| Hotline: 0983.970.780

Con tằm 'nằm' điều hòa

Thứ Năm 18/05/2023 , 09:53 (GMT+7)

YÊN BÁI Với rất nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về giống, quy trình trồng dâu, nuôi tằm..., nông dân làm nghề 'ăn cơm đứng' giờ đây đã có thể... 'nằm' nhiều hơn.

Nghề trồng dâu nuôi tằm ở Trấn Yên (Yên Bái) từ manh mún, lạc hậu, đến nay đã hoàn thiện quy trình sản xuất. Những những tiến bộ mới về khoa học kỹ thuật ngày càng hiện đại được áp dụng đồng bộ giúp nông dân giảm được chi phí đầu tư, giảm công lao động, tăng năng suất, sản lượng và chất lượng kén tằm. Từ đó, giá trị sản phẩm kén tằm ngày càng được nâng cao, góp phần chắp cánh cho nghề “ăn cơm đứng” phát triển mạnh trên vùng đất này.

Người dân xã Quy Mông hái lá dâu để nuôi tằm. Ảnh: Thanh Tiến.

Người dân xã Quy Mông hái lá dâu để nuôi tằm. Ảnh: Thanh Tiến.

Khuyến nông "cầm tay chỉ việc"

Bài liên quan

Dâu tằm là nghề khó, đòi hỏi sự cần mẫn, tỉ mỉ và trình độ kỹ thuật canh tác cao của nông dân, với hai phần việc chính là trồng cây dâu và nuôi con tằm. Việc trồng dâu để lấy lá không khó, nhưng đòi hỏi đảm bảo cây dâu phát triển tốt, đủ dinh dưỡng và đảm bảo sạch để có đủ nguồn thức ăn cho việc nuôi tằm. Việc nuôi tằm thì khó hơn nhiều và có rất nhiều công việc phải làm từ việc ươm trứng, chăm sóc tằm con, nuôi tằm lớn, lên né, thu kén. Để đạt được năng suất cao, chất lượng kén tốt thì bên cạnh sự cần mẫn, tỉ mỉ của nông dân, các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình nuôi tằm đặc biệt quan trọng.

Hơn 20 năm từ khi cây dâu, con tằm có mặt ở Trấn Yên đến nay, hình ảnh cán bộ khuyến nông luôn gắn liền với bà con nông dân trên các ruộng dâu, nong tằm. Ngay từ những ngày đầu tiên, huyện Trấn Yên đã chỉ đạo ngành nông nghiệp cử cán bộ khuyến nông xuống tận nhà dân để tuyên truyền, vận động và cùng người dân ra ruộng trồng, chăm sóc cây dâu, trực tiếp hướng dẫn, cùng làm, cùng rút kinh nghiệm với người dân.

Hệ thống nong tre nứa nuôi tằm (trong ảnh) đang dần được thay thế bằng những dụng cụ nuôi tằm mới hiện đại. Ảnh: Thanh Tiến.

Hệ thống nong tre nứa nuôi tằm (trong ảnh) đang dần được thay thế bằng những dụng cụ nuôi tằm mới hiện đại. Ảnh: Thanh Tiến.

Bài liên quan

Bà Trần Thị Hoàn Liên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ và Phát triển nông nghiệp huyện Trấn Yên kể: "Khi mới đưa về địa phương, cây dâu, con tằm còn rất xa lạ và mới mẻ với không chỉ người dân mà cả với đội ngũ cán bộ khuyến nông. Vì vậy, chúng tôi lúc đó cũng phải nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm gần như từ đầu để hướng dẫn bà con.

Được sự quan tâm của huyện, chúng tôi thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn, các chương trình hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương tổ chức. Ngoài ra, anh chị em cũng tích cực nghiên cứu qua sách báo và đi tham quan, học tập tại các vùng trồng dâu nuôi tằm đã có truyền thống như ở Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thái Bình để xây dựng cho mình bài hướng dẫn kỹ thuật phù hợp và hiệu quả nhất.

Giống dâu GQ2 do Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương sản xuất chiếm hơn 70% diện tích cây dâu ở huyện Trấn Yên. Ảnh: Thanh Tiến.

Giống dâu GQ2 do Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương sản xuất chiếm hơn 70% diện tích cây dâu ở huyện Trấn Yên. Ảnh: Thanh Tiến.

Bài liên quan

Khuyến nông huyện thực hiện phương châm "3 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với bà con trong suốt quá trình thực hiện các khâu từ trồng, chăm sóc cây dâu, thu hái lá, ấp trứng, nuôi tằm con, tằm lớn cho đến khi lên né cho tằm quấn kén. Mọi khâu đều được cán bộ khuyến nông giám sát chặt chẽ, tỉ mỉ để hạn chế rủi ro, thất thoát, từ đó giúp bà con yên tâm gắn bó và mở rộng diện tích dâu”.

