| Hotline: 0983.970.780

Thái Bình: Người dân kiến nghị dừng chủ trương xây dựng nhà máy xử lý rác

Thứ Sáu 21/04/2023 , 14:23 (GMT+7)

Tại buổi đối thoại công khai, người dân xã Đông Á kiến nghị các cấp, ngành của tỉnh Thái Bình dừng chủ trương xây dựng nhà máy xử lý rác công nghệ cao.

Chiều 19/4, thực hiện Kế hoạch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đông Hưng (tỉnh Thái Bình) Tô Xuân Thức đã chủ trì buổi tiếp và đối thoại công khai với người dân trên địa bàn xã Đông Á.

Ngoài lãnh đạo huyện Đông Hưng, có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan của tỉnh Thái Bình.

Rất nhiều người dân xã Đông Á - nơi quy hoạch dự án đầu tư nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao và người dân các xã lân cận đã đến tham dự buổi đối thoại tại Nhà văn hoá xã Đông Á.

Khoảng 200 người dân đại diện nhân dân xã Đông Á được mời vào Hội trường để tham dự buổi đối thoại trực tiếp. Hàng ngàn người dân khác theo dõi qua hệ thống loa truyền thanh và màn hình trực tiếp.

Khoảng 200 người dân xã Đông Á đại diện tham dự buổi đối thoại trong hội trường. Ảnh: TL.

Khoảng 200 người dân xã Đông Á đại diện tham dự buổi đối thoại trong hội trường. Ảnh: TL.

Trong gần 4 tiếng đồng hồ, có khoảng 20 ý kiến của đại diện nhân dân kiến nghị, chất vấn dành cho Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng và các đại biểu có mặt tại hội nghị.

Đa số các ý kiến đều bày tỏ không đồng tình, phản đối xây dựng nhà máy xử lý rác công nghệ cao đặt tại hai thôn Đông Hòa và Trưng Trắc B, xã Đông Á.

Người dân cho rằng, huyện và xã chưa lấy ý kiến rộng rãi của người dân đã dự định triển khai xây dựng dự án nhà máy xử lý rác thải là chưa đúng và nếu làm nhà máy xử lý rác thải tại xã sẽ gây ô nhiễm về lâu dài; cần làm rõ việc đầu tư đường vào và việc giải phóng mặt bằng dự án nhà máy này... đồng thời kiến nghị dừng, không làm nhà máy xử lý rác thải tại xã.

Ghi nhận các ý kiến phát biểu của đại diện các thôn, Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng cho biết sẽ tổng hợp tất cả các ý kiến của người dân, nghiên cứu làm rõ theo chức năng của từng cấp, từng ngành, rồi báo cáo trung thực với tỉnh và sớm thông báo lại với xã, với người dân.

Ông Thức cũng đề nghị người dân xã Đông Á trong thời gian tới không tập trung đông người, bởi vấn đề của người dân, các cấp, các cơ quan chức năng đều đã nắm được.

Như Báo Nông nghiệp Việt Nam đưa tin, thời điểm đầu tháng 4 cho tới nay, mỗi ngày có rất nhiều người dân xã Đông Á tổ chức tập trung đông người gần các trụ sở công quyền, nơi công cộng từ xã đến tỉnh để bày tỏ thái độ phản đối, không đồng tình với chủ trương xây dựng nhà máy rác tại địa phương.

Đây là chủ trương nhằm thực hiện mục tiêu xử lý rác thải đảm bảo công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Đông Hưng nói riêng và tỉnh Thái Bình nói chung. Theo quy hoạch, dự án sẽ được triển khai trên quy mô khoảng 10ha tại địa điểm thôn Đông Hoàng và Trưng Trắc B, xã Đông Á.

Theo UBND tỉnh Thái Bình, hiện nay việc thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh chưa được bảo đảm theo quy định, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đòi hỏi phải nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ hiện đại thay thế các khu xử lý không hợp vệ sinh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Vị trí quy hoạch nhà máy xử lý rác tại xã Đông Á. Ảnh: Thái Bình.

Vị trí quy hoạch nhà máy xử lý rác tại xã Đông Á. Ảnh: Thái Bình.

Để thu hút đầu tư, thống nhất lựa chọn nhà đầu tư dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng, yêu cầu đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh phải đảm bảo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 08 của Chính phủ và đáp ứng tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt quy định tại Điều 28 Thông tư số 02 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, phù hợp với điều kiện tỉnh Thái Bình.

Cụ thể, công nghệ đảm bảo môi trường trong đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Thái Bình phải đáp ứng xử lý được toàn bộ thành phần chất thải rắn sinh hoạt, có phương án tái sử dụng, tái chế các thành phần có ích, tỷ lệ chôn lấp theo quy định; công nghệ đã được ứng dụng thành công; nước thải, khí thải phát sinh bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường quy định trước khi thải ra môi trường.

Nhà máy có biện pháp thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải nguy hại theo quy định; lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục, có camera theo dõi sau hệ thống xử lý nước thải, khí thải, có màn hình hiển thị kết quả quan trắc tại cổng nhà máy cho người dân theo dõi, truyền số liệu trực tiếp đến Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định...

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.