| Hotline: 0983.970.780

Mai cảnh miền Trung ngóng Tết

Thứ Hai 22/01/2024 , 06:00 (GMT+7)

Đã gần hết nửa tháng Chạp mà không khí ảm đạm bao trùm vựa mai cảnh lớn nhất miền Trung, những nẻo đường vắng bóng thương lái đến mua mai như những năm trước đây…

Bán được mai vẫn buồn

Vừa đi qua cổng chào “Làng nghề trồng mai cảnh thôn Háo Đức” thuộc xã Nhơn An (thị xã An Nhơn, Bình Định), nhìn thấy bên lề đường 1 người đàn ông trung niên đang bấm tỉa những chậu mai với gương mặt buồn bã, chúng tôi ghé vào hỏi thăm tình hình tiêu thụ mai năm nay.

Dừng tay kềm, người đàn ông ngước mặt nhìn khách với vẻ mặt hiện lên nét mừng rỡ: “Các anh mua mai hả?”. Khi biết chúng tôi là những người làm báo đi tìm hiểu tình hình tiêu thụ mai Tết, gương mặt  anh ta sa sầm, giọng chùng xuống nghe như tiếng thở dài: “Năm nay mà mai mốt gì nữa, cả làng mai ngày nào cũng trông đứng trông ngồi nhưng chẳng thấy bóng dáng thương lái nào đến hỏi mua như mọi năm”.

Anh Nguyễn Ngọc Minh (54 tuổi), người có thâm niên trên 20 năm trồng mai cảnh ở làng mai Háo Đức nói: 'Chưa bao giờ mai cảnh ế ẩm như năm nay'. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Nguyễn Ngọc Minh (54 tuổi), người có thâm niên trên 20 năm trồng mai cảnh ở làng mai Háo Đức nói: “Chưa bao giờ mai cảnh ế ẩm như năm nay”. Ảnh: V.Đ.T.

Anh là Nguyễn Ngọc Minh (54 tuổi), người có thâm niên trên 20 năm trồng mai cảnh ở làng mai Háo Đức, trút lòng: “Mọi năm giờ này trong túi tôi đã rủng rỉnh tiền bán mai tết, nhưng năm nay chưa bán được cây nào. Hơn 20 năm trồng mai, tôi chưa thấy năm nào mai ế như năm nay”.

Hiện anh Minh đang sở hữu khoảng 4.000 chậu mai, trong đó có cả ngàn chậu từ 4 năm tuổi trở lên sẵn sàng xuất bán ra thị trường. Tuy buồn, nhưng anh Minh vốn đã “có ăn có chịu” với cây mai nhiều năm rồi, nên năm nay dù mai Tết ế ẩm thì anh cũng đã có “của ăn của để” từ cây mai, anh Minh buồn nhiều hơn cho lớp con, cháu mới bắt đầu nhập cuộc trồng mai thì đã “hỏng chân”.

Ế ẩm đã đành, năm nay mai còn xuống giá thê thảm. Những cây mai 4 năm tuổi anh Minh đang cắt tỉa năm trước bán được 400.000 đồng/cây, năm nay nếu có người mua cũng chỉ còn 200.000 đồng/cây. Những cây mai của anh Minh bên kia đường cũng 4 năm tuổi, nhưng có dáng thế đẹp và phát triển “sung” hơn, năm ngoái anh Minh bán được 1 triệu đồng/cây, năm nay chỉ có giá 600.000 đồng/cây nhưng chẳng có ai ngó ngàng.

Đến giờ này lão nông Lê Văn Ánh ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An (thị xã An Nhơn, Bình Định) chưa bán được cây mai nào. Ảnh: V.Đ.T.

Đến giờ này lão nông Lê Văn Ánh ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An (thị xã An Nhơn, Bình Định) chưa bán được cây mai nào. Ảnh: V.Đ.T.

“Năm nay mai cảnh ế nhất trong lịch sử. Những năm dịch Covid-19 thấy vậy nhưng mai vẫn bán chạy, có giá cao, năm nay cực kỳ ế. Trước đây, đến tháng 11 âm lịch là thương lái miền Nam chuyên mua mai lùm đi dày các tuyến đường Háo Đức để mua mai tại các nhà vườn. Khoảng 10 năm trở lại đây, mai đi miền Nam ít dần, hiện chỉ còn bằng 2/10 so với trước đây, vì miền Nam giờ đã trồng nhiều mai rồi”, anh Minh cho hay.

Cũng theo anh Minh, những năm gần đây, mai cảnh ở thị xã An Nhơn chủ yếu bán ra thị trường miền Bắc. Năm ngoái, cỡ gần giữa tháng Chạp là thương lái miền Bắc đã đến các nhà vườn cọc tiền, chờ ngày chở mai đi bán, năm nay đến giờ này mà chưa có bóng dáng thương lái miền Bắc nào.

Thăm hỏi nhiều nơi, chúng tôi được biết nhiều nhà vườn trồng mai cảnh ở Nhơn An “chết đứng” vì mai từ năm ngoái đến nay. Năm ngoái, do thời tiết ở Bình Định lạnh gắt, nên hầu hết những vườn mai đều bị “điếc”, không nở hoa, nên không bán được. Năm nay mai tiếp tục ế ẩm, họa liên hoàn. Nhiều nhà vườn nóng ruột thu hồi vốn để trả nợ đại lý mua phân bón, thuốc BVTV cả năm, đã tự động hạ giá nhưng vẫn không có người mua.

Anh Lê Tấn Bộ ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An (thị xã An Nhơn, Bình Định) đã bán được 1.000 cây mai nhưng vẫn buồn, vì giá bán giảm một nửa so năm ngoái. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Lê Tấn Bộ ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An (thị xã An Nhơn, Bình Định) đã bán được 1.000 cây mai nhưng vẫn buồn, vì giá bán giảm một nửa so năm ngoái. Ảnh: V.Đ.T.

“Chăm sóc mấy ngàn chậu mai mỗi năm tôi phải mất nhiều khoản chi phí, từ tiền thuê mặt bằng đến mua chậu, mua đất, phân bón, thuốc BVTV, nọc cọc, công chăm sóc phải đến hơn 200 triệu đồng. 1 cây mai trồng 4 năm tuổi phải bán sỉ với giá 500.000 đồng/cây thì may ra nhà vườn huề vốn chứ chưa có lãi, nếu bán dưới 400.000đ/cây thì kể như lỗ chỏng gọng”, anh Minh ca thán.

10 ngày quyết định

Lão nông Lê Văn Ánh (sinh năm 1951) ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An (thị xã An Nhơn) đã có hơn 20 năm trồng mai cảnh. Tuy đã lớn tuổi, nhưng hiện ông Ánh đang trồng khoảng 1.000 cây mai. Năm nay, ông Ánh có khoảng 200 cây trên 4 năm tuổi cung ứng cho thị trường dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Theo ông Ánh, thị trường mai cảnh năm nay ảm đạm do năm ngoái thời tiết quá bất thuận, lạnh kéo dài. Nhiều thương lái miền Bắc mua mai chở về rồi, nhưng do mai không nở kịp Tết nên bán không được. Các thương lái phải mất thêm tiền vận chuyển chở ngược mai từ miền Bắc vào gửi lại nhà vườn chăm sóc để năm nay bán. Do đó, năm nay vì còn mai còn tồn đọng nhiều, nên họ giảm số lượng mua mới, nên mai An Nhơn năm nay tiêu thụ chậm.

Các nhà vườn mai cảnh ở xã Nhơn An (thị xã An Nhơn, Bình Định) ra sức chăm sóc mai, ngóng đợi thương lái vào mua vào những ngày cuối tháng Chạp. Ảnh: V.Đ.T.

Các nhà vườn mai cảnh ở xã Nhơn An (thị xã An Nhơn, Bình Định) ra sức chăm sóc mai, ngóng đợi thương lái vào mua vào những ngày cuối tháng Chạp. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Ánh chia sẻ thêm về nguyên nhân mai Tết ngày càng ế ẩm: Do những năm gần đây có quá nhiều người tham gia trồng mai cảnh, dẫn tới cung vượt cầu. Bởi đó mai càng ngày càng hạ giá. Ví như trước đây những cây mai có giá 1 triệu đồng/cây thì năm nay chỉ còn 600.000 đồng/cây. Với cái giá này, nếu nhà vườn này không bán thì nhà vườn khác cũng bán để thu hồi vốn, nên giá mai hạ thấp trở thành giá mặt bằng.

“Mọi năm đến giờ này tôi đã bán được 60 - 70 triệu đồng, nhưng năm nay đã gần nửa tháng Chạp mà tôi chưa bán được cây nào”, ông Ánh nói buồn.

Con trai ông Ánh là anh Lê Tấn Bộ (sinh năm 1979) đang sở hữu đến 6.000 chậu mai từ 2 đến 5 - 6 năm tuổi. Tết năm nay anh Bộ dự kiến sẽ bán 2.000 cây mai trên 4 năm tuổi. May mắn hơn ba mình và nhiều nhà vườn khác, đến giờ này anh Bộ đã bán được khoảng 1.000 cây. Tuy bán được mai nhưng trông anh Bộ chẳng có chút gì vui vẻ, thậm chí còn buồn, vì giá mai hạ chỉ còn bằng một nửa so năm ngoái.

“Năm nay mai 4 năm tuổi của tôi chỉ bán được 400.000 đồng/cây, cũng loại tương tự năm ngoái tôi bán đến 800.000 đồng/cây. Do tôi trồng số lượng nhiều nên phải bấm bụng bán để thu hồi vốn. Số tiền tôi bán 1.000 cây mai chỉ bằng năm ngoái tôi bán 450 cây cùng lứa tuổi”, anh Bộ buồn bã cho hay.

Những ngày này, tại làng mai Háo Đức, hiếm hoi lắm mới gặp cảnh thương vận chuyển mai nhưng với số lượng rất ít. Ảnh: V.Đ.T.

Những ngày này, tại làng mai Háo Đức, hiếm hoi lắm mới gặp cảnh thương vận chuyển mai nhưng với số lượng rất ít. Ảnh: V.Đ.T.

Bộ bộc bạch thêm: 1.000 cây mai anh đã bán chủ yếu cho thương lái từ Bà Rịa - Vũng Tàu ra đến Bình Thuận, chứ không chen được vào thị trường thành phố Hồ Chí Minh, vì thị trường này hiện đã bị mai trồng ở miền Tây chiếm lĩnh.

Cũng không phải tự nhiên trong bối cảnh mai ế ẩm nhưng hiện anh Bộ đã bán được 1.000 cây, nguyên nhân do những chậu mai của anh Bộ  được anh chăm chút kỹ lưỡng, thu hút được người tiêu dùng nên anh có bạn hàng khắp trong Nam ngoài Bắc.

Công chăm sóc mai hàng năm anh Bộ chọn những người lành nghề, toàn tâm toàn ý với công việc. Bộ nuôi 4 công chăm sóc mai thường xuyên cả năm trong nhà. Từ cuối tháng Giêng làm ròng rã đến giữa tháng Chạp mới nghỉ. Những lúc cao điểm anh Bộ thuê thêm nhiều công lao động thời vụ khác. Mai là loại cây trồng khó tính, lúc còn nhỏ chăm sóc khác, mai được 1 - 2 năm tuổi có chế độ chăm sóc khác, khi cây mai đã già phải chăm sóc chế độ khác thì cây mai mới phát triển ổn định, cho bông búp nhiều mới hút khách.

“Công đoạn cắt tỉa tạo dáng cho mai rất quan trọng, cần phải có người hết lòng với công việc. 1 năm tôi phải mất khoảng hơn 400 triệu đồng tiền trả cho công làm mai, đó là chưa kể tiền mua đất, cọc tre, nọc lạc, phân bón, thuốc BVTV, tiền điện tưới mai và chưa tính công nhà. Đầu tư cây mai đúng lực nó mới ra cành nhiều, mình mới có thể bấm, chận, để nó nứt nhiều nhánh nhỏ để cây mai có nhiều bông búp”, anh Bộ chia sẻ.

Những vườn mai cảnh ở làng mai Háo Đức buồn bã ngóng thương lái đến mua. Ảnh: V.Đ.T.

Những vườn mai cảnh ở làng mai Háo Đức buồn bã ngóng thương lái đến mua. Ảnh: V.Đ.T.

Năm nay trời ấm, mai có nguy cơ nở sớm. Nếu như năm nay mai nở sớm trước tết thì các nhà vườn còn khốn đốn hơn nữa, vì sẽ chẳng bán được cây nào. Năm ngoái do lạnh kéo dài, mai bị “điếc” không nở hoa nên không bán được. Năm nay, do có giai đoạn lạnh gắt nên nhiều nhà vườn sợ mai lại bị “điếc” như năm ngoái, nên mới 18 - 20 tháng 11 âm lịch đã lặt lá. Không ngờ năm nay trong lạnh có nắng, nên hiện nhiều vườn mai đã bung hoa vàng rực. Năm nay nhờ anh Bộ mới lặt lá vào 26 tháng 11 âm lịch nên cầm chắc hoa sẽ nở đúng dịp tết.

“Hiện mai cảnh ở An Nhơn bán cho thị trường miền Bắc chiếm đến 80% số lượng tiêu thụ trong năm. Từ mùng 10 đến 20 tháng Chạp mai mới vào mùa bông, các nhà vườn đang còn hy vọng trong 10 ngày tới thương lái miền Bắc sẽ vào mua mai. Do năm ngoái thương lái miền Bắc mua mai sớm, chở về bán nhưng gặp trời rét đậm nên mai bị “điếc” bán không được. Rút kinh nghiệm, năm nay họ mua muộn, đợi mai bung vỏ trấu mới mua để cầm chắc hoa nở đúng dịp Tết. Từ nay đến 20 tháng Chạp mà thương lái miền Bắc không vô mua thì người trồng mai ở An Nhơn năm nay kể như trắng tay, mất Tết”, anh Lê Tấn Bộ lo lắng.

Xem thêm
Năm Bộ giữ nguyên tên sau hợp nhất, thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo

Tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị về tên gọi sau hợp nhất của một số bộ, Bộ Nội vụ cho biết có Năm Bộ giữ nguyên tên sau hợp nhất.

Cống âu Rạch Mọp cán đích trước tháng 3/2025

Sóc Trăng Cống âu Rạch Mọp đang bước vào giai đoạn nước rút, các kỹ sư, công nhân quyết tâm thi công xuyên Tết, phấn đấu đưa công trình vào vận hành trước tháng 3/2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Livestream bán hàng, tặng vé xe cho 2.000 công nhân về quê đón tết

TP.HCM Chương trình 'Tết đong đầy - Sum vầy tình thân' của Thành Đoàn TP.HCM hỗ trợ 2.000 công nhân có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết sum họp với gia đình.