| Hotline: 0983.970.780

Bất cập ở cửa khẩu khiến chi phí bốc xếp tăng gấp đôi?

Thứ Bảy 28/08/2021 , 17:18 (GMT+7)

Lào Cai Chi phí bốc xếp tại cửa khẩu Kim Thành tăng lên cùng với các quy định thắt chặt để phòng chống Covid-19 khiến doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn.

Người lao động bốc xếp hàng hoá tại cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai). Ảnh: H.Đ

Người lao động bốc xếp hàng hoá tại cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai). Ảnh: H.Đ

Giá bốc xếp tăng gấp đôi

Ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng nông sản xuất khẩu qua cửa khẩu ở Lào Cai sụt giảm mạnh. Mỗi ngày chỉ có khoảng 30-40 xe nông sản của Việt Nam được xuất đi Trung Quốc.

Còn đầu nhập, rau củ quả từ Trung Quốc vẫn được đưa về đều đặn 250-300 một ngày.

Do đó Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành (Lào Cai) vẫn là nơi mưu sinh của cả nghìn người lao động.

Hiện nay, 100% người lao động ra vào cửa khẩu này phải có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 còn hiệu lực.

Chi phí để test Covid-19 đang là gánh nặng của người lao động, khi mỗi lượt test nhanh họ phải chi trả 134 nghìn đồng, giấy xét nghiệm này chỉ có giá trị trong 24h (1 ngày).

Còn test bằng phương pháp RT-PCR thì số tiền người lao động phải chi trả là hơn 700 nghìn đồng, giấy xét nghiệm này có giá trị trong 72 giờ (3 ngày).

Trong khi đó, công lao động bốc xếp của họ chỉ loanh quanh 200-300 nghìn đồng, do đó họ không vào cửa khẩu "ăn chực nằm chờ" như trước. Khi có việc, được "cai cửu" gọi mới đến bốc hàng.

Chủ một doanh nghiệp mới nhập về 5 xe hàng nhưng khả năng phải nằm bãi ít nhất 1 đêm mới xuống hàng được hết vì thiếu nhân lực bốc xếp. Chi phí bến bãi tăng thêm, giao hàng chậm hơn dự kiến là điều chắc chắn khó tránh khỏi.

Mỗi xe hàng này khoảng 30 tấn và cần khoảng 5 lao động để bốc xếp. Chủ doanh nghiệp chia sẻ, phải thuê bốc xếp 70 nghìn đồng mỗi tấn và hỗ trợ tiền xét nghiệm Covid-19 là 200 nghìn đồng cho mỗi xe.

Một lao động cho hay, công nhân chúng tôi làm gì có tiền, phải hỗ trợ test Covid-19 thì chúng tôi mới vào bốc hàng cho chủ. Chưa kể lên cửa khẩu là phải ngoáy mũi, nhưng ngày nào cũng ngoáy mũi thì cũng không thể chịu nổi thế nên nhiều người bỏ không đi bốc vác nữa.

“Chỉ có ăn với đi test đã mất hết thời gian làm việc rồi, sáng hôm sau lại đi test để vào cửa khẩu”, người này nói.

Chính vì những lý do nêu trên, là một phần dẫn tới thiếu nhân lực bốc xếp tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành. Chi phí bốc xếp cũng bị đội lên gấp đôi khoảng 70-80 nghìn đồng/tấn so với thời điểm trước khi thắt chặt kiểm soát Covid-19 tại cửa khẩu.

Các mặt hàng nông sản của Trung Quốc vẫn được nhập khẩu vào Việt Nam đều đặn. Ảnh: H.Đ

Các mặt hàng nông sản của Trung Quốc vẫn được nhập khẩu vào Việt Nam đều đặn. Ảnh: H.Đ

Dễ nảy sinh tiêu cực?

Ngày 18/8/2021, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành văn bản số 3906/UBND-KT về tăng cường và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành. Tại văn bản này, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai được giao chủ trì phối hợp Bộ đội biên phòng... thống nhất việc quản lý thẻ ra vào.

Sau khi áp dụng ngày 23/8, việc yêu cầu người lao động ra vào cửa khẩu phải có thẻ do Biên phòng cấp phát sinh nhiều bất cập, không có hướng dẫn cụ thể. Xảy ra tranh cãi giữa lực lượng chức năng và người lao động khi qua chốt kiểm soát đường Thủ Dầu 1 (phường Duyên Hải, thành phố Lào Cai).

Quy trình của việc đăng ký thẻ này hết sức rắc rối khi họ phải làm đơn để được xác nhận từ doanh nghiệp làm bến bãi là Công ty cổ phần Logistics Việt Trung; Công ty cổ phần Logistics Kim Thành; Công ty TNHH Logistics 379; Công ty TNHH TMTH Nghĩa Anh… rồi cầm đơn này lên gặp lực lượng Biên phòng để... chờ được cấp thẻ.

Từ phía doanh nghiệp cũng kêu than, ảnh hưởng do đại dịch kéo dài doanh nghiệp đã rất khổ rồi. Chống dịch chặt chẽ là cần thiết và đã có các phương án nhưng không nên thêm các thủ tục hành chính ví dụ yêu cầu phải có thẻ do Biên phòng cấp, người lao động mới được qua chốt vào cửa khẩu. Áp dụng ngay khiến doanh nghiệp không kịp trở tay.

Trong khi đó, giấy xét nghiệm và chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân đã đủ pháp lý, an toàn để người lao động qua chốt. Không thể có chuyện mượn giấy xét nghiệm của nhau như đồn đoán.

Cũng theo phản ánh của doanh nghiệp, việc này còn tạo điều kiện nảy sinh tiêu cực khi muốn làm thẻ nhanh. Và với một lực lượng lao động lên đến cả nghìn người, biến động liên tục, liệu có kịp cấp thẻ cho người lao động vào làm việc để không xảy ra ùn ứ hàng hoá?

Trong bối cảnh dịch bệnh, các trạm kiểm soát dịch Covid-19 lập ra kiểm tra người và phương tiện ra vào cửa khẩu. Tại các bãi, người lao động cũng phải trình giấy xét nghiệm một lần nữa. Còn chiếc thẻ của biên phòng cấp có ngăn được dịch bệnh?

“Đây là cửa khẩu quốc tế, cả nước tham gia xuất nhập khẩu tại đây nên yêu cầu có thẻ của Biên phòng cấp là một rào cản, bất cập vô cùng.

Doanh nghiệp tham gia vào hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu đã giúp cho lao động địa phương giải quyết việc làm. Họ là những người nông dân đi cấy, đi cày khi nhàn rỗi họ vào cửa khẩu làm cửu vạn, bốc xếp hàng hoá để xoá đói giảm nghèo.

Họ không phải những người bốc xếp chuyên nghiệp, nay người này mai người khác. Do đó, việc cấp thẻ còn là rào cản lao động, doanh nghiệp không tận dụng được người lao động địa phương nhàn dỗi với chi phí hợp lý”, một doanh nghiệp cho hay.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.