Chính quyền khẩn trương vào cuộc
Như Báo Nông nghiệp Việt Nam đưa tin, Công trình cấp nước sinh hoạt cho khoảng 500 hộ dân ở thị trấn Đắk Rve (huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum), do Trung tâm Môi trường và Dịch vụ đô thị huyện Kon Rẫy quản lý, hễ trời mưa xuống là nước bị đục ngầu, người dân không dám sử dụng vì lo ngại ảnh hưởng đến sức khỏe. Vấn đề trên đã được người dân nhiều lần phản ánh, thông qua các buổi tiếp xúc cử tri.
Ngay sau khi báo phản ánh, Thường trực Huyện ủy huyện Kon Rẫy đã trực tiếp đi kiểm tra nguồn nước cũng như hệ thống xử lý tại bể nước, theo đó chỉ đạo ngành chức năng ở đây khẩn trương khắc phục. Đến nay, nguồn nước sinh hoạt cấp cho dân đã dần được trong hơn.
Được biết, ngay sau khi báo chí có bài phản ánh, huyện Kon Rẫy đã nhanh chóng thành lập 2 đoàn kiểm tra, gồm: Đoàn do Bí thư Huyện ủy Nguyễn Quang Thạch làm trưởng đoàn đã lên kiểm tra nguồn nước ở thượng nguồn, khu vực giáp với huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum); đoàn do Chủ tịch UBND huyện Võ Văn Lương trực tiếp đến kiểm tra hệ thống xử lý nước bao gồm toàn bộ hệ thống nhận nước, xử lý nước, hệ thống cấp nước…
Qua kiểm tra, việc nước bị đục vào một số thời điểm mùa mưa như phản ánh là đúng. Nguyên nhân được xác định là do khu vực lấy nước ở thượng nguồn, thời gian qua xảy ra mưa làm thảm thực vật, bùn, cát chảy xuống gây hiện tượng bồi lắng, trong khi hệ thống xử lý lắng, lọc chưa được đơn vị quản lý kiểm tra, súc rửa thường xuyên, dẫn đến tình trạng nước sinh hoạt cấp cho người dân bị đục vào mỗi khi trời mưa.
Theo đó, Thường trực Huyện ủy huyện Kon Rẫy đã chỉ đạo đơn vị quản lý khẩn trương khắc phục bằng cách tiến hành nạo vét bùn, lá cây, đất cát bị lắng ở thượng nguồn. Tại hệ thống cấp nước, tiến hành súc, rửa hệ thống xử lý nước ở bể xử lý, đồng thời cắt cỏ, thay tấm lót ở bề mặt bể…
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy huyện Kon Rẫy, đơn vị quản lý công trình là Trung tâm Môi trường và Dịch vụ đô thị huyện Kon Rẫy đã khẩn trương huy động 12 cán bộ, công nhân tiến hành triển khai các biện pháp nhằm xử lý các hạng mục công việc nói trên.
Nước đã trong hơn
Ông Lê Quang Chính, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Kon Rẫy cho biết: “Đến nay, nước cơ bản đã trong hơn so với lúc trước báo chí phản ánh. Để chất lượng nước được đảm bảo dài lâu, đơn vị quản lý hệ thống nước sẽ thường xuyên nạo vét, dọn vệ sinh khu vực thượng nguồn. Tại khu vực cấp nước sẽ thường xuyên súc rửa bể, vệ sinh đường ống để giúp nước trong, sạch”.
Theo Biên bản xác nhận thực hiện công tác súc rửa hệ thống xử lý nước tại công trình cấp nước thị trấn Đắk Rve, các hộ dân sống gần công trình xác nhận chất lượng nước sau khi xử lý đã bớt đục hơn rất nhiều lần so với trước khi súc rửa.
Khu vực bể lắng đã được vệ sinh sạch sẽ, không còn rong rêu bám trên thành bể. Còn tại khu vực bể lọc cũng đã được công nhân tiến hành súc rửa, không còn lớp đất bám trên bề mặt lưới sắt. Lướt sắt cũ bị hoen gỉ đã được thay bằng tấm lưới mới màu xanh. Khuôn viên xung quanh được cắt cỏ, vệ sinh sạch sẽ…
Tiếp chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hoà (thị trấn Đắk Rve) vặn mở van nước tại nhà mình, vui vẻ xác nhận: “Hiện tại, nước đã trong hơn rất nhiều so với lúc báo chí chưa phản ánh. Cảm ơn các anh đã kịp thời vào cuộc, nói giúp tiếng nói của người dân chúng tôi”.
Gia đình chị Phạm Thị Lợi (thôn 1, thị trấn Đăk Rve) nằm ở trục đường chính dẫn vào trung tâm thị trấn. Trước nhà, gia đình có đặt ống nước được lấy từ nguồn nước của công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy. Lần trước, khi chúng tôi đến để ghi nhân hiện tượng nguồn nước sinh hoạt bị đục, thấy chị không dùng nước này để nấu ăn mà dùng nước giếng, bởi theo chị nói lúc đó: “Dòng nước chảy ra có màu vàng đục, không đảm bảo vệ sinh nên gia đình không dám sử dụng. Gia đình tôi chỉ dùng nước này để giặt, rửa, lau nhà cửa và tưới rau trong vườn. Không có nước dùng, gia đình đi xin nước giếng của nhà hàng xóm để dùng ăn uống”.
Còn bây giờ, cũng theo chị Lợi thì: “Nước đã trong hơn nhiều so với trước kia. Hiện tại gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác đã tạm yên tâm khi sử dụng nguồn nước này. Mong đơn vị quản lý thường xuyên làm vệ sinh hệ thống cấp nước, không để hiện tượng nước đục trở lại mỗi khi trời mưa xuống”.