| Hotline: 0983.970.780

Trở lại thành cổ Tà Kơn

Thứ Ba 13/09/2022 , 06:40 (GMT+7)

Lần trước, muốn ngắm thành Tà Kơn, tôi phải đu dây rừng, đong đưa người trên miệng vực, lần này có hẳn con đường dẫn xuống tận chân thành nên tha hồ thưởng ngoạn.

Đánh đố với tử thần

Sau 14 năm, tôi mới có dịp trở lại thành cổ Tà Kơn, ngôi thành có niên đại hàng triệu năm hội tụ những nét đẹp nguyên sơ, hùng vĩ mà thiên nhiên ban tặng cho xã vùng cao Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định).

Còn nhớ, gần cuối tháng 8/2008, một bạn đồng nghiệp mới vào nghề quê ở Quảng Nam vào Bình Định làm việc, mở lời rủ tôi làm một chuyến vùng cao thưởng ngoạn vẻ đẹp của thành cổ Tà Kơn. Lời rủ rê muôn phần hấp dẫn, bởi tôi tuy làm báo đã lâu, lại ở ngay trên đất Bình Định, nhưng chưa một lần có ý tưởng “diện kiến” thành Tà Kơn, dù đã không biết bao nhiêu lần đặt chân đến vùng cao Vĩnh Sơn. Bởi, tôi cũng biết, để đến được thành Tà Kơn là không dễ, do nó nằm trên núi cao gần 1.000m so với mặt nước biển, lại phải lặn lội vào tận rừng sâu. Thế mà không hề nghĩ ngợi, tôi gật đầu cái rụp.

Sừng sững thành cổ Tà Kơn. Ảnh: V.Đ.T.

Sừng sững thành cổ Tà Kơn. Ảnh: V.Đ.T.

Bài liên quan

Hôm sau, 2 đồng nghiệp chúng tôi - 1 trung niên 1 trai tráng - cùng trên chiếc xe máy dong thẳng lên huyện miền núi Vĩnh Thạnh. Dọc đường, do nhiều lần dừng lại nhẩn nha ngắm cảnh nên đến chiều tối chúng tôi mới đến thị trấn Vĩnh Thạnh.

Vào mùa buổi chiều huyện miền núi thường có mưa dông, khi chúng tôi vừa đặt chân lên đất Vĩnh Thạnh, bầu trời đã vần vũ mây đen. Núi cao, mây thấp, núi đá, rừng cây càng khiến không gian như thu hẹp lại, 2 chúng tôi cảm thấy chút lạc lõng giữa núi rừng thâm u. Thế nhưng lòng háo hức thúc giục, vậy là chúng tôi quyết định đi thẳng lên Vĩnh Sơn, dù biết còn phải vượt qua 60 cây số đường xuyên rừng. Đi được chừng 5 - 7 cây số, bầu trời trước mặt chùng xuống, lại chực mưa, chúng tôi thấy khó lòng vượt qua con đường bê tông vừa nhỏ vừa đầy những ổ gà chạy ngoằn ngoèo giữa 2 bên là cây rừng phủ kín. Nhắm không xong, chúng tôi quay lại thị trấn, vào Nhà máy Thủy điện Định Bình ngủ nhờ để sáng hôm sau tiếp tục cuộc rong ruổi.

Hôm sau, chiếc xe máy cà tàng của chúng tôi phải vật vã đến gần trưa mới đặt chân lên được đất Vĩnh Sơn. Hú hồn, chợt nghĩ may mà chiều hôm trước quay về nếu không chẳng biết chúng tôi sẽ như thế nào giữa đêm khuya, giữa rừng già, trên con đường bê tông đã xuống cấp hết cỡ. Lọ mọ tìm đến UBND xã Vĩnh Sơn, trình giấy tờ, bày tỏ nguyện vọng, vị lãnh đạo xã nhiệt tình chỉ đạo cho anh Đinh Khuất lúc đó là xã đội trưởng Xã đội Vĩnh Sơn đưa chúng tôi đến thành Tà Kơn.

Thành cổ Tà Kơn dài trên 500m. Ảnh: V.Đ.T.

Thành cổ Tà Kơn dài trên 500m. Ảnh: V.Đ.T.

