| Hotline: 0983.970.780

Bất an với cung đường giao thông thi công không an toàn

Thứ Tư 16/02/2022 , 14:32 (GMT+7)

Thi công đường dốc Eo Kẻ Nhoát, xã Kỳ Xuân tạo ra những “hố bom” đất, đá nhưng nhà thầu không đặt rào chắn, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Công trình Nâng cấp, mở rộng đường ĐH.136 đoạn Km3+500÷Km5+600 (từ đường bộ ven biển đến đường tuần tra ven biển), đoạn qua xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) được UBND huyện Kỳ Anh phê duyệt chủ trương đầu tư vào ngày 10/9/2019; điều chỉnh tại quyết định số 3606, ngày 25/10/2019; phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng tại quyết định 3644, ngày 30/10/2019, với tổng mức đầu tư 9 tỷ đồng.

Đoạn đường dốc Eo Kẻ Nhoát lồi lõm ổ trâu, ổ gà, đất đá lổm chổm gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Ảnh: Thanh Nga.

Đoạn đường dốc Eo Kẻ Nhoát lồi lõm ổ trâu, ổ gà, đất đá lổm chổm gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Ảnh: Thanh Nga.

Nhà thầu thi công là Công ty TNHH xây dựng và thương mại Sông Hội (địa chỉ: số nhà 270 đường Hà Huy tập, thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh). Tư vấn giám sát là Công ty CP thương mại và dịch vụ xây dựng Long Tân (thôn Xuân Dục, xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh).

Dự án dự kiến bố trí nguồn vốn từ ngân sách huyện trong 2 năm 2020, 2021. Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp một số vướng mắc nên tháng 9/2020, Chủ đầu tư đề nghị Thường trực huyện ủy, HĐND huyện bố trí thêm kinh phí, nâng tổng mức đầu tư dự án lên hơn 9,6 tỷ đồng.

Tháng 3/2021, công trình này được đưa vào thi công với chiều dài hơn 1,5 km. Tuy nhiên, hiện tại, dự án không những chậm tiến độ mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông do thiếu hệ thống rào chắn, đèn cảnh báo nguy hiểm, gây bức xúc trong nhân dân.

Tuyến đường thi công chậm khiến việc đi lại của hơn 800 hộ dân gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Thanh Nga.

Tuyến đường thi công chậm khiến việc đi lại của hơn 800 hộ dân gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Thanh Nga.

Bác Dương Xuân T., thôn Lê Lợi, xã Kỳ Xuân vừa đứng chờ người vợ đi bộ qua dốc Eo Kẻ Nhoát vừa nói: “Đoạn đường này dốc cao, hai bên đào xới tạo thành các hố đất sâu, nguy hiểm nên mỗi lần đi qua đây tôi phải bảo vợ xuống xe đi bộ”.

Để phản ánh thông tin đa chiều, phóng viên đặt lịch làm việc qua Văn phòng UBND huyện Kỳ Anh thì được hướng dẫn liên hệ qua điện thoại với ông Phạm Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách dự án. Tuy nhiên, sau nhiều lần gọi điện, ông Dũng không bắt máy.

Bác T. cho biết thêm, thời điểm giữa tháng 11/2021, có những đoạn nước đọng, đá chắn ngang đường, người dân phải đi đường vòng xa hơn khoảng 3 km.

Một người dân khác thì cho rằng, nhà thầu thi công công trình không khác gì “đặt bẫy” người tham gia giao thông.  

“Cả con đường huyết mạch đào xới suốt thời gian dài rồi để đó, không đặt rào chắn an toàn, không san mặt bằng…, trở thành đoạn đường cực kỳ nguy hiểm với người tham gia giao thông, đặc biệt là khi trời mưa. Mấy ngày tết người dân muốn ra khỏi xã (Kỳ Xuân-PV) phải đi vòng xa cả chục km, rất phiền hà”, người dân này nói.

Theo ghi nhận của chúng tôi, đoạn dốc Eo Kẻ Nhoát dài khoảng 300m nhưng ngoài tấm biển “công trường đang thi công” đặt bên lề đường thì không có bất kỳ rào chắn hay biển cảnh báo nguy hiểm nào. Trong khi đó, hai bên đường những hố đất sâu từ 1 – 1,5m hay những tảng đá lớn nằm lởm khởm chực chờ gây nguy hiểm cho người đi đường bất cứ lúc nào.

Dốc cao, hố sâu nhưng không hề có biển cảnh báo nguy hiểm. Ảnh: Thanh Nga.

Dốc cao, hố sâu nhưng không hề có biển cảnh báo nguy hiểm. Ảnh: Thanh Nga.

Trao đổi với Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Đình Hào, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh cho biết, dự án chậm tiến độ gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Nguyên nhân là do trước đây khảo sát địa chất đoạn dốc Eo Kẻ Nhoát là đá mồ côi, máy múc bình thường nhưng khi hạ độ dốc xuống lại là đá giàn, nên huyện phải điều chỉnh phương án khác.

Tại Tờ trình số 138/TTr-UBND của UBND huyện Kỳ Anh cũng nêu rõ: Quá trình triển khai thực hiện dự án gặp một số khó khăn vướng mắc do giai đoạn chuyển tiếp thực hiện giữa Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 15/3/2015 và Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8/2019 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, theo đó các Thông tư hướng dẫn chưa kịp thời ban hành, các định mức, đơn giá chưa đầy đủ nên tiến độ thực hiện dự án chậm.

“Một năm qua người dân liên tục có ý kiến phản ánh việc đi lại khó khăn tại các kỳ họp HĐND xã. Phía xã cũng báo cáo vấn đề này lên huyện. Đặc biệt, trong quá trình nhà thầu thi công, xã nhiều lần phải đổ bây, san đường cho dân đi lại nhưng chỉ được thời gian ngắn, mưa xuống là cuốn trôi đi hết”, ông Hào nhấn mạnh.

Tấm biển cảnh báo duy nhất đặt bên lề đường cách vị trí thi công tầm 50 m. Ảnh: Thanh Nga.

Tấm biển cảnh báo duy nhất đặt bên lề đường cách vị trí thi công tầm 50 m. Ảnh: Thanh Nga.

Ngoài các nguyên nhân trên, việc thực hiện dự án chậm còn do công tác giải phóng mặt bằng chưa “thông”.

Được biết, tuyến đường ĐH.136 đoạn Km3+500÷Km5+600 là đoạn đường huyết mạch, ngắn nhất để hơn 800 hộ dân các thôn Lê Lợi, Cao Thắng, Sơn Thắng đến trung tâm hành chính xã Kỳ Xuân. Không chỉ vậy, đoạn đường này còn dẫn đến khu du lịch biển Kỳ Xuân, nối liền với xã Kỳ Bắc…, mật độ tham gia giao thông đông đúc.

Liên quan đến việc đảm bảo an toàn trong thi công, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Xuân khẳng định, xã nhiều lần làm việc, nhắc nhở nhà thầu, yêu cầu cảnh báo thường xuyên để đảm bảo an toàn cho người dân song hiện tại một số đoạn không có biển, dây, đèn cảnh báo nguy hiểm theo đúng quy định.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.