3 kiến nghị với Chủ tịch tỉnh
Thông báo của UBND tỉnh Nam Định cho biết, chiều ngày 19/3, Chủ tịch tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị đã gặp gỡ, làm việc với cá nhân ông Nguyễn Văn Cương (xóm 8, xã Nghĩa Thành, huyện Nghĩa Hưng) với nội dung liên quan đến bồi thường, hỗ trợ GPMB để thực hiện các dự án của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuân Thiện tại khu vực Cồn Xanh.
Buổi tiếp công dân của Chủ tịch tỉnh Nam Định diễn ra tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh, có Giám đốc Sở TN-MT, lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, Công ty Điện lực Nam Định cùng tham dự. Ngoài ông Nguyễn Văn Cương còn có 2 luật sư đi cùng.
Xác nhận với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Văn Cương cho biết, ông đến buổi tiếp công dân trên tư cách cá nhân, không đại diện cho tập thể bà con bị thu hồi đầm bãi ở Cồn Xanh để kiến nghị những nội dung, vấn đề của cá nhân liên quan tới quyền lợi khi bị thu hồi đầm bãi.
Tại buổi tiếp công dân, ông Cương cho biết cá nhân ủng hộ chủ trương phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhưng đề đạt các nội dung: Xem xét hỗ trợ, đền bù khi bị thu hồi đầm bãi cứ không thể thu hồi trắng, không đền bù; có cơ chể chuyển đổi nghề nghiệp, tạo sinh kế, thu nhập cho người dân sau khi bị thu hồi đất; tiếp tục được cung cấp điện, nước để sinh hoạt và sản xuất do vấn đề khiếu kiện đất đai chưa được giải quyết. Việc ngừng cung cấp điện, nước sẽ ảnh hưởng tới đời sống bà con tại khu vực đầm bãi nuôi thủy sản tại Cồn Xanh.
Theo ông Cương, ông và nhiều người dân khác tiến hành đấu thầu, thuê đất đầm bãi nuôi trồng thủy sản ở Cồn Xanh từ năm 2010. Gia đình ông có 2ha đầm bãi nuôi cá bống bớp, tôm và cá. Chi phí đầu tư, cải tạo đầm bãi lên tới 3 tỷ đồng/ha, bao gồm con nuôi, vật tư, cơ sở vật chất, hạ tầng để thực hiện nuôi trồng.
"Các đơn vị (Phòng Nông nghiệp huyện, Sở NN-PTNT tỉnh) thống kê, kiểm đếm cho thấy, 1ha đầm bãi các hộ dân đầu tư lên tới 3 tỷ đồng, gồm 1,7 tỷ tiền con nuôi; hơn 1 tỷ để cải tạo, xây dựng hạ tầng đầm bãi… Chúng tôi sẽ chỉ di dời, bàn giao mặt bằng nếu doanh nghiệp đền bù cho người dân tối thiểu 2 tỷ đồng/ha. Số tiền ấy may ra mới đủ tiền đầu tư hạ tầng".
Ông cho biết thêm, để có tiền đầu tư, ông đã thế chấp nhà cửa, sổ đỏ trên bờ để vay vốn. Nếu thu hồi trắng không đền bù, gia đình ông sẽ rơi vào thế không còn tài sản, không có nguồn trả nợ.
“Chúng tôi nhường đất cho dự án chưa biết có công ăn việc làm hay không. Bà con làm nghề nuôi trồng thủy hải sản từ đời cha ông, không biết nghề nào khác, không có ruộng để canh tác lúa. Cá nhân tôi được chia một sào ba ruộng, sau đó bị thu hồi còn lại đúng 1 sào nằm xen kẹt giữa khu dân cư, không có khả năng canh tác, chỉ tận dụng bắt được con cua, con ốc… Nếu chấp thuận chủ trương giao trả mặt bằng, đề nghị tỉnh chuyển đổi nghề nghiệp để người dân có thu nhập tối thiểu đảm bảo cuộc sống hằng ngày”, ông Cương kiến nghị.
"Tôi cũng là người nông dân"
Tại buổi tiếp công dân, người đứng đầu tỉnh Nam Định đề nghị ông Cương tiếp tục phối hợp, ủng hộ chủ trương phát triển kinh tế của địa phương, ủng hộ tỉnh triển khai các dự án phát triển kinh tế để khai thác tiềm năng, lợi thế, mang lại nguồn thu cho tỉnh.
