| Hotline: 0983.970.780

Người xây cột mốc Trường Sa

Thứ Năm 23/04/2015 , 06:15 (GMT+7)

Nếu ai đã từng đi qua con đường Trường Sa, dọc bờ biển Đà Nẵng thì có lẽ sẽ không khỏi ấn tượng với cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa Đông. 

Cột mốc này được xây dựng bởi tấm lòng của cựu người lính hải quân Trường Sa để khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

30 năm sau ngày rời Trường Sa trở lại đất liền, qua bao khó khăn vì mưu sinh cuộc sống, cựu binh Trần Văn Xuất (SN 1966, trú Đà Nẵng) đã quyết tâm tìm lại 31 đồng đội cùng sinh sống và làm nhiệm vụ trên đảo Trường Sa Đông năm 1984-1985.

Ông xây cột mốc nhằm ý nghĩa tìm lại những đồng đội của mình và để tưởng nhớ một thời hào hùng trên Trường Sa.

Trường Sa giữa Đà Nẵng

Hình ảnh cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa Đông trở nên quen thuộc với mỗi người dân Đà Nẵng bởi nó nằm hiên ngang trong sân vườn nhà cựu binh Xuất, trước mặt là con đường Trường Sa.

Cột mốc này được mô phỏng theo nguyên bản cột mốc chủ quyền thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa Đông cao 6 m, rộng 1,5 m. Bốn mặt đều được khắc tên Đảo Trường Sa Đông.

Ông Xuất kể, năm 2009, sau hơn 3 năm nỗ lực tìm kiếm những đồng đội cùng chiến đấu trên Trường Sa năm xưa, 22 người đã được ông Xuất tìm được và đoàn tụ. Lúc bấy giờ, để tìm nốt 9 người còn lại, ông nghĩ ra được kế sách “xây cột mốc Trường Sa Đông”.

Nghĩ là làm, ông bắt tay vào xây dựng ngay cột mốc, chi ra hơn 200 triệu đồng. Ngày khánh thành cột mốc, ông đã tổ chức hội ngộ 22 đồng đội xưa để ôn lại những kỷ niệm cũ và cùng tìm những đồng đội còn lại.

“Mong muốn trước tiên của tôi khi xây cột mốc này là để tìm lại đồng đội. Hy vọng khi nhìn thấy cột mốc này, nhiều người sẽ phải tìm hiểu và tìm đến chủ nhân của nó. Biết đâu, trong số đó sẽ có những đồng đội của tôi”. Với niềm tin vào nỗi nhớ biển đảo xưa đã từng một thời sống và bảo vệ, ông Xuất đinh ninh sẽ tìm được 9 người còn lại.

Tâm sự với chúng tôi, ông Xuất còn chia sẻ, ngoài ý nghĩa tìm đồng đội, ông còn mong cột mốc xây lên sẽ khẳng định một điều rằng chủ quyền biển đảo là thiêng liêng, cao quý. 

“Tôi biết rất nhiều người dân mình không biết Trường Sa, Hoàng Sa nằm ở đâu. Hy vọng sau khi nhìn thấy cột mốc này và tìm hiểu về ý nghĩa của nó, nhiều người sẽ hiểu rõ hơn và khẳng định được Trường Sa, Hoàng Sa là của đất nước mình, của Việt Nam chúng ta”, ông Xuất thổ lộ.

Cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa Đông của ông Xuất nằm giữa danh thắng Ngũ Hành Sơn nên mỗi ngày không ít khách tham quan đến đây chiêm ngưỡng. Không phải đi đâu xa, những người không có cơ hội được đến với Trường Sa giờ đã có thể nhìn thấy một cột mốc sừng sững và hiên ngang giữa lòng Đà Nẵng.

16-58-58_32
Ông Trần Văn Xuất luôn trân trọng những kỷ vật của một thời lính hải quân Trường Sa

Ông Phạm Hữu Đức (quê TP.HCM) trong một dịp đến Đà Nẵng đã nhìn thấy cột mốc này. Ông chia sẻ: “Tôi cũng như bao người dân Việt Nam, luôn mong có dịp được đặt chân đến Trường Sa một lần. Thế nhưng để đến Trường Sa cũng không phải dễ. Bây giờ, nhìn thấy cột mốc này, tôi đã phần nào thỏa được ước mơ đến Trường Sa. Dẫu không được đặt chân lên đảo nhưng tôi vẫn hình dung được một cột mốc hiên ngang khắc họa rõ chủ quyền của Việt Nam”.

Một thời hào hùng

Chỉ sống trên đảo 32 tháng, nhưng những ký ức của thời điểm đó vẫn vẹn nguyên trong trái tim người lính hải quân Trần Văn Xuất.

19 tuổi, người thanh niên của xã Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng khoác áo hải quân lên đường đến Trường Sa nhận nhiệm vụ. Lúc đó, ông được phân công vào Lữ đoàn 146. “Hồi ấy, trong tâm trí chúng tôi, Lữ đoàn 146 là Lữ đoàn Trường Sa anh hùng nên được làm người lính trong đó cũng danh dự lắm”, ông Xuất bồi hồi nhớ lại.

