| Hotline: 0983.970.780

Hà Tĩnh 'chọn mặt gửi vàng' làm nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn

Thứ Tư 11/05/2022 , 07:36 (GMT+7)

Hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm là cột mốc quan trọng để Hà Tĩnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn gắn với bảo vệ môi trường.

Gửi niềm tin giải quyết những vấn đề nan giải

Ngày 12/5, Tập đoàn Quế Lâm và UBND tỉnh Hà Tĩnh sẽ ký kết hợp tác phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Sự kiện này được xem là một cột mốc mang nhiều ý nghĩa với nông nghiệp Hà Tĩnh. Nói như ông Hoàng Trung Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh thì sự hợp tác này không chỉ giải nhiều bài toán cho nông nghiệp Hà Tĩnh mà còn hiện thực khát vọng xây dựng Hà Tĩnh trở thành mô hình mẫu về phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn gắn với bảo vệ môi trường.

Ông Hoàng Trung Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh (thứ 4 từ trái sang) và ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh (thứ 2 từ trái sang) khảo sát mô hình nông nghiệp của Tập đoàn Quế Lâm. Ảnh: Hoàng Anh.  

Ông Hoàng Trung Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh (thứ 4 từ trái sang) và ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh (thứ 2 từ trái sang) khảo sát mô hình nông nghiệp của Tập đoàn Quế Lâm. Ảnh: Hoàng Anh.  

Với diện tích gần 500.000ha khu vực miền núi, vùng ven biển gần 45.000ha, vùng đồng bằng hơn 56.000ha…, Hà Tĩnh có những tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển cây công nghiệp, cây lâm nghiệp, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm và phát triển trồng lúa và các loại hoa màu khác…

Định hướng, chiến lược phát triển của Hà Tĩnh, bên cạnh công nghiệp và dịch vụ là nông nghiệp, tuy nhiên, vấn đề đầu tư vào nông nghiệp ở Hà Tĩnh chưa thực sự thỏa đáng. Làm gì để nông dân có thể làm giàu từ nông nghiệp? Làm thế nào để có những sản phẩm nông nghiệp giúp nông dân phát triển bền vững đang là những bài toán thực sự nan giải.

Chẳng hạn trong lĩnh vực chăn nuôi. Theo thống kê, chăn nuôi lợn ở Hà Tĩnh hiện có khoảng hơn 400.000 con, 221 trang trại… và gần như trang trại lợn nào người dân cũng phản ánh gây ô nhiễm môi trường. Mặc dù có nhiều chương trình, dự án, nhiều nhà đầu tư đã vào Hà Tĩnh nhưng vấn đề nhức nhối này vẫn chưa được giải quyết.

Trồng trọt cũng vậy. Với diện tích cây ăn quả lớn bậc nhất miền Trung, khoảng hơn 10.000 ha, hiện tại đang phát triển khá tốt, nhưng ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh cho rằng, nếu nhìn góc độ khai thác bằng phân bón vô cơ thì không thể bền vững được. Cần phải giảm thiểu phân bón vô cơ, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, các chất cấm trong sản xuất nông nghiệp mới có thể cung cấp lương thực, thực phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

Cùng với đó, các vấn đề về tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, liên kết theo chuỗi, thực phẩm "sạch" phục vụ người dân và nguồn cung ứng vật tư đầu vào để sản xuất nông nghiệp trở thành những niềm mong mỏi của chính quyền và người nông dân ở nơi “chảo lửa túi mưa”.

Sau quá trình khảo sát, tìm hiểu các mô hình của Tập đoàn Quế Lâm ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Thừa Thiên - Huế, tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định ký hợp tác với doanh nghiệp tiên phong về nông nghiệp tuần hoàn này.

UBND tỉnh Hà Tĩnh và Tập đoàn Quế Lâm làm việc về hợp tác phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Ảnh: Hoàng Anh.

UBND tỉnh Hà Tĩnh và Tập đoàn Quế Lâm làm việc về hợp tác phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Ảnh: Hoàng Anh.

