| Hotline: 0983.970.780

Chuyện dưới chân núi Pha Luông [Bài 3]: Anh em ruột làm... thông gia

Thứ Năm 28/09/2023 , 06:00 (GMT+7)

Trong cuộc rượu tối ở nhà Thào A Bua tại bản Dân Quân cũ, Bua nói vui với tôi ai leo lên đỉnh Pha Luông cao 2.000 m trước sẽ được thưởng một con gà.

Tác giả trên đỉnh Pha Luông. Ảnh: Giàng A Páo.

Tác giả trên đỉnh Pha Luông. Ảnh: Giàng A Páo.

Chỉ muốn có cánh để bay lên

Tôi nhận lời dù thừa biết người Mông có câu rằng: “Không có đỉnh núi nào cao hơn đầu gối của người Mông”. Trong các dân tộc ở Việt Nam, người Mông là những nhà vô địch về leo núi, luồn rừng, có thể đi săn vài ngày liên tiếp đến khi tìm được con thú mới thôi. Ấy vậy mà hôm sau, chẳng biết do ngại trời mưa đường trơn hay hậu quả của trận rượu túy lúy hôm trước mà Bua lấy cớ ra UBND xã để từ chối. Tôi đành rủ Giàng A Páo- một người trẻ hơn mình 15 tuổi cùng chinh phục đỉnh Pha Luông. 

Con đường bê tông từ bản Pha Luông mới (xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) dài chừng 3 cây số thì hết, từ đó toàn là đất, đá. Đường lên mỗi lúc một dốc, trơn tuột trong mưa. Cuối cùng thì chiếc xe máy cũng không thể bò nổi nữa, chúng tôi đành phải để cạnh một lùm cây rồi leo bộ. Mãi gần trưa mới tới những căn lều nương của dân bản cũ ở độ cao chừng 1.000m. Những thửa ruộng bậc thang chín vàng rực. Những tốp người hối hả gặt lúa trên mây. Những con trâu nghểnh mặt, hếch sừng lên như muốn ngửi cả trời.

Đường lên đỉnh Pha Luông là một hành trình đầy đọa và bào mòn sức lực. Có những chỗ tôi phải bò theo đúng nghĩa đen, bám vào rễ cây, bám vách đá như con thằn lằn để leo. Có những chỗ không có đường mà chỉ là cái thang gỗ mục nát bắc chênh vênh bên vực sâu thẳm, sểnh chân cái là không có lối về. Đã thế, vắt ở dưới đám lá mục và ẩm ướt cứ nhảy theo tanh tách để chực hút máu.

Giàng A Páo- một người Mông trẻ có ước mơ vượt qua đỉnh Pha Luông. Ảnh: Dương Đình Tường.

Giàng A Páo- một người Mông trẻ có ước mơ vượt qua đỉnh Pha Luông. Ảnh: Dương Đình Tường.

A Páo vừa leo vừa kiên nhẫn chờ tôi nghỉ ngơi trong chốc lát, rồi lại lầm lũi bước tiếp trong ánh sáng lờ mờ của rừng sâu. Càng lên cao, rừng cây gỗ to thay thế bằng rừng cây gỗ nhỏ phủ xanh rêu và địa y, rồi đến rừng cây họ nhà tre nứa nhưng thân chỉ bé như cái ống hút. Cuối cùng, từ trong bóng tối tôi bỗng gặp một quầng sáng chói lòa. Đó là đỉnh Pha Luông là một bãi đá nhấp nhô rộng chừng vài ha. Tôi mất đúng 2 giờ 40 phút để chinh phục nó.

Một bầu trời hùng vĩ trải dài hút tầm mắt. Một đỉnh núi ngạo nghễ chạm cả vào mây bay. A Páo bảo, núi ở đây có cao, có thấp cũng giống như người Mông vậy, không có sự ganh đua mà lại nương tựa vào nhau. Lúc vắt vẻo đôi chân trên mỏm đá hình đầu rùa tôi vừa sung sướng tột bậc vừa sợ hãi khôn cùng, bởi bên dưới là vực sâu cả ngàn mét, lỡ rơi không biết bao giờ mới tới đất. Tôi chỉ muốn mình là một cánh chim để có thể bay lên, chao liệng trên cao, ngắm nhìn mãi cái non sông gấm vóc này.

Sương mù như trong một nồi thắng cố khổng lồ, cứ vài giây lại ùn ùn bốc lên từ dưới thung sâu rồi biến mất trong chớp mắt như chưa hề xuất hiện. Để lại trong veo những cánh rừng già. Những triền núi biếc. Những thửa ruộng bậc thang vàng rực. Những con đường mảnh như sợi chỉ. Những ngôi nhà nhỏ như hạt đỗ, hạt ngô ở các bản xa xa…

Sườn núi bên phía Việt Nam xanh thẫm nhờ giữ rừng. Ảnh: Giàng A Páo.

Sườn núi bên phía Việt Nam xanh thẫm nhờ giữ rừng. Ảnh: Giàng A Páo.

A Páo chỉ cho tôi dãy núi phân định giữa hai nước Việt và Lào. Bất ngờ thay, sườn bên Việt toàn là màu xanh sẫm của cây rừng, còn sườn bên Lào toàn là cỏ tranh vì nạn đốt rừng làm nương rẫy. Chỉ trong khoảng hơn 10 năm được bảo vệ nhiều khu vực xưa vốn là đất trống, đồi trọc ở Chiềng Sơn đã biến thành rừng, còn rừng thưa, rừng vừa thì biến thành rừng già.  

Hơn 3 giờ chiều chúng tôi từ đỉnh Pha Luông xuống, mệt nhoài liền ghé vào túp lều của vợ chồng Giàng A Tờ- Sồng Thị Bâu (đã đổi tên) ở độ cao 1.000m, nghỉ tạm. Họ đã ăn xong, lên nương gặt lúa từ lâu. A Páo lục trong bếp còn ít cơm nguội với nồi bí luộc rồi cùng tôi ăm no nê mới thấy người bà bế đứa cháu từ ngoài bước vào. Anh hỏi bà rồi “dịch” cho tôi biết, bữa trưa mọi người cũng ăn như thế, chỉ ăn cơm trắng với bí luộc, kể cả đứa cháu nhỏ.

Trong khi đó trong căn lều nương các bao tải thóc mới, thóc cũ chất ngồn ngộn, dưới chân lều gà, lợn quẩn quanh bên mấy cái cột, kêu ột ột, quang quác. Chăm chỉ ít ai bằng, mỗi vụ vợ chồng Tờ làm ra được khoảng 50 bao thóc, còn đàn gia súc, gia cầm gồm có 8 con trâu, 4 con bò, mấy con lợn đen, mấy chục con gà lớn nhỏ.

Túp lều nương của vợ chồng Tờ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Túp lều nương của vợ chồng Tờ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những câu chuyện buồn

Tờ sinh năm 1998 là người Mông đầu tiên trong vùng học đại học. Năm 2018 anh bắt đầu bí mật yêu Bâu- con của người cô ruột bởi tưởng khác họ sẽ lấy được. Một buổi tối Tờ bất ngờ dẫn Bâu về nhà qua cửa chính, bảo với bố mẹ rằng: “Con dẫn vợ về”. Bố Tờ bảo: “Thế thì tao đi bắt con gà để làm thủ tục, hai đứa đợi một tí”.

Vậy là ông bố bắt ngay con gà tre đang buộc trước cửa, huơ huơ lên đầu của hai đứa rồi lầm rầm mấy câu gì nghe không rõ. Cũng tối ấy bố Tờ gọi điện thoại cho mẹ Bâu tức em gái của mình rằng: “Thằng Tờ dẫn con Bâu về làm dâu nhà tao rồi, mày đừng đi tìm nó nữa”. Từ đó Bâu chính thức làm con ma của nhà họ Giàng, còn bố của Tờ và mẹ của Bâu làm thông gia. Tờ thẹn thùng kể: Đến khi học đại học, thầy cô có nói về hôn nhân cận huyết thì em mới nhận ra, lúc đó vợ đã có thai rồi. Đứa con gái đầu sinh ra cổ cứ bị nghẹo, em tưởng nó còn non mới thế nhưng tới hơn 1 tuổi vẫn thấy bị nên đưa đi bệnh viện huyện Mộc Châu khám, chụp XQ mà không phát hiện ra bệnh gì.

Bác sĩ bảo nếu gia đình có điều kiện thì đưa xuống Hà Nội khám nhưng em không có tiền, lại mang nó về nhà, mời thầy cúng đến, mổ 1 con lợn, 2 con gà, cúng được vài tiếng thì nó chết. Đứa thứ hai là con gái, được 3 tuổi. Đứa thứ ba là con gái, được 1 tuổi (người Mông thường đẻ được con trai mới thôi-PV). Chúng em mới đi đăng ký kết hôn mấy tháng trước. Nếu cho thời gian quay trở lại được thì em ước gì đã không lấy Bâu. Lúc đứa con đầu chết, em có nói với vợ rằng: “Anh em họ lấy nhau thế này là cận huyết, đẻ tiếp con ra sẽ khổ”. Nó bảo: “Đi nhầm đường thì chấp nhận thôi”.

Vợ chồng Tờ và người chị dâu đang vác lúa trên nương. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vợ chồng Tờ và người chị dâu đang vác lúa trên nương. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thấy ngoài trời bỗng tối sầm lại, A Páo lo không xuống núi được, giục tôi về. Đi được một nửa đường thì mưa. Mưa quất rát vào mặt, vào mắt. Mưa làm cho con đường đất trơn như đổ mỡ lợn, bùn bám chặt vào giày khiến chỉ nhấc chân lên thôi cũng khó khăn. Bằng kinh nghiệm của người đi rừng tôi chọn bước vào chỗ có dòng nước chảy hay chỗ có bụi cỏ để cho đỡ trơn nhưng nhiều lúc cũng cứ bị trượt...

“Người Mông giờ không còn bắt vợ nữa mà tự tìm hiểu, tuy nhiên không báo trước cho bố mẹ, dẫn vợ về rồi họ mới biết. Sau đó, nhà nào có điều kiện thì cưới, còn không thì mời nội ngoại hai bên chừng 20 mâm. Cưới xong có khi đẻ 2-3 con mới đủ tuổi dẫn nhau đi đăng ký”. A Páo vừa dẫn tôi vào một ngôi nhà ở bản Pha Luông mới theo lối cửa phụ vừa kể. Nhà người Mông có 3 cửa, 1 chính, 2 phụ, đàn bà có kinh hay mới sinh không được đi vào cửa chính. Khách lạ cũng không đi vào cửa chính vì sợ con ma nhận nhầm là người nhà.

Khi chuẩn bị bước vào lại phải xem trên cửa có treo mấy cành lá, báo hiệu kiêng gì không. Nếu treo lá mà khách vô tình vào thì phải đền tiền để gia chủ giết gà, mời thầy đến cúng lại. Lễ cúng gồm con lợn cỡ 10 kg cùng tiền giấy hương 300.000-1 triệu đồng. Ngôi nhà mà A Páo dẫn tôi đến là của Giàng A Phờ (đã đổi tên) sinh năm 1997- con trai ông Giàng A Vờ (đã đổi tên) sinh năm 1980 và bà Phàng Thị Chua (đã đổi tên) sinh năm 1982. Họ đẻ được 4 người con, Phờ là đứa đầu, được cho đi học lớp 1 nhưng cái chữ chẳng chịu vào đầu, phải ở nhà chăn trâu và trông em.

Vợ chồng Phờ và mấy đứa con cận huyết thống. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vợ chồng Phờ và mấy đứa con cận huyết thống. Ảnh: Dương Đình Tường.

Năm 2016, Phờ đi chơi Tết bên xã Tân Xuân huyện Vân Hồ gặp em họ, con của cô ruột là Phàng Thị Xua (đã đổi tên) lúc đó vừa tròn 16 tuổi: “Người ta không thấy nó xinh nhưng mình lại thấy xinh. Mình hỏi có thích nhau không, thích thì lấy? Nó bảo thích. Mình về kể với bố mẹ rằng con thích em Xua, con đi lấy nhá. Mẹ bảo: “Đi đi”. Bố bảo: “Ờ, đi lấy đi”. Vậy là buổi chiều mình dắt nó về qua cửa chính, bố mình cầm con gà hua hua lên đầu hai đứa để con ma nhà mình nhận nó là con dâu. Tối hôm đó nó ngủ lại nhà mình, sáng hôm sau gia đình mổ con lợn mời anh em, bạn bè đến ăn, xin người đi hỏi cưới”.

Năm 2017 họ có con gái đầu là Giàng Thị Hoa (đã đổi tên). Năm 2021 họ có con gái thứ là Giàng Thị Mỹ (đã đổi tên). Năm 2023 niềm vui chật cả bụng khi họ có con trai là Giàng A Nam (đã đổi tên). Cái Mỹ, đứa con thứ hai của họ có nhiều biểu hiện của sự chậm nói nhưng không được cho đi khám xem nguyên nhân gì. Đến tuổi, chúng được đi học. Và chuyện đi học ở dưới chân núi Pha Luông này cũng lắm chuyện phải trăn trở, lo nghĩ. (Còn nữa)

Hôn nhân cận huyết thống có thể gây hệ quả cho con gồm điếc và mù; dị tật bẩm sinh về thể chất cũng như chậm phát triển về mặt trí tuệ, động kinh. Rối loạn máu. Ngoài ra, người mẹ lúc chửa thường bị thai lưu, sảy thai...

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cho vay theo chuỗi giá trị, kênh 'bơm vốn' giảm rủi ro trong sản xuất nông nghiệp

Hội thảo 'Thực trạng cho vay theo chuỗi giá trị tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á' thảo luận về các kinh nghiệm tín dụng nông nghiệp hiện nay.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Để Ba Chẽ không chia cắt trong mùa mưa bão

Huyện Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh) đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng các công trình giao thông, đảm bảo người dân không bị 'ngăn sông, cách suối' trong mùa mưa bão.