| Hotline: 0983.970.780

Người dân vùng sạt lở núi Cấm vẫn bộn bề nỗi lo

Chủ Nhật 02/06/2024 , 14:32 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Đã gần 2 năm kể từ ngày Bình Định có chủ trương di dời các hộ dân trong vùng sạt lở núi Cấm, việc tái định cư chưa được thực hiện.

Chờ được bồi thường, hỗ trợ

Năm 2021, sau những trận mưa như trút nước, núi Cấm nằm trên địa bàn thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành (huyện Phù Cát, Bình Định) sạt lở nghiêm trọng. Ước tính có khoảng 35.000m3 đất đá từ trên núi Cấm “xổ” xuống chảy ngập nhà, lấp kín vườn tược, uy hiếp tính mạng, tài sản của hàng chục hộ dân ở xóm 1. Ngoài ra, núi Cấm sạt lở còn ảnh hưởng đến đời sống của 117 hộ dân trong khu vực.

Cuối năm 2021, Bình Định công bố tình huống khẩn cấp thiên tai tại thôn Chánh Thắng về sạt lở núi Cấm. Tiếp đến, vào tháng 8/2022, UBND tỉnh Bình Định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng khu tái định cư để di dời khẩn cấp các hộ dân trong vùng sạt lở núi Cấm, giao UBND huyện Phù Cát làm chủ đầu tư.

Tổng mức đầu tư của dự án là 32 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn đầu tư công của tỉnh Bình Định hỗ trợ 70% chi phí xây dựng, phần còn lại sử dụng vốn đầu tư công huyện Phù Cát và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Quy mô dự án gồm các hạng mục: Chỉnh trị dòng chảy thoát nước lưu vực núi Cấm; san lấp mặt bằng khu tái định cư với diện tích 27.603m2; đường giao thông; hệ thống thoát nước mưa; hệ thống cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân tái định cư. UBND tỉnh Bình Định giao huyện Phù Cát thực hiện các hạng mục này trong thời gian từ khi phê duyệt chủ trương đến năm 2023.

64 hộ dân xóm 1, thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành (huyện Phù Cát, Bình Định) phải di dời khỏi chân núi Cấm. Ảnh: V.Đ.T.

64 hộ dân xóm 1, thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành (huyện Phù Cát, Bình Định) phải di dời khỏi chân núi Cấm. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Lại Minh Đức, Trưởng thôn Chánh Thắng, để xây dựng khu tái định cư cho những hộ dân bị ảnh hưởng nặng trong vụ sạt lở núi Cấm, 52 hộ dân trong thôn đã hoán đổi 3 ha đất ruộng để san lấp mặt bằng xây dựng khu tái định cư. Thế nhưng mãi đến nay, 52 hộ dân hoán đổi ruộng kể trên vẫn chưa được đền bù 2 vụ hoa màu trong năm 2023.

Bên cạnh đó, sau khi xảy ra sạt lở thì tỉnh, huyện có chủ trương chuyển diện tích rừng sản xuất trên núi Cấm sang rừng phòng hộ, không cho người dân tiếp tục trồng mới cũng như khai thác diện tích rừng còn lại. Tuy nhiên, đến nay các hộ trồng rừng vẫn chưa được bồi thường, hỗ trợ. Hơn nữa, những hộ dân bị ảnh hưởng nặng bởi sạt lở núi Cấm hiện vẫn nơm nớp lo sợ sự cố rủi ro lại tái diễn vào mùa mưa bão năm 2024, nhưng đến nay vẫn chưa được thông tin cụ thể về việc di dời.

Ông Bùi Thìn (73 tuổi) ở thôn Chánh Thắng, lo lắng: “Hai vợ chồng tôi tuổi đã cao, ở lại dưới chân núi Cấm thì sợ núi sạt lở không biết chạy đi đâu. Già rồi, không còn làm gì ra tiền, nếu có di dời thì vợ chồng tôi mong được Nhà nước bồi thường, hỗ trợ đủ để chuyển đến nơi tái định cư”.

Bà Mai Thị Huệ (65 tuổi) là phụ nữ đơn thân, sống 1 mình trong căn nhà nhỏ gần khu vực sạt lở núi Cấm, hộ bà Huệ là hộ nghèo, trong việc di dời bà Huệ không mong muốn gì hơn là được chính quyền địa phương thông tin cụ thể về việc di dời để bà còn chuẩn bị, tháo gỡ những khó khăn.

