| Hotline: 0983.970.780

Nuôi tôm tự phát ngoài quy hoạch gây ô nhiễm môi trường

Thứ Năm 04/03/2021 , 08:46 (GMT+7)

Thực trạng nuôi tôm trái phép trong khu dân cư ở Thanh Hóa, khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhân dân đã nhiều lần kiến nghị nhưng vẫn không được giải quyết.

                     

Sự việc diễn ra 2-3 năm nay nhưng sự thiếu quyết liệt của chính quyền phường Hải Thanh, hiện đã có 73 hộ nuôi tôm trái phép trong khu dân cư. Môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhân dân đã nhiều lần kiến nghị nhưng vẫn không được giải quyết.

73 hộ nuôi tôm trái phép trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng nhưng chính quyền phường Hải Thanh bất lực. Ảnh: Võ Dũng.

73 hộ nuôi tôm trái phép trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng nhưng chính quyền phường Hải Thanh bất lực. Ảnh: Võ Dũng.

Bài liên quan

Theo phản ánh của người dân, một ngày đầu tháng 3, chúng tôi có mặt tại khu phố Thanh Xuyên thuộc phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa).

Thật khó tưởng tượng, một bãi biển từng được nhiều du khách đến tắm vào mùa hè, một địa phương đang hướng tới phát triển du lịch biển thì nay sặc mùi hôi thối, rác thải sinh hoạt từ khắp nơi tấp vào khu vực đê chắn sóng chạy từ núi Do đến núi Thổi.

Người dân ở đây cho biết, mùi hôi thối, ngoài rác sinh hoạt còn do nước thải nuôi tôm trái phép của hàng chục hộ dân thải ra ngoài môi trường từ 2-3 năm nay.

Nhà của ông Lê Minh Hải bị "bao vây" bởi 2 bể nuôi tôm công nghiệp của ông Trần Văn Ưng và 3 bể của các hộ dân khác. Hai năm nay, gia đình ông phải sống chung với mùi hôi thối và ô nhiễm tiếng ồn từ quạt oxi. Việc dẫn nước mặn từ biển vào bể nuôi nằm ngay trong khu dân cư đã khiến 3 giếng khoan của ông, con trai ông và hàng chục hộ dân bị nhiễm mặn. Không thể dùng nước giếng khoan, gia đình ông đã phải bỏ 3,5 triệu đồng lắp đường ống, mua nước sinh hoạt.

“Sống ở đây chẳng khác nào bị tra tấn. Máy móc nổ sình sịch suốt ngày đêm, hôi thối không tài nào chịu nổi. Chúng tôi có phản ánh lên phường nhưng không không được giải quyết. Các hộ nuôi tôm bảo cứ lắp nước sạch đi, hết bao nhiêu tiền họ trả nhưng có thấy gì đâu. Ở đây, đất đã chật, người đã đông, nay lại thêm ô nhiễm nữa thì sống làm sao được” – ông Hải bức xúc.

Bể nuôi tôm của ông Trần Văn Ưng và hàng chục hộ dân khác xây dựng, hoạt động trái phép gây bức xúc cho dư luận. Ảnh: Võ Dũng.

Bể nuôi tôm của ông Trần Văn Ưng và hàng chục hộ dân khác xây dựng, hoạt động trái phép gây bức xúc cho dư luận. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Hải dẫn chúng tôi ra bờ đê chắn sóng chỉ cách nhà một con đường dân sinh. Ở đây, vô số rác được tấp vào bờ, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.

Những hộ nuôi tôm nằm trong khu dân cư chỉ cách con đê chắn sóng này vài bước chân. Họ cắt đường bê tông dân sinh, cắt cả bờ đê chắn sóng để lắp ống nhựa hút nước từ ngoài biển vào nuôi tôm. Cứ cách vài ba chục mét, thân đê này lại có một ụ bê tông được xây để máy hút nước. Tiếng máy nổ xình xịch suốt ngày đêm. Nước thải nuôi tôm được đổ xuống mương nước sinh hoạt, đổ về các cống rồi dồn ra biển. Vì thế, từ vài năm nay, người dân phường Hải Thanh không còn ra biển tắm vì nước bẩn và ngứa.

Ông Hồ Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Hải Thanh cho biết, nuôi tôm trái phép xuất phát từ việc những năm gần đây đi biển mất mùa, nhiều hộ bán rẻ tàu thuyền để đầu tư nuôi tôm trên đất thổ cư nằm sát bờ biển, thuộc các khu dân cư. Hoạt động này diễn ra từ năm 2018 và đến nay có 73 hộ nuôi tôm trái phép.

Ông Dũng cũng thừa nhận, việc nuôi tôm không nằm trong vùng quy hoạch đã gây ra rất nhiều hệ lụy nhưng UBND phường Hải Thanh bất lực trong việc xử lý.

Bờ đê chắn sóng bị chiếm dụng để đặt ống hút nước từ biển vào nuôi tôm khiến cảnh quan nhếc nhác, môi trường ô nhiễm. Ảnh: Võ Dũng.

Bờ đê chắn sóng bị chiếm dụng để đặt ống hút nước từ biển vào nuôi tôm khiến cảnh quan nhếc nhác, môi trường ô nhiễm. Ảnh: Võ Dũng.

Theo ông Dũng, từ năm 2018 đến nay, UBND phường đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính trên 30 trường hợp nuôi tôm trái phép với tổng số tiền trên 100 triệu đồng nhưng chỉ thu được tiền nộp phạt của một số hộ.

“Có 12 hộ xây bậc lên thân đê, cắt thân đê để nối ống ra biển hút nước vào bể nuôi. Họ thường làm ban đêm, thứ 7, chủ nhật nên phường không kiểm soát được. Số không nộp phạt không xử lý được và phường cũng không có cách nào để xử lý; cưỡng chế các đầm tôm trái phép là rất khó”- ông Dũng cho hay.

Đại diện UBND phường Hải Thanh cho rằng, việc không ngăn chặn, tháo dỡ các đầm tôm là do liên quan vấn đề dân sinh, giải quyết việc làm cho những lao động không còn theo nghề đánh cá.  Người dân thì nghi ngờ, cán bộ phường đã cố tình để các hộ vi phạm tiếp tục được nuôi tôm trái phép trong khu dân cư(?).

 

Xem thêm
Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.