Đưa đàn trâu đi tránh rét
Ông Má A Co mặc chiếc áo mong manh, ngồi ở góc lều được che chắn tạm bợ bằng bạt. Cuộc sống của ông đã quen với việc này mặc dù Tết đã đến rất gần. Quan trọng nhất lúc này là giữ ấm cho đàn trâu trước những đợt giá rét. Gia đình ông hiện có 7 con cả trâu lẫn nghé. Tính sơ sơ cũng được hơn trăm triệu đồng.
Bất cứ khi nào cần, số trâu này cũng có thể ‘quy đổi’ sang tiền mặt để lo công việc. Đó cũng chính là lý do ông ‘chọn nghề’ này. Thế nhưng, công việc chăn nuôi ở vùng cao không đơn giản là cho con trâu ăn rơm, ăn cỏ… mà phải giúp chúng chống trọi với giá rét khắc nghiệt, nếu không sẽ trắng tay.
Ở Sa Pa vào mùa đông, nhiệt độ xuống rất thấp, có thể xảy ra băng tuyết. Với thời tiết này, chỉ có cách di chuyển đàn trâu xuống vùng thấp mới an toàn. Khi mùa xuân nắng ấm trở lại thì đưa đàn trâu về.
"Ti vi nói Tết sẽ rét đậm nên cách đây 1 tháng tôi đã đưa đàn trâu xuống đây chứ để ở nhà thì gày và rét. Không có ăn là con trâu sẽ chết", ông Má A Co ở thôn Má Tra thuộc phường Sa Pả (Sa Pa, Lào Cai) cho biết.
Ông Má A Co thuê hẳn một chuyến xe tốn 700 nghìn đồng để chở đàn trâu từ nhà xuống khu vực xã Cốc San của thành phố Lào Cai. Cũng như những hộ khác nuôi trâu ở Sa Pa, việc di chuyển trâu theo quốc lộ 4D xuống Cốc San nếu đi bộ phải mất nửa ngày. Quãng đường không quá xa, chỉ hơn 30km. Thế nhưng, quốc lộ 4D có nhiều xe máy, ô tô đi lại nên việc cho trâu di chuyển tự do gặp rất nhiều rủi ro.
"Con trâu không ốm đau gì cả nhưng phải đưa chúng xuống đây. Vừa đủ một chuyến xe. Đi xe an toàn hơn đi bộ mà lại đỡ vất vả", ông Má A Co nói.
Cách đó không xa là lán của vợ chồng bà Giàng Thị Giả ở phường Hàm Rồng (Sa Pa, Lào Cai). Gia đình bà có 3 con trâu cũng được đưa về đây tránh rét được gần một tháng.
“Con trâu với đồng bào Mông mình quan trọng lắm. Tiền mua sắm vật dụng gia đình, cho con cái ăn học… từ đó mà ra nên phải di cư để bảo vệ chăm sóc tốt cho đàn trâu”, bà Giả nói.
Sa Pa có độ cao khoảng 1.500m so mực nước biển nên nền nhiệt vào mùa đông rất thấp. Còn Cốc San chỉ cao hơn 100m, nên nhiệt độ đã tăng thêm vài độ C, đủ để cho những con trâu có sức chống chọi thời tiết.
Trâu không để đi cày
Ông Má A Co gần 70 tuổi nhưng vẫn giáng những nhát búa chan chát chẻ nhỏ những khúc củi để nhóm bếp sưởi ấm, đun nồi nước sôi luộc miếng thịt gác bếp, chuẩn bị bữa cơm chiều cuối năm.
"Thịt gác bếp nó đen xì, phải luộc ăn mới ngon. Ở đây tự nấu ăn. Có nồi với 1-2 con gà, có cá và thịt lợn ăn thoải mái như ở nhà. Sắm Tết không tốn mấy tiền đâu, nhưng phải đi chợ mua quần áo mới cho trẻ con. Tết thì cúng gà, cúng lợn đều tự nuôi, giã thêm bánh dày nữa, giấy tiền vàng thì ở chợ người ta bán…", ông Má A Co nói.
Tuy vậy, ông Má A Co phải bỏ gần một triệu đồng để mua củi đun nấu trong những ngày chăn trâu xuyên Tết. Số tiền này theo ông cũng chiếm phần lớn trong việc sắm sửa Tết, vì nếu ở nhà phải đốt củi sưởi ấm cả ngày. Củi mua được nếu dùng không hết thì khi lùa trâu về sẽ cho lên xe chở về.
