| Hotline: 0983.970.780

Chuyện dưới chân núi Pha Luông [Bài 4]: Hơn 30 tuổi đã lên chức ông

Thứ Sáu 29/09/2023 , 06:00 (GMT+7)

Có gia đình dưới chân núi Pha Luông có những người hơn 30 tuổi đã lên ông, có những đứa trẻ 11 - 12 tuổi đã trở thành chủ nhà, quản lý mấy đứa em 6 - 7 tuổi.

Nếu đúng như giấy tờ thì vợ của Giàng A Câu về làm dâu khi 8 tuổi và 9 tuổi đã đẻ con. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nếu đúng như giấy tờ thì vợ của Giàng A Câu về làm dâu khi 8 tuổi và 9 tuổi đã đẻ con. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ngoài 30 tuổi lên chức ông

Giàng A Câu trong căn cước công dân ghi sinh năm 1975 nhưng như chính anh nhận trong bữa rượu với tôi thì "mình sinh năm 1977". Từ bản Mù của huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, bố mẹ Câu mang gia đình xuống bản Pha Luông, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La này để làm nương rẫy bởi ở quê nhà đất ít lại bạc màu. Câu không được đi học nên không biết chữ mà chỉ biết chăn trâu, cấy lúa. Năm 1993 anh lấy vợ cũng là một người theo gia đình di cư về bản sinh sống.

Nếu đúng như lời khai trong cuốn sổ hộ khẩu cũ mèm và tấm căn cước công dân mới cấp thì vợ của Câu là Sồng Thị Sú sinh năm 1985. Mà năm 1994 Sú đã biết sinh con, nghĩa là lúc chịu cúng gà con ma nhà họ Giàng, về làm dâu khi mới chỉ 8 tuổi. Điều này nghe thậm vô lý nhưng giấy tờ cứ ghi như thế nên thấy tôi cứ hỏi mãi, Câu cười phân trần: “Tao cũng chẳng biết năm sinh của nó (vợ) đâu. Hỏi bố mẹ nó cũng không biết. Trưởng bản khai hộ thôi mà”. Hiện cháu nội của Câu đang học lớp 2.

Bản Pha Luông có vài trường hợp như thế, còn bản Suối Thín cũng có 2 trường hợp là Sồng A Chu và Hờ A Kênh. Chu sinh năm 1985, lên chức ông ngoại khoảng 5 năm trước. Anh chưa một lần thấy mặt cháu ngoại chứ chưa nói được bế ẵm nó bởi Chu đi tù cả chục năm nay vì dính án ma túy. Con gái của Chu bỏ chồng, ôm cháu ngoại đi lấy chồng khác mãi tận tỉnh Lai Châu, Chu cũng chưa từng giáp mặt con rể mới. Kênh sinh năm 1984, con trai đầu sinh năm 2004 đã lấy vợ năm 2020, sinh được đứa cháu nội gần 2 tuổi, còn con trai thứ sinh năm 2006 nhưng vừa rồi cũng mới lấy vợ.

Bên trong lớp học mẫu giáo là nhà lắp ghép ở điểm trường Pha Luông. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bên trong lớp học mẫu giáo là nhà lắp ghép ở điểm trường Pha Luông. Ảnh: Dương Đình Tường.

Điểm trường mẫu giáo Pha Luông là một dãy nhà lắp ghép, mái tôn, khung sắt, tường tôn tựa cái container nên từ tháng 3 tới tháng 10 nóng như nung. Lúc tôi đến sang tháng 9 rồi mà chỉ vào một lát đã không thể chịu được, toàn thân rịn mồ hôi. Những cái quạt ở trên tường quay vù vù lại càng thêm bức bối bởi chỉ thổi ra hơi nóng ở trên mái tôn hấp xuống, ở trên vách tường tôn phả vào.

Chiềng Sơn có 3 điểm trường lắp ghép kiểu vậy là Pha Luông, 19/5 và Nà Tén. Đây là sản phẩm của dự án xóa các điểm trường tạm, thường vách gỗ, mái lợp fibro xi măng. Nhà lắp ghép nóng đến mức trưa hè học sinh đẫm mồ hôi, phải lau mặt bằng khăn ướt liên tục, còn cô giáo có người nằm nghỉ trưa phải nhúng cả áo chống nắng vào nước rồi đắp lên người, ướt rồi khô 3 lần mới qua buổi.

Hễ mưa lớn là bên trong nhà lắp ghép có mưa nhỏ, nước rò rỉ theo những mũi vít mà rơi xuống. Thêm vào đó, nếu có sự cố chập điện thì toàn bộ cái nhà đều là những vật liệu truyền dẫn, hết sức nguy hiểm. Từ ngày có dự án nuôi em, mỗi bữa cơm trưa mỗi người được hỗ trợ 6.800 đồng tiền thức ăn nên đã níu kéo được nhiều cháu mẫu giáo đến trường hơn. Còn các điểm trường tiểu học, tuy có cơ sở vật chất tốt hơn nhưng đời sống vật chất của học sinh vẫn còn vô vàn cực khổ, giống cảnh miền xuôi cách đây vài chục năm.

Dãy nhà lắp ghép toàn bằng tôn của điểm trường mẫu giáo Pha Luông. Ảnh: Dương Đình Tường.

Dãy nhà lắp ghép toàn bằng tôn của điểm trường mẫu giáo Pha Luông. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những chủ nhà 11 - 13 tuổi

9h30 tối, theo con đường đất trơn trượt sau mưa, Giàng A Páo dẫn tôi lên túp lều của Sồng A Gia nơi có bốn đứa trẻ đang trọ học mà không hề có người lớn ở kèm. Trong lều, một bóng đèn leo lắt hắt ra chút ánh sáng lờ mờ nhưng gọi mãi mà chẳng thấy đứa nào thưa. A Páo thò tay vào cậy cái chốt, loay hoay một lúc thì mở được cửa. Trên nền nhà bằng đất có một cái kiềng lấm bụi than, một đống củi vứt lỏng chỏng cùng một can nước lã.

Trên mấy cái ván vênh, kê tạm bợ lên cái chân bằng gỗ, bốn đứa trẻ đang ngủ không chiếu, không màn, chỉ có những mảnh chăn nhem nhuốc đắp hờ. Trong nhà chẳng có đồ đạc nào trị giá quá 50.000 đồng. A Páo gọi mãi không được, lay mãi không xong, cuối cùng dựng một đứa ngồi dậy. Mắt nó mở ra mà không thấy gì, lại đổ ập người xuống như củ khoai, củ sắn.

Bốn đứa trẻ ngủ trong lều của ông Sồng A Gia. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bốn đứa trẻ ngủ trong lều của ông Sồng A Gia. Ảnh: Dương Đình Tường.

Rời túp lều tạm, chúng tôi đến nhà của ông Giàng A Vàng. Ông Vàng có hai nhà, một tại bản cũ, nơi người lớn ở để làm nương, một tại bản mới, nơi mấy đứa trẻ ở trọ học tự quản. Nhà có khóa nên A Páo không thể cạy cửa mà vào đành phải quay về.

4h30 sáng tôi thức dậy trong bản giao hưởng trầm bổng của những chú gà. Bên ngoài vẫn tối. Một vầng trăng khuyết như cái lưỡi liềm treo lưng trời. A Páo lại dẫn tôi đến nhà ông Vàng. Hờ Thị Nênh đã vén màn, thức dậy, rửa bát, đun nước pha mì tôm làm canh để chan với chỗ cơm nguội còn thừa tối qua. Không có đồng hồ, lũ trẻ thức theo tiếng gà hoặc ánh mặt trời nên nhiều khi dậy rất sớm.

Học lớp 5 mà Nênh bé như một cái kẹo, nặng vỏn vẹn 25kg. Đưa mấy que củi vào bếp, nó châm lửa, phùng mồm thổi, làm khói tỏa ra mờ cả mặt. Năm ngoái học xong kỳ một, mẹ bắt Nênh nghỉ ở nhà để làm nương. Còn thằng Hờ A Sang 6 tuổi đứa em cùng mẹ khác cha của Nênh  đang học mẫu giáo cũng bị mẹ bắt nghỉ để chăn trâu. Năm nay thấy chúng bạn đi học, cả hai khóc đòi mẹ cho đi tiếp. Thằng Giàng A Giống là cậu ruột của hai chị em, năm ngoái đang học lớp 1 cũng bị bắt nghỉ, nay đi học lại. Mẹ nó mất, bố hoàn cảnh đến nỗi có khi còn không có cả gạo.

Bữa cơm của Nênh chỉ có cơm trắng và mì tôm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bữa cơm của Nênh chỉ có cơm trắng và mì tôm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cái Nênh lớn nhất nấu ăn, rửa bát, giặt quần áo và tắm cho đứa em cùng người cậu ở cái vòi ngoài sân, còn bản thân phải tối mới dám tắm vì ngại. Lúc ngủ hay lúc ra ngoài, thằng Sang sẽ khóa cửa và đeo luôn chìa khóa lên cổ. Mỗi tuần mẹ Nênh cho đám trẻ 1 bao gạo, 1 thùng mì tôm, vài mớ rau. Tuần đầu tiên sau khai giảng còn có mấy con cá mắm to bằng hai ngón tay, mặn chát, giờ chúng ăn đã hết cả cá lẫn rau nên chỉ còn cơm trắng với canh mì tôm. Thế mà đứa nào đứa nấy cầm bát húp xì xụp một cách ngon lành.

Mỗi tuần bố dượng cho Nênh 3.000 đồng và cho Sang 10.000 đồng để ăn quà. Có 10.000 đồng thằng Sang toàn mua kẹo, mua kem ăn riêng nhưng cái Nênh có 3.000 đồng toàn phải chia đều cho cả em lẫn cậu, bởi nếu không sẽ bị chúng mách người lớn, ăn chửi ngay. Món quà mà lũ trẻ rất thích là những que kem giá 1.000 đồng. Nênh khoe với tôi rằng mẹ đi làm thuê, mới mua cho mình thỏi son giá 30.000 đồng để vui cùng các bạn, khi chúng cũng có thỏi son của riêng mình. Cuối tuần, nó thường dẫn em và cậu vượt khoảng 8km đường từ bản mới về bản cũ, phần lớn là đất, đá và dốc cao, mất 3 tiếng mới đến nhà.

Túp lều của ông Gia, nơi 4 đứa trẻ trọ học không có người lớn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Túp lều của ông Gia, nơi 4 đứa trẻ trọ học không có người lớn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tại lều của ông Gia lũ trẻ đặt một nồi cơm nguội buổi tối, một nồi mì tôm mới nấu làm canh lên cái ghế lớn, chẳng bát đũa gì, mỗi đứa một thìa, cứ xúc một thìa cơm lại múc một thìa canh để ăn cho đỡ nghẹn. Trên tấm vách có mấy cái giấy khen. Hờ A Tủa năm nay 13 tuổi là học sinh xuất sắc, lớp trưởng lớp 4, có hoàn cảnh bố mất, mẹ đi làm công nhân nuôi bò sữa dưới thị trấn.

Mùa Thị Dua cũng học giỏi không kém, là lớp trưởng lớp 2. Mấy năm trước bố mẹ li dị, Dua về ở với mẹ, đang đi học thì bố lại bắt sang xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ để ở cùng. Dua trốn được về rồi cùng mẹ trốn xuống thị trấn Mộc Châu làm công nhân nuôi bò sữa 2 năm, không được đi học. Vừa rồi bố của Dua do đánh người đàn bà sống chung với mình thành thương tật bởi giặt quần áo không sạch, bị đi tù nên Dua mới được mẹ cho đi học lại, chậm 3 năm.

Bốn đứa trẻ, lớn nhất học lớp bốn, nhỏ nhất học mẫu giáo trong đó có hai chị em, còn lại là họ hàng. Vì lớn hơn nên Tủa và Dua phân công nhau đi lấy nước, nhen lửa nấu ăn cho cả nhóm, còn quần áo của đứa nào thì đứa ấy tự giặt. Bình thường chúng uống nước lã, không đun.

Không có bát, đũa, mỗi đứa chỉ có một cái thìa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Không có bát, đũa, mỗi đứa chỉ có một cái thìa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Em trai của A Páo hồi còn làm ở một khu resort dưới thị trấn, những đợt có đám cưới, người ta chặt thịt gà bỏ phao câu, đuôi cánh, cổ, chân mỗi lần về nó lại mang để trong tủ lạnh cho đám trẻ. Nhưng bữa tươi như thế chỉ được độ một, hai lần mỗi tháng, còn lại là ăn cơm với cá mắm hoặc muối trắng dầm ớt, nhiều lúc còn không có cả mì chính và dầu ăn. Mẹ chúng đi làm công nhân nuôi bò sữa dưới thị trấn tháng 5 - 6 triệu cũng chỉ đủ ăn, lũ con ở trọ không mấy khi được biết đến mùi sữa thơm, ngọt như thế nào.

A Páo bảo Tủa nghỉ hè đến nhà mình chăn trâu sẽ cho ăn ở, cho sách vở, nó chịu nhưng mẹ nó không chịu. A Páo bảo Dua làm con nuôi, nó chịu nhưng mẹ nó không chịu. Khi tôi tỏ ra xót xa với cảnh những đứa trẻ đi trọ học ở Pha Luông, có người bảo rằng: “Chưa là gì, anh phải sang Suối Thín, cả bản toàn trẻ con chứ không có người lớn”. (Còn nữa)

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

2 người ở Hà Giang bị thương do thiên tai

Mưa lớn kèm gió lốc đêm 4, ngày 5/5 trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã khiến 2 người bị thương và 378 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng.