| Hotline: 0983.970.780

Người đánh thức tiềm năng vùng chè Bình Sơn

Thứ Năm 07/09/2023 , 10:24 (GMT+7)

THANH HÓA Từ một vùng chè bị bỏ bê, sản xuất thua lỗ, ông Tú mạnh dạn thành lập hợp tác xã, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, xây dựng sản phẩm OCOP.

Ngăn đập, mở đường gây dựng vùng chè

Căn nhà của ông Lê Đình Tú nép mình bên sườn núi, bao quanh là đồi chè và rừng keo. Khác hẳn với khung cảnh yên ắng của xã miền núi ở huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa), xưởng chè của ông Tú luôn xình xịch tiếng máy từ sáng đến tối. Ông Tú đến với mảnh đất Bình Sơn (huyện Triệu Sơn) từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Vì đam mê với nông nghiệp, ông quyết định bỏ phố lên rừng lập nghiệp.

Đồi chè tại xã Bình Sơn nhìn từ trên cao. Ảnh: Quốc Toản.

Đồi chè tại xã Bình Sơn nhìn từ trên cao. Ảnh: Quốc Toản.

Xã miền núi Bình Sơn khi ấy chỉ toàn rừng núi, cỏ dại mọc quá đầu người. Sau khi được chính quyền tạo điều kiện, ông Tú mạnh dạn tích tụ đất đai, liên kết với bà con địa phương đầu tư vùng trồng chè quy mô lớn, gây dựng thương hiệu chè Bình Sơn.

Bấy giờ, đa phần người dân xã Bình Sơn đều thuộc diện khó khăn. Để có điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt, ông Tú phải bỏ tiền túi để kéo điện về thôn. Bên cạnh đó, ông cùng chính quyền địa phương huy động người dân trong làng góp ngày công mở đường, ngăn đập, chặn nước, tạo hệ thống thủy lợi phục vụ trồng trọt và chăn nuôi. Có đất, có điện, có đường, ông làm việc quần quật cả ngày hơn cả người làm thuê để gây dựng vùng chè.

“Đồi núi, đất đai tại xã Bình Sơn chủ yếu là vườn tạp, ít giá trị kinh tế. Cây chè là lợi thế của đồng đất địa phương nhưng người dân bản địa không mấy mặn mà vì thường xuyên bị thương lái ép giá. Nông dân sống giữa đồi chè, rừng keo bạt ngàn nhưng vẫn không đủ sống. Nhưng nếu bỏ đất trống còn lãng phí hơn”, ông Tú chia sẻ.

Việc chọn cây chè là cây trồng chủ lực tại Bình Sơn thuở đầu lập nghiệp không hề dễ dàng với ông Tú. Trước ông Tú, tại xã Bình Sơn từng có HTX chè, nhưng bị giải thể vì làm ăn kém hiệu quả. Mặt khác, người dân địa phương vẫn làm kinh tế theo kiểu “thân ai người nấy lo, mạnh ai nấy sống”. Bên cạnh đó, lúc bấy giờ, thương hiệu chè Bình Sơn chưa phổ biến trên thị trường nên ít người biết đến.

Chè Bình Sơn được thu hoạch và chọn lọc kỹ càng trước khi đưa đưa vào chế biến. Ảnh: Quốc Toản.

Chè Bình Sơn được thu hoạch và chọn lọc kỹ càng trước khi đưa đưa vào chế biến. Ảnh: Quốc Toản.

“Nếu làm vùng trồng chè quy mô lớn mà không liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ thì rất khó tồn tại. Bởi vậy, khi chè đã thành sản phẩm, bà con xã viên phải tự đi tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ bằng cách tham gia các hội chợ, hội thảo để quảng bá sản phẩm. Chè Bình Sơn khác với các vùng miền khác ở vị chát, ngọt hậu, đậm vị và có màu vàng sánh nên khách hàng rất ưa chuộng”, ông Tú cho hay. 

Để đảm bảo cây chè có đầu ra ổn định, năm 2016, ông Tú đứng ra thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông - lâm nghiệp Bình Sơn (HTX Bình Sơn) do ông làm Giám đốc nhằm mở rộng và phát triển thương hiệu chè truyền thống của địa phương. Bên cạnh đó, để gia tăng thu nhập, ông và bà con trong xã tận dụng diện tích đất dưới tán rừng để nuôi ong lấy mật. Trong suốt gần 10 năm qua, ông Tú cùng các thành viên HTX tích cực đầu tư công nghệ vào chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm, sáng tạo mẫu mã, góp phần quảng bá thương hiệu chè, mật ong Bình Sơn đến khắp các vùng miền trên cả nước. 

Hiện nay, xã Bình Sơn có hơn 300ha chè, trong đó HTX Bình Sơn có gần 80ha (trong đó có 12ha chè VietGAP) với 20 xã viên chính thức và 100 thành viên liên kết sản xuất. Mỗi năm, mô hình trồng chè kết hợp với nuôi ong lấy mật đem lại cho gia đình ông Tú thu nhập cả trăm triệu đồng, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương có thu nhập ổn định từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng. 

Ông Lê Đình Tú vừa được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là 1 trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Lê Đình Tú vừa được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là 1 trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023. Ảnh: Quốc Toản.

