| Hotline: 0983.970.780

Xã Cổ Lũng vượt thẩm quyền cho cải tạo đất rừng?

Thứ Hai 28/06/2021 , 16:29 (GMT+7)

Khoảng hơn 2 hecta đất rừng tại xóm 9, xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, Thái Nguyên đã bị san gạt trái phép, UBND xã phát hiện, lập biên bản cho làm tiếp.

Ai đứng sau việc san gạt trái phép?

Báo Nông nghiệp Việt Nam nhận được nguồn tin báo của nhân dân về việc, tại khu vực xóm 9, xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, Thái Nguyên diễn ra tình trạng một doanh nghiệp sử dụng số lượng lớn máy móc tới san gạt đất rừng với quy mô rất lớn. Việc này khiến nhiều người dân bức xúc, vì nhiều nhà dân cần san gạt cải tạo mặt bằng đất ở của mình cũng rất khó khăn, không thể xin cấp phép được, còn doanh nghiệp thì lại được làm trái phép một cách công khai.

Thời điểm Phóng viên có mặt tại hiện trường, có thể thấy diện tích đất đã được san gạt có diện tích vào khoảng hơn 2 hecta và cơ bản đã hoàn thiện. Địa hình được san gạt tạo hình cảnh quan các khu vực từ hồ nước, vườn hoa, vườn cây xanh, khu vui chơi,… Đồng thời, đơn vị chủ đầu tư cũng đang tiến hành trồng nhiều cây xanh, cây cảnh lớn có đường kính lên đến hơn 30cm.

Trao đổi với những người công nhân đang làm việc ở đây, họ cho biết là làm thuê cho một doanh nghiệp có tên là Công ty Dũng Minh, địa chỉ tại xã Sơn Cẩm, thành phố Thái Nguyên, còn chính xác thì không biết. Chỉ biết là người ta xây dựng chỗ này để làm biệt nhà ở, khu vui chơi,…

Vụ việc này cũng đã được UBND xã Cổ Lũng kiểm tra phát hiện và lập biên bản ngay từ lúc sự việc san gạt trái phép diễn ra.

Khoảng hơn 2 hecta đất và chủ yếu là đất rừng đã bị san gạt trái phép. Ảnh: Toán Nguyễn.

Khoảng hơn 2 hecta đất và chủ yếu là đất rừng đã bị san gạt trái phép. Ảnh: Toán Nguyễn.

Cán bộ xã Cổ Lũng có vượt thẩm quyền của HĐND tỉnh Thái Nguyên và huyện Phú Lương?

Theo đó, biên bản mà xã Cổ Lũng nói trên được lập vào lúc 9h00, ngày 4/4/2021, với thành phần là ông Đỗ Văn Nghĩa (cán bộ Địa chính), Đặng Tiến Long (Trưởng xóm 9) và đại diện bên san gạt là ông Nguyễn Thế Cường (không ghi địa chỉ), có xác nhận của ông Lưu Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng.

Theo như biên bản, người vi phạm đã san gạt các thửa đất số 73 (74), 67, 63 nhằm cải tạo chỗ để trồng cây canh tác và cải tạo mặt bằng xây dựng công trình trên thửa 73 (74) . Tại thời điểm kiểm tra, không phát hiện việc vận chuyển hoặc bán đất san lấp ra ngoài thửa đất.

Tuy nhiên biên bản lại không thể hiện việc san gạt đất là đúng hay sai, mà chỉ nhắc nhở đại diện người san gạt là ông Cường phải thực hiện nghiêm các nội dung sau:

  1, Chỉ được san lấp, cải tạo tại chỗ (Trong phạm vi danh giới thửa đất).

  2, Nghiêm cấm vận chuyển, mua bán khoáng sản đất san lấp ra khỏi thửa đất (Theo luật Khoáng sản năm 2010).

  3, Không làm ảnh hưởng đến việc thoát nước đối với các thửa đất đang canh tác.