Mục tiêu, khát vọng trong việc hợp tác được thể hiện rõ: Thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nhằm nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng một nền nông nghiệp "sạch", an toàn và bền vững, bảo vệ sức khỏe của người sản xuất, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Tổ chức liên kết sản xuất, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đối với những sản phẩm của Hà Tĩnh theo hình thức liên kết, hợp tác từ khâu cung cấp giống, phân bón, chuyển giao kỹ thuật, thu mua, bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch cho các hộ dân trên địa bàn...

Hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm sẽ giúp Hà Tĩnh có nguồn cung ứng vật tư để sản xuất nông nghiệp hữu cơ như phân bón, chế phẩm sinh học, đặc biệt Quế Lâm sẽ nghiên cứu đầu tư xây dựng dựng nhà máy sản xuất phân bón vi sinh, nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi hữu cơ phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn của nông dân Hà Tĩnh.

Quế Lâm cũng sẽ hỗ trợ các hộ dân, HTX, tổ hợp tác nông nghiệp cung ứng các loại phân bón, vật tư với hình thức liên kết. Đầu tư xây dựng, hình thành các chuỗi cửa hàng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; kết nối với hệ thống các hệ thống cửa hàng nông sản, siêu thị nông sản của Quế Lâm...

“Quan điểm của Hà Tĩnh là phải làm, phải có kết quả. Hà Tĩnh sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất, luôn đồng hành với Tập đoàn Quế Lâm trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, lập và triển khai thực hiện các dự án.

Việc tiếp cận và hợp tác đầu tư với Quế Lâm là “chọn mặt gửi vàng”, không chỉ vì sự ngưỡng mộ với triết lý làm nông nghiệp hữu cơ Quế Lâm theo đuổi mà còn vì những mô hình hợp tác liên kết Quế Lâm thực hiện ở nhiều địa phương khác đã chứng minh đã mang lại hiệu quả, lợi ích rất thiết thực cho người nông dân”, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng nhấn mạnh.

Những thành quả ở Vũ Quang, Hương Khê, Cẩm Xuyên…   

Thực tế, trước khi tỉnh Hà Tĩnh huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để thay đổi và phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn một cách toàn diện, nhiều năm nay, Tập đoàn Quế Lâm đã thực hiện một số mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo hữu cơ tại các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh; trồng cam hữu cơ tại huyện Hương Khê; nuôi lợn hữu cơ tại huyện Can Lộc; các mô hình ở huyện Vũ Quang… Những thành quả rõ rệt từ các mô hình liên kết đang ngày càng thu hút nhiều hộ nông dân, HTX tham quan, học tập và mong mỏi liên kết với Tập đoàn.

Chim về làm tổ trên cánh đồng lúa do Tập đoàn Quế Lâm liên kết với nông dân huyện Vũ Quang sản xuất. Ảnh: Hoàng Anh.

Chim về làm tổ trên cánh đồng lúa do Tập đoàn Quế Lâm liên kết với nông dân huyện Vũ Quang sản xuất. Ảnh: Hoàng Anh.

Đặc biệt, với các mô hình tại huyện miền núi, biên giới Vũ Quang, từ quyết tâm của những người đứng đầu và nhận thức thay đổi của người dân, chỉ sau một thời gian ngắn, cả ba mô hình hợp tác liên kết với Quế Lâm là trồng lúa hữu cơ, trồng cam hữu cơ và chăn nuôi lợn hữu cơ đều phát triển rất tốt, khác biệt hoàn toàn so với canh tác thông thường.

Điển hình như mô hình nuôi lợn theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học ở xã Ân Phú; sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại xã Hương Minh; một số mô hình trồng cam hữu cơ... tại Vũ Quang.

