| Hotline: 0983.970.780

Quê tôi, sao lại thế này?: Chen nhau sống, chết cũng chen nhau

Thứ Sáu 11/03/2016 , 09:05 (GMT+7)

Mở mắt ra đường đã thấy cảnh chen lấn, lộn xộn. Chen nhau đi, chen nhau sống, đến chết cũng chen nhau. Người sống ganh nhau cái nhà, người chết ganh nhau cái mồ. Không còn là những cái mả xây gạch giản dị nữa mà phải làm sao thật phong cách, thật khác biệt.

Chuyện người sống

Chưa bao giờ số phận “hạt ngọc” lại lắm nỗi chìm nổi như hiện nay. Ông Phạm Đức Toán, Trưởng thôn Như Lâm (xã Phượng Kỳ, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) bảo trước đây trong làng có ba bốn người hàng xáo còn ngoài xã có đến cả chục anh. Mùa gặt, họ tranh nhau đong thóc. Lúa cất trong bồ đã đành hàng xáo còn sục sạo “bắt non” mua lúa ngay tại sân nhà dân.

Giờ cảnh đó đã dần thành cổ tích. Cánh hàng xáo bên ngoài lâu rồi chẳng thấy còn vào thôn còn cánh hàng xáo trong làng giờ cũng chẳng thèm mua thóc nữa mà chỉ nhận xay xát thuê. Người làng mỗi khi hết gạo lại đem thóc ra xay, đếm bao, tính tiền, thế thôi chứ không mấy khi bán được lúa dù giá rẻ mạt chỉ trên dưới 6.000đ/kg.

Có nhà như ông Phạm Đức Khanh thóc đóng trong bồ hàng tấn để 2 năm ròng, mọt ăn sắp ruỗng hết cả rồi mà chẳng thể gọi được người mua đành phải đem cho cá, cho gà ăn. Ruộng đồng lác đác chỗ lúa, chỗ cỏ vì bỏ hoang. Ngay cả những nơi như Gia Xuyên, Đoàn Thượng (huyện Gia Lộc, Hải Dương) những vùng chuyển đổi cơ cấu nổi tiếng với đào, với rau cao cấp. Mùa vụ kín đặc. Tháng 1 đến tháng 5 trồng lúa; tháng 6, tháng 7 trồng dưa hấu, dưa lê; tháng 8 trồng bắp cải sớm; tháng 10, tháng 11 trồng vụ đông. Đất mệt nhoài, người mệt phờ.

Thu nhập được đẩy lên tới 300-400 triệu/ha nhưng với mỗi khẩu có trên dưới 1 sào Bắc Bộ thì dù trồng cây thuốc phiện đi chăng nữa cũng không thể khá chứ đừng nói làm giàu. Những nông dân thuộc vào hạng chăm chỉ nhất nhì thành Đông chỉ thu nhập được 24 triệu/người/năm.

Bức bí quá mọi người đều tìm cách bươn bả ra ngoài cho bằng được. 50, 60 thậm 70 tuổi giờ đây lại là lực lượng lao động chính trong nông nghiệp. Của đáng tội Như Lâm cũng có khoảng mươi thanh niên nhưng không thuộc diện chơi bời cũng vào loại “sứt môi, hở rốn” khó xin việc. Đến ngay cả bà vợ trưởng thôn đã U50 rồi mà vẫn còn phải đi làm quần quật cho một công ty sản xuất gấu bông.

Lương tháng được 5 triệu nhưng đi miết từ tờ mờ sáng đến 8-9h khuya. Về nhà tắm giặt xong, nhoáng nhoáng lùa một hai lưng cơm, mệt lử lả xoong nồi, bát đĩa cứ hẵng quẳng đấy mà lăn ra ngủ để mai lại dậy sớm, lấy sức làm. Đi chợ, nấu cơm, rửa bát tất tật đều phó mặc cho chồng. Việc đồng áng, việc nhà cửa, việc con cái dồn lên đức ông chồng khiến cho từ lâu giấc ngủ trưa dần vắng bóng ở cái làng.

Số trẻ hơn, điều kiện hơn thì tìm cách bươn bả đi xuất khẩu lao động. Có khoảng 10% lao động trong làng thuộc vào dạng này. Nhiều người hết hạn không chịu về nước mà còn lén ra ngoài làm thêm, trốn chui, trốn nhủi dưới gầm giường, trong hầm, trong hòm, trong tủ mỗi khi có đợt kiểm tra.

Người kém may mắn bị lộ, bị bắt phải gọi điện về nhà gửi tiền sang mà nộp tiền chuộc. Người khá hơn, thoát được, chủ vừa mở cửa liền ngoi ra hớp lấy hớp để khí trời hệt như cá bị sặc bùn.

Những người đi xuất khẩu lao động ấy, họ chi tiêu ra sao? Theo trưởng thôn Như Lâm 95% ném tiền vào xây nhà đẹp, mua xe đẹp (kể cả phải vay mượn thêm), chưa đến 5% dùng vào đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Thói đời, nhà làm sau phải cao hơn, to hơn, cầu kỳ hơn nhà làm trước. Đường làng ngoằn nghèo, nhiều chỗ nhỏ đến nỗi một con bò chửa và một người đàn bà có thai đi ngược chiều nhau là chạm bụng mà xây nhà cứ phải là biệt thự, đắp cổng cứ phải rộng hai ô tô chui lọt. Hồi ông Toán xây nhà năm 1995, đó là cái nhà mái bằng đầu tiên của xóm. Giờ thì nó bị các nhà xây sau cho “ngửi khói”, vượt qua hết lượt.

