| Hotline: 0983.970.780

Sức hút từ vùng đất khó

Chủ Nhật 03/12/2023 , 10:13 (GMT+7)

Vùng đất khô cằn Mường Khương của Lào Cai có tới 7 nhà máy chế biến nông sản và có đơn vị mỗi năm nộp thuế cho nhà nước tới cả tỷ đồng.

Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong (thứ 2 từ phải qua) hái chè cùng bà con nông dân huyện Mường Khương. Ảnh: H.Đ.

Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong (thứ 2 từ phải qua) hái chè cùng bà con nông dân huyện Mường Khương. Ảnh: H.Đ.

Giải quyết đầu ra để bà con yên tâm sản xuất

Mường Khương là một trong những huyện đi đầu của tỉnh Lào Cai mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chế biến nông sản. Có thể, những doanh nghiệp nông nghiệp này nộp thuế không lớn bằng doanh nghiệp sản xuất công nghiệp song đã giải quyết căn cơ vấn đề an sinh xã hội, thu nhập của người dân…

Giai đoạn trước, khi chưa có các nhà máy chế biến nông sản thì ngay cả vùng chuối, dứa nổi tiếng của huyện có lúc lâm cảnh bấp bênh, được mùa mất giá, không xuất khẩu được. Cây chè, do không có sự cạnh tranh, nên người trồng chè bị ép giá...  

Ông Giàng Quốc Hưng, Bí thư Huyện ủy Mường Khương (Lào Cai) cho biết, trước đây, có thực trạng độc quyền, trên địa bàn huyện chỉ có một đơn vị sản xuất chè thu mua nên khi đó chè của bà con chỉ bán được 2.000 - 3.000 đồng/kg. Quan điểm của huyện là 'phá vỡ thế độc quyền', để đưa giá chè của bà con về đúng giá trị thị trường bằng cách mời gọi thêm nhà đầu tư vào lĩnh vực này. 

"Khi doanh nghiệp lên Mường Khương, huyện tiếp đón, bố trí chỗ ăn, bố trí chỗ nghỉ, thậm chí về phải có quà của huyện, chứ không có kiểu doanh nghiệp lên là hoạnh họe, đặc biệt lãnh đạo tỉnh cũng rất tạo điều kiện. Do đó, doanh nghiệp rất yên tâm vì họ nhìn vào quan điểm chỉ đạo của huyện, nhìn vào vùng nguyên liệu và quyết định đầu tư xây dựng nhà máy tại Mường Khương", ông Giàng Quốc Hưng nói.

Khi nhà máy của đơn vị này đi vào hoạt động giá chè của người dân đã tăng từ 3.000 lên 7.000 đồng/kg. 

Đến nay, huyện Mường Khương đã thu hút được 7 dự án đầu tư vào sản xuất, chế biến nông sản có tổng vốn đầu tư 118 tỷ đồng.

Giai đoạn này, huyện cũng trồng mới được 5.000ha chè, chỉ riêng trong 2022 đã cho thu 16.500 tấn búp tươi, đạt giá trị trên 131 tỷ đồng. Chưa dừng lại, huyện nghèo này đặt mục tiêu đưa chè Mường Khương ra thế giới trong đó có Nhật Bản.

'Tới đây, thông qua những đơn vị chế biến để huyện mời chuyên gia Nhật Bản lên đánh giá vùng chè. Sau đó quy hoạch vùng chè sạch để sản xuất chè cho riêng thị trường này. Văn hóa trà đạo của Nhật Bản cũng không kém văn hóa trà đạo của Trung Quốc vì vậy kỳ vọng mở ra thị trường mới giúp đẩy mạnh vùng nguyên liệu và giải quyết bài toán đầu ra ổn định, có giá trị cao cho bà con trồng chè Mường Khương. Làm được như vậy thì chè Mường Khương sẽ cất cánh', ông Giàng Quốc Hưng cho hay. 

Bà con vùng cao Mường Khương thu hái chè cổ thụ. Ảnh: H.Đ.

Bà con vùng cao Mường Khương thu hái chè cổ thụ. Ảnh: H.Đ.

Thay đổi tư duy của người nông dân trong nông nghiệp

Ông Giàng Quốc Hưng cho biết, nếu chè Shan, trong những năm kiến thiết, chi phí khoảng 70 triệu đồng/ha bao gồm công chăm sóc, đốn tỉa, làm cỏ, phân bón và giống... nhưng làm chè sạch, chất lượng cao cho thị trường nước ngoài sẽ tốn từ 600 triệu đến 1 tỷ đồng/ha. 

Một số vùng phù hợp lại nằm ở các xã nghèo Lùng Khấu Nhìn, Dìn Chin Pha Long, huyện đã mời nhà đầu tư khảo sát. Tuy nhiên, phải lựa chọn doanh nghiệp "khỏe", có tâm với cây chè, sống chết với cây chè, với nông dân, với địa phương chứ không chỉ lúc nào cũng tính toán lợi nhuận.  

Mặt khác, lợi thế là tư duy sản xuất của bà con đã thay đổi, nhận rõ việc phải sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

"Trước kia rất khó nói với bà con người Mông, người Nùng ở vùng cao rằng, bà con trồng chè đi, vì bà con chỉ quen trồng ngô, lúa nương 1 - 2 vụ. Khi trên gác còn lương thực, nuôi thêm con gà là được. Vì vậy, phải tuyên truyền vận động, xây dựng những tấm gương điển hình, cho nhân dân vùng cao xuống ăn ở với bà con Lùng Vai, Thanh Bình, Bản Lầu, Bản Sen để học hỏi. Ở đó, có nhà kinh tế khá giả, có tivi, xe máy, thậm chí có nhà có cả ô tô để đi. 