Các sản phẩm chè, mật ong của HTX Bình Sơn đã có mặt ở khoảng 30 tỉnh, thành phố trên cả nước. Nhờ đó, doanh thu trung bình năm của HTX đạt gần 3 tỷ đồng, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trên địa bàn xã.

Sau gần 30 năm gắn bó với mảnh đất Bình Sơn, ông Tú mãn nguyện với thành quả từ sự nỗ lực của các thành viên HTX. “Cuối cùng, công sức của của các thành viên HTX bỏ ra bấy lâu nay đã được đền đáp. Vui nhất là khi khách hàng thưởng thức sản phẩm chè Bình Sơn đều tấm tắc khen ngon”, ông Tú chia sẻ. Năm 2020, ông Tú đưa chè Bình Sơn đi thi các sản phẩm chè đặc biệt và đạt giải sản phẩm tiêu biểu.

Ấp ủ mô hình du lịch sinh thái

Sau khi nghiên cứu và sản xuất thành công với 2 loại nông sản bản địa, đặc hữu của xã Bình Sơn là cây chè và mật ong, ông Tú quyết định xây dựng 2 sản phẩm nói trên trở thành sản phẩm OCOP. Năm 2019, chè sạch Bình Sơn và mật ong nguyên chất Bình Sơn được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, dần trở thành sản phẩm phù hợp với thị hiếu và túi tiền của người tiêu dùng.

Với sự nỗ lực của ông Tú và các thành viên, đến nay, HTX Bình Sơn do ông Tú dẫn dắt đã phát triển được 4 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, từng bước khẳng định chất lượng các sản phẩm mang thương hiệu Bình Sơn trên thị trường.

Chè Bình Sơn từng bước khẳng định thương hiệu Bình Sơn trên thị trường. Ảnh: Quốc Toản.

Chè Bình Sơn từng bước khẳng định thương hiệu Bình Sơn trên thị trường. Ảnh: Quốc Toản.

Mới đây, ông Tú đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là 1 trong 100 gương mặt nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023. Ông chia sẻ: “Ban đầu tôi chỉ nghĩ rằng mình làm chè, mật ong cho gia đình, cho HTX nhằm tạo việc làm, thu nhập cho bà con chứ không nghĩ lại nhận được vinh dự to lớn như vậy. Phần thưởng trên là niềm vinh dự và tự hào không chỉ cho riêng tôi mà cho tất cả các thành viên của HTX”. 

Dẫn chúng tôi đi thăm đồi chè rộng cả chục ha của HTX Bình Sơn, ông Tú cho biết, ngoài việc duy trì ổn định diện tích trồng chè, ông còn ấp ủ ý tưởng xây dựng khu du lịch sinh thái đồi chè dựa trên tiềm năng về đất đai, bản sắc văn hóa cũng như điều kiện sẵn có của địa phương. 

“Tôi mong muốn được chính quyền địa phương tạo điều kiện về đất đai, quy hoạch làm trụ sở, nhà xưởng khang trang hơn, có điều kiện đầu tư bài bản, quy mô hơn về dây chuyền thiết bị công nghệ mới trong chế biến chè để phát triển hơn nữa HTX trồng chè Bình Sơn. Bên cạnh đó, thời gian tới, HTX sẽ mở rộng mô hình phát triển cây chè theo hướng hữu cơ, áp dụng các quy trình khoa học kỹ thuật vào sản xuất mang tính sinh thái, bền vững, kết hợp với du lịch sinh thái tham quan trải nghiệm, đồng thời cơ cấu lại sản xuất vùng nguyên liệu, đưa các giống chè mới có năng suất, chất lượng lượng cao để tăng thu nhập cho bà con và phục vụ du khách”, ông Tú chia sẻ.

Sản phẩm chè và mật ong mang thương hiệu Bình Sơn được khách hàng đánh giá cao về chất lượng. Ảnh: Quốc Toản.

Sản phẩm chè và mật ong mang thương hiệu Bình Sơn được khách hàng đánh giá cao về chất lượng. Ảnh: Quốc Toản.

Sau nhiều năm gắn bó với cây chè, ông Tú đúc rút kinh nghiệm: “Làm chè giống như một nghệ nhân. Nông dân phải có đam mê, tay nghề mới tạo ra sản phẩm có chất lượng. Bên cạnh đó, nông dân phải không ngừng học hỏi, đổi mới trong tư duy và cách làm sáng tạo để duy trì, phát triển bền vững thương hiệu chè Bình Sơn”.

Ông Lê Công Sơn, cán bộ nông nghiệp xã Bình Sơn cho biết, chè hiện là cây trồng chủ lực của địa phương, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nâng cao thu nhập cho bà con. Trong thời gian tới, địa phương sẽ khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng chè từ 300ha lên 400ha, kết hợp du lịch sinh thái, trải nghiệm vùng chè để tăng thu nhập cho bà con.

Xem thêm
Người Mông trung thành với lợn đen

YÊN BÁI Đồng bào Mông ở Yên Bái tập trung phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa quy mô hàng hóa, phù hợp với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt lại giúp nâng cao thu nhập.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Trang trại nho trĩu quả bên dòng Sê San

Vài năm nay, huyện Ia Grai không chỉ nổi tiếng bởi có dòng Sê San, là vựa cà phê lớn nhất tỉnh Gia Lai mà còn nổi lên với những vườn nho trĩu quả.

Bình luận mới nhất