Và câu chuyện của chúng tôi bắt đầu xoay quanh vấn đề giao thông tại Việt Nam.
Hiện trường một vụ 'xe điên' gây tai nạn liên hoàn |
Thật sự là hãi hùng khi tham gia giao thông ở Việt Nam, hầu hết khách nước ngoài đến Việt Nam đều bày tỏ sự lo lắng và quan ngại về mối nguy hiểm rình rập tính mạng khi đi ra đường.
Phải rồi, đến người bản xứ như chúng tôi, trong lời cầu nguyện trước Chúa hay ban thờ tổ tiên luôn là được an toàn khi đi ra đường hay đi đến nơi, về đến chốn…
Gần đây nhất có một vụ “xe điên” đâm hàng loạt xe máy tại Thanh Hóa, một cô gái trẻ tử vong tại chỗ, vài người đang cấp cứu tại bệnh viện.
Xa hơn nữa, một vụ “xe điên” đâm vào dòng người đang dự đám tang tại Yên Lạc, Vĩnh Phúc làm 7 người chết. Một vụ khác tương tự xảy ra tại Hải Phòng vào tháng 10 năm 2018 và gần hơn là vụ xảy ra ở Hải Dương vào tháng 1 năm nay. Rồi “xe điên” đâm người tại ngã tư đèn đỏ mà chính tôi và con nhỏ suýt nữa cũng là nạn nhân.
Vậy mấu chốt của vấn đề nằm ở đâu?
Cứ mỗi vụ việc xảy ra, báo chí đưa tin rồi các ban nghành liên quan vào cuộc nhưng tai nạn thì vẫn cứ xảy ra với tần xuất nhiều hơn và thảm khốc hơn. Theo một báo cáo được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố năm 2018: Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á về số người chết do va chạm trên đường, với tỷ lệ 26,1/100.000 người. Theo thống kê, trong năm 2018 có 24.970 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông ở Việt Nam.
Việt Nam chỉ đứng sau Thái Lan về tỷ lệ tử vong và va chạm do tai nạn giao thông. (Số liệu: Theo WHO). |
Tại thủ đô Jakarta - Indonesia, nơi có khoảng 10 triệu người sinh sống, có rất nhiều ô tô và xe máy. Mặc dù cũng xảy ra tình trạng ùn tắc nhưng du khách ít khi nghe thấy tiếng còi xe và ít khi chứng kiến va chạm. Xe buýt đi đúng làn đường, nhiều phương tiện và xe đi lại khá nhanh nhưng lại trật tự và đi đúng luồng đường. Thật sự là một nét văn hóa giao thông đáng khen!
Vậy tại sao tình trạng tai nạn giao thông tại Việt Nam lại đáng báo động như vậy? Nguyên nhân thì nhiều: Chủ quan là do nguời điều khiển phương tiện có ý thức kém, không tôn trọng luật giao thông, sử dụng bia rượu khi điều khiển xe, chạy quá tốc độ cho phép, phóng nhanh vượt ẩu, dương tính với ma túy…. Khách quan thì do hệ thống giao thông nhỏ hẹp, xuống cấp. Lượng xe lưu thông quá nhiều, mật độ quá lớn; đa phần là ôtô, môtô phân khối lớn. Đội ngũ điều hành, quản lý giao thông có trình độ nghiệp vụ còn hạn chế, hoạt động chưa hiệu quả.
Tất cả các nguyên nhân chủ quan và khách quan tạo nên một bức tranh hỗn độn về giao thông ở Việt Nam. Hậu quả là hàng trăm vụ tai nạn xảy ra mỗi ngày, là nỗi đau mà chúng ta phải gánh chịu trong thời bình.
Cần 1 giải pháp đồng bộ và quyết liệt!
Giải pháp thì có rất nhiều: tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phân luồng giao thông, tăng cường trật tự giao thông… xử phạt hành vi vi phạm nhưng hình như vẫn là chưa đủ. Có lẽ phải xử phạt thật nặng và thật nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm, ưu tiên và tăng cường sự tiện lợi của các phương tiện giao thông…
Cần lắm một giải pháp đồng bộ, triệt để và quyết tâm. Bộ Giao Thông cần đưa ra các biện pháp cụ thể, đồng bộ ở tầm vĩ mô và được nhân dân hưởng ứng thì mới hy vọng xoay chuyển tình trạng giao thông hiện nay.
Phải chăng cần có một nghị quyết mới của Chính phủ với một loạt các biện pháp kiên quyết cưỡng chế thi hành phát luật trật tự ATGT, giống như Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ về quy định bắt buộc người tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm năm 2007 vậy.
Thiết nghĩ, mỗi nhiệm kỳ Bộ Trưởng nên để lại ít nhất 1 di sản chính trị. Và người dân đang rất kỳ vọng vào sự 1 thay đổi, 1 dấu ấn về sự xoay chuyển tình trạng giao thông hiện tại của Bộ Trưởng - Bộ Giao Thông, trên cương vị của một vị Tổng tư lệnh ngành.