Đi nước ngoài về chẳng lẽ vẫn ở ngôi nhà cấp bốn? Đi nước ngoài về chẳng lẽ lại làm bạn với ruộng đồng, con lợn, con gà? Phải có nhà to, phải đi làm thuê cho công ty lớn dù rằng chỉ được trả đồng lương chết đói.

Một thế hệ đánh đổi tuổi thanh xuân thậm chí cả hạnh phúc gia đình (nhiều cặp vợ chồng ly tán, tan vỡ khi một người đi xuất khẩu lao động biền biệt không về, một người như ruộng hạn chờ mưa ngóng dài cổ ở nhà) về cũng chỉ đua nhau cái nhà to đẹp. Sao không đầu tư vào ruộng đồng? Tôi hỏi ông trưởng thôn, ông bảo làm nông như đánh bạc không mấy ai dại mà đầu tư.

Cả làng, cả xã mới có được một tấm gương như anh Phạm Đức Trung, Chủ nhiệm HTX Phượng Kỳ. Bỏ chức trưởng thôn, anh dứt áo ra đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc. Mấy năm lăn lộn xứ người, nhờ nhanh nhẹn anh kiếm được bạc tỉ.

15-20-00_dsc_1516
Anh Trung với mô hình trồng nấm

Chung một mộ tổ, chung ngày giỗ họ nhưng không đôi bên không nhận nhau mà chia đàn, xẻ nghé thành ra hai họ, hai nhà thờ. Oán thù tiền nhân buộc, hậu bối đã không cởi mà càng thêm thít chặt.

Khi về nước nhiều đơn vị lôi kéo nhưng anh đều lắc đầu, đem tiền gom 12 mẫu ruộng trũng để làm mô hình ao nổi (ruộng vẫn giữ nguyên chỉ đắp thêm bờ, trên trồng chuối, dưới thả cá, giữa cấy) và đầu tư thêm một trại nấm. Sống bằng ước mơ, khao khát của tuổi trẻ nhưng nông nghiệp quá bấp bênh. Mấy cái ao nổi giữa đồng hè qua nóng quá, cá chết hàng loạt đâm lỗ chỉ còn gỡ gạc được chút ít ở phần đầu tư trại nấm.

Chuyện người chết

Mở mắt ra đường đã thấy cảnh chen lấn, lộn xộn. Chen nhau đi, chen nhau sống, đến chết cũng chen nhau. Người sống ganh nhau cái nhà, người chết ganh nhau cái mồ. Không còn là những cái mả xây gạch giản dị nữa mà phải làm sao thật phong cách, thật khác biệt.

Trưởng thôn Như Lâm kể rằng, mốt đầu tiên là mua lăng bê tông đúc sẵn về chụp lên mộ, nay đã thành lạc hậu. Giờ nhà có điều kiện thì mua lăng bằng đá trị giá dăm ba mươi triệu, người giàu hơn nữa thì xây lăng đắp rồng, đắp phượng trị giá cả trăm triệu.

Mộ nào đã xây hoành tráng rồi mà còn bị mộ khác vượt mặt là có khi phải phá, phải cải tạo lại với kiểu mẫu cập nhật hơn, quy mô to lớn hơn. Phần chính là lăng đã thế, phần phụ trợ là mộ, là tường bao cũng phải đua tranh, không chịu thua kém.

Sự ganh đua giữa các dòng họ thường không bằng con đường học hành mà bằng mồ mả, bằng đi giúp việc ở nước ngoài. Khó khăn bằng mấy cũng phải “chạy” cho con đi Hàn Quốc, Đài Loan. Nghèo bằng mấy cũng phải xây mả tổ cho thật to, thật đẹp.

15-20-00_dsc_1514
Nghĩa trang làng

Để người chết khỏi làm mệt người sống, mấy năm nay ở thôn Tranh Đấu (xã Gia Xuyên, huyện Gia Lộc, Hải Dương) người ta đã đưa các cụ vào nề nếp. Nghĩa trang làng quy định giàu cũng như nghèo, sang cũng như hèn đều chỉ dài, rộng, cao chừng ấy thước vuông theo khuôn mẫu đã được tập thể xây sẵn, khi hóa chỉ cần đặt tiểu sành xuống là xong. Hơn thế, hàng cách hàng, mộ cách mộ cũng phải đúng quy cách.

Quy định này lúc đầu bị dân tình dị nghị ghê lắm! Thôn phải tổ chức tới 5 cuộc họp của các hội, đoàn thể đều chỉ một mục đích tuyên truyền về chủ đề đưa các cụ vào khuôn phép thế nào. Dần dần rồi dân cũng hiểu ra đó cũng là cách để tránh sự ghen ăn tức ở trong cuộc đua mộ phần hoành tráng.

Thôn mỗi lần xây cứ 5 cái một, chuẩn bị hết là xây tiếp đợt khác, không để mộ chờ nào có đủ thời gian để xanh rêu. Tốn kém ít hẳn đi vì giá chỉ 3,5 triệu đồng/mộ mà lại vui vẻ cả làng.

Xem thêm
Phú Thọ dự kiến giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã

Trong giai đoạn 2023-2025 tỉnh Phú Thọ dự kiến sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị hành chính, sau sắp xếp giảm 48 đơn vị.

Chia nước theo thứ tự ưu tiên

Do nắng hạn kéo dài, không có mưa đã khiến các hồ đập cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cắt giảm hơn 15.000ha lúa trong vụ hè thu tới.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hơn 300 cơ sở ở Thái Nguyên vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện hơn 320 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bình luận mới nhất