| Hotline: 0983.970.780

Hơn 9km đường làm 8 năm vẫn không xong

Thứ Tư 03/08/2022 , 09:11 (GMT+7)

Quảng Ngãi Đã 8 năm trôi qua nhưng tuyến đường giao thông dài hơn 9km ở Quảng Ngãi vẫn chưa thể hoàn thành, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân quanh vùng dự án.

Sau 8 năm, tuyến đường giao thông nối tủng tâm phía Bắc và phía Nam đô thị Vạn Tường (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn còn dang dở. Ảnh: L.K.

Sau 8 năm, tuyến đường giao thông nối tủng tâm phía Bắc và phía Nam đô thị Vạn Tường (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn còn dang dở. Ảnh: L.K.

Đó là tuyến đường giao thông nối trung tâm phía Bắc và phía Nam đô thị Vạn Tường (thuộc huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Tuyến đường này có chiều dài 9,6km với tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng. Trong đó vốn Trung ương trên 207,7 tỷ đồng, còn lại vốn ngân sách địa phương và các nguồn khác.

Dự án này được khởi công xây dựng năm 2014, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2018, do Ban quản lý đầu tư xây dựng (Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi) làm chủ đầu tư. Địa phương này kỳ vọng, tuyến đường sau khi đưa vào sử dụng sẽ góp phần hoàn thiện quy hoạch của khu đô thị Vạn Tường, từ đó làm tiền đề để thu hút nhà đầu tư, tạo động lực phát triển cho khu đô thị cũng như Khu kinh tế Dung Quất.

Thế nhưng, đến nay tuyến đường vẫn chưa thể đưa vào sử dụng theo đúng kế hoạch. Chủ đầu tư chỉ mới hoàn thành 2km đoạn đầu và 4,5km đoạn cuối. Còn lại 4km đoạn giữa tuyến vẫn còn dở dang. Tình trạng này kéo dài suốt nhiều năm qua không chỉ khiến cuộc sống của người dân sống 2 bên đường bị ảnh hưởng mà các phương tiện tham gia giao thông cũng gặp khó khăn khi cứ vào mùa nắng thì bụi mù mịt, mùa mưa gặp cảnh sình lầy.

Ông Lê Minh Quang (trú thôn An Lộc, xã Bình Trị, huyện Bình sơn cho biết: “Dự án này kéo dài không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà những hộ dân buôn bán 2 bên tuyến đường này gặp khó khăn. Ngoài ra, ở những điểm thi công dang dở nên mỗi lần các phương tiên giao thông đi qua bị hạn chế tầm nhìn. Nhất là vào ban đêm, rất dễ xảy ra té ngã và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông”.

Việc thi công dang dở tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông trên dọc tuyến đường. Ảnh: L.K.

Việc thi công dang dở tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông trên dọc tuyến đường. Ảnh: L.K.

Ghi nhận PV, tại tuyến đường giao thông nói trên, đoạn qua xã Bình Trị và xã Bình Hải, hiện tại có một làn đường dài vẫn chưa thảm nhựa đường và mới san ủi tạo mặt bằng. Tại một số vị trí chưa hoàn thành, hệ thống cống thoát nước, cáp viễn thông được lắp đặt sơ sài, nằm ngổn ngang trên mặt đường và không có biển cảnh báo, một số máy móc công trình đậu ở phần đường chưa hoàn thành nhưng không thấy hoạt động…

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng (Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, giai đoạn 2014-2015 đã phê duyệt phương án bồi thường, nhưng lại chưa bố trí được đất tái định cư (TĐC) cho các hộ dân phải di dời vì dự án, nên nhiều hộ dân mặc dù đã nhận tiền bồi thường, nhưng vì chưa được cấp đất TĐC, nên họ chưa thể tháo dỡ nhà cửa nhường đất cho dự án.

Một đoạn 'nút thắt cổ chai' ở trên tuyến đường gây khuất tầm nhìn cho người tham gia giao thông. Ảnh: L.K. 

Một đoạn "nút thắt cổ chai" ở trên tuyến đường gây khuất tầm nhìn cho người tham gia giao thông. Ảnh: L.K. 

Ngoài ra, từ 2014 đến nay, công tác quản lý trật tự xây dựng của địa phương nằm trong vùng dự án vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều hộ dân còn xây nhà trên đất nông nghiệp. Theo quy định, khi các hộ dân xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp thì chắc chắn sẽ không được cấp đất TĐC.

“Vướng mắc lớn nhất của chúng tôi vẫn là vấn đề mặt bằng. Vấn đề này thì Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Bình Sơn là cơ quan thực hiện. Nếu bàn giao được mặt bằng thì chúng tôi sẽ tiến hành thi công ngay. Hiện, đơn vị đang phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ dự án”, ông Tuấn nói.

Trao đổi với PV, ông Võ Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Bình Sơn cũng thừa nhận việc để dự án kéo dài nguyên nhân chính là do vướng mặt bằng. Trong đó, một số hộ dân xây nhà trên đất nông nghiệp và yêu cầu hỗ trợ nhưng chưa thể giải quyết dứt điểm. Ngoài ra tại khu vực này cũng có 1 chợ tạm mà trước đây có cấp phép sau đó một số hộ mua đất và xây dựng các ki ốt để kinh doanh.

“Một vấn đề nữa là vào năm 1998, huyện cũng đã thu hồi đất 1 lần để làm đường nhưng làm không hết diện tích. Đến nay người dân lại không đồng ý khấu trừ phần đất trước đây đã thu hồi. Những trường hợp này, Trung tâm phát triển quỹ đất đang làm hồ sơ thủ tục để tiến hành cưỡng chế thu hồi đất. Còn việc lúc nào hoàn thành giải phóng mặt bằng thì chúng tôi vẫn chưa trả lời được”, ông Tuấn thông tin.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.