| Hotline: 0983.970.780

Định cư hàng chục năm vẫn chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Thứ Năm 09/11/2023 , 06:45 (GMT+7)

QUẢNG TRỊ Do chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, từ nhiều năm nay, cuộc sống của hàng chục hộ dân thôn Lan Đình, xã Phong Bình rơi vào cảnh khó khăn.

Có tài sản nhưng không có quyền định đoạt

Đất ở nằm trong vùng quy hoạch di tích lịch sử, người dân không được cơi nới, xây dựng nên phải ở trong những ngôi nhà xập xệ. Ảnh: Võ Dũng.

Đất ở nằm trong vùng quy hoạch di tích lịch sử, người dân không được cơi nới, xây dựng nên phải ở trong những ngôi nhà xập xệ. Ảnh: Võ Dũng.

Năm 1992, gia đình ông Nguyễn Ngọc Mẫn đến định cư tại thôn Lan Đình, xã Gio Phong (nay là xã Phong Bình, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), cạnh QL 1A. Thời điểm đó, khu vực thôn Lan Đình hoang vu, ngoài diện tích đất được Nhà nước giao, vợ chồng ông Mẫn khai hoang thêm phần đất phía sau nhà trồng cây, mở điểm kinh doanh nhỏ cải thiện cuộc sống.

“Trước đây, khu vực thôn Lan Đình là cứ điểm quân sự nên đi đâu đụng mìn đó. Cày đất hoang gặp mìn chống tăng, mìn râu, mìn ba càng, mìn M14; đào giếng thì gặp đầu đạn M79”, ông Mẫn kể.

Bài liên quan

Năm 1999, Nhà nước có chủ trương để các gia đình làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, cũng như nhiều hộ dân khác tại thôn Lan Đình, gia đình ông Mẫn không thuộc diện được làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do đất nằm trong vùng quy hoạch Khu di tích lịch sử căn cứ Dốc Miếu. Theo đó, người dân trong vùng quy hoạch sẽ không được xây dựng, cơi nới nhà cửa. Nhiều hộ dân hoang mang, không biết đến bao giờ được di dời tái định cư để xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống. Vì thế, một thời gian dài, nhiều gia đình tại thôn Lan Đình phải sống trong những căn nhà xập xệ, dột nát, ẩm thấp. Có tài sản trong tay nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên các quyền lợi không được đảm bảo.

Ông Mẫn cho hay, năm 2017, khi quốc lộ 1A mở rộng, được đền bù một ít tiền, gia đình ông vay ngân hàng để sửa sang lại ngôi nhà. Tuy nhiên, do chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không có tài sản thế chấp nên số tiền vay không được là bao.

Ông Nguyễn Ngọc Mẫn mong muốn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để yên tâm sinh sống, làm ăn. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Nguyễn Ngọc Mẫn mong muốn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để yên tâm sinh sống, làm ăn. Ảnh: Võ Dũng.

“Tôi định vay 150 triệu đồng để sửa chữa lại nhà cửa nhưng không có tài sản thế chấp nên chỉ vay được 50 triệu đồng. Có đợt lên kế hoạch mở rộng chăn nuôi; xây dựng quán kinh doanh nhưng không đủ vốn nên đành bỏ. Gia đình chỉ muốn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm ăn ổn định nhưng đến nay vẫn chưa được đáp ứng” , ông Mẫn thở dài.

Bà Lê Thị Lan, một hộ dân khác tại thôn Lan Đình cho biết, khi mới có thông báo xây dựng Khu di tích lịch sử căn cứ Dốc Miếu, nhiều nhà dân xập xệ, muốn nâng cấp, sửa chữa, xây mới nhưng không được phép. Chính quyền cho biết, nếu xây dựng khu di tích thì nhiều hộ dân sẽ được di dời tái định cư. Tuy nhiên, chờ mãi vẫn không thấy dự án triển khai, một số hộ dân làm liều xây dựng nhà cửa. Lúc đầu, chính quyền có lập biên bản nhưng sau đó thì không còn can ngăn nữa nên một số hộ dân đã xây dựng nhà cửa kiên cố.

Trong khi đó, dự án xây dựng Khu di tích lịch sử căn cứ Dốc Miếu chậm triển khai khiến các kỉ vật chiến tranh bị hoen rỉ. Ảnh: Võ Dũng.

Trong khi đó, dự án xây dựng Khu di tích lịch sử căn cứ Dốc Miếu chậm triển khai khiến các kỉ vật chiến tranh bị hoen rỉ. Ảnh: Võ Dũng.