Khi đó, huyện thông qua hội nông dân, phòng nông nghiệp, cán bộ xã tuyên truyền tới bà con. Đặc biệt, cán bộ xã phải trồng trước, chuyển đất ngô sang trồng chè. Do vậy, hiện nay, người dân vùng cao Dìn Chin, Tả Gia Khâu rất hăng hái. Còn ở Cao Sơn, La Pán Tẩn, Tả Thàng - vùng nguyên liệu chè cổ thụ, bà con đã biết cách khai thác, gìn giữ, bảo tồn", ông Giàng Quốc Hưng nói. 

Ở Mường Khương, nhiệt độ ngày đêm chênh lệch lớn, cây chè được ăn sương đêm, sương sớm, tạo ra sản phẩm chè có chất lượng tốt, khác biệt.

Song thắng lợi là thay đổi tư duy của người dân trong canh tác nông nghiệp, chuyển đổi được 2.000ha đất trồng kém hiệu quả sang trồng loại cây hiệu quả hơn, nâng cao thu nhập cho bà con. Ngô giảm từ 7.000ha xuống còn 5.200ha. Cây chuối do tác động của dịch bệnh Covid-19 và bệnh vàng lá Panama nên bị giảm từ trên 2.000ha xuống còn hơn 500ha. Tuy nhiên, mục tiêu đến năm 2025, huyện sẽ khôi phục, phát triển vùng chuối với quy mô đạt trên 1.000ha. Trong đó sẽ phối hợp nghiên cứu lựa chọn giống kháng bệnh, hỗ trợ nhân dân giống, phân bón, chuyển giao kỹ thuật...

Cây chuối bị bệnh vàng lá Panama không cho thu hoạch cần phải luân canh hoặc chuyển đổi sang các cây trồng khác nhưng phải đảm bảo hiệu quả kinh tế và đầu ra thuận lợi, ổn định, nên huyện đã vận động nhân dân sang phát triển cây chè.

Quýt Mường Khương đã tạo dựng được thương hiệu và nhiều người biết đến. Ảnh: H.Đ.

Quýt Mường Khương đã tạo dựng được thương hiệu và nhiều người biết đến. Ảnh: H.Đ.

Bí thư... bán nông sản cho bà con nông dân

Ở vùng cao, muốn biết sức khỏe kinh tế của những hộ dân chỉ cần nhìn vào vật dụng trong nhà, đặc biệt là việc mua xe máy. Năm nay, lượng đăng ký xe máy ở huyện Mường Khương tăng gấp 3 - 4 lần năm ngoái. Trong đó, thu nhập của người dân có được nhờ trồng cây chủ lực chè, chuối, dứa...

"Mường Khương có cả một quá trình khảo nghiệm đối với cây chè và chọn cây chè, hiện huyện chỉ định hướng lại và để cây chè phát triển hơn. Còn đối với cây dứa không ổn định như cây chè, vì điệp khúc được mùa mất giá. Cây dứa nhà máy tiêu thụ được 1/3 sản lượng bà con trồng còn lại là bán tươi để ăn. Cây dứa huyện đang tham mưu để dứa được xuất khẩu đi chính ngạch sang Trung Quốc như quả chuối. Tuy nhiên, huyện cũng có nhiều cách để tiêu thụ sản phẩm cho bà con", ông Giàng Quốc Hưng cho biết. 

Ông Giàng Quốc Hưng cho biết, huyện không tổ chức lễ hội quýt, dứa... mà kết nối với chương trình truyền hình như chương trình Chào buổi sáng trên VTV1 rồi mời phóng viên lên thực hiện các số chuyên đề, phát vào buổi sáng sớm, giới thiệu đặc sản địa phương. Cách này tuy mất công, mất sức nhưng lại hiệu quả rõ rệt.

Những thanh niên Bố Y xinh xắn cầm điện thoại và chạy tên, số điện thoại trên sóng truyền hình đã giúp bán cả vườn quýt của bà con. Sau này, cứ đến vụ, họ tự lên Mường Khương thu hái. 

Cho đến nay, bà con Mường Khương cũng đã biết cách vừa làm du lịch, vừa bán hàng. Một số vườn bố trí cho du khách trải nghiệm hái quýt, chỗ ngồi uống trà, ăn quýt ở những nơi nhìn ra phong cảnh đẹp; ăn quýt thả ga chỉ với 20 nghìn đồng... để hấp dẫn người mua, khách du lịch. Ngay cả đại sứ quán Ấn Độ khi đến Mường Khương cũng khen quýt Mường Khương chất lượng, ăn ngon và đặt mua về.

"Khi bà con học được những cách marketing mới, hợp lý hơn trong việc bán hàng, giảm các khâu phức tạp khi bán hàng trực tuyến, cần quá nhiều bước đăng nhập, khai báo... không phù hợp bà con vùng cao thì có thể kết nối trực tiếp, người mua và người bán qua số điện thoại, qua truyền hình", Bí thư Huyện ủy Mường Khương Giàng Quốc Hưng nhấn mạnh.

Xem thêm
Việt Nam - Indonesia hợp tác thúc đẩy an ninh lương thực

Chiều 19/5, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan hội đàm với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Insdonesia Andi Amran Sulaiman.

Công đoàn Bộ NN-PTNT thăm hỏi đoàn viên công tác nơi biên giới hải đảo

Ngày 17/5, Công đoàn Bộ NN-PTNT thăm hỏi, tặng quà đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn tại Công đoàn cơ sở thành viên Chi cục Kiểm ngư vùng V.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Đề xuất phát hành 'trái phiếu chính quyền địa phương' làm các dự án trọng điểm

Lãnh đạo Thừa Thiên - Huế đề nghị phát hành ‘trái phiếu chính quyền địa phương’ huy động vốn đầu tư các dự án trọng điểm vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung.