| Hotline: 0983.970.780

Rùng mình "câu" ong đất

Thứ Tư 05/09/2012 , 10:19 (GMT+7)

Mới rồi tôi vào thôn Bản Láng, xã Bản Qua (Bát Xát - Lào Cai) chơi. Chú em người quen khệ nệ bưng ra bình rượu, hồ hởi: Bác làm mấy chén nhé! Rượu ong đất một trăm phần trăm đấy. Nghe nói uống vào “sung” lắm! Mà bác có đi xem đám thợ “săn” ong đất không? Nguy hiểm nhưng thú vị phải biết!

Mới rồi tôi vào thôn Bản Láng, xã Bản Qua (Bát Xát - Lào Cai) chơi. Chú em người quen khệ nệ bưng ra bình rượu, hồ hởi: Bác làm mấy chén nhé! Rượu ong đất một trăm phần trăm đấy. Nghe nói uống vào “sung” lắm! Mà bác có đi xem đám thợ “săn” ong đất không? Nguy hiểm nhưng thú vị phải biết!

Cuộc chiến dữ dội

Ong đất, dân gian còn gọi là ong bắp cày hay thổ phong, mã phong. Mùa câu ong đất bắt đầu từ tháng 6 âm lịch và kéo dài cho đến hết mùa mưa hằng năm. Cuối xuân, đầu hạ là thời điểm các loài ong xây tổ, đến cuối mùa mưa, tổ nào cũng đã nhung nhúc ong già ong non, nhộng hoặc đầy mật ngọt. Đây cũng là lúc các thợ ong chuẩn bị đồ nghề cho những trận ra quân săn ong. Ong đất không làm tổ trên cây mà lại chọn những gốc cây mục hoặc chiếm những tổ mối trong lòng đất để lập “đại bản doanh”.

Mộc Văn C, thôn Bản Láng, xã Bản Qua, một thợ ong nhiều kinh nghiệm, chia sẻ: Muốn tìm được tổ của chúng, đầu tiên là phải phục kích được chỗ ong đất hay đến kiếm ăn như những cây mít, cây xoài có quả chín nục. Ong đất là loài "ong vua", chuyên ăn thịt các loại côn trùng khác nên chỉ cần xiên con dế mèn, chuồn chuồn vào đầu que nhỏ, cắm ở vị trí ong hay bay qua kiếm ăn là thế nào chúng cũng đánh hơi thấy, xông vào tấn công con mồi. Khi ong đã “cắn câu”, say mồi rồi, công việc nguy hiểm nhất là phải “đeo cờ” cho ong…

Để mặc những giọt mồ hôi lăn dài trên trán, dưới cổ, ướt hết lưng áo giữa thời tiết oi nồng trước cơn mưa, C cùng nhóm thợ săn đã ngồi hàng giờ đồng hồ dưới gốc mít, xoắn những mảnh nilon dài gần gang tay, một đầu nhỏ như sợi chỉ để tròng vào người từng con ong làm dấu. Chỉ sơ xuất một chút, để ong phát hiện ra, bỏ mồi tấn công, thì nguy hiểm khôn lường…


Đeo cờ cho ong

Hoàng Văn G, một thợ ong thôn Bản Qua cho biết: Tính thời gian ong bay đi bay về trong mấy phút có thể áng chừng được khoảng cách của tổ bao xa. Khi đeo cờ cho ong thành công rồi, việc tiếp theo là chia nhau ra mỗi người một đoạn đường, tất cả cùng ngửa cổ lên trời, căng mắt từng phút theo dấu những chú ong đã được đeo cờ hoặc đuổi theo xem hướng chúng bay đến khi nào mất dấu mới thôi. Việc này không phải bao giờ cũng thành công vì ong làm tổ trong rừng, địa hình hiểm trở, có khi cả đội cơm nắm lên rừng theo dõi vài ngày liền cũng thành công cốc. Nhưng có lúc gặp may, vớ được tổ ở gần, hoặc có người biết chỉ cho, thì chỉ một buổi sáng là tìm được…

Sau gần 3 giờ đồng hồ ngược dốc, vượt rừng, hai chân mỏi nhừ, mồ hôi nhễ nhại chúng tôi mới đến được vị trí tổ ong mà đội thợ đã kỳ công tìm ra từ hôm trước (thuộc thôn Bản Vền, xã Bản Qua). Chỉ tay vào một gò đất dưới gốc cây to, theo kinh nghiệm, C chắc mẩm tổ này phải được khoảng hơn 3kg. Tôi bất giác sởn da gà, lạnh suốt sống lưng khi nghe C thản nhiên bảo: Đây là loại ong đất vằn vàng cực độc, chỉ cần 5 con đốt một lúc cũng có thể giết chết một người lực lưỡng.

Sau vài phút nghỉ ngơi, những người thợ với mũ bảo hiểm, lưới trùm mặt, găng tay, ủng cao su, quần áo nilon, cuốc thuổng, bao tải vào vị trí sẵn sàng chiến đấu. Một người dùng ống tre dài khoảng 30cm một đầu đút sẵn vào bao, một đầu nhẹ nhàng thọc vào cửa tổ ong, rồi vỗ nhẹ mấy cai xuống mặt tổ. Nghe tiếng động, biết có kẻ xâm nhập, đàn ong dữ đã kêu vo vo như vỡ tổ trong lòng đất, rồi chen nhau chui ra theo ống bay đầy vào bao. Những con ong vừa đi kiếm mồi về thấy có kẻ lạ, lập tức bỏ mồi lao xuống tấn công đám thợ. Toán thợ săn đã chuẩn bị trước, dùng cành cây tươi vụt túi bụi vào lũ ong rừng. Cuộc chiến giữa người và ong diễn ra dữ dội khi đàn ong bay về đông hơn.



Tổ ong đất đang là mặt hàng nhiều người tìm mua

Mùi ong, mùi lá cây, mùi mồ hôi quyện với nhau giữa cái oi bức đến ngột thở. Sau khoảng 10 phút, áng chừng ong trong tổ đã bị bắt gần hết, hai người thợ dùng cuốc, thuổng đào xuống đất sâu tầm hai gang tay, lôi lên một tổ ong hai tầng nhung nhúc nhộng đút vào bao. Bỗng có tiếng “ối” vang lên thất thanh, rồi một người miệng hô “ong đốt”, tay ôm đầu, chân chạy thục mạng…Tôi và đám thợ cũng mạnh ai nấy chạy, mà đàn ong mất tổ vẫn bám miết theo…Ra đến bìa rừng cả đội mới thở phào vì thoát chết trong gang tấc. Lần ấy, chỉ thương anh bạn tên K mới đi bắt ong, lúng túng thế nào khi vụt ong văng cả mũ bảo hiểm ra, thế là bị hai chú “bắp cày” lao xuống “tiêm” thẳng vào đầu, đau buốt tận óc, mặt mũi tối sầm lại, mồ hôi toát ra, sốt lên bừng bừng, phải đưa về nhà tiêm thuốc kháng sinh mấy ngày mới đỡ. Giờ trên đầu vẫn còn lại hai vết sẹo…

Thập toàn đại bổ... chửng

Nghề “săn ong đất” nguy hiểm là thế mà mỗi mùa vẫn có hàng chục thợ ong ở Bát Xát lặn lội lên rừng bắt ong. Hiện nay, cho rằng rượu ngâm ong đất “thập toàn đại bổ” nên nhiều người tìm mua ong già, nhộng ong về ngâm rượu uống hoặc các nhà hàng cũng tìm mua ong về chế biến đặc sản phục vụ các đại gia. Ong đất bỗng trở thành mặt hàng đắt tiền. Giá một kg tổ ong dao động từ 200-400 ngàn đồng. Nếu mang sang Trung Quốc bán, giá còn cao hơn nhiều…Mỗi tổ ong đất loại nhỏ cũng khoảng 1- 2 kg, tổ to có khi lên tới 5-7kg.


Rượu ong đất không “thập toàn đại bổ” như nhiều người nhầm tưởng

Tưởng làm nghề này “hái ra tiền”, vậy mà Mộc Văn C nét mặt buồn buồn: Lần nào may mắn thì kiếm được vài trăm, còn đi về tay trắng là chuyện bình thường. Hại hơn là nhiều người phải trả giá quá đắt, có khi nguy hiểm đến tính mạng. Vì muốn kiếm mấy đồng trang trải cuộc sống, chúng tôi mới phải bất chấp nguy hiểm thôi, chứ sung sướng gì đâu”.

Điều đáng bàn ở đây là tuy trong đông y nói ong đất có một số tác dụng như trừ phong, giải độc, sát trùng, dùng chữa đầu phong, phong tê thấp nhưng chưa hề thấy có tài liệu nào ghi rượu ong đất “thập toàn đại bổ” như dân gian đồn đại cả. Thực tế cho thấy, nọc ong đất rất độc, nhiều người mơ hồ về tác dụng của rượu ong đất, nên cứ mua về ngâm chưa được bao lâu đã uống. Theo các bác sĩ, dùng rượu đó tùy tiện sẽ gây hại cho gan, thận, mẩn ngứa, dị ứng, thậm chí có thể tử vong. Nhộng ong đất nếu không biết cách chế biến, ăn vào cũng rất dễ bị ngộ độc, ảnh hưởng tới sức khỏe.

Nhiều trường hợp, thợ ong dùng thuốc độc diệt côn trùng để bắt ong, rồi mang đi bán mà các “thượng đế” không biết vẫn “rinh” về ngâm rượu uống cho bổ dương.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khơi thông 'huyết mạch' những cánh đồng đất Cảng: Kênh mương 'cấp xã' chắp vá

HẢI PHÒNG Hệ thống công trình thủy lợi do các xã quản lý ở Hải Phòng được đầu tư từ lâu, đã xuống cấp do thiếu kinh phí tu sửa, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.