| Hotline: 0983.970.780

Vô "rốn" Đồng Tháp Mười

Thứ Sáu 28/10/2011 , 10:18 (GMT+7)

Men theo tỉnh lộ 62, từ thị trấn Mộc Hóa (huyện Mộc Hóa, Long An), tôi chạy xe vào Thạnh Trị, một trong những xã được coi là “rốn” của vùng Đồng Tháp Mười...

Men theo tỉnh lộ 62, từ thị trấn Mộc Hóa (huyện Mộc Hóa, Long An), tôi chạy xe vào Thạnh Trị, một trong những xã được coi là “rốn” của vùng Đồng Tháp Mười và cũng là xã giáp ranh với huyện Trăn Tria, Campuchia. Ở đây, ngoài một màu xanh của lúa ra thì bạn chỉ còn thấy mùi thoang thoảng từ những cây tràm gió ven đường mà thôi.

Đi chợ vùng biên

Có người nói, muốn biết đời sống nhân dân ở vùng đó như thế nào hãy ra chợ ở địa phương quan sát. Nếu chiếu theo chỉ dẫn ấy, tôi thấy một sự phong phú, no đủ, đầy đặn của người dân vùng biên giáp ranh với tỉnh nghèo nhất bên nước bạn Campuchia là như thế nào.

Dừng lại bên một cái chợ nho nhỏ ngay ven bờ sông Vàm Cỏ Tây thơ mộng, chúng tôi thấy các bà, các chị đang cười nói, mặc cả vui vẻ. Những loại hàng hóa bày bán cũng chẳng thiếu thứ gì so với những chợ cóc ở địa phương khác mà tôi từng đi qua. Từ quần áo, vải vóc, đồ nhựa, đồ inox, mỹ phẩm cho tới cá, thịt hay những đặc sản địa phương.

Anh Khuôn Kho Thơi, một người ở Trăn Tria, Svây Riêng nhưng thường xuyên qua bên này buôn bán tâm sự bằng thứ tiếng Việt khá sõi: “Mình thường mang rau củ quả và trái cây từ nhà qua đây bán bởi hàng hóa bên mình rẻ hơn. Các loại trái cây như sầu riêng có giá 3.000 riel, xoài 2.500 riel (1 riel tương đương 4 VNĐ)... Bán hàng bên Việt Nam thích hơn vì người mua nhiều, chợ rất sôi động".

Ngoài các loại trái cây, mùa này chị Liên, một người quê ở Vĩnh Hưng (Long An) nhưng lấy chồng bên Trăn Tria tâm sự: “Mình thường thu mua rắn, rùa và các loại sản vật khác như nhện đen, bò cạp… ở bên đó rồi mang qua đây bán. Bên đó những thứ này nhiều nên rẻ chứ bên mình lại là đặc sản. Ngày nay, với tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước nên việc đi lại qua cửa khẩu cũng dễ dàng”.

Rắn được bán nhiều ở chợ biên giới

Trong mấy ngày lăn lộn ở vùng ven biên giới Việt - Cam này, hành động cảm động nhất mà chúng tôi gặp chính là việc những người dân hai nước quây quần bên nhau mua bán, mặc cả và trao đổi hàng hóa. Chỉ là những vật dụng đơn thuần nhưng lại rất thiết thực với nhiều bà con.

Theo những tiểu thương ở các chợ ven biên giới thì người dân Campuchia đặc biệt ưa thích các loại hàng hóa của Việt Nam như: quần áo, đồ nhựa, đồ inox, mỹ phẩm và muối bởi đó là những mặt hàng nước bạn ít sản xuất, giá rất đắt đỏ. Anh Tư Thạnh, một người buôn bán ở khu chợ gần cửa khẩu Bình Hiệp (Mộc Hóa, Long An), tâm sự: “Bên Cam người dân chủ yếu theo đạo Phật. Theo đó, họ quan niệm đời sống ở trần gian chỉ là tạm bợ, không cần nhiều của cải. Vì thế, hàng hóa nhu cầu sinh hoạt chủ yếu được nhà nước trợ cấp hoặc nhập khẩu ở bên Thái Lan và Việt Nam qua. Ngay như lúa gạo họ cũng không tự xay xát được mà thu hoạch xong lại mang qua bên mình xay rồi đem ngược lại”.

Ngoài việc buôn bán, thông thương và giao lưu hàng hóa giữa hai nước để tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết hai nước thì hiện nay, nhất là mùa nước nổi như thế này, nhiều người dân ở vùng Mộc Hóa, Thạnh Hóa (Long An) còn ngược thuyền sang bên nước bạn thuê mặt nước, liên kết làm ăn bằng cách bắt cá.

Theo lời anh Năm Phước ở xã Bình Phong Thạnh (Mộc Hóa, Long An) thì anh có quen một người bạn tên là SoK Kha ở bên Campuchia nên cứ đến mùa nước nổi, anh cùng với bạn bè hùn tiền sang đó thuê mặt nước đặt lưới bắt cá. Giá cả cũng vô cùng bởi còn tùy theo quãng nước tốt hay xấu, dòng chảy hiền hay dữ nhưng thông thường cũng chỉ chừng 20 đến 25 triệu đồng/cây số/vụ.