“Thứ nhất, tôi rất hoan nghênh luật sư cùng công dân đã có buổi tiếp xúc, trao đổi ngày hôm nay cùng với lãnh đạo tỉnh và đại diện lãnh đạo Sở, ngành trước hết để thấu hiểu, sau đó đi đến tận cùng phương án thống nhất để giải quyết vấn đề.
Tôi cũng đặt địa vị mình vào phía người dân. Tôi cũng là người nông dân lên, từ bé cũng đi cấy lúa, cũng sinh sống ở nông thôn. Việc chuyển đổi để phát triển kinh tế là một xu thế theo như cầu phát triển xã hội. Đất nước mình có rất nhiều khu xưa là nông nghiệp, nhưng sau đó chuyển đổi sang mục đích khác. Tôi cũng hoan nghênh về đề xuất chuyển đổi việc làm cho bà con bị thu hồi đất để có thu nhập.
Sau trình bày của anh Cương, việc gặp gỡ đối thoại với người dân, việc bà con cử đại diện là hợp tình hợp lý, đúng quy định chứ không phải mục đích gì khác. Tôi thừa nhận và chia sẻ những khó khăn của bà con, bà con đã đầu tư đương nhiên không ai kiểm đếm được chi tiết; khi chuyển đổi nghề nghiệp không phải ai cũng chuyển đổi được do tay nghề, nhu cầu, tuổi tác… Chúng tôi không phải là những người vô cảm trong việc này.
Những đề xuất của anh Cương hôm nay tôi sẽ lưu ý như hỗ trợ chuyển đổi việc làm. Về yêu cầu đền bù đất thu hồi, việc này tôi đã nghe các đơn vị tham mưu. Tôi cũng có câu hỏi như anh Cương đã hỏi. Vấn đề nguồn gốc đất của bà con tỉnh đã giao các cơ quan chuyên môn phân tích, mổ xẻ. Khi pháp lý không đủ thì không thể xuất tiền ngân sách ra để đền bù được”, Chủ tịch tỉnh Nam Định giải đáp.
Luật sư đi cùng với ông Nguyễn Văn Cương tham dự buổi tiếp dân cho rằng, Nam Định có nhiều điểm mới trong công tác đối thoại, tiếp xúc… với bà con. Người dân hoàn toàn đồng thuận với chính sách pháp luật của Đảng, nhà nước và địa phương trong việc thực hiện dự án để phát triển kinh tế nhưng tỉnh cũng cần có phương án để đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, Nhà nước, doanh nghiệp như đề nghị của cá nhân bị thu hồi đất.
Luật sư cũng cho biết, năm 2018, tỉnh Nam Định có quy hoạch phát triển kinh tế thủy sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đến 2025, tầm nhìn 2030, đó là kế hoạch trung hạn. Vì có quy hoạch như thế nên các hộ dân mới yên tâm đầu tư, thời gian tối thiểu 10 năm mới đủ để thu hồi vốn. Sau đó tỉnh điều chuyển, thay đổi quy hoạch dẫn đến bất ngờ, bị động cho người dân.
“Bà con đa phần làm nghề nông nên nhận biết pháp luật không đồng đều, do đó bà con tin tưởng vào việc phổ biến pháp luật, chính sách của các cán bộ cấp cơ sở, ở đây là cấp xã nên đang hiểu theo góc độ là được đấu giá quyền sử dụng đất đầm bãi, được thuê đất dài hạn, lâu dài…”, luật sư kiến nghị.
Xem xét giải quyết các đề nghị của công dân
Tại Thông báo Kết luận sau buổi tiếp công dân, Chủ tịch tỉnh Nam Định kết luận:
Đối với đề nghị của ông Nguyễn Văn Cương, gồm: phương án đảm bảo an sinh xã hội, chuyển đổi nghề nghiệp việc làm, UBND tỉnh đã giao các sở, ngành, UBND huyện Nghĩa Hưng căn cứ quy định của pháp luật xem xét, tham mưu cho UBND tỉnh.
Đối với việc hoãn thời gian dừng cung cấp dịch vụ điện, nước để các hộ dân thu hoạch con nuôi thủy sản xong; Hỗ trợ kinh phí đã đầu tư vào ao đầm để nuôi trồng thủy sản: UBND tỉnh ghi nhận, sẽ báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét quyết định cụ thể.
Vụ việc khiếu nại của công dân liên quan tới việc thu hồi đầm bãi Cồn Xanh, Chủ tịch tỉnh Nam Định đã đối thoại với đại diện các hộ dân 5 lần, từ tháng 4/2023 cho tới nay.