| Hotline: 0983.970.780

Lời ai oán ở huyện nghèo Đà Bắc: Ai ăn chặn phí môi trường rừng?

Thứ Tư 21/10/2020 , 10:53 (GMT+7)

Không chỉ bị quỵt tiền hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng, nhiều chủ rừng ở Đà Bắc (Hòa Bình) còn không được trả phí dịch vụ môi trường rừng từ năm 2013-2017.

Ông Bùi Văn Đoàn - Trưởng Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh trao đổi với phóng viên NNVN.

Ông Bùi Văn Đoàn - Trưởng Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh trao đổi với phóng viên NNVN.

Năm 2013, khi Hòa Bình được nhà nước chi trả phí dịch vụ môi trường rừng thì sự mâu thuẫn lợi ích giữa hàng trăm hộ dân và Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh được đẩy lên cao trào.

Quýt làm, cam hưởng!

Nghị định 99 năm 2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng quy định rõ, các đối tượng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng là các chủ rừng của các khu rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Trong đó có chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân được nhà nước giao rừng, cho thuê rừng;...

Bản đồ Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh. Ảnh: Minh Phúc.

Bản đồ Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh. Ảnh: Minh Phúc.

Thế nhưng, trong suốt nhiều năm từ 2013 đến 2017, các chủ rừng ở xã Tân Pheo không hề nhận được một xu phí dịch vụ môi trường rừng. Nhận thấy sự bất công quá lớn, nhiều chủ rừng rất bức xúc, đồng thời phản ánh lên các cơ quan báo chí.

Theo trả lời của Sở NN-PTNT Hòa Bình về việc chi trả dịch vụ môi trường rừng từ năm 2013 đến thời điểm tháng 4/2018, “Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canhđã chi trả cho các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng và các hộ gia đình cá nhân”.

Tuy nhiên, hàng chục chủ rừng ở xã Tân Pheo khẳng định với chúng tôi rằng, mãi đến năm 2018, khi họ “đấu tranh pháp lý quyết liệt”, khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh mới “chịu nhả” cho các hộ có đất rừng các khoản phí dịch vụ môi trường rừng.

“Tại sao chúng tôi là chủ rừng, nhưng lại không được nhận phí dịch vụ môi trường rừng từ năm 2013 đến 2017? Số tiền với tổng giá trị hàng tỷ đồng ấy đã đi đâu?”;

“Đa phần người dân chúng tôi là văn hóa thấp và nghèo đói. Năm 1996, chúng tôi nhận chủ yếu là đất trống đồi trọc, ai đã bảo vệ, chăm sóc 18 năm (từ 1996 đến 2013) để những cây rừng tái sinh bé như ngón tay thành rừng gỗ lớn. Đến khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng thì họ vô hiệu hóa quyền sử dụng đất của chúng tôi?”

“Xóa đói giảm nghèo gì mà người dân bảo vệ rừng, đến tết không có một đồng, không có bát gạo bỏ vào nồi? Làm sao gọi là thực hiện an sinh xã hội, khi công sức lao động của người dân đến ngày “hái quả” thì bị hất đi?”...

Những câu hỏi được người dân xã Tân Pheo liên tiếp đưa ra, nhưng không có lời giải đáp từ phía chính quyền.

Càng trớ trêu hơn khi nhiều hộ dân mang sổ đỏ đất lâm nghiệp của mình đem thế chấp ngân hàng để vay vốn làm ăn, nhưng ngân hàng từ chối với lý do... sổ đỏ của dân không còn hiệu lực.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hòa Bình thông tin sai sự thật

Năm 2001, trong quá trình thẩm định dự án Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh có sự tham gia của đại diện 8 cơ quan, đơn vị gồm: UBND tỉnh Hòa Bình, Sở Kế hoạch và Đầu tư Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Địa chính, Chi cục Kiểm Lâm (chủ đầu tư), Sở NN-PTNT, Hạt Kiểm lâm huyện Đà Bắc, Đoàn Điều tra quy hoạch rừng và UBND huyện Đà Bắc.

Biên bản cuộc họp thẩm định dự án Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh huyện Đà Bắc - tỉnh Hòa Bình không có sự tham gia của UBND huyện Đà Bắc. Ảnh: Minh Phúc.

Biên bản cuộc họp thẩm định dự án Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh huyện Đà Bắc - tỉnh Hòa Bình không có sự tham gia của UBND huyện Đà Bắc. Ảnh: Minh Phúc.

Tuy nhiên, tại biên bản cuộc họp ngày 25/4/2001 để thẩm định dự án trên không hề có sự tham gia và chữ ký của đại diện UBND huyện Đà Bắc – cơ quan đã cấp hàng trăm sổ đỏ đất lâm nghiệp cho các hộ dân các xã Tân Pheo, Đoàn Kết, Đồng Chum, Đồng Ruộng.

Đặc biệt, ngày 30/12/2013, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Hòa Bình giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh quản lý, sử dụng 5.105,4ha đất có rừng tự nhiên đặc dụng chồng lấn với khoảng 530ha đất lâm nghiệp (thuộc quyền sử dụng) của các hộ dân.

Tại văn bản số 920/STNMT-QLĐĐ ngày 14/5/2018 Sở Tài nguyên và Môi trường Hòa Bình cho biết: 

“Các khu đất do Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh có hiện trạng là đất rừng tự nhiên đặc dụng được đơn vị sử dụng ổn định từ năm 2001 đến thời điểm kiểm tra không có tranh chấp. Khu đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất tại địa phương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định”.

Câu trả lời này của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình hoàn toàn trái ngược với thông tin được ông Bùi Văn Đoàn – Trưởng ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh, cung cấp cho chúng tôi. Đó là, trong diện tích rừng đặc dụng của khu bảo tồn thiên được giao có sự chồng chéo với diện tích đất trong sổ đỏ của người dân được nhà nước cấp theo Nghị định 02 của Chính phủ. Tổng diện tích chồng chéo khoảng 530ha của 121 hộ dân.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.