Theo ban tổ chức, phố ông đồ và đường mai là một trong hoạt động nằm trong Lễ hội Tết Việt được tổ chức thường niên tại Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM. Hoạt động này được đông đảo người dân mong chờ mỗi khi năm hết Tết đến. Nơi đây cũng là địa điểm du xuân lý tưởng đầu tiên của người dân thành phố vào mỗi dịp Tết.
"Với chủ đề “Thành phố tôi yêu”, BTC mong muốn gửi gắm đến các bạn trẻ hãy luôn có niềm tin và tự hào về thành phố của mình. Từ sự tự hào và niềm tin đó thì các bạn cùng mọi người sẽ góp sức, vượt khó và mạnh dạn dấn bước để thành phố của chúng ta ngày càng phát triển", ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM, đơn vị tổ chức Lễ hội Tết Việt cho biết.
Theo đó, nếu như những năm trước có khoảng 20 ông đồ tham gia thì năm nay có đến gần 50 ông, bà đồ trẻ đăng ký tham gia. Số lượng các khu vực dành cho các ông đồ cũng được ban tổ chức bố trí tăng lên.
Khu vực vườn mai năm nay cũng có nhiều nét mới. Vườn mai chỉn chu hơn, chất liệu tốt hơn, cách sắp đặt cũng mới lạ với hơn 100 gốc mai bao phủ mặt tiền đường Phạm Ngọc Thạch và trong sân Nhà văn hóa Thanh niên. Tất cả được sắp đặt nghệ thuật, đẹp mắt và hài hòa với các gian hàng dựng bằng đước, lá dừa… tạo nên không khí ngày Tết tươi vui, gắn với hình ảnh loài hoa đặc trưng ngày Tết Nam bộ.
Đi sâu vào trong là sự xuất hiện những sản phẩm đan mây, tre, lá của người Nam bộ, cùng những chậu hoa cúc tạo cho mọi người cảm giác như ở một vùng quê rất đẹp trong ngày xuân.
Đặt biệc, BTC đã đặt nông dân ở Cần Thơ trồng hơn 2.000 chậu lúa từ sớm để tái hiện một ruộng lúa được cách điệu nhiều tầng, gợi liên tưởng đến những cánh đồng cò bay thẳng cánh của đồng bằng Nam bộ.
"Đã qua 16 năm, đường mai và phố ông đồ vẫn luôn tạo sức hút rất lớn không chỉ với người trẻ mà với cả nhiều lứa tuổi, thành phần người dân thành phố. Qua mỗi năm, lượng khách đến ngày càng đông. Năm trước, qua thống kê có hơn 200.000 lượt khách đến với lễ hội.
Năm nay, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, mọi người càng có thêm nhu cầu vui chơi, chụp hình dịp Tết, nên BTC đã có sự chuẩn bị rất chu đáo để mọi người đến đây có thể thưởng lãm một cách hoàn hảo nhất, từ an ninh trật tự đến vấn đề vệ sinh…", ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM, đơn vị tổ chức Lễ hội Tết Việt nhấn mạnh.
Bên cạnh phố ông đồ, đường mai, sự kiện năm nay còn thu hút các gian hàng làng nghề truyền thống cùng các hoạt động vui chơi, giải trí, biểu diễn nghệ thuật, các hoạt động tương tác… cũng sẽ được tổ chức đầy đủ.
Đường mai và phố ông đồ sẽ diễn ra từ ngày 5 đến ngày 26/1 (nhằm ngày 14 tháng Chạp đến mùng 5 Tết Quý Mão 2023.