Huyện Vũ Quang đã triển khai mở cửa hàng giới thiệu và bán thịt lợn hữu cơ Quế Lâm trên địa bàn. Bà Nguyễn Thị Hà Tân, Bí thư Huyện ủy Vũ Quang chia sẻ: Thời gian tới, Vũ Quang sẽ tiếp tục phối hợp với Quế Lâm mở rộng diện tích lúa hữu cơ; phát triển diện tích cam sản xuất theo hướng hữu cơ đạt từ 10% diện tích cam toàn huyện, lựa chọn các tổ hợp tác để tuyên truyền, vận động, tập huấn, hướng dẫn để các hộ dân thay đổi nhận thức, ý thức, chuyển đổi sang trồng cam theo hướng hữu cơ.

“Hợp tác với Quế Lâm, khát vọng của Vũ Quang là xây dựng nền nông nghiệp có giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng. Đó là quyết tâm của hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội”, Bí thư huyện Vũ Quang khẳng định.

Tương tự, ở Can Lộc, Cẩm Xuyên, Hương Khê… những thay đổi từ cơ quan quản lý, nông dân cùng với sự hỗ trợ đồng hành của Quế Lâm đang xây dựng nên một cộng đồng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn ngày một rộng khắp.

Sát cánh để nông dân tự thay đổi số phận của mình

Sẵn sàng đầu tư và đồng hành với Hà Tĩnh làm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Quế Lâm chia sẻ: Quế Lâm và Hà Tĩnh gặp nhau ở triết lý phát triển và giá trị cốt lõi là vì lợi ích người dân.

Ông Lam cho rằng, muốn làm gì thì làm, nhưng hiệu quả kinh tế, sức khỏe của người dân là vấn đề tiên quyết.

Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Quế Lâm phát biểu tại buổi làm việc mới đây với UBND tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Hoàng Anh.

Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Quế Lâm phát biểu tại buổi làm việc mới đây với UBND tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Hoàng Anh.

“Tập đoàn Quế Lâm luôn xác định đồng hành, bồi dưỡng cho nông dân 3 kiến thức quan trọng: Thị trường, hiệu quả kinh tế các mô hình và an toàn trước dịch bệnh để giúp nông dân chủ động, trách nhiệm thay vì trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước. Tất cả những hộ dân liên kết với Quế Lâm đều được trang bị những kiến thức quan trọng như thế và họ đã tự thay đổi số phận của mình”.

Theo ông Lam, để phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Hà Tĩnh, trước tiên phải thay đổi nhận thức, phổ biến, tuyên truyền để người dân hiểu rõ và từ đó triển khai thực hiện. Cần hướng dẫn cho người dân biết về kỹ thuật, thị trường và về kinh tế nông nghiệp để xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ có hiệu quả cao. Cả hệ thống chính trị vào cuộc để tuyên truyền, vận động nông dân về lợi ích của phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn và sử dụng nông sản hữu cơ.

Ngay sau khi ký kết hợp tác, Quế Lâm kiến nghị Hà Tĩnh chỉ đạo các cơ quan, các địa phương phối hợp xây dựng các mô hình và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trọng điểm; ứng dụng và nhân rộng mô hình xử lý rơm rạ cuối mỗi vụ bằng công nghệ vi sinh không gây ảnh hưởng môi trường. Bố trí quỹ đất nhằm xây dựng khu phát triển trồng trọt, chăn nuôi an toàn sinh thái 4F (Farm - Food - Feed - Fertilizer), phối hợp xây dựng vùng nguyên liệu, đào tạo nguồn nhân lực...

Xem thêm
Chuẩn hóa quy trình nuôi chồn hương

Dù chồn hương là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhưng thành phố Hà Tĩnh không vội vàng mở rộng mà tập trung chuẩn hóa quy trình nuôi.

Cục Thú y ban hành hướng dẫn phòng, chống bệnh cúm gia cầm

Cục Thú y khuyến cáo, khi phát hiện gia cầm chết hàng loạt không được giấu dịch, cần thông báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y.

Siết quản lý sâu đầu đen hại dừa

UBND tỉnh Bến Tre vừa có công văn yêu cầu các ngành, địa phương tăng cường các biện pháp quản lý sâu đầu đen hại dừa trước dấu hiệu gia tăng.

Bình luận mới nhất