Sinh ra trong gia đình có đến 10 người con. Tuổi thơ của ông đã sớm lam lũ với ngày vã mồ hôi trên núi Ngũ Hành Sơn để kiếm củi, chiều về ra biển cùng bố mẹ đánh cá mưu sinh. Những gian khổ, khó nhọc trên đảo không làm nhụt chí một người thanh niên mang đậm khí chất nông dân.

Mỗi ngày trên đảo, những người lính hải quân như ông chỉ được cấp gạo và thịt hộp làm thực phẩm. Bữa ăn hàng ngày thiếu đi rau xanh và cả nước uống. Mỗi người lính chỉ được cấp 1 lít nước dùng cả ngày cho việc ăn, uống, tắm giặt. Thế nên họ tiết kiệm nước bằng cách mặc quần đùi. Áo thì chỉ đến lúc cần mới mặc cho đỡ tốn nước giặt.

Để cải thiện bữa ăn cho đồng đội, mỗi ngày ông đều bơi lội ngoài biển để đánh bắt hải sản. “Thời đó, tôm hùm nhiều lắm, mỗi lần ra biển là tôi mang về cho anh em mấy bao to. Ăn không hết, mọi người lại mang ra phơi khô để dành cho những đoàn văn công ra thăm đảo và làm quà mang về đất liền lấy tình của người lính Trường Sa”.

Ngày đó, những người lính hải quân đóng trên Trường Sa Đông luôn khắc ghi ý thức bảo vệ đảo, giữ vững chủ quyền. Ban ngày, họ vác đá chắn sóng cho đảo và luyện tập quân sự. Ban đêm họ thay phiên canh gác đảo. “Dù sống trong thời tiết hết sức khắc nghiệt nhưng anh em chúng tôi luôn giữ vững tình đồng đội thắm thiết và sống trong niềm tự hào của người lính hải quân”, ông Xuất tâm sự.

Tuổi trẻ của ông Xuất cùng những người đồng đội kia đã một thời mang tên Trường Sa, tiếng gọi của Tổ quốc. Ông Xuất chia sẻ: “Cho đến tận bây giờ, khi nhắc đến hai chữ Trường Sa, tôi vẫn thấy mình rạo rực hẳn lên, một cảm giác hạnh phúc và xúc động khó tả lắm”.

Được sống ở Trường Sa, được bảo vệ Trường Sa, được gọi là một cựu binh Trường Sa đối với ông Xuất luôn là niềm tự hào. Mỗi khi nhắc đến điều đó, tôi nhận thấy đôi mắt ông đỏ hoe vì xúc động. Có lẽ sự tự hào về bản thân, về những đóng góp cho biển đảo của Tổ quốc vẫn còn in đậm trong tâm khảm của cựu binh Trường Sa này.

Nghĩa tình người lính đảo

Ngày xuất ngũ, ông Xuất trở về đất liền với hai bàn tay trắng. Ông không đủ tiền xe để về Đà Nẵng nên lang bạt khắp nơi ở Khánh Hòa để kiếm sống.

16-58-58_nh-2-ong-xut-ben-cot-moc-chu-quyen
Cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa Đông nằm hiên ngang giữa Đà Nẵng

Vốn mang bản chất của người dân biển, ông xin vào làm ở các Cty chế biến hải sản. Cuộc sống bấp bênh mãi đến ngày ông quyết định về lại Đà Nẵng để lập nghiệp. Từ trắng tay, ông lập nên được cơ sở SX đồ mỹ nghệ bề thế ở Ngũ Hành Sơn. Nhìn vào cơ ngơi của ông, không ít người phải ngầm thán phục.

Khi kinh tế đã khá giả, ông lại thường xuyên nhớ về những người đồng đội từng sát cánh với mình ở Trường Sa. “Mỗi lần ngồi trước biển, tuổi trẻ của tôi như hiện ra trước mắt. Tôi nhớ đồng đội, từng giọng nói, tiếng cười, tính tình của mỗi người. Vì mưu sinh mà chúng tôi không thể giữ liên lạc, biết được ai còn, ai mất. Nghĩ vậy, tôi quyết tâm đi tìm đồng đội”, ông kể.

Hành trình tìm lại đồng đội của ông bắt đầu từ năm 2005. Từ ký ức, ông lần lượt tìm được 22 người, bằng những chuyến đi không tên đến khắp mọi miền đất nước. Có người ở Thái Bình, có người ở Bình Định, Phú Yên, Quảng Bình... “Gặp lại nhau, chúng tôi ôm chầm lấy mà nước mắt giàn giụa. Đó cũng là niềm hạnh phúc vô bờ bù đắp lại những ngày tháng vất vả”, ông Xuất tâm sự.

Rồi những người đồng đội cũ của ông lại cùng nhau lên đường, tìm đủ 9 người còn lại. Ngày 16/2/2012, cuộc hội ngộ lần đầu tiên sau 27 năm xa cách của họ được tổ chức tại Đà Nẵng trong niềm vui và nước mắt. Vày ngày 16/2 hằng năm, cũng là ngày gặp mặt truyền thống của ông Xuất cùng những đồng đội của mình.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khoanh vùng thiếu nước để ngừng sản xuất nông nghiệp

Công ty Thủy lợi Khánh Hòa khuyến cáo người dân không tự ý sản xuất đối với diện tích đã khoanh vùng tạm dừng sản xuất, nhằm tránh thiệt hại do không có nước tưới.