi ngủ.
Khi ấy, những lớp cỏ cũng bắt đầu non tơ. Những nền đất ẩm ướt tiếp thêm sức sống làm mơn mởn những cành dứa dại, khiến màu xanh cỗi cằn từ đông trước như được gột rửa. Những con cào cào trốn rét thò những khuôn mặt trái xoan ra đón nắng, và những chào mào, chim sáo… lại tấp nập tìm về.
Những bông gạo lìa cành rơi xuống gốc, vẫn còn nguyên những đài hoa múp míp xòe rộng, và vẫn thắp lên một thứ màu đỏ bền bỉ, nhẫn nại. Nó khác biệt với vẻ cỗi cằn, sù sì, thâm trầm như một người già ít nói của cây gạo. Mà từ rất lâu, nó không nói cùng ai…
Những năm 60 của thế kỷ trước, dưới gốc gạo làng tôi là những cuộc đấu tố cường hào, địa chủ… Những nước mắt, ai oán, những buồn thương, uất hận… rồi cũng tan theo mây trời. Chỉ còn cây gạo ở lại.
Những đám tang vội vàng của một người con xa quê, khi nhắm mắt xuôi tay, theo lệ, không được đưa về nhà mà tổ chức trên bãi đất trống ven làng, để người làng đến tấu lên một khúc oán ca cuối cũng tiễn biệt. Lặng thinh, nhưng cây gạo già vẫn chứng kiến…
Những câu chuyện cũ, làng quê nào cũng có những điểm tương đồng, bởi xuyên suốt dòng lịch sử, những câu chuyện mở làng, lập ấp… của bậc tiền nhân, vùng đồng bằng, vùng bãi bồi ven sông, ven biển, cả một vệt vùng núi trung du cho tới những vùng đồng rừng hoang vu, thì điểm giống nhau là đều chất chứa những khát vọng mang theo của người đi tìm vùng đất mới, khai mở sự sống. Mỗi nơi người đến, đều trồng một cái cây, mặc nhiên như một sự đánh dấu lãnh thổ, đánh dấu ngày đặt chân. Và tuổi đời của cây, cũng chính là tuổi khẩn khai vùng đất mới.
Lại nói về những cây mộc miên đồng rừng!
Khi bạn lạc bước đến những vùng đất lạ, bốn bề xung quanh nhìn đâu cũng bạt ngàn núi. Giữa thảm xanh bất tận hun hút ấy, chợt bừng lên một chiếc cây rực rỡ, thân hình vạm vỡ, oai phong, lừng lững chiếm hữu một khoảng không gian. Có những cây cổ thụ mặt lá bên trên có màu bàng bạc, nhưng khi một cơn gió đi qua lật mặt dưới lá lên, nó là những sắc hồng, đỏ thẫm, hay những loài cây tự nó nhuộm kín một màu huyết dụ... Dường như, loài thảo mộc cũng biết làm duyên, tự nó chọn cho mình chỗ đứng, và tô son điểm phấn để tỏa sáng bằng màu sắc, tạo cho mình sự khác biệt với đồng loại.
Có thể, giữa bạt ngàn xanh, gam đỏ càng được tôn thêm bởi sự trái ngược, hoặc giả, bởi gam xanh vùng đồng rừng chủ đạo quá nên cái cây - để được nổi bật, nó càng phải tự đỏ thêm mình.
Những cây mộc miên đồng rừng, tỏa sáng mình bằng sắc đỏ. Những búp hoa đỏ sậm xếp liền nhau thành một hiệu ứng, mỗi một búp hoa là một ngọn đuốc, và cả chiếc cây là một rừng đuốc khổng lồ.
Loài mộc miên đồng rừng khác với loài mộc miên đồng bằng. Những bông hoa mảnh dẻ hơn, thân cây ít xù xì, gai sắc, nhưng màu đỏ dường như đậm hơn đôi phần.
Giống như những người sống giữa đồng rừng, trang phục của họ bao giờ cũng có sự khác biệt. Nó thật nhiều màu sắc, mà hầu hết là những gam màu nóng, đậm, có phần sặc sỡ. Hay những trang sức, vòng đeo cổ, đeo tay, cài trên cổ áo, một sợi xà tích đậu trên vòng eo thiếu nữ…, hay như chiếc khèn lá, khèn môi, khèn của gã trai Mông vừa thổi vừa nhảy lò cò như dẫm phải than bỏng…, mỗi bước chân di chuyển đi, nó phát ra những âm thanh rộn rã. Màu sắc, âm thanh…, nó là thứ để xua đuổi thú dữ; nó là bạn đồng hành giúp vơi bớt những hoang liêu trên con đường độc hành. Màu sắc sặc sỡ, âm thanh rộn ràng… cũng là dấu hiệu để tìm nhau.
Ở mảnh đất địa đầu Tổ quốc Hà Giang, ngay bây giờ, khi cuốn lịch đang giở những ngày đầu của tháng Ba, những cây mộc miên sừng sững trên những đỉnh đá xám, trong khi những loài cây khác vẫn đang nằm im trong đất đợi đủ ngày tháng để nhú mầm, thì chúng đã bắt đầu chói lọi đỏ. Những cây gạo đỏ trên những đỉnh núi mồ côi, hay kết với nhau thành một quần thể dọc con đường Hạnh Phúc, trong những thung sâu, những cây mộc miên soi mình bên dòng Nho Quế, làm gạch nối giữa đất và trời. Con sông hun hút sâu chia cắt vực Tu Sản và những cây cổ thụ trên đỉnh Pì Lèng, cho đến bây giờ, và có lẽ mãi mãi về sau, chúng chẳng bao giờ có cơ hội được gặp nhau. Nhưng chúng vẫn nhẫn nại đứng bên nhau, tự hài hòa thành một bức tranh mà mỗi thứ là một gam màu, mỗi thứ là một nét họa của đất trời…
Từ rất xa, bạn đã nhìn thấy chúng, thứ lửa thiêng đỏ rực góc trời. Khi bạn rời đi, chúng sẽ luôn dõi theo bạn, bền bỉ, nhẫn nại, bởi chúng là những đôi mắt của trời, mang tên mộc miên – loài cây gây thương nhớ…