| Hotline: 0983.970.780

Ngành cao su đi vào tăng trưởng xanh

Xây dựng chuỗi cung ứng xanh

Thứ Ba 31/10/2023 , 06:15 (GMT+7)

Xanh hóa chuỗi cung ứng đang được nhiều công ty cao su thực hiện trong những năm qua, từ quản lý rừng bền vững, chuỗi hành trình sản phẩm…

Công nhân Cao su Tây Ninh cạo mủ cao su. Ảnh: Trần Phi.

Công nhân Cao su Tây Ninh cạo mủ cao su. Ảnh: Trần Phi.

Định hướng tương lai từ quản lý rừng bền vững

Bài liên quan

Công ty Cổ phần Cao su Tây Ninh (Cao su Tây Ninh, Taniruco) là một đơn vị có bề dày truyền thống của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG). Trải qua gần 50 năm thành lập và phát triển, Cao su Tây Ninh đã được Đảng và Nhà nước khen tặng nhiều danh hiệu cao quý như Anh hùng Lao động, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhì …

Có bề dày truyền thống như vậy, nhưng Cao su Tây Ninh đã từng có những thời điểm gặp khó khăn, lúng túng khi định hướng phát triển cho tương lai, cho đến khi tiếp cận với Hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam (VFSC). Ông Nguyễn Hồng Thái, Phó Tổng Giám đốc Cao su Tây Ninh, chia sẻ: “Trước khi tiếp cận với VFCS, công ty chưa có lối đi rõ ràng trong định hướng phát triển. Tuy nhiên, sau khi tiếp cận VFCS, chúng tôi đã có định hướng và mục tiêu một cách rõ ràng”.

Trong quá trình thực hiện quản lý rừng bền vững, ban đầu, Taniruco gặp nhiều khó khăn, thách thức, từ nhận thức, hiểu biết của cán bộ, công nhân, người lao động đến việc làm sao để thực hiện được các tiêu chí... Tuy nhiên, với quyết tâm của lãnh đạo công ty cùng sự vào cuộc tích cực của các phòng, ban, các tổ chức đoàn thể như công đoàn, đoàn thanh niên…, việc thực hiện quản lý rừng bền vững ở Cao su Tây Ninh đã được làm tốt dần lên.

Đến nay, Cao su Tây Ninh đã thực hiện xong phương án quản lý rừng bền vững và có Chứng chỉ rừng VFCS/PEFC-FM. Đồng thời, công ty đã được chứng nhận Chuỗi hành trình sản phẩm PEFC-CoC. Hiện công ty đang tiếp tục duy trì hệ thống quản lý rừng bền vững và mời tổ chức đánh giá giám sát hệ thống trong những năm tiếp theo.

Một đơn vị khác của VRG trên địa bàn tỉnh Tây Ninh là Công ty Cổ phần Cao su Tân Biên cũng đã triển khai quản lý rừng bền vững. Trong năm 2023, Cao su Tân Biên đã được tổ chức GFA đánh giá duy trì và cấp chứng chỉ rừng quốc gia VFCS/PEFC cho tổng diện tích cao su hơn 4 nghìn ha. Ngoài ra, công ty tiếp tục thực hiện và đã được đánh giá tái cấp chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm PEFC-CoC và DDS do tổ chức SGS chứng nhận.

Tạo giá trị xanh cho sản phẩm

Đến thời điểm này, cao su thiên nhiên có chứng nhận VFSC vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ ở các công ty cao su. Như ở Cao su Tây Ninh, cao su có chứng nhận VFSC mới chỉ chiếm khoảng 3% doanh thu. Một trong những nguyên nhân quan trọng là khách hàng chưa có nhiều nhu cầu với các sản phẩm cao su “xanh”.

Nhà máy chế biến mủ của Cao su Tân Biên. Ảnh: Trần Phi.

Nhà máy chế biến mủ của Cao su Tân Biên. Ảnh: Trần Phi.

Dù vậy, các sản phẩm cao su “xanh” đã bắt đầu có những tác động tích cực tới hình ảnh cũng như uy tín của đơn vị. Ông Trương Văn Cư, Tổng Giám đốc Cao su Tân Biên, cho biết, sau khi có chứng nhận VFCS, giá cả của sản phẩm của công ty đã tăng thêm một chút. Đặc biệt, khách hàng cảm thấy yên tâm hơn và không cần đến xem hàng trực tiếp khi công ty minh bạch hóa tất cả các chứng nhận bền vững của mình. Điều này giúp tăng đáng kể lượng khách hàng và cho phép công ty có quyền lựa chọn trong giao dịch.

Ông Nguyễn Hồng Thái đánh giá, chiến lược áp dụng phương án Quản lý rừng bền vững và Hệ thống Chuỗi hành trình sản phẩm CoC theo tiêu chuẩn PEFC vào hoạt động sản xuất kinh doanh cho thấy Ban điều hành công ty rất quyết tâm trong việc tạo ra sản phẩm có giá trị “xanh”, nâng cao tính cạnh tranh bền vững; đồng thời đảm bảo trách nhiệm đối với môi trường và cộng đồng dân cư - xã hội trên địa bàn cây cao su đóng chân.