 Tuy giá nghe có vẻ cao nhưng do bên Campuchia đồng nước hoang sơ nhiều, tôm cá nhiều vô kể nên chỉ cần nửa vụ là đã huề vốn. Nhờ thế, nhiều người dân ven biên giới đã trở nên giàu có vì mạnh dạn làm ăn như thế.

Cánh đồng hai quốc tịch

Ngồi bên đám ruộng mới bén rễ xanh tốt, ông Hòa An, một nông dân trồng lúa lâu năm ở Đồng Tháp Mười bảo: Hiện nay, lúa Đồng Tháp Mười một năm có thể cấy 3 vụ là thường. Trước kia, có nằm mơ người dân cũng không bao giờ nghĩ sẽ cấy được 3 vụ/năm. Hồi tôi còn trẻ, vùng này hoang sơ và mênh mông nước, chỉ có tràm là sống được. Vậy nhưng sau mấy năm, nhờ làm tốt công tác thủy lợi, thủy nông, Đồng Tháp Mười từ chỗ là một vùng đất bỏ hoang hóa nay đã trở thành một trong những vựa lúa lớn nhất cả nước với sản lượng lên đến hàng triệu tấn lúa mỗi năm.

Cơ giới hóa đồng ruộng ở Đồng Tháp Mười

Thành quả đó chính là nhờ sự chỉ đạo đúng đắn của Trung ương với quyết tâm mạnh mẽ trong việc khẩn hoang vùng đất trũng mênh mông này. Nói không quá rằng, chính việc ngọt hóa, quy hoạch đê bao được vùng Đồng Tháp Mười rộng lớn này mà từ một nước thiếu lương thực, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 trên thế giới.

Nhìn tổng quát đã vậy, đi sâu vào tìm hiểu đời sống của người dân vùng Đồng Tháp Mười chúng tôi mới thấy sự khác biệt và sung túc của đồng bào. Xe máy, tivi, nhà kiên cố, ghe máy cứng cáp… cùng nhiều tiện nghi đầy đủ khác hầu như xuất hiện ở khắp các ngôi nhà. Nhìn những cánh rừng tràm gió tỏa hương thơm tinh dầu đặc trưng giữa những cánh đồng lúa xanh bát ngát thẳng cánh cò bay, chúng tôi mới thấy được sự ấm no đang lan tỏa khắp các ấp, cụm dân cư.

Và, không chỉ mang ấm no đến các hộ nông ở các xã vùng biên Đồng Tháp Mười, chính nhờ công tác thủy lợi, ngọt hóa một vùng rộng hàng ngàn héc - ta này cũng giúp nhiều bà con nông dân giáp ranh biên giới bên Campuchia "thơm lây" vì họ cũng được hưởng lợi một chút bởi nhiều ruộng lúa bên Cam chỉ cách Việt Nam có một bờ ruộng nhỏ hay con mương.

Nói biên giới thực ra không phải là một cái gì ngăn cách quá lớn mà chỉ là một con đường đất nhỏ, bên này là ruộng lúa Việt Nam, bước chân sang là ruộng lúa của Campuchia rồi. Vì vậy, việc phối hợp lao động và giúp nhau sản xuất được người dân nơi đây đặc biệt chú trọng.

Chỉ tay ra phía cánh đồng ngập nước mênh mông, anh Bùi Hữu Đông, cán bộ địa chính xã Bình Phong Thạnh cười bảo: "Cứ mùa nước nổi thế này, nhiều bưng, đồng giữa hai nước đều ngập mênh mông, không còn ranh giới nữa. Vì thế mấy anh em gọi vui đó là những cánh đồng mang… hai quốc tịch vì ngay trước mặt cũng là địa phận của nước bạn rồi".

Nói vậy để thấy, thực sự bà con nông dân ở vùng biên giới Tây Nam Tổ quốc luôn hòa thuận và hết lòng chia sẻ với những người dân khó khăn bên nước bạn. Cũng theo anh Đông, bên Cam người dân cấy lúa chỉ 1 vụ, năng suất rất kém và vấn đề thủy lợi cũng không được chú trọng. Vì thế, nhiều cặp vợ chồng Việt - Cam có ruộng ở vùng giáp biên như thế vẫn thường "xin" nước của đồng bào mình bằng cách dùng ống nước dẫn sang.

Phát triển kinh tế địa phương, đẩy mạnh hợp tác và giúp đỡ, tăng cường tình đoàn kết giữa hai nước là mục tiêu quan trọng của những địa phương có chung đường biên giới. Đó chính là nét đẹp của đồng bào, con người vùng biên giới nơi đây.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khoanh vùng thiếu nước để ngừng sản xuất nông nghiệp

Công ty Thủy lợi Khánh Hòa khuyến cáo người dân không tự ý sản xuất đối với diện tích đã khoanh vùng tạm dừng sản xuất, nhằm tránh thiệt hại do không có nước tưới.