| Hotline: 0983.970.780

Rừng ở dự án du lịch sinh thái Đại Ninh tiếp tục bị tàn phá

Thứ Sáu 24/03/2023 , 08:54 (GMT+7)

Sau 13 năm được cấp chứng nhận đầu tư, Dự án du lịch sinh thái Đại Ninh để xảy ra hàng loạt vụ vi phạm lâm luật khiến hàng trăm ha rừng bị tàn phá.

Rừng bị đầu độc, lấn chiếm

Dự án Khu đô thị du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Đại Ninh (gọi tắt là Dự án du lịch sinh thái Đại Ninh) của Công ty cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp chứng đầu tư năm 2010 với tổng diện tích 3.595ha trên địa bàn 4 xã Phú Hội, Ninh Gia, Tà Hine và xã Ninh Loan của huyện Đức Trọng. Các hạng mục dự án nằm trải rộng, bao quát vùng đồi núi rộng lớn quanh hồ Đại Ninh với diện tích thuê rừng trên 1.000 ha.

Dự án du lịch sinh thái Đại Ninh có tổng mức đầu tư khoảng trên 25 nghìn tỷ đồng và kế hoạch triển khai từ năm 2010 đến năm 2018. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dự án mới chỉ thi công một số hạng mục và khoảng 20km đường nội bộ.

anh 1 sai gon dai ninh

Công ty cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp chứng đầu tư năm 2010 với tổng diện tích 3.595ha trên địa bàn 4 xã Phú Hội, Ninh Gia, Tà Hine và xã Ninh Loan của huyện Đức Trọng. Ảnh: Minh Hậu.

Theo báo cáo của Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng, đến cuối năm 2021, Công ty cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh mới đầu tư vào dự án khoảng 2.000 tỷ đồng. Trong khi đó, văn bản số 2176 của Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng thể hiện, đến tháng 10/2021, Dự án du lịch sinh thái Đại Ninh xây dựng xong 6 trạm dừng chân, 15 nhà làm việc chuyên gia và nghỉ dưỡng cho chuyên gia, 1 hội trường làm việc với tổng diện tích 560m2 và thi công móng cổng chính. Đối với các hạng mục này, Dự án du lịch sinh thái Đại Ninh được miễn cấp giấy phép xây dựng. Tuy nhiên trong quá trình đầu tư, doanh nghiệp đã xây dựng không đúng theo vị trí quy hoạch được phê duyệt và những sai phạm này sau đó đã bị UBND huyện Đức Trọng xử lý.

Ở dự án này, Công ty cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh được thuê 1.000ha rừng, tuy nhiên dến nay, cơ quan chức năng xác định một diện tích lớn rừng đã bị chặt phá, lấn chiếm… Vào tháng 10/2020, Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng có báo cáo số 816/BC-KL về việc kiểm tra, truy quét ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép và tình hình vi phạm quản lý đất đai trên lâm phần do Công ty Sài Gòn – Đại Ninh quản lý.

anh 1 rừng sài gòn đại ninh bị phá

Một gốc thông còn sót lại tại khu vực rừng do Công ty Sài Gòn - Đại Ninh quản lý bị tàn phá. Ảnh: Minh Hậu.

Qua tuần tra, kiểm tra tại các tiểu khu 363a, 363b, 364, 350, 363a, 365, 641 (do Công ty Sài Gòn – Đại Ninh quản lý) từ ngày 13/10/2020 – 20/10/2020, lực lượng chức năng phát hiện hàng loạt vụ chiếm đất lâm nghiệp trồng cà phê, cà chua với tổng diện tích gần 3ha. Trong đó các tiểu khu 364, 363a nằm trên địa bàn xã Tà Hine xảy ra 7 vụ chiếm đất lâm nghiệp với tổng diện tích trên 1,8ha; tiểu khu 363b nằm trên địa bàn xã Phú Hội xảy ra 2 vụ chiếm đất lâm nghiệp với tổng diện tích gần 0,3ha; tiểu khu 641 nằm trên địa bàn xã Ninh Gia xảy ra 2 vụ chiếm đất lâm nghiệp với tổng diện tích 1.603 m2. Ở các vụ lấn chiếm này, lực lượng kiểm lâm chưa xác định được đối tượng vi phạm và Công ty Sài Gòn – Đại Ninh được cho là không kiểm tra, ngăn chặn và xử lý theo quy định.  

Trước việc Công ty Sài Gòn – Đại Ninh để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp, trong báo cáo số 816/BC-KL, Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng đã yêu cầu doanh nghiệp này củng cố lại lực lượng bảo vệ rừng, thường xuyên tuần tra, kiểm tra lâm phần được giao quản lý. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức giải toả toàn bộ diện tích rừng bị phá, lấn chiếm và trồng rừng trên diện tích này. Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng cũng đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng cương quyết thu hồi toàn bộ dự án của Công ty Sài Gòn – Đại Ninh.     

Có Ban quản lý nhưng rừng vẫn mất

Một cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng cho biết, thời gian qua, Dự án du lịch sinh thái Đại Ninh đã thành lập Ban quản lý rừng nhưng hoạt động kém hiệu quả và vẫn để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất. Báo cáo số 816/BC-KL về việc kiểm tra, truy quét ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép và tình hình vi phạm quản lý đất đai trên lâm phần do Công ty Sài Gòn – Đại Ninh quản lý cũng chỉ ra rằng, Công ty Sài Gòn – Đại Ninh không đủ lực lượng quản lý, bảo vệ rừng cũng như không lập kế hoạch giải toả đối với diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép.

anh 4 rừng sài gòn đại ninh bị phá

Một khoảng rừng trong Dự án du lịch sinh thái Đại Ninh bị đốt cháy nham nhở. Nhiều gốc thông hàng chục năm tuổi cạnh vườn cà phê của người dân bị héo úa, chết. Ảnh: Minh Hậu. 

Liên quan đến vấn đề Sài Gòn – Đại Ninh để mất rừng, hồi tháng 4/2021, Sở NN-PTNT Lâm Đồng có văn bản 583/SNN-KL cung cấp số liệu phục vụ xác định giá trị thiệt hại tài nguyên rừng theo kết luận thanh tra tại dự án của Sài Gòn – Đại Ninh cho Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng xác định, đến nay có khoảng 257,05ha rừng giao cho Công ty Sài Gòn – Đại Ninh đã bị mất.

Cụ thể, 140,279ha bị mất trước năm 2017 và đã được Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng phê duyệt giá trị, yêu cầu Công ty Sài Gòn – Đại Ninh phải bồi thường thiệt hại với số tiền trên 6,6 tỷ đồng. Đến năm 2021, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng xác định 116,77ha rừng giao cho Công ty Sài Gòn – Đại Ninh bị mất với trữ lượng lâm sản bị thiệt hại khoảng 3.449 m3. Trong đó bao gồm 84,14 ha rừng tự nhiên và 32,63 ha rừng trồng.

anh 2 rừng sài gòn đại ninh bị phá

Hàng chục gốc thông trong dự án của Công ty Sài Gòn – Đại Ninh bị khoan lỗ, đổ thuốc đầu độc. Ảnh: Minh Hậu.

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng, trong năm 2022, diện tích rừng mà Công ty Sài Gòn – Đại Ninh quản lý thuê cũng xảy ra 19 vụ phá rừng, trong đó phá rừng bằng hình thức ken cây (chặt gốc, khoan lỗ vào thân cây đổ thuốc độc) là 16 vụ. Lực lượng chức năng xác định diện tích rừng bị phá là trên 1,2ha với trữ lượng lâm sản thiệt hại khoảng 62m3. Doanh nghiệp này cũng để xảy ra 9 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp với tổng diện tích gần 1,2ha, để xây dựng 1 công trình trái phép với tổng diện tích 108m2.

Cũng theo Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng, 3 tháng đầu năm 2023, trên diện tích rừng Sài Gòn – Đại Ninh quản lý xảy ra 1 vụ lấn chiếm rừng với tổng diện tích 464m2 và chưa được xử lý.

anh rừng sài gòn đại ninh bị phá

Cơ quan chức năng tổ chức kiểm đếm số lượng lâm sản bị thiệt hại do hành vi phá rừng xảy ra ở dự án của Công ty Sài Gòn - Đại Ninh. Ảnh: Minh Hậu. 

Đối với diện tích rừng bị thiệt hại ở Dự án du lịch sinh thái Đại Ninh, cơ quan chức năng đã yêu cầu doanh nghiệp trồng rừng thay thế, phục hồi nhưng đến nay hầu hết các vị trí vẫn “trơ trọi”. Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng đã nhiều lần đề xuất tỉnh thu hồi dự án.

Vào tháng 7/2020, Dự án du lịch sinh thái Đại Ninh là một trong 3 dự án bị Thanh tra Chính phủ xướng tên vì liên quan đến những sai phạm về đất đai và đầu tư. Theo đó, Thanh tra Chính phủ đã thông báo kết luận thanh tra và yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động, thu hồi đất đai đối với dự án xây dựng Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh do Công ty Cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn – Đại Ninh làm chủ đầu tư.

Đến tháng 7/2021, Thanh tra Chính phủ có văn bản số 1081, thông báo kết luận sửa đổi một số nội dung thanh tra số 929 về việc quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, Thanh tra Chính phủ đã sửa đổi, yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng căn cứ thẩm quyền, hướng dẫn Công ty Sài Gòn – Đại Ninh thực hiện thủ tục giãn tiến độ, điều chỉnh dự án theo Luật đầu tư năm 2014, gia hạn sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 2013, yêu cầu hoàn thành dự án theo đúng cam kết; khẩn trương triển khai đầu tư theo quy mô đã được phê duyệt. Trường hợp công ty vi phạm cam kết hoặc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính thì chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi đất theo quy định.

Liên quan đến dự án, ngày 13/3 vừa qua, trong cuộc làm việc về các công trình trọng điểm của tỉnh, ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư mời đại diện nhà đầu tư làm việc và yêu cầu cam kết tiến độ triển khai dự án theo quy định.

Xem thêm
Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất