| Hotline: 0983.970.780

Có nên thu hồi khu dân cư để dịch chuyển trường học?

Thứ Tư 02/11/2022 , 15:19 (GMT+7)

Trường THPT Vũ Văn Hiếu có 810 học sinh nhưng rộng tới hơn 5.000 m2, đã thừa tiêu chuẩn quốc gia về diện tích. Nhưng Quảng Ninh vẫn muốn chuyển trường sang khu đất mới?

Báo Nông nghiệp Việt Nam nhận được đơn của 58 hộ dân có đất nằm trong ranh giới Quy hoạch chi tiết 1/500 xây dựng mới trường THPT Vũ Văn Hiếu, Nhà văn hóa và Khu tái định cư tại khu 1, phường Hà Tu (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh).

Vùng đất đẫm mồ hôi và nước mắt

Đơn của người dân cho biết, khu dân cư tổ 1, khu 1 đã có từ những năm 1960, dân cư sinh sống ổn định suốt mấy chục năm qua. Theo Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 702/QĐ-TTg ngày 7/6/2019 thì khu dân cư này được hoạch định chức năng sử dụng đất là đất ở hiện trạng đô thị.

Còn theo Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 phân khu 3 gồm các phường Hà Tu, Hà Phong được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt tại Quyết định số 1588/QĐ-UBND ngày 20/5/2021: Khu vực dân cư tổ 1, khu 1 phường Hà Tu thuộc lô đất OHT-3C.6A được định hướng là khu đất ở hiện trạng đô thị (giữ nguyên khu dân cư hiện hữu).

IMG_20221028_005332

Khu vực TP Hạ Long quy hoạch xây dựng mới trường THPT Vũ Văn Hiếu, Nhà văn hóa và Khu tái định cư tại khu 1, phường Hà Tu. Ảnh: Cường Vũ

Tuy nhiên, khoảng từ tháng 5/2022 trở lại đây, người dân phản ánh TP Hạ Long đã nhiều lần ra các văn bản đề xuất nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch thay đổi chức năng sử dụng đất của khu dân cư theo hướng "xóa sổ" một khu dân cư để thu hồi đất xây dựng mới trường THPT Vũ Văn Hiếu, Nhà văn hóa và Khu tái định cư tại khu 1, phường Hà Tu, TP Hạ Long.

Do đã sinh sống ổn định ở đây từ rất lâu, mảnh đất tưới đẫm mồ hôi và nước mắt nhân dân nên bà con không muốn đi đâu hết. Vì thế, khi được lấy ý kiến về quy hoạch, tất cả người dân đã kiến nghị tới các cấp từ Trung ương đến địa phương, đề nghị hủy bỏ chủ trương nghiên cứu quy hoạch trên.

Bà Mai Thị Tuyết, 84 tuổi, đại diện cho một hộ dân nằm trong vùng quy hoạch, cho biết gia đình bà đến đây sinh sống từ năm 1968, ở chung với những người hoa kiều. Khi đó, khu vực này là vùng trũng của Hạ Long, xung quanh toàn đầm nước, dân phải tự đóng thuyền để sáng chèo thuyền đi làm, chiều chèo thuyền về, con cháu đi học cũng phải đi bằng thuyền, cuộc sống vô cùng khổ. Khoảng hơn chục năm trước, chính quyền mới làm cho dân cây cầu bê tông, từ đó đi lại có chút thuận tiện hơn. Và gần đây nhất là năm 2021, tỉnh Quảng Ninh hoàn thành tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, chạy qua gần khu dân cư nên bà con cũng có ngày "nở mày nở mặt", đi lại dễ dàng, đất đai cũng vì thế mà có giá.

Đất nhà bà Tuyết tổng diện tích gần 1.000m2, ông bà có 5 người con. Năm 2021, nhận thấy mình đã tuổi già sức yếu nên bà tranh thủ ra phường xin tách thửa đất ra làm 5 phần, 4 phần chia cho con gọi là có chút bố mẹ để lại và một phần ông bà ở. Bà tính, sau này, khi ông bà mất đi sẽ để lại ngôi nhà cho người con trai út, vừa ở vừa thờ cúng.

"Bà ra ngoài hành chính công suốt một năm ngoái, họ cho bà mua mỗi một phần đất được 50m2 đất xây dựng với giá 1,1 triệu đồng/m2, bà đã mua 200m2, nộp tiền đầy đủ hết hơn 200 triệu đồng. Nhưng đến khi làm bìa đỏ, đang tách thì họ thông báo vào quy hoạch nên phải dừng lại không được tách nữa", bà Tuyết nhăn nhó kể lại.

20221026_163404

Bà Mai Thị Tuyết cùng lá đơn kiến nghị tới các cấp từ Trung ương xuống địa phương, bày tỏ nguyện vọng TP Hạ Long chuyển dự án xây trường ra nơi khác. Ảnh: Cường Vũ

Khi biết đất nhà mình nằm trong quy hoạch, bà cụ 84 tuổi tóc bạc răng long buồn lắm. Bà nghĩ, nếu không có dự án thì ông bà còn có đất để lại cho con. Trường hợp chính quyền lấy hết đất thì ông bà khả năng cũng chỉ được mua một lô tái định cư, mà giờ bà 84 tuổi, ông 85, chẳng biết có sống nổi đến lúc xây nhà mới không. Rồi thì chồng bà, ông bị bệnh, trước còn ăn được cơm, từ hôm biết tin có thể phải di dời khỏi mảnh đất đầy ắp kỷ niệm, ông quỵ luôn, mỗi bữa chỉ ăn được vài thìa cháo, gần đây mới ăn được muôi cơm.

"Khu bà ở, năm ngoái có nhà họ bán 25 triệu một m2. Nhưng theo đơn giá đất nhà nước, nếu có bồi thường chắc cũng chỉ được tầm 6 - 7 triệu một m2 đất thổ cư, còn vườn tạp lại vài chục nghìn đồng như quy định. Với số tiền đó, chỉ đủ mua lô đất tái định cư, còn tiền đâu để xây nhà thì bà chưa biết. Hơn nữa, ở đây nhà nào cũng đất đai rộng rãi, thoáng đãng, giờ phải vào ở nhà ống chật chội trong tái định cư các bà không quen", bà Tuyết chia sẻ.

Anh Thành, một người dân ở đây kể. Hôm ra phường họp lấy ý kiến về quy hoạch, bà Tuyết vịn ghế, run run đứng lên phát biểu, nghe xong ai cũng rưng rưng, vỗ tay không ngớt. Bà nói: "Tôi sống ở đây đã già nửa thế kỷ, nếu nhà nước lấy đất dù có cho tôi ra đường bao biển hay lên thiên đường thì tôi cũng không còn đủ sức để làm cho mình mấy gian nhà để mà ở, để mà chết nữa".

Cho nên, bà Tuyết nhất quyết không đồng tình với quy hoạch, bởi bà đã khốn khổ với vùng đất này đến gần hết đời người, giờ mới sướng được tý nên bà không muốn đi đâu, bà muốn sống ở đây và chết ở đây. Bà Tuyết cùng những hộ dân, bày tỏ nguyện vọng với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và TP Hạ Long, hãy vì dân mà soi xét lại, chuyển quy hoạch ra chỗ khác, để cho dân yên ổn làm ăn. Với lại vùng này rất trũng, làm dự án cũng không khả thi vì phải đổ lượng lớn đất đá để tôn nền, vô cùng tốn kém.

TP Hạ Long khẳng định quy hoạch là cần thiết

Trước kiến nghị của người dân, đề nghị hủy bỏ nghiên cứu quy hoạch, TP Hạ Long đã có văn bản trả lời.

UBND TP Hạ Long cho biết, trường THPT Vũ Văn Hiếu hiện trạng có quy mô 810 học sinh, diện tích 5.233m, nằm kẹp giữa các khu dân cư hiện trạng mật độ cao, việc mở rộng tính khả thi thấp; không có nhà đa năng; không đảm bảo tiêu chuẩn Trường chuẩn quốc gia theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngoài ra, hệ thống đường giao thông hiện trạng vào trường (qua tuyến đường Minh Hà) thường xuyên bị ách tắc vào giờ cao điểm, giờ học sinh tan học. Do đó, việc nghiên cứu lập quy hoạch xây dựng mới Trường THPT Vũ Văn Hiếu tại tổ 1 khu 1, phường Hà Tu để thay thế địa điểm trường hiện trạng; với mục tiêu đáp ứng nhu cầu học tập và giảng dạy của học sinh và giáo viên trên địa bàn các phường Hà Tu, Hà Phong, Hà Trung và các địa bàn lân cận là rất cần thiết.

IMG_20221028_005403

Người dân tổ 1, khu 1 phường Hà Tu tại buổi lấy ý kiến về quy hoạch. Tất cả đều chưa đồng thuận với chủ trương của TP Hạ Long. Ảnh: Cường Vũ

Về các nội dung nghiên cứu điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu 3 và quy hoạch chi tiết xây dựng mới Trường THPT Vũ Văn Hiếu; TP Hạ Long khẳng định cơ bản đảm bảo phù hợp định hướng tại Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt tại Quyết định số 702/QĐ-TTg ngày 07/6/2019.

Theo TP Hạ Long, vị trí nghiên cứu quy hoạch thuộc khu vực được định hướng là đất đơn vị ở Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng QCVN 01:2021/BXD quy định đất đơn vị ở là khu chức năng cơ bản của đô thị chủ yếu phục vụ nhu cầu ở bao gồm: các nhóm nhà ở; các công trình dịch vụ - công cộng (giáo dục, trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông), y tế, văn hóa - thể dục thể thao, thương mại, cây xanh công cộng phục vụ cho nhu cầu thường xuyên, hàng ngày của cộng đồng dân cư.

Do đó, TP Hạ Long cho rằng các nội dung đề xuất điều chỉnh cục bộ quy hoạch không làm thay đổi tính chất, ranh giới, định hướng phát triển chung của đô thị; tính chất, chức năng, quy mô và các giải pháp quy hoạch chính của khu vực lập quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chi tiết; bảo đảm không làm quá tải hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực dự kiến điều chỉnh quy hoạch.

"Mục tiêu điều chỉnh quy hoạch để phục vụ lợi ích cộng đồng, làm cơ sở điều chỉnh cục bộ Quy hoạch Phân khu 3 và nghiên cứu quy hoạch chi tiết xây dựng mới Trường THPT Vũ Văn Hiếu tại tổ 1 khu 1, phường Hà Tu là phù hợp", theo UBND TP Hạ Long.

Xem thêm
Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.