“2 gian nhà nhỏ của gia đình tôi xây dựng bằng gạch táp lô từ rất lâu rồi. Nhiều lần muốn sửa chữa, cơi nới nhưng lại sợ vi phạm. 5 con người sống trong một ngôi nhà xập xệ như thế, cứ mưa bão là phải chạy đến nhà người thân trú nhờ. Thấy nhiều hộ xây nhà không bị phạt, năm 2019, tôi cũng làm liều xây căn nhà này”, bà Lan cho hay.

Đề nghị điều chỉnh quy hoạch, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Giai đoạn 1991 - 1998, nhiều hộ dân đến khu vực thôn Lan Đình sinh sống, sau đó được UBND huyện Gio Linh ban hành các quyết định giao đất. Các hộ được giao đất sử dụng đất ổn định đến nay, có ranh giới rõ ràng không tranh chấp và thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan đến thuế sử dụng đất hàng năm. Ngoài diện tích được Nhà nước giao, các hộ dân còn tận dụng, khai hoang đất chưa sử dụng để trồng cây, cải thiện cuộc sống.

Một phần đất nằm trong khu vực quy hoạch di tích bị 'đất tặc' đào bới. Ảnh: Võ Dũng.

Một phần đất nằm trong khu vực quy hoạch di tích bị "đất tặc" đào bới. Ảnh: Võ Dũng.

Tháng 1/2004, UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu di tích lịch sử căn cứ Dốc Miếu và hàng rào điện tử McNamara bao gồm toàn bộ khu vực đất đã được giao cho 43 hộ dân thôn Lan Đình. Với việc diện tích này được đưa vào quy hoạch khu di tích lịch sử, chính quyền cũng thông báo, các hộ dân không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không xây dựng các công trình kiên cố, chờ di dời tái định cư.

Ông Nguyễn Hiển, nguyên Chủ tịch UBND xã Gio Phong (nay là xã Phong Đình) giai đoạn 1994 - 1999 cho biết, nguyện vọng của người dân thôn Lan Đình là dự án nhanh chóng triển khai để sớm được tái định cư ổn định cuộc sống. Nếu dự án không khả thi thì phải đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, đến nay, vấn đề này vẫn chưa có phương án tháo gỡ.

Ông Nguyễn Hiển, nguyên Chủ tịch UBND xã Gio Phong (nay là xã Phong Đình) cho rằng, nếu dự án không khả thi thì phải đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Nguyễn Hiển, nguyên Chủ tịch UBND xã Gio Phong (nay là xã Phong Đình) cho rằng, nếu dự án không khả thi thì phải đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Ảnh: Võ Dũng.

“Năm 2008, tôi có gặp ông Lê Hữu Phúc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị lúc bấy giờ để đề đạt nguyện vọng. Ông Phúc nói, vấn đề này phải chờ đợi vì dự án Khu di tích lịch sử căn cứ Dốc Miếu do Bộ Quốc phòng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tỉnh chỉ giải phóng mặt bằng, xây dựng tái định cư khi dự án triển khai. Từ đó đến nay thì người dân vẫn tiếp tục phải chờ đợi”, ông Hiển cho hay.

Ông Hiển cho biết thêm, UBND huyện Gio Linh cùng các ban ngành đã nhiều lần về họp dân. Lần gần đây nhất, UBND huyện Vĩnh Linh thống nhất kiến nghị UBND tỉnh Quảng Trị điều chỉnh, bóc tách phần đất các hộ dân ra khỏi quy hoạch để ổn định đời sống người dân; lấy giá đất năm 2003 để tính thuế và các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các hộ dân đồng tình với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hiện trạng, lùi vào cách mép đường quốc lộ 1 A hiện nay 15m. Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Gio Linh cũng đã về trích đo lại diện tích các thửa đất, người dân đã nộp tiền lệ phí. Tuy nhiên, đến nay, người dân vẫn chưa thấy cơ quan chức năng thông báo làm hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Người dân thôn Lan Đình mong muốn sớm được giải quyết nguyện vọng chính đáng, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở. Ảnh: Võ Dũng.

Người dân thôn Lan Đình mong muốn sớm được giải quyết nguyện vọng chính đáng, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở. Ảnh: Võ Dũng.

Được biết, trên cơ sở đóng góp của nhiều sở ban ngành, ngày 4/10, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị có văn bản gửi đến UBND tỉnh Quảng Trị, đề nghị điều chỉnh và đưa 1,46ha đất ra khỏi quy hoạch Khu di tích lịch sử căn cứ Dốc Miếu. Việc điều chỉnh quy hoạch, nhằm mục đích cung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân thôn Lan Đình.

“Huyện cũng nhiều lần về họp với dân và làm rất ráo riết để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân thôn Lan Đình nhưng không biết rồi kết quả thế nào. Sống ở cạnh quốc lộ nên người dân rất muốn có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vay vốn làm ăn, ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế”, ông Nguyễn Văn Út, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Bình cho biết.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.