  4, Không làm ảnh hưởng đến môi trường.

  5, Không làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của các hộ giáp ranh, liền kề.

Biên bản của UBND xã Cổ Lũng thể hiện vượt thẩm quyền cấp trên. Ảnh: Toán Nguyễn.

Biên bản của UBND xã Cổ Lũng thể hiện vượt thẩm quyền cấp trên. Ảnh: Toán Nguyễn.

Ý kiến về vấn đề này, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên cho rằng, việc san ủi cải tạo đất rừng phải đăng ký với UBND huyện, còn nếu đất chuyển ra ngoài thì phải xin cấp phép khai thác khoáng sản. Còn cải tạo thay đổi mục đích sử dụng đất thì phải có kế hoạch, được HĐND tỉnh thông qua.

Như vậy, có thể khẳng định việc Phó Chủ tịch UBND xã và cán bộ địa chính xã Cổ Lũng không chỉ sai trong việc không báo cáo vụ việc sai phạm tại xóm 9, xã Cổ Lũng lên UBND huyện Phú Lương, mà còn tự ý quyết định vượt thẩm quyền của HĐND tỉnh Thái Nguyên đồng thuận cho người vi phạm cải tạo đất rừng quy mô lớn.

Cán bộ Địa chính xã Cổ Lũng nói: Cả huyện Phú Lương đều như thế

Làm việc với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, đại diện cho UBND xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) là ông Lưu Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND xã và ông Đỗ Văn Nghĩa, cán bộ Địa chính xã.

Ông Nghĩa đã thông tin rằng: “Diện tích san lấp đã được UBND xã cử đoàn kiểm tra, lập biên bản và yêu cầu san lấp đất tại chỗ theo quy định, không vận chuyển đi ra ngoài một tý nào cảo. San rộng gần 10.000m2, đấy là đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, là là đất thổ cư và liền thửa không thổ cư. Mình cũng yêu cầu và giám sát nếu chở đất ra ngoài là xử lý ngay, nhưng mà người ta không chở”.

Khu vực hồ nước đã xong phần tạo cảnh và đang trồng những cây cảnh lớn xung quanh. Ảnh: Toán Nguyễn.

Khu vực hồ nước đã xong phần tạo cảnh và đang trồng những cây cảnh lớn xung quanh. Ảnh: Toán Nguyễn.

Tuy nhiên, khi đối chiếu theo bản đồ địa chính thực tế cho thấy, việc san gạt diễn ra trên nhiều thửa đất là: 63, 64, 65, 66,  67, 71, 73 (74),… có diện tích khoảng hơn 2 hecta, tức là rộng gấp ít nhất là 2 lần so với số liệu là gần 10.000m2 như thông tin của cán bộ Địa chính xã Cổ Lũng cung cấp.

Khi được hỏi là vấn đề này có được xã báo cáo lên cấp trên hay không? Thì ông Nghĩa có nói là đã báo cáo bằng miệng lên phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Phú Lương. Nhưng những vụ việc như này huyện cũng dám cấp phép nên toàn huyện chỗ nào cũng có việc san lấp như vậy hết.

Ông Lưu Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng nói: “Cho dù là đất rừng nhưng vẫn là đất san lấp tại chỗ, để làm theo đúng luật thì còn nhiều bất cập quá. Chỉ có việc là họ không vận chuyển đất ra ngoài thì đã là thành công trong công tác vận động rồi, bây giờ đè ra mà xử phạt thì rất là bất cập. Hộ gia đình cá nhân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trước tiên người ta cải tạo kệ người ta, nếu khi nào người ta có dự án phải được tỉnh, huyện chấp thuận, hoặc có quy hoạch, kế hoạch đàng hoàng. Còn nếu sau này người ta xây dựng quá diện tích thổ cư hoặc xây trên đất rừng thì sẽ xử lý”.

Xem thêm
Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.