Ông Thái nhấn mạnh: “Tôi tin rằng trong tương lai, đặc biệt là với yêu cầu sử dụng sản phẩm xanh của khách hàng ở các thị trường khó tính như châu Âu, giá trị của sản phẩm có chứng chỉ VFCS sẽ ngày càng tăng và đóng góp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty”.

Về phần mình, ông Trương Văn Cư chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng trong tương lai, với nhu cầu sử dụng các sản phẩm xanh, sạch ngày càng tăng ở trong nước và thế giới, giá các sản phẩm cao su thiên nhiên có chứng nhận VFSC sẽ được chấp nhận. Người tiêu dùng sẽ nhận thức rằng việc bỏ ra một khoản chi phí cao hơn để sử dụng sản phẩm cao su bền vững là tốt cho cả cộng đồng. Tôi tin rằng điều này sẽ mang lại kết quả tốt hơn cho mọi người”.

Trong xu thế này, các sản phẩm cao su thiên nhiên được nâng cao giá trị. Doanh nghiệp xác định nguồn lực, con người đầu tư cho phát triển bền vững, sản xuất xanh là khá lớn, nhưng đó là trách nhiệm và là yếu tố quyết định cho sự phát triển.

275 nghìn ha cao su của VRG đã được xây dựng Phương án Quản lý rừng bền vững. Ảnh: Thanh Sơn.

275 nghìn ha cao su của VRG đã được xây dựng Phương án Quản lý rừng bền vững. Ảnh: Thanh Sơn.

Xanh hóa chuỗi cung ứng

Đến hết quý III năm nay, toàn Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã có 30 công ty thành viên xây dựng Phương án Quản lý rừng bền vững, tăng 9 công ty so với cuối năm 2022. Tổng diện tích đã xây dựng Phương án Quản lý rừng bền vững là 275 nghìn ha (đạt 95% diện tích toàn Tập đoàn).

Hiện tại, đã có 18 thành viên VRG (tăng 1 công ty so với cuối năm 2022) được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo VFCS/PEFC với khoảng trên 113 nghìn ha cao su, đạt 83% so với kế hoạch (tăng hơn 4.000ha so với cuối năm 2023). Bên cạnh đó, có 37 nhà máy (chế biến cao su thiên nhiên, chế biến gỗ và sản phẩm công nghiệp cao su) đã được cấp chứng chỉ quản lý chuỗi hành trình sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế PEFC-CoC, tăng 7 nhà máy so với cuối năm 2022.

Việc các đơn vị thành viên đẩy mạnh thực hiện quản lý rừng bền vững và quản lý chuỗi hành trình sản phẩm, nằm trong chiến lược xanh hóa chuỗi cung ứng của VRG. Tập đoàn đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, 60% diện tích cao su và rừng trồng sản xuất đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững quốc gia và quốc tế (VFCS/PEFC/FSC...) và 100% nhà máy chế biến mủ cao su có chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm.

Đến năm 2050, toàn Tập đoàn có 100% diện tích cao su và rừng trồng sản xuất đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững quốc gia và quốc tế (VFCS/PEFC/FSC...) và 100% nhà máy sản xuất (mủ, gỗ, sản phẩm công nghiệp cao su…) có chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm.

Chiến lược xanh hóa chuỗi cung ứng của VRG nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và khắt khe của khách hàng, đặc biệt là yêu cầu của các nhà sản xuất lốp xe, chế biến gỗ, sản phẩm công nghiệp cao su… cũng như đáp ứng các chính sách chỉ thu mua cao su thiên nhiên từ các công ty cam kết đảm bảo tính bền vững trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Tập đoàn sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các chứng nhận quốc gia và quốc tế về phát triển bền vững nhằm hướng đến mục tiêu doanh nghiệp cam kết cung ứng bền vững, có các chính sách truy xuất nguồn gốc minh bạch, hoàn chỉnh hệ thống quản lý và nâng cao chuẩn mực kinh doanh hội nhập quốc tế. Đồng thời yêu cầu đối tác cung ứng áp dụng các quy trình tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm đồng bộ hóa mục tiêu tăng trưởng xanh trong chuỗi cung ứng.

Xem thêm
Người làm nên thương hiệu 'heo say xỉn'

NINH BÌNH Mấy năm nay tôi không thể vào một trại lợn nào vì chủ trại phòng dịch rất nghiêm, thế mà anh Nga bảo vào thoải mái, lao động ở đây còn thường xuyên về nhà.

Chú trọng tiêm vacxin, chống buôn lậu trước mùa nguy cơ dịch bênh

Chỉ đạo hoạt động của ngành thú y, chăn nuôi thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh bằng vacxin và phòng chống buôn lậu.

Chuyện của Madam Hương Coffee và cà phê đặc sản dưới tán rừng

QUẢNG TRỊ Cây cà phê từng khiến chị rơi vào cảnh trắng tay. Nhưng cũng nhờ trồng và chế biến cà phê đặc sản dưới tán rừng, chị đã tìm lại chính mình.