Để xây dựng khu tái định cư cho những hộ dân sống dưới chân núi Cấm, người dân thôn Chánh Thắng đã hoán đổi 3 ha đất ruộng để san lấp mặt bằng. Ảnh: V.Đ.T.

Để xây dựng khu tái định cư cho những hộ dân sống dưới chân núi Cấm, người dân thôn Chánh Thắng đã hoán đổi 3 ha đất ruộng để san lấp mặt bằng. Ảnh: V.Đ.T.

Sẽ có chính sách hỗ trợ, bồi thường thỏa đáng

Dự án xây dựng khu tái định cư di dời các hộ dân trong vùng sạt lở núi Cấm do UBND huyện Phù Cát làm chủ đầu tư, vì 1 số lý do nên chưa hoàn thành kịp trong giai đoạn 2022-2023. Do đó, UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án thêm 1 năm (2022-2024).

Cuối tháng 2/2024, UBND huyện Phù Cát đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Bình Định, xin phê duyệt dự án bố trí, ổn định dân cư khẩn cấp 64 hộ dân vùng sạt lở đất núi Cấm theo hình thức bố trí tập trung tại khu tái định cư, mỗi hộ được giao 200m2 đất ở, thực hiện trong năm 2024. Dự án cũng đưa ra các giải pháp bồi thường cho các hộ về đất đang sử dụng, bồi thường tài sản trên đất và chính sách hỗ trợ trực tiếp với các hộ phải di dời nhà ở khẩn cấp do ảnh hưởng thiên tai…

UBND tỉnh Bình Định đã giao UBND huyện Phù Cát chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện theo hướng dẫn của Sở TN-MT tỉnh. Theo đó, căn cứ các quy định, chỉ thực hiện bồi thường đất ở và hỗ trợ tái định cư cho các trường hợp thu hồi đất ở có nguy cơ sạt lở. Bên cạnh đó, Sở TN-MT đề nghị UBND huyện Phù Cát tách riêng đất vườn và đất nông nghiệp để đề xuất mức bồi thường, hỗ trợ theo chính sách do UBND tỉnh quy định, làm căn cứ áp dụng thực hiện cho phù hợp.

UBND huyện Phù Cát đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành trước mùa mưa năm 2024. Ảnh: V.Đ.T.

UBND huyện Phù Cát đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành trước mùa mưa năm 2024. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Phạm Dũng Luận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, huyện Phù Cát đã giao Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện phối hợp chặt chẽ với Phòng NN-PTNT huyện và các đơn vị liên quan thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với 64 hộ dân tại vùng sạt lở núi Cấm.

“UBND huyện Phù Cát đã chỉ đạo xã Cát Thành phối hợp với các cơ quan thực hiện công tác này và chịu trách nhiệm về việc xác nhận nguồn gốc, quá trình sử dụng đất đối với đất ở của 64 hộ dân nói trên. Các đơn vị liên quan phải hoàn thành phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trước ngày 15/8/2024, chuyển đến Phòng TN-MT huyện thẩm định, trình UBND huyện phê duyệt”.

“Từ kinh nghiệm thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân vùng thiên tai trên địa bàn tỉnh những năm qua, Sở NN-PTNT Bình Định đang lấy ý kiến các Sở, ngành, địa phương để đề xuất UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả hơn trong thực tế và đúng quy định hiện hành, nhằm tạo điều kiện cho các hộ dân vùng sạt lở đất núi Cấm thực hiện di dời, ổn định cuộc sống nơi tái định cư”, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định.

Xem thêm
Guinea muốn học hỏi kinh nghiệm của nông nghiệp Việt Nam

Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác Nam - Nam và Việt Nam - Nam Phi - Guinea, thể hiện là thành viên có trách nhiệm về an ninh lương thực, nhất là với châu Phi.

Chuyện chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở vựa rau Minh Tân

Ông Đinh Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội thông tin, địa phương có 587 ha đất nông nghiệp trong đó có 160 ha rau.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Giấc mơ lớn trên lòng hồ sông Đà: [Bài 1] Người thức giấc cùng dòng sông

Không chỉ là dòng sông năng lượng, sông Đà hùng vĩ đang hiện hữu ở một diện mạo mới - vùng lòng hồ, đang thắp lên giấc mơ lớn cho những vùng đất ven sông!