Cũng theo người đàn ông này, do không có con khác phù hợp nên ở bà con chủ yếu nuôi trâu để bán, tăng thu nhập.
"Trước đây, người dân chủ yếu thả rông trâu, bò vào rừng; khi nào đến vụ sản xuất hay nhà có việc thì mới vào rừng bắt trâu về… Nhà ai làm ma khô, cưới xin thì mổ trâu nấu sốt vang, nướng và có nhiều món nữa vì đông người lắm. Còn Tết chỉ cần thịt lợn, thịt gà thôi. Trâu bây giờ nuôi để bán, bán cả con chứ có ai dùng đi cày nữa đâu", ông Má A Co nói…
Mỗi khi trời hửng nắng, mấy hộ tranh thủ lùa trâu ra ngoài bãi chăn thả; những ngày nhiệt độ xuống sâu thì đám trâu quanh quản trong khu chuồng tạm. Còn thức ăn cho trâu phải đi xe máy tới nơi có nhiều cỏ, chủ động nguồn thức ăn cho chúng.
“Mùa này cỏ cũng ít lắm, bà con đưa trâu về nhiều nên muốn cắt cỏ phải đi xa; có khi cả ngày cũng chỉ được vài bó mang về cho trâu ăn”, ông Giàng A Chúng người chăn trâu cho biết.
Tuy nhiên, để có những cuộc di cư cả trăm con trâu từ vùng cao đi tránh rét cũng đã là sự thay đổi tư duy chăn nuôi của bà con vùng cao thay vì để trâu ở nơi có thời tiết khắc nghiệt.
Tạo điều kiện để bà con chăn nuôi
Khu vực ven đường vào thủy điện Cốc San thuộc địa phận thôn Luổng Đơ, xã Cốc San của thành phố Lào Cai những ngày này như một xóm nhỏ. Khi căn lều tạm bợ của vợ chồng ông Má A Co được dựng lên thì cũng là lúc các hộ chăn nuôi khác di chuyển đến. Họ không hẹn mà gặp. Chuyến di cư cuối năm đã thành thông lệ… để "gia sản" của họ được an toàn, trước cái rét khốc liệt của vùng cao.
Song để đảm bảo việc chăm sóc đàn trâu và đón Tết chu toàn, ông Má A Co vẫn trở phải về trang hoàng nhà cửa và thắp hương tổ tiên.
Một số nơi bà con người Mông thì ăn Tết theo phong tục truyền thống, tức là ăn Tết sau khi mùa vụ kết thúc, thường rơi vào cuối năm dương lịch. Khoảng thời gian này cũng là lúc để cho đất đai nghỉ ngơi, các thành viên trong gia đình có thời gian bên nhau, tỏ lòng biết ơn đối với ông bà tổ tiên, cầu một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu… Tuy nhiên, cũng có nhiều nơi, bà con ăn Tết Nguyên đán để thuận cho con cháu học hành, người thân làm ăn xa trở về nhà.
"Đối với bà con người Mông, khoảnh khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới quan trọng. Từ mùng 1 đến mùng 3 thì người đàn ông phải ở nhà thắp hương, lúc ấy bà trông ở đây cùng mấy đứa cháu. Từ mùng 4 mới bắt đầu với những lễ hội đầu năm… rồi trở lại với đồng ruộng, với việc chăn nuôi trâu", ông Má A Co nói .
Trở lại với câu chuyện chăn trâu ngày Tết, tạo điều kiện cho bà con đưa trâu đi tránh rét, cấp ủy đảng, chính quyền các xã trên địa bàn thị xã Sa Pa thông tin, trao đổi với các xã Tòng Sành của huyện Bát Xát và xã Cốc San, Đồng Tuyển của thành phố Lào Cai chủ động hơn trong bố trí các bãi tập kết, chăn thả.
Bà Nguyễn Thị Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Cốc San cho biết, năm nay, chúng tôi đã bố trí mặt bằng dựng lán trại ở nơi gần nguồn cỏ, có bãi chăn thả. Xã cũng bố trí cán bộ khuyến nông thường xuyên thăm nắm tình hình gia súc cư trú trên địa bàn, tiêm phòng dịch bệnh cho gia súc mới đến, tránh lây lan nguồn bệnh cho gia súc của địa phương…