| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ninh: Chính quyền thời đại 4.0, mỗi cán bộ là một "công dân mạng"

Thứ Tư 25/03/2020 , 10:12 (GMT+7)

Những hình ảnh mà người dân hay nghĩ "đưa lên mạng cho vui" thì nay đã được các cơ quan chức năng địa phương tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận, xử lý nhanh gọn.

Hôm rồi tôi có việc gặp chị Đỗ Thị Thúy Hạnh - Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Văn hóa TP Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh). Đang ngồi nói chuyện mà điện thoại chị Hạnh cứ rung liên hồi. Chị bảo: "từ khi UBND TP Uông Bí lập nhóm phản ứng nhanh trên mạng xã hội, điện thoại với chị là vật bất ly thân".

Chị Hạnh chia sẻ, nhóm có tên "Thông tin vi phạm môi trường Uông Bí", được tạo từ tháng 4/2018, thành viên là toàn thể cán bộ lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố, các phòng, ban, lãnh đạo UBND các phường, xã, nhằm hỗ trợ quản lý, chỉ đạo điều hành về trật tự đô thị, trật tự xây dựng và vệ sinh môi trường trên địa bàn.

"Nhóm online gần như từ sáng cho đến khuya để tiếp nhận những thông tin phản ánh của người dân", chị Hạnh cho hay. Tôi lướt từ trên xuống, thật bất ngờ khi những việc tưởng chừng như rất nhỏ mà người dân đăng tải trên facebook, trên các trang mạng xã hội ở Uông Bí như việc hồ nước có rác, nắp cống chưa nhổ hết đinh, vỉa hè bị vỡ, xe ô tô chở vật liệu quá tải gây bụi bẩn,... đều được đưa vào trong nhóm để xem sự việc xảy ra ở địa bàn nào, ai phụ trách thì người đó phải kiểm tra, xử lý.

Theo đánh giá của nhiều cán bộ địa phương, từ khi có nhóm "phản ứng nhanh" này, việc xử lý các trường hợp vi phạm tại các phường, xã đã được tiến hành nhanh gọn, linh hoạt. Không chỉ những việc liên quan đến trật tự đô thị, xây dựng và vệ sinh môi trường mà mọi việc người dân bức xúc, phản ánh trên mạng đều được đưa vào nhóm để lãnh đạo thành phố xem xét.

Những vi phạm được phát hiện đều có hình ảnh, địa chỉ làm bằng chứng, thuận tiện cho công tác kiểm tra, xử lý. Ảnh: Cường Vũ.

Những vi phạm được phát hiện đều có hình ảnh, địa chỉ làm bằng chứng, thuận tiện cho công tác kiểm tra, xử lý. Ảnh: Cường Vũ.

"Ngoài tiếp nhận những phản ánh của người dân. Hàng ngày, trên đường đi làm, đi kiểm tra đột xuất, mọi thành viên trong nhóm nếu phát hiện vi phạm đều chụp ảnh và chú thích rõ địa chỉ đưa lên nhóm. Những vi phạm được phát hiện đều có hình ảnh, địa chỉ làm bằng chứng. Căn cứ vào đó, lãnh đạo thành phố dễ dàng chỉ đạo đến từng phường, xã, các đơn vị chức năng xử lý nhanh chóng và báo cáo trong thời gian ngắn nhất. Kết quả xử lý thể hiện rõ trên nhóm nên các đơn vị đều tự nhìn nhau để làm tốt hơn...", chị Hạnh nói và vui mừng cho biết, từ khi chính quyền áp dụng mô hình này tình hình vi phạm trật tự đô thị, lấn chiếm vỉa hè,…đã có nhiều chuyển biến. Qua ghi nhận ý kiến người dân thì môi trường đô thị thành phố ngày một sạch đẹp, ý thức của nhân dân về việc giữ gìn vệ sinh môi trường ngày càng được nâng cao.

Anh Nguyễn Văn Hùng, một người dân phường Yên Thanh, TP Uông Bí bày tỏ: "Tôi rất thích ý tưởng, cách làm này của Đảng bộ, chính quyền TP Uông Bí. Những hình ảnh mà chúng ta hay nghĩ 'đưa lên mạng cho vui chứ giải quyết được gì' thì nay đã được các cơ quan chức năng địa phương tiếp nhận, xử lý nhanh gọn".

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo UBND phường Vàng Danh (TP Uông Bí) chia sẻ: "Nhóm thông tin vi phạm môi trường Uông Bí giúp UBND các xã, phường giảm thiểu tối đa việc ban hành văn bản chỉ đạo, vi phạm được phát hiện ghi chú thích đầy đủ thời gian - địa điểm để đơn vị xử lý biết rõ và xử lý nhanh nhất. Mọi việc chỉ đạo, xử lý đều diễn ra công khai, nhanh gọn mà không phải chờ ban hành văn bản chỉ đạo".

Được biết, sau khi TP Uông Bí triển khai mô hình này, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng đã áp dụng. Đây là sáng kiến cần được nhân rộng để phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý của chính quyền, góp phần tích cực trong cải cách hành chính.

Mô hình "đội phản ứng cực nhanh trên mạng" của TP Uông Bí nói riêng và các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh nói chung đã nâng cao vai trò của chính quyền trong công tác giám sát, giải quyết những vấn đề bức xúc, tồn tại ở địa phương trên tinh thần vì nhân dân phục vụ, xứng đáng là chính quyền thời đại 4.0, mỗi cán bộ là một "công dân mạng".

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.