Hơn 20 năm qua, huyện Trấn Yên đã kiên trì xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, tích cực ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật ở tất cả các khâu từ trồng, thâm canh cây dâu, đổi mới áp dụng kỹ thuật nuôi tằm. Huyện đã liên tục đưa vào thử nghiệm, xây dựng mô hình trồng rất nhiều giống dâu do Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương lai tạo như giống dâu lai trồng bằng hạt VH9, VH13, VH15, GQ2; giống dâu tam bội trồng bằng hom số 7 hay các giống dâu nhập nội như Hà số 7, Sa Nhị Luân, Quế ưu.

Lãnh đạo UBND huyện Trấn Yên thăm cánh đồng dâu thôn Lan Đình, xã Việt Thành. Ảnh: Thanh Tiến.

Lãnh đạo UBND huyện Trấn Yên thăm cánh đồng dâu thôn Lan Đình, xã Việt Thành. Ảnh: Thanh Tiến.

Hiện nay, vùng nguyên liệu dâu tập trung đã lựa chọn được các giống dâu phù hợp, trong đó chủ yếu là giống Sa Nhị Luân, GQ2, Quế ưu. Ngoài ra, ngành nông nghiệp huyện thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn người dân trồng đảm bảo mật độ tiêu chuẩn, tuân thủ tốt các biện pháp kỹ thuật thâm canh, sử dụng phân bón chuyên dụng NPKS (14-5-6+5S+TE) giúp cây dâu cân bằng dinh dưỡng, sinh trưởng tốt, lá dày, nhiều nhựa, nuôi tằm hạn chế dịch bệnh.

Đột phá từ nuôi tằm 2 giai đoạn

Bài liên quan

Một trong những khâu đột phá trong việc nuôi tằm hiện nay là trên địa bàn huyện đã áp dụng hiệu quả mô hình nuôi tằm 2 giai đoạn gồm nuôi tằm con tập trung và nuôi tằm lớn.

Bà Lưu Thị Tuyết, chủ cơ sở nuôi tằm con tập trung ở xã Việt Thành cho biết: Trước đây khi chưa có nhà nuôi tằm con, việc nuôi tằm cả 2 giai đoạn (nuôi tằm từ trứng cho đến thu kén) khiến nhiều hộ nuôi tằm thất thu, bởi nuôi tằm con rất khó và đặc biệt quan trọng nên nếu không đúng kỹ thuật, để tằm bị bệnh sẽ hỏng hết cả lứa tằm, bao công sức của bà con sẽ đổ xuống sông.

Hiện nay đã có một số hộ dân ở Trấn Yên áp dụng nuôi tằm trong phòng có điều hòa không khí để kéo dài thời gian nuôi tằm và chủ động nhiệt độ phòng. Ảnh: Thanh Tiến.

Hiện nay đã có một số hộ dân ở Trấn Yên áp dụng nuôi tằm trong phòng có điều hòa không khí để kéo dài thời gian nuôi tằm và chủ động nhiệt độ phòng. Ảnh: Thanh Tiến.

Bài liên quan

"Hiện nay, cơ sở nuôi tằm giống của tôi nuôi tằm từ tuổi 1 đến tuổi 3, sau đó sẽ cung ứng cho các hộ nuôi tằm lớn từ tuổi 4, các hộ sẽ chỉ phải nuôi thêm 1 tuần là tằm chín và lên né, chờ 2 - 3 ngày là tằm quấn kén xong và được thu hoạch. Việc nuôi theo 2 giai đoạn như vậy đòi hỏi người nuôi tằm giống phải có kỹ thuật cao, nhà nuôi tằm đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, khi cung ứng tằm giống khỏe thì các hộ dân nuôi tằm lớn sẽ hạn chế tối đa rủi ro do dịch bệnh.”

Đến nay, trên địa bàn huyện Trấn Yên đã xây dựng được 23 cơ sở nuôi tằm con, tập trung chủ yếu ở các xã Tân Đồng, Báo Đáp, Việt Thành, Quy Mông, Y Can. Giá giống tằm con bình quân 60.000 - 80.000 đồng/nong tằm giống (1 vòng tằm tương đương 2 nong tằm giống). Hiện toàn huyện Trấn Yên có trên 1.500 hộ nuôi tằm lớn. Các hộ nuôi tằm lớn cũng đã ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật trong nuôi tằm.

Trước đây, các hộ dân chủ yếu nuôi tằm trên nong đan bằng tre, nứa, diện tích nuôi nhỏ hẹp, khó chăm sóc, khó dọn vệ sinh nên tằm dễ mắc bệnh. Được học tập ở các làng nghề có truyền thống, người dân Trấn Yên hiện đã ứng dụng nuôi tằm lớn trên nền nhà, tạo được môi trường rộng rãi, thuận lợi cho tằm lớn sinh trưởng và phát dục nên tằm ít bị bệnh, giảm công lao động.

Kỹ thuật nuôi tằm trên nền nhà đang được đa số hộ dân ở Trấn Yên áp dụng hiệu quả. Ảnh: Thanh Tiến.

Kỹ thuật nuôi tằm trên nền nhà đang được đa số hộ dân ở Trấn Yên áp dụng hiệu quả. Ảnh: Thanh Tiến.

Bài liên quan

Đặc biệt trong 2 năm trở lại đây, nhiều hộ dân trong huyện đã bắt đầu áp dụng mô hình nuôi tằm trên giàn khay trượt, tiết kiệm được diện tích làm nhà tằm, hạn chế tình trạng nồm ẩm vụ xuân nên nuôi tằm ít bị bệnh, tăng được năng suất, chất lượng kén tằm.

Bà Nguyễn Thị Huân, hộ nuôi tằm lớn ở xã Quy Mông cho biết: “Việc áp dụng nuôi tằm bằng khay trượt cho hiệu quả vượt trội so với cách nuôi truyền thống, giúp giảm được công lao động, giải phóng được cường độ lao động, không phải bê nong lên xuống, đảm bảo độ thông thoáng, dễ dàng vệ sinh, hạn chế dịch bệnh, giúp tằm phát triển tốt. Ngoài ra, nuôi tằm bằng khay trượt sẽ tiết kiệm được diện tích, giúp tăng năng suất, sản lượng trong cùng một diện tích phòng nuôi”.

Né gỗ ô vuông giúp cho việc nuôi tằm hạn chế kén đôi, kén ba, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm kén tằm. Ảnh: Thanh Tiến.

Né gỗ ô vuông giúp cho việc nuôi tằm hạn chế kén đôi, kén ba, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm kén tằm. Ảnh: Thanh Tiến.

Một trong những khâu quan trọng trong quy trình nuôi tằm là việc sử dụng né để tằm quấn kén. Hiện nay, trên 90% hộ dân đã sử sử dụng né gỗ ô vuông thay thế cơ bản các loại né trước đây, giúp giảm được công lao động, giảm tình trạng kén đôi, tỷ lệ kén tốt cao, kén trắng và bán được giá cao.

Ông Trần Văn Trình ở thôn Đồng Ghềnh, xã Báo Đáp chia sẻ: “So với né tre truyền thống nhà tôi làm suốt 15 năm nay thì né gỗ ô vuông có nhiều ưu điểm vượt trội. Trước hết là dễ làm hơn, không phải cắm né nên thời gian cũng giảm hẳn, lúc thu kén cũng chỉ cần khoảng 3 phút đã xong một né chứ né tre phải mất 20 phút trở lên.

Đặc biệt với cách làm này, kén không bị ẩm vì mỗi con tằm nằm trong một kén. Trước kia làm né tre, tỷ lệ kén đôi, kén ba nhiều hơn, nếu một con hỏng là phải dỡ ra hết nhưng né gỗ mỗi con một ô nên có hỏng cũng lấy ra dễ dàng, không ảnh hưởng con khác cũng như màu sắc của kén. Mỗi con tằm làm kén trong một ô riêng nên kén đều quả hơn, màu kén đẹp hơn nên giá trị cũng cao hơn”.

Nông dân Trấn Yên sử dụng né gỗ ô vuông để hạn chế kén đôi. Ảnh: Thanh Tiến.

Nông dân Trấn Yên sử dụng né gỗ ô vuông để hạn chế kén đôi. Ảnh: Thanh Tiến.

Bà Triệu Thị Bích Liệu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Trấn Yên cho biết thêm: “Hiện nay, hàng trăm nhà nuôi tằm con, nuôi tằm lớn của người dân đã được tỉnh Yên Bái và huyện Trấn Yên thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ xây dựng mới hoặc nâng cấp, sửa chữa nên đa phần các hộ dân có nhà tằm đảm bảo quy mô, quy cách phù hợp, đảm bảo các yếu tố kỹ thuật nuôi tằm.

Các nhà nuôi tằm thường có quy cách, diện tích từ 60 - 100m2 trở lên, nền bê tông, mái lợp kiên cố, đảm bảo thoáng mát và vệ sinh môi trường. Đặc biệt hiện nay, một số hộ dân đã áp dụng nuôi tằm trong nhà kín có điều hòa không khí để có thể chủ động nhiệt độ cho tằm phát triển, phòng tránh dịch bệnh và kéo dài thời gian nuôi tằm, từ đó nâng cao thu nhập".

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.