UBND xã Vĩnh Sơn ở làng K2, còn thành Tà Kơn ở làng K8, nên 2 chúng tôi và anh Đinh Khuất phải chạy xe máy thêm một đoạn đường đất. Đến bìa rừng, bỏ xe máy lại ven đường, rồi 3 chúng tôi lội bộ men theo con đường nhỏ luồn lách trong rừng già nguyên sinh để đến thành Tà Kơn. Con đường lên cao, lên cao mãi. Có những đoạn dây leo rừng phủ kín lối đi, khi ấy chiếc rựa trên tay anh Khuất vung lia lịa để dọn đường, mở lối cho bước chân của 2 người miền xuôi được thong dong. Chỉ có 3 cây số nhưng đôi chân tôi rã rời, chiếc ba lô trên lưng như hóa đá, nặng trĩu. Nhìn thấy bước chân nặng nề của tôi, anh Đinh Khuất “rước” dùm chiếc ba lô. Trai tráng, là người dân tộc Bana, cả đời gắn với núi rừng nên bước chân anh Khuất nhẹ tênh, bước phăm phăm. Phải mất mấy tiếng đồng hồ chúng tôi mới đến được một khoảnh rừng trống. “Đến rồi! Đây là nơi ngày xưa tổ tiên người Bahnar Kriêm chúng tôi thường lập đàn cúng tại đây trước khi chiến đấu với giặc ngoại xâm”, câu nói của anh Đinh Khuất khiến tôi thở phào.

Nghỉ một lát, đứng ở nơi dừng chân, chỉ vào vách núi, anh Khuất bảo đó là thành Tà Kơn. Nhìn xuống, chúng tôi chỉ thấy một phần của bức tường thành với những phiến đá phẳng, to bằng mặt bàn cỡ đại nằm chồng lên lên nhau thẳng tăm tắp như có ai xếp lên. “Muốn xem tường thành thì phải đu dây rừng, men theo tường thành, mấy đầu ngón chân phải bấu vào phần lồi của những phiến đá, đi dần sang phía bên kia”, anh Khuất nói.

Vẻ đẹp tuyệt mỹ của thành Tà Kơn mà thiên nhiên ban tặng cho đại ngàn Vĩnh Thạnh (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Vẻ đẹp tuyệt mỹ của thành Tà Kơn mà thiên nhiên ban tặng cho đại ngàn Vĩnh Thạnh (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Nhìn xuống lòng vực hun hút, lòng tôi bỗng thấy chùng lại vì không thể không sợ. Nhưng trong những phiến đá của thành Tà Kơn mà tôi nhìn thấy hình như có hấp lực rất lớn, nên tôi gật đầu, người bạn đồng nghiệp trẻ tuổi còn háo hức hơn. Thế là anh Khuất lần dò bước chân đi trước dẫn đường, giúp chúng tôi yên tâm có được trải nghiệm cái cảm giác đu dây trên bờ vực thẳm cứ như đánh đố với tử thần. “Nhìn thấy tay tôi cầm chiếc dây nào là 2 anh cầm lại chiếc dây đó để đi, đừng nhìn thấy chiếc dây to hơn mà chọn không khéo nó đứt là người rơi xuống vực đó”, anh Khuất căn dặn dò cẩn thận.

Đường đến chân tường thành

Đó là chuyện cách đây 14 năm. Bây giờ đã có con đường xe máy chạy đến nơi. Trên khoảnh rừng trống mà ngày ấy chúng tôi dừng nghỉ, bây giờ được dựng tấm bia di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh thành Tà Kơn. Tấm bia giới thiệu thành Tà Kơn là cảnh quan thiên nhiên, được hình thành do biến đổi kiến tạo địa chất cách nay hàng triệu năm. Những khối đá hình lục lăng, hình trụ xếp liền kề lên nhau, tạo nên bức tường thành sừng sững, dài trên 500m, đứng hùng vĩ giữa đại ngàn Vĩnh Thạnh.

Thành Tà Kơn đã đi vào sử thi và trở thành huyền thoại của cư dân Bahnar Kriêm. Xưa, thành Tà Kơn là nơi cư trú và đã chứng kiến những trận chiến oai hùng chống lại các thế lực bên ngoài của dân làng Bahnar Kriêm. Tương truyền, khu vực thành Tà Kơn khi xưa là căn cứ của nghĩa quân Tây Sơn từ những ngày đầu khởi nghĩa. Thành Tà Kơn được UBND tỉnh Bình Định xếp hạng di tích vào ngày 25/12/2013.

Bok Y Khiêm khoái hoạt kể truyền thuyết thành Tà Kơn sau khi rít hơi rượu cần. Ảnh: V.Đ.T.

Bok Y Khiêm (bên trái) khoái hoạt kể truyền thuyết thành Tà Kơn sau khi rít hơi rượu cần. Ảnh: V.Đ.T.

Thành Tà Kơn có mặt giữa đại ngàn Vĩnh Sơn cách nay hàng triệu năm, cũng chừng ấy năm bức thành cổ này ngủ vùi trong truyền thuyết. Bây giờ, con người bắt đầu đánh thức thành Tà Kơn bằng con đường bê tông độc đạo đi vào tận nơi. Không còn phải vật vã với con đường rừng chằng chịt cây cối, không cần phải “đánh đu” mạng sống trên miệng vực nữa. Từ nơi đặt tấm bia di tích, đôi chân chúng tôi thong dong bước xuống những bậc tam cấp được xây dựng kiên cố, rộng khoảng 2m, hai bên có 2 sợi dây to làm tay vịn, dẫn xuống tận chân thành. Đứng dưới chân thành, ngước mắt nhìn lên, bức tường thành kỳ vĩ hiện ra trước mắt chúng tôi với những phiến đá xếp lên nhau sừng sững với thời gian.

Theo ông Trần Phước Phi, Giám đốc Ban Quản lý bảo vệ rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh, con đường này có tên gọi là đường tuần tra bảo vệ rừng Khu di tích thành đá Tà Kơn do Ban Quản lý Dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Định thi công vào đầu năm 2022. Còn theo ông Tô Tấn Thi, Giám đốc Ban Quản lý Dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Định, con đường này dài 3,3km, có chiều rộng mặt đường 2m, kinh phí xây dựng là 3,6 tỷ đồng. Không cần nhìn cảnh thi công con đường, chỉ đi thôi cũng đã cảm nhận được sự gian khổ khi thi công con đường chạy giữa rừng già, nhất là những bậc tam cấp dẫn xuống chân thành Tà Kơn.

Tác giả (đầu tiên bìa trái) giao lưu với khách du lịch đến thưởng ngoạn thành Tà Kơn. Ảnh: V.Đ.T.

Chúng tôi hòa cùng khách du lịch thưởng ngoạn thành Tà Kơn. Ảnh: V.Đ.T.

“Thi công con đường này chúng tôi né hết mức để không tác động đến rừng. Sau khi thi công hoàn tất, nó được Ban Quản lý Dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Định bàn giao cho Ban Quản lý bảo vệ rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh quản lý để làm đường tuần tra bảo vệ khu rừng di tích thành cổ Tà Kơn”, ông Trần Phước Phi cho hay.

Về làng K8, chúng tôi ghé nhà Bok Y Khiêm (Đinh Chương), Nghệ nhân ưu tú loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian Bình Định. Bok Y Khiêm là cha của anh Đinh Khuất, người cách đây 14 năm đưa chúng tôi đến thành Tà Kơn bằng con đường bộ xuyên rừng đầy gian nan. Vít cần rượu rít mấy hơi thật sâu, Bok Y Khiêm kể những truyền thuyết của thành Tà Kơn. Kể hết chuyện cũ, Bok Y Khiêm bắt sang chuyện mới.

Tác giả (ngoài cùng bìa phải) chụp ảnh kỷ niệm trước tấm bia di tích thành Tà Kơn. Ảnh: V.Đ.T.

Chụp ảnh kỷ niệm trước tấm bia di tích thành Tà Kơn. Ảnh: V.Đ.T.

“Đường vào thành Tà Kơn giờ đã được bê tông hóa, quý quá, sẽ rất thuận lợi cho du khách đến thăm thú, đây là lợi thế để Vĩnh Thạnh phát triển du lịch sinh thái. Ngoài điểm nhấn là thành Tà Kơn ở làng K8, Vĩnh Thạnh còn có vườn cam Nguyễn Huệ ở làng K2 xã Vĩnh Sơn; động Hang Dơi, suối Tà Má, công trình thủy điện Vĩnh Sơn, hồ chứa nước Định Bình… mỗi nơi có vẻ đẹp hoang sơ riêng. Ngoài ra, Vĩnh Thạnh còn có những lễ hội, những bài hát Hơ Mon, nhạc cụ dân tộc, làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, có vườn hoa anh đào và những vườn rau ôn đới… Đó là những “món ăn” tinh thần độc đáo của núi rừng mà người miền xuôi không có…”, trong giọng nói của Bok Y Khiêm như có chút say men rượu cần, có chút lãng đãng của miền đất được mệnh danh là “Đà Lạt giữa Vĩnh Sơn”…

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

2 người ở Hà Giang bị thương do thiên tai

Mưa lớn kèm gió lốc đêm 4, ngày 5/5 trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã khiến 2 người bị thương và 378 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng.